backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Thai 28 tuần nặng bao nhiêu là đạt chuẩn? Em bé phát triển như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    Thai 28 tuần nặng bao nhiêu là đạt chuẩn? Em bé phát triển như thế nào?

    Mang thai ở tuần 28 nghĩa là mẹ đã chính thức bước vào tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ). Trong giai đoạn này, mẹ bắt đầu có thể cảm nhận được những chuyển động của em bé và biết chắc rằng con đang lớn rất nhanh qua mỗi ngày. Do đó, nhiều mẹ sẽ thắc mắc thai 28 tuần nặng bao nhiêu và phát triển như thế nào? Mẹ có thể gặp phải vấn đề sức khỏe gì ở tuần 28?

    Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin mẹ bầu cần biết ở giai đoạn này cũng như giải đáp thắc mắc thai 28 tuần nặng bao nhiêu là đạt chuẩn. Song song đó là chia sẻ một số lời khuyên hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe trong tam cá nguyệt thứ ba để mẹ tham khảo.

    Thai 28 tuần nặng bao nhiêu? Em bé phát triển như thế nào?

    “Thai 28 tuần nặng bao nhiêu?” là câu hỏi mà nhiều mẹ quan tâm khi bước sang tam cá nguyệt thứ ba. Nếu bạn chưa biết thì ở tuần 28, bé yêu thường nặng khoảng 1 kg, một số bé có thể nặng hơn và rơi vào khoảng 1.1 kg đến 1.13 kg. Đồng thời, chiều dài của thai nhi ở tuần 28 thường ở mức khoảng 35 đến 37 cm.

    Bắt đầu từ tuần 28, kích thước em bé bắt đầu chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung của mẹ. Do đó, đa số mẹ bầu thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức và khó ngủ hơn trong tam cá nguyệt thứ ba.

    Về sự phát triển của thai nhi ở tuần 28, ngoài chiều dài và thai 28 tuần nặng bao nhiêu, thì mẹ có thể quan tâm thêm một số điểm khác, chẳng hạn như:

    • Bộ não của thai nhi ở tuần 28 vẫn phát triển rất nhanh với số lượng mô ngày càng tăng, các nếp gấp và đường rãnh của não bắt đầu phát triển.
    • Lông mi của bé đang phát triển. Em bé ở tuần 28 bắt đầu có thể chớp mắt, tạo biểu cảm trên khuôn mặt và nằm mơ.
    • Hệ thống miễn dịch của bé đang phát triển.
    • Toàn thân trẻ được bao phủ bởi lớp sáp vernix để bảo vệ làn da khi tiếp xúc nước ối.
    • Nếu thai nhi là bé trai, tinh hoàn của con thường hạ xuống bìu ở tuần 28.
    • Thai nhi 28 tuần sẽ có giai đoạn ngủ và giai đoạn hoạt động mà bạn có thể nhận biết được nhờ vào các chuyển động của bé. Thông thường, những chuyển động này là khá đều đặn và ổn định. Do đó, nếu mẹ nhận thấy chuyển động của con có sự thay đổi, chẳng hạn như chậm lại thì cần sớm đi khám.

    Nhiều trẻ bắt đầu thay đổi tư thế trong bụng mẹ với đầu hướng xuống dưới cổ tử cung để chuẩn bị cho việc chào đời. Vị trí này được gọi là ngôi thai thuận. Tuy nhiên, nếu siêu âm ở tuần 28 cho thấy trẻ vẫn chưa quay đầu thì mẹ cũng đừng quá lo lắng. Hầu hết em bé sẽ tự quay đầu vào khoảng tuần 36 để mẹ có thể dễ sinh quan ngả âm đạo.

    Các vấn đề sức khỏe khi mang thai ở tuần 28

    thai 28 tuần nặng bao nhiêu

    Không chỉ quan tâm đến vấn đề thai 28 tuần nặng bao nhiêu? Mẹ bầu cũng cần chú ý đến sức khỏe bản thân trong giai đoạn này. Sau đây là một số vấn đề phổ biến mẹ có thể trải qua khi bắt đầu bước sang tam cá nguyệt thứ ba:

    1. Sưng phù tay chân

    Đây là tình trạng mẹ nào cũng có thể gặp phải trong những tháng cuối thai kỳ. Lời khuyên là mẹ nên cố gắng uống nhiều nước, đi khám thực hiện đo huyết áp và làm xét nghiệm nước tiểu loại trừ tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ.  Khi ngủ mẹ bầu có thể kê cao chân và nên tạm thời cởi bỏ nhẫn hoặc những trang sức mà bạn cảm thấy chật khi đeo.

    2. Táo bón, đầy hơi

    Việc cơ thể có nhiều thay đổi và ngày càng nặng nề hơn khi mang thai ở tuần 28 cũng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của mẹ bầu. Để đối phó với tình trạng táo bón và đầy hơi khi mang thai thì mẹ nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn ba bữa một ngày như bình thường. Việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và hạn chế ăn món cay nóng, dầu mỡ cũng sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu hơn.

    3. Đau chân, đau lưng và chuột rút

    Tình trạng này có thể được xoa dịu bằng phương pháp massage. Bạn nên nhờ người bạn đời xoa bóp thường xuyên các vùng dễ bị đau nhức hoặc nhờ bác sĩ tư vấn các bài tập phù hợp, hiệu quả giúp thư giãn các cơ đang chịu “gánh nặng” trong thai kỳ. Đồng thời, mẹ bầu nên tập thói quen cố gắng đứng thẳng và nghiêng khung xương chậu về phía trước để cải thiện các vấn đề đau chân, đau lưng hoặc chuột rút.

    4. Khó thở

    thai 28 tuần nặng bao nhiêu

    Như đã đề cập khi trả lời câu hỏi thai 28 tuần nặng bao nhiêu? Do em bé đang phát triển nhanh về kích thước và cân nặng nên từ tuần này trở đi, tử cung của mẹ cũng tăng nhanh về kích thước. Điều này sẽ khiến nhiều cơ quan khác bị chèn ép, bao gồm cả phổi. Do đó, mẹ bầu cảm thấy khó thở, mệt mỏi trong tam cá nguyệt thứ ba là vấn đề không thể tránh khỏi.

    Bên cạnh đó, khi bụng bầu lớn hơn trước thì mẹ nào cũng sẽ gặp khó khăn trong việc cúi người hoặc bế một đứa trẻ mới biết đi. Chính vì vậy, để hạn chế rủi ro thì mẹ nên tránh làm việc nặng và hãy nhờ sự hỗ trợ từ chồng, người thân, bạn bè… khi cần nhé!

    5. Mất ngủ

    Vấn đề thai 28 tuần nặng bao nhiêu, kích thước của thai nhi và chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu cũng có mối liên hệ với nhau. Khi em bé ngày càng phát triển về kích thước sẽ khiến bụng mẹ ngày càng lớn và nặng nề hơn. Điều này đồng nghĩa rằng cân nặng của mẹ bầu cũng tăng đều qua mỗi tuần khiến cho giấc ngủ không còn thoải mái như trước.

    Chính vì vậy, nhiều mẹ bầu không tránh khỏi tình trạng mất ngủ trong tam cá nguyệt thứ ba vì bụng bầu lớn. Để cải thiện vấn đề, mẹ có thể áp dụng một số giải pháp như ngủ đúng tư thế (nên nằm nghiêng bên trái, tránh nằm ngửa, không nằm sấp), dùng gối ngủ dành cho bà bầu, nghe nhạc, vận động nhẹ nhàng, thực hành các kỹ thuật thư giãn, ngủ trưa giấc ngắn khi cảm thấy mệt mỏi… Điều quan trọng nhất là bạn cần lắng nghe các tín hiệu của cơ thể để nghỉ ngơi hợp lý nhé!

    6. Các vấn đề sức khỏe khác

    Ở tuần 28, ngoài những vấn đề sức khỏe kể trên thì mẹ bầu cũng có thể trải qua một số tình trạng khác như:

    • Ngực rò rỉ sữa non
    • Ợ chua, ợ nóng, trào ngược dạ dày
    • Đi tiểu thường xuyên
    • Tiết dịch âm đạo nhiều
    • Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai 
    • Thay đổi tâm trạng, một số trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ chuyển biến thành trầm cảm khi mang thai. Do vậy, nếu những thay đổi về cảm xúc theo hướng tiêu cực kéo dài hơn 2 tuần và bạn không thể vực dậy tinh thần thì nên đi khám để nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.

    Lời khuyên dành cho mẹ mang thai ở tuần 28

    thai 28 tuần nặng bao nhiêu

    Mang thai ở tuần 28 là giai đoạn thú vị vì em bé của bạn ngày càng có nhiều phản ứng hơn và có hình dáng gần như một đứa trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, thời điểm này cách ngày dự sinh không còn xa nên mẹ cần có sự chuẩn bị thật tốt về sức khỏe lẫn kế hoạch sinh nở. Sau đây là những lời khuyên hữu ích dành cho mẹ:

    • Từ tuần 28 trở đi mẹ nên khám thai thường xuyên hơn tầm khoảng 2/lần để bác sĩ theo dõi sát sao nhất có thể về huyết áp, nguy cơ tiền sản giật, chuyển động của em bé…
    • Ở tuần 28, mẹ bầu cần được xét nghiệm yếu tố máu Rh. Nếu có sự bất đồng về yếu tố Rh trong máu, chẳng hạn như mẹ có Rh âm nhưng thai nhi có Rh dương thì mẹ bầu sẽ cần tiêm liều Anti D đầu tiên ở tuần 28 và liều thứ hai là trong vòng 72 giờ sau khi sinh.
    • Thai nhi có xu hướng hấp thụ nhiều sắt trong tam cá nguyệt thứ ba và mẹ thường dễ bị thiếu máu trong giai đoạn này. Do đó, mẹ cần ưu tiên bổ sung thực phẩm giàu sắt từ tuần 28 trở đi bao gồm rau bina, thịt đỏ, thịt gà, đậu phụ, các loại đậu… Nếu thiếu sắt nghiêm trọng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng bổ sung thêm viên sắt.
    • Mẹ cần nghỉ ngơi nhiều nhưng đừng quên vận động nhé! Lời khuyên là bạn có thể đi bơi trong tam cá nguyệt cuối để cải thiện độ săn chắc của cơ và tăng sức bền nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Đi bơi cũng rất tốt cho hệ tuần hoàn, cung cấp năng lượng và giúp mẹ ngủ ngon hơn.
    • Mặc dù còn vài tuần nữa mới sinh nhưng mẹ vẫn nên chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Bạn nên đảm bảo mình có thể dễ dàng liên lạc với chồng hoặc người thân khi cần thiết.

    Đồng thời, các mẹ cũng nên suy nghĩ về việc lên kế hoạch sinh nở như chọn bệnh viện, hình thức sinh, các cách giảm đau khi sinh, chuẩn bị đồ cho mẹ và bé đi sinh, chọn thời điểm tạm ngừng công việc dựa trên tình hình sức khỏe thai kỳ… Đương nhiên, nếu mẹ băn khoăn về nhiều vấn đề thì nên hỏi thêm ý kiến từ các mẹ khác đã có kinh nghiệm hoặc nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 25/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo