Vàng da bệnh lý ở bà bầu đại diện cho nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau mà bạn không thể xem nhẹ cũng như bỏ qua.
Bạn có bao giờ xem nhẹ các cơn buồn nôn chỉ vì nghĩ đây là tình trạng ốm nghén thông thường? Bạn nghĩ rằng mình có thể bị thiếu máu khi mang thai, khi da bắt đầu thay đổi màu sắc? Thế nhưng, da đổi màu, chán ăn và buồn nôn là những triệu chứng điển hình của vàng da bệnh lý.
Mang thai là một giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với cả mẹ và bé. Bạn phải chú ý đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mình phải đối mặt trong thời gian bầu bí vì chúng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thiên thần nhỏ. Một trong những tình trạng cần đến sự quan tâm khi mang thai là vàng da bệnh lý.
Nguyên nhân gây vàng da bệnh lý
Vàng da đồng nghĩa với suy giảm chức năng gan và đây có thể là kết quả của một số nguyên nhân khác bao gồm:
- Ung thư gan
- Sốt rét gây viêm và vàng da
- Các rối loạn về gan như bệnh gan do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu, gan nhiễm mỡ cấp tính, xơ gan mật nguyên phát và viêm gan do virus
- Sử dụng paracetamol quá liều có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của gan và cản trở khả năng lọc chất thải, gây bệnh lý vàng da
- Sỏi túi mật hoặc sự hiện diện của sỏi trong ống mật thông thường gây ra sự tích tụ của bilirubin, dẫn tới vàng da
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm, một tình trạng di truyền gây ra hiện tượng phá vỡ các tế bào hồng cầu. Nó cũng dẫn đến tình trạng cơ thể vô tình tích trữ quá nhiều bilirubin
- Hội chứng HELLP, một tình trạng đe dọa tính mạng thường xảy ra trong giai đoạn sau của thai kỳ hoặc thậm chí sau khi sinh con
- Các nguyên nhân thứ phát như béo phì, một số bệnh tự miễn, dị tật bẩm sinh và mức cholesterol cao cũng có khả năng dẫn đến vàng da bệnh lý.
Triệu chứng vàng da bệnh lý khi mang thai
Dưới đây là danh sách các triệu chứng phổ biến của bệnh vàng da:
- Sốt cao
- Yếu sức
- Ngứa da
- Đau đầu
- Phân màu sáng
- Nước tiểu sẫm màu
- Buồn nôn và ói mửa
- Ăn uống không ngon
- Sưng khu vực quanh gan
- Mắt chuyển sang màu vàng
- Sưng chân, mắt cá chân và bàn chân.
Chẩn đoán bệnh lý vàng da
Sau khi kiểm tra thể chất, bạn có thể nêu các triệu chứng hoặc bất kỳ loại thuốc theo toa nào mình đang dùng. Các bác sĩ thường chẩn đoán vàng da với sự trợ giúp của các bước sau:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra xem bạn có đang bị sốt rét hoặc viêm gan không
- Để kiểm tra các vấn đề bên trong cơ quan nội tạng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi siêu âm
- Tiến hành xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra urobilinogen. Sự phân hủy của bilirubin tạo ra urobilinogen. Mức độ cao hơn hoặc thấp hơn của hợp chất này có thể giúp bác sĩ xác nhận bệnh lý vàng da
- Đôi khi, bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm chức năng gan nhằm kiểm tra bệnh gan do rượu, xơ gan, viêm gan hoặc các tình trạng sức khỏe khác có khả năng ảnh hưởng đến gan
- Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ cũng có thể đề nghị sinh thiết gan để xác định xơ gan hoặc ung thư gan.
Điều trị bệnh lý vàng da ở bà bầu
Báo cáo xét nghiệm máu của bạn (và kết quả chụp CT trong trường hợp cần thiết) sẽ giúp bác sĩ xác nhận bệnh lý vàng da và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Vàng da thường là dấu hiệu về một vấn đề tiềm ẩn. Do vậy, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh, từ đó bảo đảm sức khỏe cho mẹ lẫn con.
- Nguyên nhân gây vàng da như viêm gan A, sẽ tự đến và đi, tình trạng này thường không cần điều trị
- Nếu bệnh lý vàng da đến từ nguyên nhân sốt rét, bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị phù hợp với bạn
- Trong trường hợp vàng da khi mang thai là kết quả của bệnh xơ gan, viêm gan nặng hoặc ung thư gan, mẹ bầu có thể cần đến sự chăm sóc y tế đặc biệt.
Nguy cơ nếu không điều trị
Một số hậu quả có thể ảnh hưởng đến mẹ bầu nếu bệnh lý vàng da không được chữa trị, bao gồm:
- Sinh non
- Ngứa có thể trở nên dữ dội và suy nhược
- Đông máu cục bộ, cần đến vitamin K để cải thiện tình hình.
Ngoài ra, bé yêu cũng sẽ gặp phải các ảnh hưởng xấu, chẳng hạn như:
- Suy thai
- Thai nhi chết lưu
- Thai nhi nuốt phân
- Hội chứng hít ối phân su.
Ngăn ngừa vàng da bệnh lý
Có nhiều nguyên nhân gây vàng da nên việc đưa ra một biện pháp phòng ngừa cụ thể là khá khó. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên thực hiện các bước sau để ngăn ngừa bệnh lý vàng da khi mang thai:
Chế độ ăn uống hợp lý
Ăn thực phẩm lành mạnh và hợp vệ sinh trong suốt thai kỳ sẽ giúp bạn tránh được bệnh vàng da cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
Cân nặng ổn định
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên duy trì cân nặng khỏe mạnh và điều chỉnh nồng độ cholesterol trong máu bằng cách kiểm soát lượng chất béo hấp thụ.
Lối sống năng động
Tham khảo ý kiến bác sĩ về các hình thức vận động an toàn trong thai kỳ. Tập luyện đều đặn sẽ hỗ trợ cơ thể cung cấp máu và oxy thích hợp cho các bộ phận khác nhau, bao gồm cả gan.
Tiêm phòng trước khi mang thai
Để tránh các bệnh về nhiễm trùng hoặc viêm gan. Mẹ bầu nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ về kế hoạch tiêm phòng.
Hạn chế uống thuốc
Khi mang thai, mẹ bầu nên hạn chế uống thuốc hoặc hợp chất có thể gây độc cho gan. Tránh lạm dụng thuốc không kê đơn (OTC). Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ.
Cẩn thận khi đi du lịch
Tránh đi du lịch đến những khu vực có các bệnh như sốt rét. Nếu trong trường hợp bất khả kháng, mẹ bầu nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa.
Đừng lo lắng về bệnh lý vàng da trong lúc mang thai. Nếu phát hiện sớm tình trạng, cả bạn lẫn con yêu sẽ không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, hãy đến bệnh viện khi vừa nhận thấy các triệu chứng xuất hiện để điều trị và đảm bảo phục hồi nhanh chóng.
[embed-health-tool-due-date]