backup og meta

Chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ đúng cách để bé mau khỏe sau tiêm

Chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ đúng cách để bé mau khỏe sau tiêm

Việc chủng ngừa bằng vắc xin là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc gặp phải các tác dụng phụ sau chủng ngừa thường khiến trẻ khó chịu và mệt mỏi. Thế nên, làm thế nào để chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ em là điều mà nhiều cha mẹ thắc mắc.

Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn những cách chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ em cùng các tác dụng phụ phổ biến và phản ứng sau tiêm hiếm gặp để ba mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất. 

Các phản ứng phổ biến của trẻ sau tiêm chủng

Trước khi tìm hiểu các biện pháp chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ sơ sinh, cùng điểm qua các phản ứng sau tiêm ở trẻ em. Việc chủng ngừa cho trẻ em có tác dụng phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, vắc xin thường gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Cần phân biệt rõ những tác dụng phụ nào là bình thường, có thể chăm sóc sau tiêm vacxin tại nhà và những tác dụng phụ nào cần phải đến bệnh viện. Trước tiên, cùng điểm qua những phản ứng phụ phổ biến sau khi cho trẻ tiêm phòng:

1. Quấy khóc

Tiêm chủng có thể khiến bé cảm thấy lo sợ, căng thẳng khi tiêm và mệt mỏi, khó chịu sau chủng ngừa. Những điều này có thể dẫn đến tình trạng trẻ đi tiêm phòng về quấy khóc. Quấy khóc và cảm thấy khó chịu sau khi tiêm vắc xin là điều bình thường.

2. Đau, đỏ và sưng vết tiêm

Một tác dụng phụ bình thường khác của tiêm chủng là bé có thể cảm thấy đau âm ỉ tại vết tiêm. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng vài ngày sau tiêm chủng. Trẻ có thể cảm thấy nóng và sưng ở vết chích, đôi khi kèm theo cảm giác ngứa. 

Đây chỉ đơn giản là phản ứng của việc kim tiêm chích vào da và thường xảy ra ở nhiều trẻ. Vì là một tác dụng phụ bình thường nên bạn không cần đưa trẻ đi khám. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn vài ngày, trở nên tồi tệ hơn hoặc kèm theo các triệu chứng khác như thay đổi thị lực và thính giác, hãy đưa trẻ đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, đôi khi sau khi chủng ngừa, một cục u nhỏ, cứng, không đau có thể nổi lên tại vị trí kim tiêm chích vào. Trong trường hợp này, cần chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ như thế nào? Phụ huynh không cần phải đắp hay thoa bất cứ thuốc nào vào chỗ sưng đau. Nếu trẻ sưng đau, hãy lấy khăn bỏ vài viên đá và chườm lạnh chỗ sưng đau. Mỗi lần chườm 5-10 giây rồi nghỉ khoảng 30 giây và tiếp tục lặp lại quá trình trên trong khoảng 5 phút sẽ giúp trẻ đỡ đau hơn. Lưu ý là cần tránh chườm lạnh lâu có thể gây bỏng da ở trẻ nhỏ.

3. Chăm sóc sau tiêm vacxin như thế nào nếu trẻ bị sốt nhẹ sau tiêm chủng?

chăm sóc sau tiêm vacxin

Chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ như thế nào nếu bé bị sốt? Không có gì lạ khi trẻ em bị sốt nhẹ trong 1 – 2 ngày sau khi tiêm chủng. Sốt nhẹ là khi trẻ sốt nhưng nhiệt độ khoảng 38,5 độ C trở xuống. Sốt là một phần của chủng ngừa, cũng là một phần phản ứng của cơ thể để cảm nhận vắc xin trong người bé. Do đó, sốt cũng được xem là một tác dụng phụ phổ biến của chủng ngừa. 

Trẻ bị sốt nhẹ có thể ra mồ hôi và đôi khi mặt hơi đỏ. Một số trẻ cũng có thể bị sốt 7-10 ngày sau khi tiêm vắc xin MMR hoặc MMRV. (Sởi – Quai bị – Rubella – Thủy đậu). Ở một số trẻ, sốt có thể cao trên 39,4 độ C. Bản thân cơn sốt sẽ không gây hại cho bé, nhưng có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu và không vui. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có biểu hiện sốt sau tiêm trên 38 độ C thì đó là điều đáng lo ngại. Cách chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ đối với tình huống này ra sao? Trong trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đi khám.

4. Bé thường cảm thấy buồn ngủ sau khi chủng ngừa 

Cảm giác hơi buồn ngủ hoặc buồn ngủ trong những giờ sau khi tiêm phòng là điều bình thường. Vậy cần chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ như thế nào nếu bé bị buồn ngủ sau tiêm? Trong trường hợp này, bạn nên để bé nghỉ ngơi và hồi phục nhiều hơn.

Tìm hiểu thêm Trẻ tiêm phòng về ngủ nhiều có nguy hiểm không? Cha mẹ nên làm gì?

5. Bỏ ăn hoặc bỏ bú 

Một số trẻ nhỏ khi không được khỏe sau chủng ngừa có thể muốn bú mẹ thường xuyên hơn, tuy nhiên, nhiều bé lại bú ít hơn bình thường sau khi chích vắc xin. Đa số những trẻ lớn có thể ăn kém hơn trong 1-2 ngày sau tiêm chủng.

6. Tiêm chủng có thể khiến bé cảm thấy lừ đừ hoặc bất an

chăm sóc sau tiêm vacxin

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể cảm thấy hơi bất an và không vui sau khi tiêm chủng. Bé thường thể hiện nét mặt lo sợ và hoang mang.

7. Nôn mửa hoặc tiêu chảy

Những em bé đã được tiêm phòng rotavirus có thể bị nôn mửa và tiêu chảy cho đến 7 ngày sau khi chủng ngừa. Điều này khiến trẻ trông ốm yếu. Tuy nhiên, hầu hết trẻ đều hồi phục trong vòng vài ngày. 

8. Chăm sóc sau tiêm vacxin như thế nào nếu bé bị phát ban nhẹ sau khi tiêm phòng?

Một số trẻ bị phát ban mờ từ 7-10 ngày sau khi chủng ngừa MMR ở độ tuổi 12 và 18 tháng. Chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ bị phát ban ra sao? Tình trạng phát ban thường không khiến trẻ cảm thấy khó chịu và cũng không lây nhiễm nên không cần điều trị.

9. Nổi những cục đỏ hoặc mụn nước

Khoảng 5-26 ngày sau khi được chủng ngừa MMRV khi trẻ được 18 tháng tuổi, một số trẻ bị nổi một vài cục và mụn nước nhỏ màu đỏ trông giống như một dạng thủy đậu nhẹ, thường gần vết tiêm.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc xin đối với vắc xin

chăm sóc sau tiêm vacxin

Rất ít trẻ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:

  • Sốc phản vệ: Đây là một phản ứng dị ứng rất nguy hiểm nhưng hiếm gặp. Tình trạng này hoàn toàn có thể hồi phục nếu được điều trị nhanh chóng. Tình trạng này cần cấp cứu kịp thời nên phụ huynh cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất. 
  • Co giật do sốt: Cơn co giật này thường kéo dài 1-2 phút. Vấn đề này thường xảy ra khi cơn sốt của trẻ tăng lên nhanh chóng. Co giật có thể đáng sợ, nhưng thường không gây hại vĩnh viễn hay có ảnh hưởng lâu dài. 
  • Lồng ruột: Điều này thường xảy ra trong 7 ngày sau khi tiêm vắc xin rotavirus. Những em bé trông xanh xao, khó chịu và thường co chân lên có thể bị lồng ruột. Cứ một triệu trẻ được chủng ngừa virus rota thì có khoảng 59 trẻ bị lồng ruột. Trong trường hợp này, cần chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ ra sao? Hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
  • Sưng lan ra ngoài vết tiêm
  • Sưng ở mặt, mắt hoặc lưỡi
  • Sốt cao đột ngột
  • Thay đổi thị lực và thính giác
  • Quấy khóc quá mức
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Bất tỉnh, ngất xỉu, mất ý thức và không thể tỉnh táo.

Nếu bất kỳ phản ứng nào nghiêm trọng và dai dẳng xảy ra với bé, hãy đưa trẻ đi cấp cứu để được cứu chữa kịp thời.

Cách chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ

1. Chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ tại cơ sở tiêm chủng

Trẻ cần chăm sóc sau tiêm vacxin như thế nào? Khi chích ngừa xong, phụ huynh cần cùng trẻ nán lại bệnh viện hoặc nơi tiêm phòng ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường như quấy khóc liên tục, hôn mê, thở nhanh hay khó thở, nôn ói, phát ban… hãy báo ngay cho bác sĩ để được kịp thời cứu chữa.

2. Chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ tại nhà

chăm sóc sau tiêm chủng ngừa

Chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ tại nhà như thế nào là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Sau khi trẻ chủng ngừa, cha mẹ cần:

  • Quan sát các phản ứng sau tiêm của trẻ trong vòng 3 ngày để đề phòng những tác dụng phụ nguy hiểm của vắc xin bằng cách: 
    • Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và nhịp thở của trẻ
    • Theo dõi giấc ngủ, tình trạng ăn uống của bé
    • Nếu bé bị sốt cao, không tự ý cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc hạ sốt. Hãy đưa trẻ đi bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách.
    • Nếu các phản ứng sau tiêm trở nên tồi tệ hơn, hoặc nếu trẻ có dấu hiệu của những tác dụng phụ nghiêm trọng, hay nếu cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay. 
  • Chú ý đến vấn đề ăn uống của trẻ:
    • Bổ sung chất lỏng cho bé để tránh tình trạng mất nước. Bạn có thể cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú nhiều cữ hơn, mỗi lần bú ít lượng sữa hơn bình thường một chút. Trẻ bú bình có thể thích bú bình nhỏ hơn bình thường. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể cho trẻ uống nhiều nước lọc, sữa, nước trái cây… cũng như nấu cho trẻ ăn những món loãng, dễ ăn. Các bé lớn cũng có xu hướng ăn uống trái với giờ ăn thường ngày. Điều này có thể khiến cha mẹ lo lắng, nhưng tình trạng này thường sẽ trở lại bình thường sau vài ngày.
    • Cho trẻ ăn uống đủ bữa, đủ chất. Nếu trẻ không muốn ăn, đừng ép bé. Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa ăn trong ngày để bé không cảm thấy đói và dễ ăn hơn
  • Sinh hoạt:
    • Chỉ nên cho trẻ mặc một lớp quần áo. Việc quấn nhiều khăn, mền có thể khiến bé cảm thấy khó chịu, nóng nực và quấy khóc nhiều hơn. 
    • Bạn cũng có thể ôm ấp trẻ nhiều hơn để bé cảm thấy an tâm. Nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng những hành động âu yếm thực sự kích hoạt việc tiết ra hormone giảm đau trong cơ thể trẻ em. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh đụng chạm vết tiêm của bé vì điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy đau. 
    • Để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn. Nghiên cứu cho thấy, giấc ngủ có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin sau tiêm phòng. 

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được những cách chăm sóc sau tiêm vacxin cho trẻ.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

COMMON REACTIONS https://talkingaboutimmunisation.org.au/common-reactions Ngày truy cập: 16/04/2022

What are the Normal Side Effects of Vaccines? https://blog.johnsonmemorial.org/what-are-the-normal-side-effects-of-vaccines Ngày truy cập: 16/04/2022

After the Shots… https://www.immunize.org/catg.d/p4015.pdf Ngày truy cập: 16/04/2022

Immunisation – side effects https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/immunisation-side-effects Ngày truy cập: 16/04/2022

The immunisation visit https://www.immune.org.nz/immunisation/immunisation-visit Ngày truy cập: 16/04/2022

Caring for Your Child Before and After Immunization https://www2.gnb.ca/content/dam/gnb/Departments/h-s/pdf/en/CDC/Immunization/ParentsGuideChildhoodImmunization.pdf Ngày truy cập: 16/04/2022

Post Vaccine Care https://www.panadol.com/en-sg/post-vaccine-care.html Ngày truy cập: 16/04/2022

Phiên bản hiện tại

09/05/2022

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 09/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo