Trẻ em dưới 1 tuổi rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm do hệ thống miễn dịch của các bé vẫn còn yếu. Do đó, chủng ngừa là việc làm cần thiết để bảo vệ trẻ trước những tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa biết được lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi.
Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được lịch tiêm chủng mới nhất năm 2023 cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Vì sao cha mẹ cần ghi nhớ lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi?
1. Tầm quan trọng của việc tiêm chủng ĐẦY ĐỦ cho trẻ em dưới 1 tuổi
Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng thời điểm cho trẻ dưới 1 tuổi là điều tối cần thiết. Nguyên nhân là vì:
- Trẻ em dưới 1 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn rất yếu. Điều này khiến các bé rất dễ bị nhiễm những căn bệnh nguy hiểm. Khi đó, hệ thống miễn dịch của trẻ cần được giúp đỡ để chống lại bệnh tật. Trong trường hợp này, vắc xin chính là phương pháp hữu hiệu nhất, kích thích cơ thể sản sinh ra các kháng thể chống lại bệnh được chủng ngừa.
- Một số bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong hoặc tổn hại lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Nếu không được chủng ngừa kịp thời và đầy đủ theo lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi thì nguy cơ rất cao trẻ sẽ bị mắc những bệnh nguy hiểm này, dẫn đến nhiều biến chứng gây khó khăn cho việc điều trị.
- Mặc dù tiêm vắc xin không đồng nghĩa với việc trẻ sẽ hoàn toàn không bị bệnh, nhưng chủng ngừa giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở trẻ dưới 1 tuổi. Nếu trẻ không may tiếp xúc với nguồn bệnh mà đã được tiêm vắc xin trước đó theo lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi, thì rủi ro do bệnh gây ra sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Từ đó, nguy cơ tử vong do bệnh ở trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm theo. Thực tế, nhiều trường hợp cho thấy trẻ bị bệnh nhưng đã chủng ngừa từ trước nên chỉ có những triệu chứng rất nhẹ, không gây nguy hiểm cho sức khỏe và nhanh khỏi.
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cũng góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng, từ đó hạn chế sự lây lan của bệnh tật cho trẻ. Tiêm chủng đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân trẻ, mà còn góp phần tạo ra miễn dịch trong cộng đồng, tạo ra tác động hai chiều.
2. Tầm quan trọng của việc tiêm chủng ĐÚNG LỊCH cho trẻ em dưới 1 tuổi
Thời điểm tiêm và khoảng cách của các lần chủng ngừa rất quan trọng. Việc tiêm phòng đúng lúc giúp:
- Vắc xin phát huy tác dụng tốt nhất
- Tạo ra đủ lượng kháng thể cần thiết
- Giúp hệ miễn dịch của các bé được tăng cường
- Chống lại các bệnh được phòng ngừa.
Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi được thiết kế một cách khoa học bởi các chuyên gia và bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin càng sớm, càng tốt. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý các mũi tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi và đưa trẻ đi chủng ngừa đúng theo lịch tiêm chủng cho bé dưới 1 tuổi dưới đây.
Lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi mới nhất năm 2024 theo khuyến cáo của WHO
Trẻ em dưới 1 tuổi là đối tượng cần được tiêm nhiều loại vắc xin nhất, với tổng số mũi vắc xin cần thiết phải tiêm là khoảng 20 mũi. Dưới đây là các loại vắc xin trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm và lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi tương ứng. Phụ huynh cần lưu ý để đưa con đi tiêm đúng thời điểm được khuyến cáo, tránh trường hợp sót các mũi vắc xin cần thiết cho trẻ. Lịch tiêm phòng trẻ em dưới 1 tuổi năm 2023 theo khuyến cáo của WHO như sau:
1. Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh từ 0 đến 1 tháng tuổi năm 2024
Theo khuyến nghị của WHO, lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh 2023 như sau:
- Vắc xin Viêm gan B (VGB) phòng bệnh viêm gan siêu vi B: tiêm 1 mũi càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
- Vắc xin BCG phòng bệnh lao: theo hướng dẫn của lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ cần tiêm 1 mũi suốt đời, càng sớm càng tốt sau khi sinh.
2. Lịch tiêm cho trẻ 2 tháng tuổi
- Vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1 phòng chống các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn HIB: tiêm mũi 1.
- Vắc xin Rota (Rotarix, Rotavin hoặc Rotateq) phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota gây nên: uống lần 1.
- Vắc xin phế cầu phòng các bệnh gây ra bởi vi khuẩn phế cầu như viêm phổi, viêm màng não viêm tai giữa, nhiễm trùng máu: tiêm mũi 1.
3. Lịch tiêm chủng trẻ em 3 tháng tuổi
- Vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1 phòng chống các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn HIB: tiêm mũi 2.
- Vắc xin Rota (Rotarix, Rotavin hoặc Rotateq) phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota gây nên: uống lần 2.
4. Tiêm chủng cho trẻ 4 tháng tuổi
Các mũi tiêm cho bé dưới 1 tuổi, cụ thể là trẻ 4 tháng tuổi như sau:
- Vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1 phòng chống các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn HIB: tiêm mũi 3.
- Vắc xin Rota (đối với loại vắc xin Rotateq) phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota gây nên: uống lần 3.
- Vắc xin phế cầu phòng các bệnh gây ra bởi vi khuẩn phế cầu như viêm phổi, viêm màng não và các bệnh nhiễm trùng khác: theo lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ 4 tháng tuổi cần tiêm mũi 2.
5. Chủng ngừa cho trẻ 6 tháng tuổi
- Vắc xin phế cầu phòng các bệnh gây ra bởi vi khuẩn phế cầu như viêm phổi, viêm màng não và các bệnh nhiễm trùng khác: tiêm mũi 3.
- Vắc xin phòng ngừa bệnh cúm: Tiêm mũi 1 (đối với vắc xin cúm bất hoạt hoặc vắc xin cúm tái tổ hợp). Trẻ chủng ngừa cúm lần đầu tiên nên tiêm phòng 2 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Hằng năm, nên tiêm phòng nhắc lại từ 1 liều.
- Vắc xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu tuýp B và tuýp C gây ra: tiêm mũi 1.
6. Tiêm vắc xin cho trẻ 9 tháng tuổi
Lịch tiêm cho bé dưới 1 tuổi, cụ thể là trẻ 9 tháng tuổi như sau:
- Vắc xin sởi đơn MVVAC phòng bệnh sởi: tiêm mũi 1.
- Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản (đối với loại vắc xin sống Imojev): tiêm mũi 1.
- Vắc xin phòng bệnh thủy đậu (Varilrix): tiêm mũi 1
7. Lịch tiêm chủng trẻ em 1 tuổi (trẻ 12 tháng tuổi)
- Vắc xin phế cầu phòng các bệnh gây ra bởi vi khuẩn phế cầu như viêm phổi, viêm màng não và các bệnh nhiễm trùng khác: tiêm mũi 4, cách mũi 3 ít nhất 6 tháng.
- Vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella: tiêm lần 1.
- Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản (đối với loại vắc xin bất hoạt Jevax): Theo lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ cần tiêm mũi 1 (trong trường hợp nếu chưa tiêm Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản lúc 9 tháng tuổi).
- Vắc xin phòng bệnh thủy đậu (Varicella, Varivax): tiêm mũi 1 (trong trường hợp nếu chưa tiêm Vắc xin phòng bệnh thủy đậu lúc 9 tháng tuổi).
- Vắc xin phòng bệnh viêm gan siêu vi A: tiêm mũi 1.
[embed-health-tool-vaccination-tool]
Tác dụng phụ sau khi tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi theo lịch
Sau khi biết được lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi, phụ huynh thường băn khoăn về độ an toàn của các loại vắc xin. Vậy, liệu trẻ chủng ngừa xong có bị tác dụng phụ nào không?
Vắc xin được chứng minh là an toàn đối với trẻ em dưới 1 tuổi. Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng vắc xin có thể gây ra bệnh tự kỷ cho trẻ. Điều này hoàn toàn không đúng. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vắc xin gây ra chứng tự kỷ.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ sau khi tiêm vắc xin có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm nhẹ, bao gồm:
- Sốt nhẹ
- Đau và sưng đỏ tại vết tiêm
- Nổi mẩn ngứa
- Mệt mỏi
- Lười bú, chán ăn
Đây là những triệu chứng nhẹ và hoàn toàn bình thường, không gây hại đến sức khỏe các bé. Đồng thời, những phản ứng này thường tự khỏi sau 1 – 2 ngày.
Các phản ứng sau tiêm ở mức độ nghiêm trọng thường rất hiếm, ví dụ như:
- Sốc phản vệ
- Co giật, quấy khóc dai dẳng
- Ngủ li bì hoặc thậm chí hôn mê
- Khó thở, tím tái
- Nôn ói tất cả mọi thứ
- Bỏ bú, tiêu tiểu bất thường
Lưu ý khi tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi theo lịch
Phụ huynh không nên vì sợ trẻ sẽ gặp phải những phản ứng sau tiêm nguy hiểm mà ngần ngại không đưa trẻ đi chủng ngừa theo đúng lịch. Bởi vì, việc theo dõi sau tiêm tại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút cũng như tại nhà trong vòng 24 giờ sẽ giúp xử trí kịp thời cũng như giảm thiểu nguy cơ diễn tiến nặng các phản ứng sau tiêm nghiêm trọng.
Cần hiểu rằng, những rủi ro mà các bệnh truyền nhiễm gây ra cho trẻ em còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với nguy cơ ặp phải phản ứng sau tiêm nghiêm trọng do vắc xin. Thậm chí, nhiều bệnh còn gây tử vong cho các bé. Trong khi đó, vắc xin không chỉ an toàn khi sử dụng, mà còn có thể bảo vệ trẻ em khỏi những căn bệnh nghiêm trọng này.
Hướng dẫn chăm sóc sau khi tiêm vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi
Để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần chú ý một số điều sau khi chủng ngừa theo lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi của WHO:
- Sau khi tiêm phòng cho trẻ theo lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi, cần ngồi lại cơ sở tiêm chủng 30 phút để theo dõi các phản ứng bất thường sau tiêm nếu có.
- Khi về nhà, cần cho trẻ bú sữa, uống nước thường xuyên hơn.
- Cho trẻ ăn đủ bữa và đủ dưỡng chất.
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát.
- Có thể dùng thuốc hạ sốt (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5oC hay quấy khóc do đau.
- Sử dụng một miếng gạc sạch, ẩm và mát (hoặc dùng khăn sạch chườm mát) để giúp giảm mẩn đỏ, đau nhức và sưng tấy ở vết tiêm.
- Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp lá hay bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
- Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc hạ sốt khác khi chưa có sự đồng ý từ Bác sĩ vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều ngộ độc paracetamol ở trẻ.
- Nếu trẻ có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào, bao gồm cả sốt trên 39 độ C liên tục không thuyên giảm dù đã uống hạ sốt, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi, cũng như những lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ.