backup og meta

Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không? Điều gì đang xảy ra với bé?

Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không? Điều gì đang xảy ra với bé?

Ngóc đầu là một trong các mốc phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thắc mắc không biết trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không? Trẻ mấy tháng biết ngẩng đầu là bình thường?

Ngóc đầu dậy là một kỹ năng quan trọng của trẻ nhỏ, cho thấy hệ cơ xương khớp ở cổ, vai, lưng… của bé đã phát triển cứng cáp hơn. Thế nhưng, một số trẻ sơ sinh biết ngóc đầu sớm lại khiến cha mẹ lo lắng không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hay không. Để biết được lời đáp cho vấn đề “Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không?”, cũng như “bỏ túi” được những cách tập cho bé ngẩng đầu, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm là như thế nào?

Ngóc đầu là khả năng bé có thể nâng đầu lên một góc nhất định so với mặt phẳng và giữ được tư thế này trong một khoảng thời gian. Đây là một trong những cột mốc phát triển cơ bản của trẻ, từ đó giúp bé rèn luyện các kỹ năng khác như biết lật, ngồi, bò, đứng, đi…

Thông thường, trẻ sơ sinh gặp khó khăn trong việc ngẩng đầu. Điều này là do cơ cổ và sức mạnh ở phần trên của cơ thể vẫn chưa phát triển. Hơn nữa, trong giai đoạn này, kích thước và trọng lượng của phần đầu cũng lớn hơn so với cơ thể bé.

Vậy, trẻ sơ sinh mấy tháng thì cứng cổ để có thể ngóc đầu dậy? Khi được 3-4 tháng tuổi, cơ cổ của trẻ đã phát triển đủ khỏe để bé có thể chống tay và nâng đầu lên. Bé cũng có thể ngồi khi được hỗ trợ và giữ đầu ngẩng cao.

Mặc dù vậy, một số trẻ có thể ngóc đầu sớm hơn vào khoảng 1-2 tháng tuổi. Thậm chí, một vài trẻ sơ sinh biết ngóc đầu sớm trong vài tuần sau khi sinh khiến các bậc cha mẹ không khỏi hoang mang và đặt ra nghi vấn: Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không? Mời bạn đọc tiếp để có câu trả lời.

Giải đáp thắc mắc: Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không?

trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không

Sự phát triển thể chất của trẻ sơ sinh bắt đầu từ phần đầu, sau đó di chuyển đến các bộ phận khác trên cơ thể. Đây cũng là lý do vì sao bé có thể ngóc đầu vào khoảng 3-4 tháng tuổi, trước khi biết bò, biết đi. Thậm chí, trẻ 2 tháng tuổi đã có thể ngẩng đầu lên trong vài giây mỗi khi được đặt nằm sấp.

Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng, tốc độ phát triển của mỗi trẻ là khác nhau. Do đó mà một số bé có thể đạt được cột mốc ngóc đầu sớm hơn hoặc muộn hơn đôi chút.

Nếu trẻ sơ sinh biết ngóc đầu sớm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé phát triển nhanh chóng. Theo đó, trẻ ngẩng đầu sớm vừa là biểu hiện của sự gia tăng sức mạnh cơ cổ, vai, lưng, bụng, vừa giúp bé nâng cao khả năng giữ thăng bằng, quan sát thế giới xung quanh, cải thiện thị giác và khả năng giao tiếp.

Có thể thấy, trong hầu hết các trường hợp thì lời đáp cho băn khoăn “Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không?” là “Không sao”. Tuy nhiên, việc trẻ sơ sinh ngóc biết đầu sớm cũng có thể trở thành vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng nếu:

  • Trẻ nâng đầu quá sớm
  • Trẻ sơ sinh ngóc đầu quá nhiều
  • Trẻ sơ sinh giữ đầu ngẩng lên quá lâu
  • v.v

Những trường hợp này có thể gây áp lực lên các cơ xung quanh, gây đau cổ, ảnh hưởng đến vùng đầu, cột sống… của bé. Do đó, trong thời gian đầu đời, cha mẹ cần chú ý quan sát xem bé ngóc đầu dậy có bị sai tư thế hay không, thời gian ngẩng đầu có quá lâu hay không, từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.

Có thể bạn chưa biết

Trên thực tế, các bậc cha mẹ đặt ra câu hỏi “Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không?” không phải là vô lý. Trước đây, đã có báo cáo rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao nâng đầu chủ động khi nằm ngửa (AHLS) có liên quan đến điểm nhận thức thấp hơn trong năm thứ hai sau khi sinh. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng khi thấy con mình biết ngẩng đầu sớm.
Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó đã chứng minh rằng trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm khi nằm ngửa không phải là một dấu hiệu báo động đỏ. Chỉ khi AHLS kết hợp với các cử động chân rập khuôn thì mới có thể báo hiệu sự phát triển thần kinh kém thuận lợi hơn ở trẻ nhỏ.

Lợi ích khi trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm

lợi ích khi trẻ ngóc đầu sớm

Đến đây, lời đáp cho thắc mắc “Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không?” đã được bật mí. Có thể thấy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ biết ngóc đầu sớm không chỉ là một trong những thành tựu to lớn đầu đời của bé, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho con, chẳng hạn như:

  • Giúp tăng cường sức khỏe cơ, xương: Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm giúp bé phát triển cơ cổ, vai, lưng, bụng, cột sống… Điều này đặt nền móng cho các cột mốc ngồi, bò, đứng, đi của bé sau này.
  • Giúp phát triển khả năng phối hợp tay và mắt: Bé ngóc đầu sớm có thể cải thiện khả năng giữ thăng bằng cơ thể, từ đó góp phần phát triển kỹ năng phối hợp mắt và tay hiệu quả.
  • Giúp phát triển thị giác: Bé biết ngóc đầu sớm có thể phát triển thị giác sớm hơn, dễ nhận biết hình dạng, kích thước và màu sắc đồ vật hơn.
  • Tăng cường tương tác và giao tiếp: Trẻ sơ sinh biết ngóc đầu sớm có thể quan sát, nghe thấy và tương tác với cha mẹ và những người xung quanh nhiều hơn.
  • Giảm nguy cơ mắc hội chứng đầu phẳng ở trẻ: Trẻ nằm ngửa hoặc nằm một tư thế quá lâu có thể bị hội chứng đầu phẳng. Việc tập ngẩng đầu cho bé sơ sinh có thể khắc phục tình trạng này.

Bí quyết hỗ trợ trẻ sơ sinh ngóc đầu

để bé nằm sấp trên ngực mẹ để tập ngóc đầu
Để bé nằm sấp trên ngực mẹ để tập ngóc đầu

Chắc hẳn là bạn không còn băn khoăn “Trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không?” nữa rồi. Việc tập ngẩng đầu cho bé sơ sinh đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực. Do đó, cha mẹ có thể “bỏ túi” một số cách tập cho bé ngẩng đầu an toàn, hiệu quả sau đây:

  • Tập cho bé nằm sấp từ sớm: Bạn có thể tập cho bé nằm sấp ngay từ tuần đầu tiên sau khi sinh. Ban đầu, có thể đặt bé nằm sấp trên lòng bàn tay của bạn trong 1-3 phút khi bé đang tỉnh táo. Khi trẻ quen dần và không còn chống đối việc nằm sấp, hãy tăng dần thời gian nằm sấp hơn. Tuyệt đối không được rời mắt khỏi trẻ khi bé đang nằm sấp.
  • Để bé nằm sấp trên ngực mẹ hoặc cha: Tư thế này giúp bé dễ dàng nhìn thấy gương mặt cha mẹ và nghe thấy cha mẹ trò chuyện hơn. Cách làm này khuyến khích bé ngóc đầu dậy và tập trung vào cha mẹ.
  • Dùng gối hỗ trợ bé nằm sấp: Khi trẻ được 4-5 tháng tuổi, bạn có thể đặt gối bên dưới người bé khi bé nằm sấp. Cách này giúp trẻ dễ ngóc đầu lên hơn và có cơ hội khám phá thế giới xung quanh hơn.
  • Đặt đồ vật thú vị xung quanh bé: Bạn có thể đặt bé nằm sấp trên thảm với những món đồ chơi nhiều màu sắc, có âm thanh vui nhộn, kích thích thị giác, thính giác, thúc đẩy bé ngẩng đầu và với lấy đồ vật.

Nếu trong quá trình nằm sấp, trẻ cảm thấy mệt và muốn nghỉ ngơi thì thường có những biểu hiện như quấy khóc, quay đi, cong lưng… Lúc này, bạn nên để bé nằm ngửa nghỉ ngơi nhé!

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm có sao không. Việc tập cho bé sơ sinh ngóc đầu có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý quan sát bé cẩn thận, đồng thời theo dõi sát sao quá trình phát triển của bé nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Movement Milestones: Birth to 3 Months – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Movement-Birth-to-Three-Months.aspx Ngày truy cập: 02/02/2024

Movement, Coordination, and Your 1- to 3-Month-Old (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/move13m.html Ngày truy cập: 02/02/2024

Active head lifting from supine in infancy in the general population: Red flag or not? https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34543946/ Ngày truy cập: 02/02/2024

Infant – newborn development: MedlinePlus Medical Encyclopedia https://medlineplus.gov/ency/article/002004.htm Ngày truy cập: 02/02/2024

Infant development: Birth to 3 months – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/infant-development/art-20048012 Ngày truy cập: 02/02/2024

Phiên bản hiện tại

22/02/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 22/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo