backup og meta

Nhận diện 6 dấu hiệu thủy đậu phổ biến ở trẻ em

Nhận diện 6 dấu hiệu thủy đậu phổ biến ở trẻ em

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh thủy đậu do sức đề kháng kém. Cha mẹ cần kịp thời nhận biết những dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em để chăm sóc và phối hợp điều trị đúng cách cho bé.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có tính lây nhiễm cao và dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc nhận biết sớm những triệu chứng thủy đậu ở trẻ có thể giúp quá trình điều trị bệnh dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ tiết lộ cho bạn 6 dấu hiệu thủy đậu đặc trưng ở trẻ em.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em là gì?

Thủy đậu (còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm do virus varicella-zoster gây ra, khiến cơ thể nổi mụn nước, ngứa ngáy và phát sốt. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 12 tuổi, nhất là những bé có sức đề kháng yếu, chưa được tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua không khí khi ho hoặc hắt hơi. Trẻ nhỏ bị thủy đậu có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng da
  • Nhiễm khuẩn thứ phát
  • Viêm phổi
  • Viêm não
  • Mất điều hòa tiểu não, gây khó khăn trong việc phối hợp cơ bắp
  • Viêm tủy ngang
  • Hội chứng Reye
  • Thậm chí tử vong… 

Do đó, việc chủng ngừa thủy đậu cho trẻ cũng như kịp thời nhận biết những dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em đóng vai trò rất quan trọng.

6 triệu chứng thủy đậu ở trẻ em

6 dấu hiệu thủy đậu phổ biến ở trẻ em
6 dấu hiệu thủy đậu phổ biến ở trẻ em

Biểu hiện thủy đậu có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Tuy nhiên, nhìn chung, có 6 dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em phổ biến mà cha mẹ nên lưu ý, bao gồm:

1. Mệt mỏi, uể oải

Cảm giác mệt mỏi, uể oải, khó chịu, ốm yếu, nói chung là không khỏe, thường là dấu hiệu bệnh thủy đậu đầu tiên ở trẻ em nhưng lại hay bị các bậc cha mẹ bỏ qua. Trẻ có thể thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi trong khoảng 1-2 ngày trước khi nổi mụn nước.

2. Sốt nhẹ, đau đầu

Phát sốt kèm nhức đầu và đau họng là những dấu hiệu bị thủy đậu phổ biến ở trẻ em. Những triệu chứng này thường xuất hiện 1-2 ngày trước khi trẻ bị nổi mụn nước.

Trẻ có thể bị sốt dưới 39°C, thường là từ 38,3°-38,8°C. Cơn sốt có thể kéo dài trong vòng 3-5 ngày tùy vào tình trạng sức khỏe của bé.

Nếu thấy trẻ sốt cao trên 39°C kèm những biểu hiện bất thường sau thì bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ can thiệp kịp thời:

  • Khó thở
  • Sốt kéo dài không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt
  • Lừ đừ, khó đánh thức
  • Nôn mửa…

3. Phát ban, nổi mụn nước

Phát ban, nổi mụn nước là dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em đặc trưng, thường xuất hiện từ 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Thông thường, trẻ khỏe mạnh chỉ bị phát ban nhẹ. Tuy nhiên, đôi khi, các vết phát ban cũng có thể bao phủ toàn bộ cơ thể bé, nhất là ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu hoặc có vấn đề về da như bệnh chàm.

Phát ban thường bắt đầu ở mặt, ngực, bụng và lưng, sau đó lan đến các bộ phận khác trên cơ thể, bao gồm đầu, mắt, miệng, cổ họng, nách, tay, chân, mô lót bên trong niệu đạo, hậu môn và bộ phận sinh dục.

Triệu chứng phát ban, nổi mụn nước ở trẻ bị thủy đậu thường trải qua 3 giai đoạn:

  • Nổi đốm đỏ: Phát ban do thủy đậu thường bắt đầu bằng nhiều đốm nhỏ, màu đỏ gọi là mụn sẩn, trông như mụn nhọt hoặc vết côn trùng cắn. Mụn sẩn có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đôi khi gây đau. Những nốt mụn sẩn thường xuất hiện thành từng đợt trong 2-4 ngày.
  • Nổi mụn nước: Sau đó, mụn sẩn phát triển thành mụn nước nhỏ, màu đục. Mụn nước hình thành trong khoảng 1 ngày, có thể gây ngứa, rồi vỡ ra.
  • Đóng vảy: Các mụn nước vỡ ra sẽ để lại vết loét hở, sau đó đóng vảy khô màu nâu. Thông thường, phải mất 3-5 ngày thì lớp vảy này mới bong ra và lành lại.

Cả ba giai đoạn phát ban thủy đậu đều có thể xảy ra trên cơ thể cùng một lúc do những mụn sẩn mới tiếp tục xuất hiện trong nhiều ngày.

dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em: phát ban

4. Chán ăn

Biếng ăn cũng là một trong những dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em. Khi bị trái rạ, trẻ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Nếu bị sốt, phát ban, nổi mụn nước, ngứa ngáy… thì bé lại càng mất sức hơn. Lúc này, nhiều trẻ có xu hướng chán ăn, quấy khóc khi bú hoặc khi đến bữa ăn.

Trong trường hợp này, cha mẹ nên chia nhỏ cữ bú cữ ăn trong ngày, đồng thời ưu tiên những thức ăn mềm, mát, dạng lỏng, dễ tiêu để bổ sung dinh dưỡng cho bé.

5. Đau cơ khớp

Đôi khi, trẻ bị thủy đậu còn có thể bị đau cơ, đau bụng, đau khớp. Trong khi một số trẻ chỉ cảm thấy đau nhức ở một số vị trí nhất định thì vài bé gặp phải tình trạng đau nhức toàn thân. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng.

6. Ho, sổ mũi

Bệnh thủy đậu ở trẻ em cũng có thể gây ra một số dấu hiệu giống như bệnh cảm lạnh, chẳng hạn như ho, sổ mũi. Khi trẻ bị thủy đậu ho, hắt hơi hoặc xì mũi, các giọt bắn có thể lây lan virus cho những người xung quanh. Do đó, cha mẹ cần dạy bé cách che mũi và miệng khi ho, hắt hơi, cũng như hướng dẫn trẻ vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác để hạn chế lây lan cho mọi người.

Nhìn chung, những triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể giống với các vấn đề về da hoặc tình trạng bệnh lý khác. Các dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em cũng thường giống với người lớn, chỉ khác nhau về thời gian bệnh kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều quan trọng là cha mẹ cần đưa bé đi khám ngay khi nghi ngờ trẻ bị bệnh thủy đậu.
Đặc biệt, nếu trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi có bất kỳ dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em nào, hãy đưa bé đến cơ sở y tế uy tín ngay để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị. Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi.

Cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em

dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em

Bác sĩ sẽ chẩn đoán trẻ mắc thủy đậu thông qua nốt mụn nước và những dấu hiệu thủy đậu khác ở trẻ em. Bởi vì thủy đậu do virus gây ra nên việc điều trị bằng kháng sinh là không cần thiết, trừ khi trẻ bị nhiễm khuẩn vết loét do gãi hoặc chọc vỡ mụn nước.

Nếu trẻ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm do thủy đậu gây ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus. Trong trường hợp trẻ bị sốt, đau nhức cơ thể, việc sử dụng acetaminophen có thể hữu ích. Lưu ý, không cho trẻ dùng aspirin để tránh gây ra hội chứng Reye ở trẻ em.

Bạn cũng có thể giúp trẻ bị thủy đậu cảm thấy dễ chịu hơn thông qua một số biện pháp tại nhà như:

  • Chườm khăn ướt mát cho bé
  • Cho trẻ tắm nước ấm 3-4 giờ/lần trong những ngày đầu mắc bệnh
  • Thoa kem dưỡng da chứa calamine lên vùng da bị ngứa, nhưng không bôi lên mặt và gần mắt
  • Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, nhạt để tránh gây đau khi ăn uống. 

Bài viết trên đã cung cấp những triệu chứng thủy đậu đặc trưng ở trẻ em. Việc kịp thời nhận biết các dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em có thể giúp trẻ được chăm sóc và điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu phát hiện trẻ có biểu hiện của bệnh thủy đậu, hãy đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chickenpox (for Parents) | Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/chicken-pox.html Ngày truy cập: 21/05/2024

Chickenpox in Children | Johns Hopkins Medicine https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/chickenpox-in-children Ngày truy cập: 21/05/2024

Chickenpox https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4017-chickenpox Ngày truy cập: 21/05/2024

Chickenpox https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/syc-20351282 Ngày truy cập: 21/05/2024

Chickenpox https://www.nhs.uk/conditions/chickenpox/ Ngày truy cập: 21/05/2024

Phiên bản hiện tại

18/06/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Phòng khám Gia đình Việt Úc

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Phòng khám Gia đình Việt Úc

Lão khoa · Phòng khám Gia đình Việt Úc


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 18/06/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo