backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu? Những chỉ số thai nhi 33 tuần đáng quan tâm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 10/05/2022

    Thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu? Những chỉ số thai nhi 33 tuần đáng quan tâm

    Thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu là băn khoăn của rất nhiều mẹ bầu bởi cân nặng thai nhi là một trong những yếu tố phần nào giúp mẹ biết được sức khỏe và tình trạng phát triển của bé. 

    Bước sang tuần thứ 33 của thai kỳ là lúc mà thời điểm bạn gặp bé cưng đã sắp gần kề. 33 tuần cũng là khoảng thời gian “khó nhọc” do bụng bầu ngày một lớn, các triệu chứng thai kỳ cũng trở nên nghiêm trọng hơn khiến mẹ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.  

    Bên cạnh sức khỏe của mẹ, nhiều bà bầu cũng lo lắng về sức khỏe của bé cưng, không biết bé đã phát triển đến giai đoạn nào, nặng bao nhiêu cân. Những chia sẻ dưới đây của bác sĩ Huỳnh Kim Dung cùng Hello Bacsi sẽ giúp bạn phần nào giải đáp một số băn khoăn thường gặp khi mang thai tuần thứ 33 như thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu, thai 33 tuần là mấy tháng, thai 33 tuần quay đầu chưa, mang thai 33 tuần nên ăn gì…

    Thai 33 tuần là mấy tháng? 

    Bước vào tuần thai thứ 33 có nghĩa là lúc này bạn đã mang thai được tháng 8 (và đang ở tháng thứ 2 của tam cá nguyệt thứ 3). Như vậy, chỉ còn gần 2 tháng nữa là bạn sẽ chuyển dạ và chào đón thiên thần nhỏ. 

    Đây là thời điểm mà bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch sinh, chọn bệnh viện, bác sĩ đỡ sinh, cách thức sinh, chuẩn bị túi đồ đi sinh và các vật dụng cho bé. Đồng thời, bạn cũng nên dành thời gian để tìm hiểu các dấu hiệu chuyển dạ để tránh bỡ ngỡ, bối rối và có thể kịp thời đến bệnh viện.  

    Thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu kg? Chỉ số thai nhi 33 tuần 

    Bầu 33 tuần bé nặng bao nhiêu? Ở tuần thứ 33, bé có thể nặng khoảng 1,8 đến 2kg và dài khoảng 38 – 43 cm (tương đương kích thức của một quả dứa). Thực tế, mỗi bé sẽ có sự tăng trưởng và phát triển khác nhau trong thời gian này.  

    Chính vì vậy, nếu cân nặng và chiều dài của bé hơi khác một chút so với những số liệu trên thì bạn cũng không cần phải quá lo.  

    Ngoài cân nặng và chiều dài, mẹ cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số thai nhi 33 tuần khác như: 

    • Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): 77 – 88mm, trung bình là 83mm 
    • Chiều dài xương đùi của thai (FL): 58 – 70mm, trung bình là 63mm 
    • Chu vi bụng của bé (AC): 254 – 334mm, trung bình là 299mm 
    • Chu vi đầu của thai nhi (HC): 290 – 326mm, trung bình là 308mm 
    • Cân nặng thai nhi ước tính (EFW): 1794g – 2530g, trung bình là 2162g. 

    Thai 33 tuần phát triển như thế nào? Đạp nhiều hay ít 

    Thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu

    Ngoài băn khoăn thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu, nhiều mẹ cũng thắc mắc thai 33 tuần phát triển như thế nào. Khi nhìn hình ảnh siêu âm thai 33 tuần, bạn sẽ thai nhi phát triển rõ rệt hơn trước. Bé sẽ mở mắt khi thức và bắt đầu có phản ứng với bên ngoài. 

    • Da của bé đã đỡ nhăn nheo hơn, căng hơn, xương cũng cứng cáp hơn. 
    • Trí não dần hoàn thiện, não thai nhi 33 tuần phát triển rất mạnh, các tế bào thần kinh phát triển nhanh, bé có đủ khả năng tiếp nhận và phản ứng với bên ngoài. 
    • Học cách phối hợp giữa việc thở với bú và nuốt, một kỹ năng quan trọng cho cuộc sống bên ngoài bụng bụng mẹ.  
    • Có thể phân biệt được ngày và đêm do thành tử cung dần mỏng đi, ánh sáng xuyên qua thành tử cung nhiều hơn.
    • Hệ miễn dịch của bé đang dần phát triển, các kháng thể đang truyền từ mẹ sang bé qua bánh nhau và dây rốn.  
    • Bắt đầu mơ những giấc mơ nên có những biểu hiện chuyển động mí mắt liên tục. 

    Thai 33 tuần đạp nhiều hay ít cũng là băn khoăn của nhiều mẹ bầu. Ở giai đoạn này, bé sẽ bắt đầu đá, đạp nhiều hơn trong bụng mẹ, thỉnh thoảng mẹ cũng sẽ cảm thấy những cơn cuộn nhẹ. Đây cũng là thời điểm mà mẹ sẽ cảm nhận khá rõ nét về những cú đạp hay chuyển động của bé.

    Thai 33 tuần chưa quay đầu phải làm sao? 

    Ở tuần thứ 33, đa phần thai nhi sẽ quay đầu chúc xuống dưới tử cung để chuẩn bị cho quá trình chào đời. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có thời điểm quay đầu khác nhau. Ở tuần thứ 28, khoảng 25% trường hợp bé sẽ ở ngôi mông nhưng gần đến ngày dự sinh, con số này sẽ giảm xuống chỉ khoảng 3-4%. 

    Đa phần, khoảng thời gian mà bạn có thể nhận biết các dấu hiệu hiệu bé đã quay đầu là từ tuần 32 đến 36. Nếu ở tuần thứ 33 mà mẹ chưa cảm nhận được những dấu hiệu này thì có thể thử một số bí quyết sau: 

    • Ở tư thế bò rướn người lên xuống trong vài phút. Bạn có thể thực hiện vài lần mỗi ngày 
    • Đi bộ ít nhất 20 phút mỗi ngày 
    • Ngồi trên bóng tập hoặc nghiêng người trên quả bóng khi xem ti vi 
    • Nằm nghiêng bên trái thay vì nằm ngửa 
    • Tránh nâng chân quá cao khi nằm ngửa bởi có thể khiến bé nằm sai tư thế, khiến quá trình chuyển dạ kéo dài và gây đau lưng dữ dội. 
    • Kiên nhẫn và chờ đợi bởi khoảng 20% trường hợp bé sẽ quay đầu ở những tuần cuối 

    Thai 33 tuần nên ăn gì? 

    Thai 33 tuần tuổi nặng bao nhiêu

    Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé, nhất là ở giai đoạn thai 33 tuần. Để bé phát triển tốt nhất, mẹ có thể thêm vào thực đơn mỗi ngày những thực phẩm sau: 

    •  chứa nhiều sắt, protein, axit béo omega-3 giúp ngăn ngừa thiếu máu, giảm mệt mỏi cho mẹ và tốt cho sự phát triển trí não của bé. 
    • Các loại thịt đỏ do chứa nhiều sắt, protein, khoáng chất, giúp bé phát triển khỏe mạnh và mẹ ít bị mệt mỏi.
    • Chuối chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ hòa tan như kali, canxi, sắt… tốt cho quá trình tiêu hóa, giảm táo bón khi mang thai.
    • Sữa và các sản phẩm từ sữa nhằm cung cấp canxi, kali, protein, giúp xương, răng chắc khỏe cho cả mẹ và bé.
    • Rau xanh giàu chất xơ, giúp giảm táo bón. Ngoài ra, rau cũng chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe như sắt, kali và canxi.
    • Cam giàu chất xơ và vitamin C, giúp hấp thụ sắt và tăng sức đề kháng cho mẹ bầu. Ngoài cam, mẹ cũng có thể ăn cà chua, bắp cải… 

    Một số thực phẩm mẹ nên tránh khi mang thai 33 tuần

    Mẹ bầu mang thai 33 tuần cần tránh tiêu thụ các thực phẩm sau:

    • Sữa chưa tiệt trùng vì có thể khiến mẹ bầu nhiễm ký sinh trùng, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
    • Thực phẩm chứa caffein như cà phê, trà, socola, nước tăng lực… do có thể gây táo bón và các triệu chứng về tiêu hóa. 
    • Rượu và thuốc lá cần tránh ở mọi thời điểm của thai kỳ, nhất là 3 tháng cuối do có thể gây biến chứng khi sinh và làm cản trở sự phát triển của thai nhi.
    • Thực phẩm chiên, rán, nhiều dầu mỡ do dễ gây các vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng.  
    • Các loại cá chứa nhiều thủy ngân cá thu vua, cá kiếm…. vì có thể gây dị tật thai nhi.
    • Gan và thịt đông lạnh, chưa qua xử lý như xúc xích, giăm bông do có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toxoplasmosis và bệnh listeriosis. 

    Mang thai 33 tuần: Các vấn đề liên quan đến cơ thể mẹ bầu 

    Ngoài cân nặng thai nhi 33 tuần, mẹ bầu cũng nên biết đây là lúc mà bạn đã tăng tổng cộng khoảng 10 – 12 kg. Ở giai đoạn này, thỉnh thoảng bạn sẽ cảm thấy các cơn co thắt chuyển dạ giả hay còn gọi là Braxton-Hicks, nhất là sau khi quan hệ tình dục hoặc tập thể dục. 

    Cơn co thắt này khác với co thắt chuyển dạ thật sự ở chỗ chúng sẽ biến mất khi bạn đổi tư thế. Nếu cơn co thắt vẫn tiếp tục, ít nhất 5 lần 1 giờ thì bạn nên đi khám. 

    Nếu có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần thứ 33, nhiều khả năng bạn sẽ sinh non. Nếu bạn mang song thai hoặc có các biến chứng thai kỳ như dư ối thì cần hết sức chú ý. 

    Có thể bạn quan tâm: Sinh non thai 33 tuần: Nguy cơ và cách chăm sóc bé

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 10/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo