Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hướng dẫn cách thay tã cho trẻ sơ sinh và những lưu ý cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/12/2022

    Hướng dẫn cách thay tã cho trẻ sơ sinh và những lưu ý cần biết
    Quảng cáo

    Trên thực tế, trẻ sơ sinh có thể sử dụng khoảng 10 chiếc tã (bỉm) mỗi ngày hoặc hơn. Điều này đồng nghĩa rằng việc thay tã cho trẻ là một hoạt động mà bạn phải làm thường xuyên và thực hiện mỗi ngày. Đối với ba mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi con nhỏ, bạn có thể không biết cách thay tã cho trẻ sơ sinh như thế nào cho nhanh gọn, sạch sẽ.

    Điều này là bình thường vì nếu chưa quen thì bạn sẽ thấy rằng việc thay tã cho trẻ rất phức tạp và khá lộn xộn. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng. Bạn có thể tham khảo những hướng dẫn chi tiết trong bài viết sau của Hello Bacsi để thay tã cho trẻ đúng cách mà không gặp rắc rối nào nhé!

    Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi thay tã cho trẻ sơ sinh?

    Việc chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng cần thiết là chìa khóa giúp quá trình thay tã trở nên dễ dàng và an toàn cho em bé. Bởi vì khi có đủ đồ dùng, bạn sẽ không phải rời đi giữa chừng khi đang thay tã và để em bé một mình. Điều mà bạn không nên để xảy ra dù trong bất kỳ trường hợp nào khi bé đang thức. Do đó, trước khi bắt đầu thay tã, bạn cần chắc chắn rằng mình chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng cần thiết sau đây:

    Tã giấy sạch

    Đây là loại tã dùng một lần nên thường tiện lợi hơn so với tã vải. Bạn nên chuẩn bị một vài chiếc tã giấy để sẵn.

    Bông gòn, khăn vải sạch hoặc khăn giấy ướt

    Trong 8 tuần đầu tiên sau sinh, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo nên dùng bông gòn và nước ấm để vệ sinh vùng dưới cho bé thay vì khăn giấy ướt. Bởi vì so với khăn giấy ướt thì bông gòn thường dịu nhẹ hơn, không gây kích ứng làn da non nớt và nhạy cảm của trẻ. Khi em bé lớn hơn, bạn có thể dùng khăn sạch đã được làm ẩm hoặc khăn giấy ướt không mùi, không cồn để lau cho bé.

    Một bộ quần áo sạch

    cách thay tã cho trẻ sơ sinh

    Bạn không nhất thiết phải thay quần áo cho bé sau mỗi lần thay tã. Thế nhưng, bạn vẫn nên chuẩn bị quần áo dự phòng cho bé phòng trường hợp tã rò rỉ hoặc thiên thần nhỏ của bạn “náo động” khiến cho nước tiểu và phân lan bẩn ra quần áo.

    Kem hăm tã cho bé

    Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phải mang tã trong thời gian dài nên không tránh khỏi tình trạng hăm tã, gây kích ứng da của bé. Vì vậy, các bác sĩ nhi khoa thường khuyên rằng bạn nên chuẩn bị thêm loại kem bôi giúp ngăn ngừa hoặc điều trị hăm tã để thoa lên vùng mông của trẻ sau khi được vệ sinh, lau khô và đóng bỉm mới.

    Một món đồ chơi trẻ yêu thích

    Đây không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng sẽ rất hữu ích nếu bạn chuẩn bị sẵn một món đồ chơi khi thay tã cho em bé. Khi trẻ quấy khóc, lăn lộn hoặc ngọ nguậy quá nhiều, bạn có thể dùng đồ chơi để “đánh lạc hướng” con. Như vậy, ba mẹ sẽ dễ dàng thực hiện “nhiệm vụ” hơn mà không gặp rắc rối vì em bé không hợp tác.

    Hướng dẫn cách thay tã cho trẻ sơ sinh nhanh gọn, đảm bảo vệ sinh

    Cách thay tã cho trẻ sơ sinh thực chất không phức tạp như bạn nghĩ. Sau đây là hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện đi kèm những lưu ý nho nhỏ bạn cần “nằm lòng” để quá trình thay tã được nhanh gọn, sạch sẽ:

    Bước 1: Đặt bé nằm trên bề mặt sạch, mềm và an toàn

    Trước khi thay tã, bạn cần chọn được nơi an toàn, bằng phẳng để đặt bé nằm lên. Đó có thể là dưới đất, trên giường hoặc loại bàn chuyên dụng dành để thay tã cho trẻ. Dù chọn nơi như thế nào, điều quan trọng tiếp theo là bạn cần dùng thêm khăn tắm hoặc tấm lót (đệm) không thấm nước để trải lên bề mặt đó trước khi cho bé yêu nằm lên.

    Bước 2: Cởi tã bẩn cho em bé

    cách thay tã cho trẻ sơ sinh

    Thực chất là quá trình thay tã cho bé cũng không tẻ nhạt như bạn nghĩ. Ba mẹ có thể vừa cưng nựng vừa trò chuyện với bé yêu trong khi bắt đầu các thao tác như cởi quần áo bé ra. Nếu trẻ mặc đồ liền thân (bodysuit), sau khi cởi nút phía dưới thì bạn nên đẩy phần dưới của bộ đồ lên trên và gấp gọn lại để không bị vấy bẩn khi thay tã.

    Tiếp đến, bạn cởi tã của bé ra và kiểm tra. Nếu trong tã có nhiều phân và dính lên da bé, bạn có thể dùng mặt trước của tã lau xuống dưới một chút để làm sạch một vài chỗ bẩn. Sau đó, bạn nắm cổ chân của bé và nhẹ nhàng nhấc lên để kéo tã bẩn ra ngoài rồi gấp tã lại. Lưu ý nên đặt tã bẩn cách xa chỗ bé đang nằm một chút trước khi bạn thả cổ chân bé ra. Bởi vì trẻ thường ngọ nguậy, quẫy đạp liên tục nên có thể gây ra những lộn xộn nếu bạn đặt tã bẩn gần chân của bé.

    Bước 3: Vệ sinh cho bé trước khi thay tã mới

    Đây là bước rất quan trọng để giúp em bé luôn sạch sẽ và ngăn ngừa rủi ro nhiễm khuẩn. Hơn nữa, cách vệ sinh cho bé gái và bé trai cũng khác nhau, cụ thể:

    • Đối với bé gái: Bạn cần nhớ luôn lau từ trước ra sau bằng khăn sạch mềm nhúng nước ấm để ngăn vi khuẩn lây từ hậu môn sang âm đạo của bé. Tiếp theo, bạn gập khăn lại để dùng mặt sạch của khăn lau các kẽ nếp gấp. Sau đó, nâng chân của bé lên để lau sạch phần mông và kết thúc quá trình vệ sinh. Nếu bạn dùng khăn giấy ướt thay cho khăn vải thì chọn loại không cồn, không hương liệu nhé!
    • Đối với bé trai: Khi vệ sinh cho bé trai, sự cố dễ xảy ra nhất là bé có thể tè bắn lên người bạn hay người bé bất cứ lúc nào. Vì vậy, trước tiên bạn cần dùng khăn nhỏ phủ lên vùng kín của bé để ngăn rắc rối này xảy ra. Sau đó, bạn dùng khăn sạch nhúng nước ấm nhẹ nhàng lau xung quanh vùng kín của bé rồi đến phần mông. Lưu ý rằng bạn cũng cần đảm bảo lau kỹ các nếp gần trên da bé để loại bỏ sạch nước tiểu hoặc phân còn dính trên đó.

    Đối với trẻ mới sinh vài tuần, bạn nên ưu tiên dùng bông gòn để lau vùng kín cho bé. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý dùng băng gạc thấm nước hoặc cồn y tế lau sạch các mảng bám cứng hoặc chất nhầy quanh cuống rốn của bé, nơi mà cuống rốn tiếp xúc với da mỗi lần vệ sinh. Đến khi rốn trẻ rụng hẳn thì bạn mới dùng khăn để lau nhé!

    Bước 4: Cách thay tã mới cho trẻ sơ sinh

    cách thay tã cho trẻ sơ sinh

    Sau khi lau rửa cho bé sạch sẽ, bạn dùng khăn mềm lau sạch, cho con “thả rông” để mông và vùng kín khô thoáng trong vài phút. Tiếp đến, bạn bôi kem trị hăm cho bé rồi bóc tã mới ra. Sau đó, nhấc nhẹ hai chân của bé và đặt tã mới vào dưới mông trẻ.

    Khi dán băng cố định tã, bạn nên dán sao cho vừa khít với bụng của em bé. Không nên dán quá chặt sẽ khiến trẻ khó chịu và để lại vết hằn trên da. Đồng thời, không nên dán tã quá lỏng sẽ khiến chất thải của bé rò rỉ ra ngoài.

    Riêng đối với bé trai, bạn cần đặt đầu dương vật của trẻ hướng xuống trước khi đóng tã để tránh nước tiểu chảy ngược ra ngoài. Đối với trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, bạn nên gập một phần mép trên của tã xuống để cho bề mặt của tã không tiếp xúc với cuống rốn. Sau khi trẻ rụng rốn thì bạn sẽ không cần làm điều này nữa mà có thể kéo tã che qua rốn của trẻ.

    Bước 5: Mặc quần áo cho trẻ và dọn dẹp

    Sau khi đóng tã mới xong, bạn mặc quần áo lại cho trẻ hoặc cho trẻ thay đồ mới. Bây giờ, bạn có thể đặt con nằm chơi ở vị trí an toàn và dọn dẹp tã bẩn, khăn bẩn, đệm lót. Cuối cùng, bạn cần rửa lại tay lần nữa bằng xà phòng và nước để đảm bảo vệ sinh khi nấu ăn hoặc khi chạm vào con.

    Trong thời gian đầu, bạn có thể vụng về và hơi lo ngại về việc thay tã cho em bé. Tuy nhiên, các rắc rối sẽ sớm qua đi và bạn sẽ dần quen với “nhiệm vụ” này. Khi đã biết cách thay tã cho trẻ sơ sinh, bạn sẽ nhận ra quá trình này cũng là cơ hội để bạn gia tăng sự gắn kết với em bé. Bạn có thể trò chuyện, chơi ú òa,… với em bé trong khi thay tã để tận hưởng những khoảng thời gian gần gũi với cục cưng nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/12/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo