backup og meta

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đúng cách, khoa học

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đúng cách, khoa học

Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ luôn là chủ đề được nhiều mẹ quan tâm, bởi đây là yếu tố góp phần rất lớn vào sự phát triển toàn diện của bé.

Để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, các bậc phụ huynh cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất cho bé. Tuy nhiên, ở mỗi mốc phát triển khác nhau thì nhu cầu dinh dưỡng của bé lại không giống nhau. Do đó, cha mẹ cần hiểu rõ chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở từng độ tuổi, từ đó thiết kế thực đơn cho bé sao cho phù hợp. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu về chủ đề dinh dưỡng trẻ em từ 0-5 tuổi, từ đó giúp bạn xây dựng thực đơn hàng ngày cho trẻ.

Vì sao cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đúng cách, khoa học?

Đối với trẻ nhỏ, dinh dưỡng là nền tảng quan trọng cho sức khỏe, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần của bé. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng khoa học trong 2-3 năm đầu đời rất cần thiết cho sự tăng trưởng khỏe mạnh của trẻ, giúp:

  • Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính trong suốt đời
  • Thúc đẩy sự phát triển thể chất và tinh thần đều đặn.

Các thực phẩm lành mạnh không chỉ cung cấp năng lượng mà còn bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể của bé. Nếu trẻ không được bổ sung đầy đủ và cân đối dưỡng chất, bé có thể bị thừa hoặc thiếu chất, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển thể chất, trí não và vận động.

Do đó, cha mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho trẻ sao cho vừa khoa học, vừa an toàn, lại đầy đủ dinh dưỡng để bé yêu cao lớn, khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

1. Dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng

Sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ dưới 6 tháng.
Sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ dưới 6 tháng.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính yếu. Sữa mẹ chứa tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của con.

Trong trường hợp người mẹ không thể cho con bú bằng sữa mẹ thì sữa công thức được xem là sự thay thế phù hợp. Ngoài ra, một số mẹ cũng kết hợp cho trẻ nhỏ bú sữa mẹ và sữa công thức xen kẽ.

Thực tế, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được đáp ứng tốt nhất thông qua sữa mẹ. Nguồn sữa này giúp xây dựng hàng rào miễn dịch cho bé, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng và bảo vệ trẻ khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh.

Nếu bú mẹ, chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được khuyến cáo như sau:

  • Trong những ngày đầu, trẻ sơ sinh bú khoảng 8-12 lần/ngày, mỗi lần bú khoảng 15ml sữa mẹ. Sau đó, bé sẽ tăng lên bú 30-60ml sữa/cữ bú.
  • Khi được 2 tuần tuổi đến 1 tháng tuổi, trẻ bú khoảng 8 lần/ngày, mỗi lần bú khoảng 60-90ml sữa mẹ. Tổng cộng bé uống khoảng 600-700ml sữa mẹ/ngày.
  • Trẻ 1 tháng tuổi bú 90-120ml sữa mẹ/lần sau mỗi 3-4 giờ, với tổng số lượng sữa mẹ bú mỗi ngày khoảng 700ml sữa.
  • Trẻ 2 tháng tuổi bú khoảng 120-150ml sữa mẹ/cữ bú sau mỗi 3-4 giờ.
  • Trẻ 3-4 tháng tuổi có thể bú khoảng 120-180ml sữa mẹ sau mỗi 4 giờ hoặc lâu hơn, với tổng lượng sữa khoảng 700-900ml sữa mẹ/ngày.
  • Trẻ 6 tháng tuổi có thể bú đến 240ml sữa mẹ sau mỗi 4-5 giờ.

Nếu cho con bú sữa công thức, chế độ dinh dưỡng cho trẻ như sau:

  • Trong những ngày đầu, trẻ sơ sinh bú khoảng 30-60ml sữa công thức/lần sau mỗi 2-3 giờ. Thậm chí, lúc đầu, bé có thể chỉ uống được 15ml sữa công thức/lần. Sau vài ngày đầu tiên, bé có thể uống 60-90ml sữa công thức sau mỗi 3-4 giờ.
  • Trẻ 1 tháng tuổi có thể bú khoảng 90-120ml sữa công thức sau mỗi 3-4 giờ.
  • Trẻ 2 tháng tuổi có thể bú khoảng 120-150ml sữa công thức sau mỗi 3-4 giờ.
  • Trẻ 3 tháng tuổi có thể bú khoảng 120-180ml sữa công thức sau mỗi 3-4 giờ.
  • Trẻ 4-5 tháng tuổi có thể bú 120-180ml sữa công thức/lần, và bú từ 4-6 lần/ngày.
  • Trẻ 6 tháng tuổi có thể bú khoảng 180-240ml sữa công thức/cữ, và bú 4-5 cữ/ngày.

Thực tế, một số trẻ khi được 4-6 tháng tuổi đã có thể bắt đầu tập ăn dặm. Lúc này, chế độ dinh dưỡng cho trẻ không chỉ bao gồm sữa mà còn có thể thêm một vài muỗng thức ăn loãng. Cha mẹ không nên cho bé ăn thức ăn đặc trong giai đoạn này vì cơ thể bé chưa thích nghi kịp.

Lưu ý

Theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe, trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuyệt đối không cho trẻ dưới 4-6 tháng tuổi ăn dặm.
Bạn có thể tập cho bé ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi. Không nên cho bé bắt đầu ăn dặm quá trễ. Điều này là do sữa mẹ hay sữa công thức không còn đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này.

2. Dinh dưỡng cho bé từ 6-12 tháng tuổi

Thực phẩm dinh dưỡng cho bé từ 6 tháng ăn dặm
Thực phẩm dinh dưỡng cho bé từ 6 tháng ăn dặm.

Khi trẻ bước vào độ tuổi 6 tháng, bé đã có thể bắt đầu ăn dặm. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ lúc này không chỉ bao gồm sữa mẹ hay sữa công thức – nguồn dinh dưỡng quan trọng, mà còn cả những thực phẩm dinh dưỡng cho bé ăn dặm.

2.1. Trẻ 6-8 tháng tuổi

Khi mới tập ăn dặm, trẻ chỉ nên bắt đầu với một lượng rất nhỏ (khoảng 1-2 muỗng cà phê) một thực phẩm xay nhuyễn duy nhất. Sau đó, bạn có thể tăng lên 1-2 muỗng canh khi bé quen dần.

Đến khi việc ăn dặm không còn xa lạ với bé nữa, thì chế độ dinh dưỡng của trẻ 6-8 tháng tuổi nên bao gồm ½ chén thức ăn mềm mỗi cữ, từ 2-3 cữ ăn dặm/ngày. Đồng thời, trẻ cũng cần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức 3-5 cữ/ngày.

Trong giai đoạn này, trẻ có thể ăn bất kỳ thực phẩm dinh dưỡng nào, trừ mật ong. Tuy nhiên, cha mẹ nên ưu tiên nguồn thực phẩm từ thực vật như cà rốt, đậu Hà Lan, khoai tây, bông cải xanh, trái cây, các loại ngũ cốc, trứng, thịt gia cầm, cá… Thức ăn cho bé nên được nấu chín kỹ và nghiền hoặc xay nhuyễn.

2.2. Trẻ 8-12 tháng tuổi

Khi được 8-12 tháng tuổi, trẻ vẫn tiếp tục bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhưng với tần suất ít hơn, khoảng 3-4 cữ bú/ngày. Bù lại, bạn nên tăng số buổi cho bé ăn dặm lên 3-4 cữ/ngày, khoảng ½ chén thức ăn dặm mỗi cữ.

Trong giai đoạn này, bạn có thể cắt thức ăn mềm thành từng miếng nhỏ cho bé ăn thay vì nghiền nát. Mỗi bữa ăn cần phải đảm bảo vừa bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, vừa dễ ăn và khiến bé thích thú.

Các thực phẩm dinh dưỡng cho bé từ 8-12 tháng tuổi bao gồm ngũ cốc, khoai tây, rau củ quả, các loại đậu, các loại hạt, một ít dầu hoặc chất béo giàu năng lượng và nguồn thực phẩm đến từ động vật như trứng, thịt, cá. Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này giúp bé phát triển tối đa cả về thể chất lẫn tinh thần. 

3. Dinh dưỡng cho bé từ 1 tuổi

Bé trên 1 tuổi ăn là chính
Bé trên 1 tuổi ăn là chính.

Khi trẻ được 1 tuổi, lượng thức ăn tăng dần khiến bé uống ít sữa hơn so với trước đây. Trong giai đoạn này, các thực phẩm dinh dưỡng cho bé bao gồm thịt, cá, trứng, các loại đậu (như đậu xanh, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan), các loại hạt, rau và trái cây có màu cam hoặc xanh, và một ít dầu hoặc mỡ để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi bao gồm ¾ – 1 chén thức ăn mỗi cữ ăn, với khoảng 4-5 cữ ăn chính/ngày và 1-2 bữa phụ. Đồng thời, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng bạn nên cho bé bú sữa cho đến khi trẻ được 2 tuổi.

Không những thế, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là một phần rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ em. Bạn nên cho trẻ uống từ 1-2 cốc sữa mỗi ngày.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trẻ 1 tuổi đang trong giai đoạn tập đi. Do đó, bé có thể ăn ít thức ăn hơn trong mỗi bữa, và ăn nhiều bữa hơn trong ngày.

Ngoài ra, hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn thức ăn vặt cho bé. Ưu tiên những món ăn vặt lành mạnh như trái cây tươi. Tránh các món ăn chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt…

4. Dinh dưỡng cho trẻ từ 2-5 tuổi

Trẻ từ 2-3 tuổi đã bắt đầu mọc gần như đầy đủ các răng, giúp quá trình nhai thức ăn dễ dàng hơn. Nhờ vậy mà bé ở độ tuổi này không chỉ có thể ăn cháo, bột, mà còn có thể bắt đầu ăn cơm nát và thức ăn giống như người lớn.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi nên bao gồm 3 bữa chính lành mạnh/ngày và 1-2 bữa ăn nhẹ. Mặc dù bé có thể ăn hầu hết các thực phẩm khác nhau, nhưng cha mẹ vẫn nên chú ý đến lượng chất béo bão hòa trong thực phẩm dinh dưỡng cho bé. Hãy dần cho bé thưởng thức sữa và các sản phẩm làm từ sữa ít béo (như phô mai ít béo, sữa ít béo), đồng thời cắt giảm chất béo trong các thực phẩm khác.

Trẻ 5 tuổi có thể ăn một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh như chế độ ăn được khuyến nghị cho người lớn. Bé cũng có thể uống nước ép trái cây hoặc sinh tố pha loãng, nhưng không quá 150ml mỗi ngày.

Tóm lại

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở mỗi độ tuổi sẽ khác nhau. Do đó, cha mẹ cần nắm rõ liều lượng và những thực phẩm dinh dưỡng dành cho bé, để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của con.

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ngày Tết

Dinh dưỡng cho bé ngày Tết

Không chỉ nên đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày bình thường, mà cha mẹ còn cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho bé trong những dịp lễ Tết. Tết là thời điểm có rất nhiều món ăn ngon như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, bánh mứt… Thế nhưng, liệu các món ăn ngày Tết có thật sự đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ?

Thực tế, việc cho bé ăn những món ăn ngày Tết quá nhiều có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Những đồ chiên rán, thức ăn chế biến sẵn, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas, nhiều đường… có thể khiến trẻ bị thừa cân, béo phì, đồng thời dẫn đến tình trạng thiếu hụt dưỡng chất.

Không những thế, nếu cha mẹ không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ngày Tết, nhiều bé còn gặp phải tình trạng khó tiêu, táo bón. Do đó, điều quan trọng là vẫn cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng ngày Tết cho bé.

Vậy, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ngày Tết? Dưới đây là những điều mà bạn nên làm để đảm bảo trẻ vui Tết nhưng không mất cân bằng dinh dưỡng:

  • Đảm bảo bữa ăn ngày Tết của bé đầy đủ dinh dưỡng với 4 nhóm chất (đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
  • Cố gắng duy trì giờ giấc sinh hoạt, ăn uống của trẻ đều đặn, không quá chênh lệch so với bình thường.
  • Không nên để trẻ bỏ bữa mà cần duy trì đủ số lượng bữa chính và bữa phụ tương ứng với độ tuổi của bé.
  • Nếu trẻ muốn ăn vặt, hãy ưu tiên những thực phẩm dinh dưỡng ngày Tết như trái cây, ngũ cốc, các loại hạt, sữa tươi…
  • Đặc biệt, đừng quên bổ sung rau củ quả cho bé trong những ngày này để phòng ngừa tình trạng táo bón ở trẻ em.
  • Hạn chế cho bé ăn uống nhiều đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn, các món chiên rán, nước uống đóng chai, đồ uống có cồn hay caffeine…
  • Tốt nhất là cha mẹ nên tự nấu các món ăn dinh dưỡng ngày Tết tại nhà cho bé, chẳng hạn như súp, bún, phở… vừa giúp đổi vị cho bé trong dịp chơi xuân, vừa đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc đảm bảo cân bằng dinh dưỡng hàng ngày rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bé. Chính vì vậy, cha mẹ cần lưu ý xây dựng thực đơn lành mạnh, khoa học cho con, ngay cả trong những dịp lễ Tết.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Infant nutrition https://www.who.int/health-topics/infant-nutrition#tab=tab_1 Ngày truy cập: 30/01/2024

Feeding your baby: 6–12 months | UNICEF Parenting https://www.unicef.org/parenting/food-nutrition/feeding-your-baby-6-12-months Ngày truy cập: 30/01/2024

Feeding your baby: 1–2 years | UNICEF Parenting https://www.unicef.org/parenting/food-nutrition/feeding-your-baby-1-2-years Ngày truy cập: 30/01/2024

Sample Menu for a Two-Year-Old – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/toddler/nutrition/Pages/Sample-One-Day-Menu-for-a-Two-Year-Old.aspx Ngày truy cập: 30/01/2024

Infant and Toddler Nutrition | Nutrition | CDC https://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/index.html Ngày truy cập: 30/01/2024

What to feed young children – NHS https://www.nhs.uk/conditions/baby/weaning-and-feeding/what-to-feed-young-children/ Ngày truy cập: 30/01/2024

Phiên bản hiện tại

22/02/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 22/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo