backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Liệu bạn có đủ điều kiện để mổ cận thị?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/12/2022

    Liệu bạn có đủ điều kiện để mổ cận thị?

    Hiện nay, với nền y học tiến bộ, bên cạnh dùng kính mắt hoặc kính áp tròng, bạn còn có thể làm phẫu thuật để chữa cận thị. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai có nhu cầu đều có đủ điều kiện mổ cận thị.

    Với phương pháp truyền thống, tầm nhìn bị lu mờ được điều chỉnh theo cách bẻ cong (khúc xạ) các tia sáng bằng kính đeo mắt hoặc kính áp tròng. Tuy nhiên, việc định hình lại giác mạc bằng phẫu thuật cũng làm được điều này.

    Trước khi tiến hành mổ cận thị, bác sĩ nhãn khoa sẽ đánh giá tình trạng của bạn thông qua các bài kiểm tra mắt chuyên sâu. Sau đó, họ sẽ dùng một loại laser chuyên dụng để thay đổi chính xác độ cong của giác mạc. Mổ cận thị bằng tia laser có nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là phẫu thuật LASIK.

    Bạn có thể quan tâm: Sử dụng kính áp tròng chưa bao giờ là chuyện dễ dàng!

    Các phương pháp mổ cận thị phổ biến

    Bác sĩ chịu trách nhiệm phẫu thuật mắt cận có thể chuyên về từng loại phẫu thuật mắt bằng laser cụ thể. Sự khác biệt giữa chúng nhìn chung không đáng kể. Tùy thuộc vào trường hợp người bệnh, bạn có thể tiến hành:

    Phẫu thuật bằng laser LASIK

    LASIK là phẫu thuật mắt cận phổ biến nhất được sử dụng. Dưới đây là quy trình thực hiện mổ cận thị bằng phẫu thuật LASIK:

    Mổ cận thị bằng phẫu thuật LASIK

    Tuy nhiên, điều kiện mổ mắt cận bằng LASIK là phải có giác mạc đủ dày.

    Phẫu thuật bằng laser PRK

    Cơ chế hoạt động của phương pháp PRK là gỡ lớp biểu mô trên cùng của giác mạc và bỏ đi, sau đó dùng laser chiếu trực tiếp lên bề mặt giác mạc nhằm thay đổi hình dạng của giác mạc, dùng trong điều trị cận thị loại nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, đối với trường hợp cận thị nặng, phương pháp LASIK vẫn được ưu tiên hơn.

    Phương pháp này có thể gây đau nhẹ và mất vài tháng sau đó để thị lực phục hồi.

    Mổ cận thị bằng phẫu thuật PRK

    Phẫu thuật LASEK

    Tương tự LASIK, phẫu thuật LASEK cũng thực hiện bước bóc vạt lớp biểu mô. Điều khác biệt là ở thủ thuật này, các chuyên gia sử dụng dung dịch cồn pha loãng áp lên lớp biểu mô để nó lỏng ra. Thực tế, đối với người có nguy cơ cao chấn thương mắt, mổ cận thị bằng phương pháp phẫu thuật LASEK không có ưu điểm vượt trội so với LASIK.

    Cấy ghép kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo)

    Trong một số trường hợp, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi có độ cận nặng, kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo) có thể được ghép trực tiếp vào nhãn cầu để chữa cận thị.

    Có 2 loại chính gồm:

    • Cấy ghép phakic: đặt thủy tinh thể nhân tạo vào mắt nhưng vẫn giữ lại thủy tinh thể tự nhiên. Phương pháp này áp dụng cho người trẻ tuổi có thị lực tự nhiên bình thường.
    • Thay thủy tinh thể nhân tạo: lấy thủy tinh thể tự nhiên ra ngoài và thay bằng loại nhân tạo, thường dành cho người cao tuổi.

    Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng đây không phải là phương án mổ cận thị tối ưu cho hầu hết người bệnh. Nó dùng khi bạn bị cận thị rất nặng hoặc gặp khó khăn trong việc đeo kính.

    Điều kiện mổ mắt cận là gì?

    Để có thể thực hiện phẫu thuật, bạn cần đáp ứng một số điều kiện mổ mắt cận thị, liên quan đến sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe mắt. Cụ thể như sau:

    Điều kiện để mổ mắt cận là đảm bảo sức khỏe mắt

    Nhìn chung, mổ cận thị bằng phương pháp phẫu thuật laser là thích hợp nhất đối với những người có độ khúc xạ vừa phải, đồng thời không có vấn đề về thị lực bất thường nào khác.

    Bác sĩ chịu trách nhiệm mổ cận thị sẽ đặt nhiều câu hỏi chi tiết về sức khỏe mắt của bạn và đánh giá kết quả kỹ lưỡng nhằm đảm bảo bạn không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào dẫn đến các biến chứng sau phẫu thuật hoặc làm giảm tỷ lệ thành công của phẫu thuật. Một số vấn đề bác sĩ cần thận trọng, bao gồm:

    • Bệnh giác mạc chóp: Đây là một bệnh lý về mắt dẫn đến suy giảm dần thị lực và bào mòn giác mạc. Trên thực tế, nếu gia đình bạn có người bị giác mạc chóp, ngay cả khi bạn may mắn không mắc căn bệnh này, hãy cực kỳ thận trọng về quyết định mổ cận thị.
    • Các tình trạng viêm ở mắt như viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, bệnh zona ở mắt
    • Một số bệnh nhiễm trùng mắt
    • Chấn thương mắt hoặc rối loạn chức năng ở mí mắt
    • Khô mắt. Nếu bạn bị khô mắt, mổ cận thị bằng LASIK có nguy cơ khiến tình trạng tồi tệ hơn
    • Đồng tử giãn nở lớn thì mổ cận thị với phương pháp LASIK có thể không phù hợp. Phẫu thuật có thể dẫn đến nhiều triệu chứng suy nhược thị lực như lóa sáng hay ánh sáng chớp nháy tạo cảm giác gặp ảo ảnh.
    • Bệnh glocom. Mổ cận thị có khả năng khiến áp lực nội nhãn tăng lên, làm cho tình trạng tăng nhãn áp tồi tệ hơn.
    • Đục thủy tinh thể.

    Bạn cũng có thể phải xem xét lại điều kiện mổ mắt cận thị bằng phẫu thuật LASIK nếu như:

    • Độ cận của bạn quá cao. Lợi ích của biện pháp mổ cận thị bằng LASIK không thể bù đắp cho những rủi ro trong trường hợp này.
    • Thị lực tổng thể của bạn được đánh giá khá tốt. Trong trường hợp thị lực của bạn được cải thiện hoàn hảo khi đeo kính áp tròng hoặc kính mắt, bác sĩ không nhất thiết phải tiến hành mổ cận thị.
    • Bạn thường xuyên tham gia những môn thể thao đòi hỏi sự va chạm, ví dụ như bạn tập võ hoặc chơi đấm bốc và hay nhận những cú đấm vào mặt và mắt, phẫu thuật LASIK không phải là phương án thích hợp dành cho bạn.

    Tiêu chí về sức khỏe tổng thể để được mổ cận thị

    Bên cạnh những câu hỏi liên quan đến sức khỏe mắt và kiểm tra thị lực, các bác sĩ phẫu thuật mắt cận cũng sẽ đặt câu hỏi chi tiết về tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn. Một số điều kiện y tế đặc biệt, dù không có mối liên hệ với mắt, cũng có nguy cơ làm tăng rủi ro trong cuộc phẫu thuật LASIK hoặc khiến kết quả phẫu thuật khó dự đoán hơn.

    Người có các vấn đề sức khỏe sau đây có thể không đủ điều kiện để mổ mắt cận thị:

    • Bất kỳ bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào bạch cầu (hệ miễn dịch), làm suy yếu khả năng chữa lành hoặc khiến bạn dễ bị nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, HIV hay các rối loạn tự miễn dịch khác.
    • Đang sử dụng một loại thuốc ức chế miễn dịch vì bất kỳ lý do nào.
    • Bệnh đái tháo đường (tiểu đường).
    • Trầm cảm hoặc một số tình trạng đau mạn tính, chẳng hạn như đau nửa đầu, hội chứng ruột kích thích và đau cơ xơ hóa. Nếu mắc một hoặc nhiều tình trạng trên, bạn có nguy cơ dễ bị khô mắt và đau sau phẫu thuật hơn người khác. Nguyên nhân dẫn đến việc này chưa được hiểu rõ nhưng có thể liên quan đến cách bạn cảm nhận cơn đau.
    • Đang mang thai hoặc cho con bú, cơ thể sẽ chứa những hormone gây thay đổi nhẹ thị lực. Vì vậy phẫu thuật khó đảm bảo chính xác.

    Mổ cận thị là một phẫu thuật giúp cải thiện tình trạng mắt cận. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được phẫu thuật này. Bạn cần hiểu rõ về tình trạng của mình để từ đó lựa chọn được phương pháp điều trị mắt cận hiệu quả nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo