Đôi khi trẻ có các biểu hiện như nổi mụn nhọt bất thường, tiêu chảy, người mệt mỏi không giống với các triệu chứng như khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Đây có thể là dấu hiệu cho biết con đang bị nhiễm ký sinh trùng. Có một số loại ký sinh trùng mà trẻ nhỏ thường nhiễm phải như cryptosporidiosis, ghẻ, giardia, sán dây. Hãy cùng tìm hiểu xem chúng là gì nhé.
Trong bài đăng trên Facebook của mình, Aribalusi Adelemi, một bà mẹ ở châu Phi, chia sẻ rằng con trai chị nổi bốn cái mụn nhỏ: một cái trên đầu, ngực, chân và ngón tay. Chị đưa con đến bác sĩ khám và cũng chỉ được kê toa thuốc kháng sinh.
Thế nhưng, thay vì tình trạng tốt hơn, bé thường khóc và cho biết các mụn có cảm giác đau, đặc biệt là vào ban đêm. Adelemi cho bé dùng thêm paracetamol nhưng vẫn không có hiệu quả. Chỉ sau ba ngày, một trong bốn mụn ấy vỡ ra, chảy mủ. Chị Adelemi nặn ra và vô cùng hoảng sợ khi thấy một con giòi vẫn còn sống.
Cảnh tượng này chắc chắn là một cơn ác mộng. Sau khi tìm đến và nhờ bác sĩ hướng dẫn, Adelemi bắt đầu lấy hết can đảm và tiếp tục ấn mạnh vào vết thương để lấy toàn bộ số giòi đang lẩn trốn trong lớp da của con. Tiếp theo, chị làm sạch khu vực da xung quanh bằng rượu đun sôi, sau đó cho con uống kháng sinh. Cuối cùng, con trai của chị cũng có thể ngủ ngon giấc sau 4 ngày mệt mỏi vì cơn đau.
Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Theo bác sĩ, thủ phạm gây ra là 1 loại ruồi tên tumbu. Nó đẻ trứng trên quần áo phơi ngoài trời hoặc vô tình vướng vào trang phục bên ngoài. Khi mặc quần áo, trứng sẽ chui vào da và làm tổ đến khi trứng nở ra giòi. Vào ban đêm, con giòi có thể di chuyển cũng như gây đau. Trẻ nhỏ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ gặp phải loại ký sinh trùng này, thậm chí cả người lớn.
Bạn có thể nghĩ châu Phi ở rất xa nên tại sao tôi phải lo lắng? Thật ra, tuy ruồi tumbu có nguồn gốc từ châu Phi nhưng có những loại ký sinh trùng nhiệt đới phổ biến khác vẫn có thể gây hại cho bé cưng nhà bạn.
1. Cryptosporidiosis
Cryptosporidiosis là một dạng bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp và tiêu hóa của trẻ nhỏ, đi kèm với triệu chứng ho dai dẳng, tiêu chảy. Các tác nhân gây bệnh lây lan khi vô tình chạm vào những bề mặt chứa vi khuẩn. Nhiều bệnh nhiễm trùng xảy ra thông qua:
- Tiếp xúc vật lý giữa người với người
- Tiếp xúc vật lý giữa người và động vật hoặc thú cưng
- Vô tình uống nước bị ô nhiễm (thường là khi bơi)
- Ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Phần lớn các trường hợp nhiễm ký sinh trùng loại này là do tiếp xúc với vi trùng có trong nước . Thông thường, bệnh phát sinh từ nguồn có chứa tác nhân gây bệnh và các khu vực sử dụng nước để giải trí như hồ bơi, công viên nước. Các bác sĩ cho biết việc nhiễm cryptosporidium là nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến nhất trong các hoạt động giải trí dưới nước hoặc ở những khu vực đã được khử trùng, bởi vì loài ký sinh trùng này không bị tiêu diệt dù hồ bơi có chứa clo. Hơn nữa, nó cũng có thể phát triển mạnh trong một thời gian dài ở môi trường xung quanh.
Nếu con chẳng may mắc phải, bạn nên hạn chế cho bé tiếp xúc với nguồn nước bởi bé có thể lây lan mầm bệnh sang người khác. Thêm vào đó, hãy đưa bé đến bác sĩ để được khám, tư vấn và điều trị. Khi bị bệnh, trẻ cũng có nguy cơ mất nước. Do đó, việc cho con uống đủ nước là rất quan trọng.
2. Ghẻ – tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở trẻ khá phổ biến
Khi bị ghẻ, trẻ sẽ có biểu hiện ngứa và phát ban ngoài da. Các mảng da đỏ là do một loài ký sinh trùng có tên sarcoptes scabiei var hominis trú ngụ. Bệnh ghẻ thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ em và người quan hệ tình dục với nhiều người khác. Trong thực tế, một nghiên cứu cho thấy rằng những điều kiện sau đây có khả năng gây nguy cơ nhiễm ký sinh trùng gây bệnh ghẻ bao gồm:
- Tuổi tác
- Nơi có nhiều trẻ nhỏ chẳng hạn như trường mầm non, khu vui chơi
- Sử dụng cùng một bộ quần áo và khăn tắm của các thành viên khác trong gia đình
- Không tắm rửa thường xuyên
Nếu bạn nghĩ rằng con bị bệnh ghẻ, hãy đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để xác định. Nếu bạn hoặc con bị ghẻ, hãy tránh tiếp xúc cơ thể (ôm, chạm vào), tránh giặt chung quần áo, drap… Chỉ sau khoảng một thời gian điều trị ngắn, người mắc ghẻ có thể tiếp đi học hoặc làm việc.
3. Giardia
Giardia là một sinh vật đơn bào ký sinh trùng rất phổ biến. Khi giardia xâm nhập vào ruột sẽ khiến người mắc gặp những tình trạng như tiêu chảy, ói mửa… dẫn đến viêm ruột. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng giardia ở trẻ nhỏ phổ biến hơn so với người lớn. Nếu không cho bé uống thuốc phù hợp, trẻ sẽ trở nên còi cọc và chậm phát triển hơn so với bạn cùng lứa.
Giardia xuất hiện trong các khu vực ô nhiễm, bẩn thỉu hoặc khi bạn không vệ sinh cá nhân cho bé kỹ lưỡng. Ngoài ra, ký sinh trùng này còn lây lan theo những cách:
- Sử dụng nguồn nước hoặc thực phẩm bị nhiễm khuẩn
- Người giữ trẻ thay tã cho trẻ bị nhiễm bệnh, nhưng không rửa tay đúng cách, từ đó có thể gây nhiễm ký sinh trùng cho trẻ khác trong lớp.
Khi quan sát thấy con có dấu hiệu bất thường, bạn nên đưa bé đến bác sĩ ngay. Có thể con sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Trong thời gian chờ đợi kết quả, hãy cho trẻ uống nước, thức ăn lỏng để bổ sung lại các chất dinh dưỡng đã mất đi do tiêu chảy.
Nếu phải vệ sinh cá nhân cho trẻ, bạn nên sử dụng găng tay và rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó. Điều này sẽ giúp không làm lây lan mầm bệnh cho những người xung quanh.
4. Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng sán dây
Sán dây là ký sinh trùng làm tổ trong ruột của vật chủ. Nếu ăn thực phẩm chứa ấu trùng của sán dây, bé sẽ bị lây nhiễm. Bằng mắt thường, bạn không thể nhìn thấy ấu trùng này bởi chúng rất nhỏ và ẩn nấp trong ngũ cốc, gạo, bột hoặc trái cây khô.
Các triệu chứng nhiễm ký sinh trùng sán dây ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào loại sán mà bé mắc phải cũng như sức khỏe của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến nhất mà trẻ có thể gặp phải là đau bụng, ngứa ngáy, giảm cân hoặc mệt mỏi. Những triệu chứng khác có thể bao gồm thiếu máu, thiếu vitamin B12, mất cân bằng, mất trí nhớ và trở nên bối rối. Đôi lúc bạn sẽ nhận thấy ký sinh trùng này trong phân, quần lót của bé.
Điều đầu tiên trong quá trình chữa trị nhiễm ký sinh trùng ở trẻ là đưa con đến phòng khám, bệnh viện để được chẩn đoán một cách chính xác nhất. Tùy thuộc vào triệu chứng, bác sĩ sẽ tư vấn các dạng thuốc khác nhau, chẳng hạn như:
- Thuốc trừ giun sán
- Bổ sung thêm vitamin B12
- Thuốc chống động kinh cho các tình trạng như co giật
- Phẫu thuật trong trường hợp nghiêm trọng.
Hello Bacsi hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm hiểu thông tin về các dạng nhiễm ký sinh trùng ở trẻ nhỏ cũng như xác định xem bé có mắc phải hay không.
[embed-health-tool-vaccination-tool]