Chào bác sĩ,
Em 27 tuổi, kết hôn được 1 năm, em đang có thai lần thứ 3 được 8 tuần. 2 lần mang thai trước em đều bị sảy thai khi mới được tầm 6-7 tuần mà không rõ nguyên do. Bác sĩ cho em hỏi là thai 8 tuần đã bám chắc chưa? Em cần kiêng cữ gì hay phải làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh ạ? Em cảm ơn bác sĩ! (Ngọc Hoa, Thị trấn Châu Thành, Tây Ninh)
Bác sĩ trả lời
Với câu hỏi “thai 8 tuần đã bám chắc chưa? Cần kiêng cữ gì hay phải làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh?” của bạn Ngọc Hoa, ThS–BS Huỳnh Kim Dung hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) giải đáp như sau:
1. Thai 8 tuần đã bám chắc chưa?
Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ (13 tuần đầu) là thời điểm khá nhạy cảm. Thời kỳ này là thai đang làm tổ và bắt đầu làm quen với tử cung để phát triển. Các tác động từ môi trường, một số loại thực phẩm và thuốc… đều có thể ảnh hưởng đến thai nếu sử dụng sai cách.
Ngược lại cơ thể người phụ nữ cũng đang làm quen với việc mang thai, thai nhi như một sinh vật lạ xuất hiện trong cơ thể người mẹ. Nói cho dễ hiểu thì tương tự như việc ghép tạng, ghép tạng từ cơ thể khác vào nếu hợp thì sống chung hòa bình, nếu không hợp thì cơ thể chủ sẽ có phản ứng đào thải khiến tạng ghép không duy trì được trong cơ thể.
Trở lại với việc mang thai, nếu người phụ nữ có bất thường về bộ gene hoặc mang kháng thể kháng bào thai hoặc mắc bệnh tăng đông máu… hoặc thậm chí không có bất thường nhưng sau khi thụ thai xảy ra đột biến gene gây bất thường/dị tật thai cũng khiến thai dễ sảy/chết lưu.
Trường hợp của bạn Ngọc Hoa bị sẩy thai 2 lần liên tiếp thì không rõ bác sĩ khám cho bạn có chỉ định 2 vợ chồng khám xét nghiệm tầm soát đầy đủ các bất thường kể trên hay chưa. Nếu chưa thì bạn hãy trình bày với bác sĩ để thực hiện xét nghiệm nhé. Thực tế cũng có khoảng 50% các trường hợp sảy thai liên tiếp mà không tìm ra nguyên nhân.
Hiện tại, bạn đang mang thai 8 tuần thì tiếp tục theo dõi thêm. Sau 13 tuần thì mới an tâm là thai đã bám chắc vào buồng tử cung bạn nhé.
>>> Có thể bạn quan tâm: Sảy thai tái phát: Nguyên nhân và cách khắc phục
2. Thai 8 tuần phát triển như thế nào?
Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc “thai 8 tuần đã bám chắc chưa?’, bạn Ngọc Hoa cùng độc giả cũng nên tìm hiểu về sự phát triển của thai 8 tuần tuổi cùng những dấu hiệu cho thấy thai đang phát triển khỏe mạnh.
2.1. Sự phát triển của thai
Thai 8 tuần là vào cuối tháng thứ 2 của thai kỳ. Lúc này, kích thước thai tương đương 1 quả dâu rừng, thai sẽ tăng 1mm mỗi ngày. Môi, mũi, mi mắt đang dần hình thành. Trên hình ảnh siêu âm sẽ thấy bào thai có hình dạng gần giống cơ thể người hơn.
Nhịp tim thai ở giai đoạn này dao động từ 150 đến 170 lần mỗi phút (đo được qua siêu âm). Cũng qua siêu âm, bác sĩ có thể thấy được sự cử động của bào thai, thể tích nước ối tăng dần.
2. Những dấu hiệu thai phát triển khỏe mạnh mà mẹ bầu có thể nhận biết
Thai 8 tuần còn rất nhỏ nên rất khó để mẹ bầu có thể tự nhận biết được thai khoẻ mạnh hay không. Thường thì khi thai phát triển trong giai đoạn này sẽ làm cho mẹ bầu có các triệu chứng:
- Ốm nghén: buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó tiêu, ợ hơi. Tình trạng ốm nghén mỗi người có mức độ khác nhau, cũng có người rất khỏe không bị ốm nghén gì cả. Cho nên việc mẹ bầu không bị ốm nghén không có nghĩa là thai không phát triển. Trừ khi bạn đang bị ốm nghén rồi đột nhiên không ốm nghén nữa thì phải đi khám kiểm tra lại. Thường sau 13 tuần tình trạng ốm nghén sẽ giảm dần và hết hẳn.
- Căng tức ngực
Ngoài ra, nếu mẹ bầu thấy một trong những dấu hiệu sau đây thì khả năng cao là xảy ra bất thường cần đi khám ngay:
- Ra máu âm đạo
- Trằn nặng bụng dưới nhiều
- Đau đầu nhiều
>>> Có thể bạn quan tâm: 5 dấu hiệu thai phát triển tốt và 10 dấu hiệu thai yếu bạn cần biết
3. Những lưu ý dành cho mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu để có 1 thai kỳ khỏe mạnh
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn Ngọc Hoa cùng các mẹ bầu khác nên chú ý những điều sau:
- Uống đủ nước hàng ngày
- Bổ sung acid folic 400-800 mcg/ngày (qua thức ăn hoặc viên uống bổ sung)
- Tránh các loại thức ăn gây co thắt tử cung: khóm (dứa), tía tô, đu đủ sống, rau ngót sống, rau chùm ngây… Ngoài ra, các mẹ bầu cũng cần tránh ăn một món với số lượng quá nhiều
- Nếu ốm nghén nhiều: Hãy chia nhỏ bữa ăn, tránh thức ăn nặng mùi, thử uống thêm sữa nếu ăn kém, ngậm kẹo gừng, viên uống giảm ốm nghén
- Hạn chế thức uống có cồn và chất kích thích
- Tránh nơi khói bụi, thuốc lá
- Giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh
- Tránh: thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng mệt mỏi…
Với trường hợp riêng của bạn Ngọc Hoa có tiền sử sẩy thai thì nên kiêng giao hợp hoàn toàn trong 3 tháng đầu, không tập thể dục (tốt hơn nên để sau 16 tuần rồi mới tập). Có thể bạn cần phải sử dụng thêm thuốc bổ sung nội tiết nuôi thai nhằm dự phòng sảy thai (bắt đầu uống khi biết có thai), hãy tham khảo thêm với bác sĩ nhé!
Bạn có thể xem thêm các bài viết:
Bầu 3 tháng đầu không nên ăn gì? Bỏ ngay 8 loại thực phẩm tối kỵ sau
Mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì? Tư vấn từ bác sĩ sản khoa
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-due-date]