backup og meta

Bị tiêu chảy khi mang thai - Xử lý như thế nào để an toàn cho mẹ và bé?

Bị tiêu chảy khi mang thai - Xử lý như thế nào để an toàn cho mẹ và bé?

Tình trạng tiêu chảy khi mang thai có thể khiến mẹ bầu bị mất nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Nếu bị đau bụng, tiêu chảy khi mang thai, mẹ bầu nên tránh ăn một số thực phẩm nhằm ngăn ngừa tình trạng này không tồi tệ thêm.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu những nguyên nhân khiến bạn bị tiêu chảy khi mang thai, cách khắc phục và những thực phẩm cần tránh để đảm bảo sức khỏe cho cả bạn và bé.

Nguyên nhân khiến bạn bị tiêu chảy khi mang thai

Nếu bạn phải đi tiêu nhiều hơn 3 lần/ngày hoặc đi tiêu phân lỏng, bạn có thể bị tiêu chảy. Tiêu chảy khi mang thai không phải là tình trạng hiếm gặp. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn rơi vào tình trạng xấu này, điển hình như:

  • Nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh đường ruột
  • Nhiễm ký sinh trùng gây bệnh đường tiêu hóa
  • Ngộ độc thực phẩm
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Viêm dạ dày ruột cấp tính do virus: Tình trạng này thường gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chuột rút, đau toàn thân, sốt nhẹ và mệt mỏi.
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Bệnh Crohn
  • Bệnh celiac
  • Viêm loét đại tràng

Ngoài ra, mẹ bầu có thể bị tiêu chảy nếu rơi vào các trường hợp sau:

  • Thay đổi quá nhiều trong chế độ ăn uống: Nhiều phụ nữ có sự thay đổi khẩu vị, thói quen ăn uống một cách đáng kinh ngạc khi mới mang thai. Sự thay đổi đột ngột này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa khiến mẹ bầu có nguy cơ cao bị tiêu chảy.
  • Trở nên nhạy cảm hơn với một số thực phẩm: Trong thời gian mang thai, một số mẹ bầu gặp tình trạng bỗng trở nên nhạy cảm với một số loại thực phẩm mà trước kia bản thân vẫn sử dụng mà không gặp phải vấn đề gì. Điều này có thể khiến mẹ bầu bị đầy hơi, đau bụng dẫn tới tiêu chảy.
  • Viên uống bổ sung khi mang thai: Việc dùng các viên uống bổ sung khi mang thai có thể khiến dạ dày của mẹ bầu gặp vấn đề và gây ra tình trạng tiêu chảy.
  • Hormone thay đổi: Việc mẹ bầu bị táo bón khi mang thai là do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể khiến tốc độ làm việc của hệ tiêu hóa bị chậm lại. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị tiêu chảy nếu sự thay đổi nồng độ hormone gây ra sự tăng tốc ở hệ thống này.

Ở một số thai phụ, tình trạng tiêu chảy xảy ra vào cuối thai kỳ có xu hướng trở nên phổ biến. Nguyên do có thể là ở giai đoạn này, cơ thể bạn đang chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ nên dẫn tới tình trạng kể trên. Tuy nhiên, bạn không nên xem đây là dấu hiệu chuyển dạ sớm bởi như trên đã nói có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy khi mang thai. Do đó, nếu bị tiêu chảy, bạn nên đi khám ngay để phòng ngừa tình trạng mất nước, mệt mỏi…

Nếu có nhu cầu tìm hiểu về quá trình chuyển dạ, bạn hãy tham khảo bài viết Tìm hiểu về các giai đoạn chuyển dạ

12 thực phẩm cần tránh nếu bị tiêu chảy khi mang thai

Có một số thực phẩm bạn nên tránh sử dụng trong thời gian bị tiêu chảy khi mang thai, bao gồm:

1. Cà ri

Lý do bạn nên tránh ăn cà ri trong trường hợp này là do đây là món ăn cay, nóng và nhiều dầu mỡ không tốt cho người đang gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Chất béo và dầu có nhiều trong món ăn sẽ khiến hệ thống tiêu hóa của bạn trở nên quá tải. Cơ thể cần nhiều nước hơn để có thể tiêu hóa được những thành phần này. Tình trạng tiêu chảy làm bạn mất nước nên việc ăn món này là một chọn lựa không tốt cho sức khỏe.

2. Khoai tây chiên

Cũng như cà ri, khoai tây chiên có hàm lượng chất béo cao nên đây là một món ăn vặt khó tiêu hóa không phù hợp cho người bị tiêu chảy.

3. Thịt đỏ

Bản chất của các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt bê, thịt cừu… là giàu đạm nên khó tiêu hóa. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất khiến bạn không nên ăn loại thịt này nếu đang bị tiêu chảy khi mang thai. Việc ăn thịt đỏ chưa được nấu chín trong các món như phở tái, thịt trâu nhúng giấm, bê thui… có thể khiến tình trạng sức khỏe của bạn tồi tệ hơn. Nguyên do là nếu các loại thịt này không được bảo quản hay chế biến đúng cách, nguy cơ các loại thịt này bị nhiễm khuẩn là rất cao. Từ đó dễ khiến bà bầu bị tiêu chảy và ảnh hưởng đến sức khỏe.

4. Hải sản

Các loại hải sản có chứa một lượng nhỏ thủy ngân vô cơ. Đây là một chất mà cơ thể phụ nữ mang thai không thể tiêu hóa. Do đó, bà bầu bị tiêu chảy cần kiêng ăn hải sản để ngăn tình trạng này thêm trầm trọng. Ngoài ra, thủy ngân vô cơ có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Trong thời gian này, nếu muốn ăn cá, bạn nên ăn cá nước ngọt.

5. Sữa tươi nguyên chất

Tiêu chảy khi mang thai

Nếu có thói quen uống sữa tươi, bạn nên cắt giảm lượng sữa sử dụng trong thời gian bị tiêu chảy. Nhiều mẹ bầu uống sữa bị đau bụng có thể do sữa tươi có nguy cơ cao nhiễm các vi khuẩn có hại nếu không được bảo quản đúng cách.

Ngoài ra, việc mẹ bầu uống sữa tươi đun sôi khi bị tiêu chảy cũng được khuyến cáo là không nên. Lý do đơn giản là sữa chứa nhiều hợp chất phức tạp khó tiêu hóa nên có thể khiến hệ tiêu hóa của mẹ bầu thêm quá tải.

6. Phô mai mềm

Nhiều phụ nữ mang thai có xu hướng dùng phô mai như một bữa ăn nhẹ. Tuy nhiên, nếu bị đau bụng tiêu chảy khi mang thai, bạn nên tránh ăn loại thực phẩm này. Giống như sữa tươi, phô mai mềm cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn nên không tốt cho những ai bị tiêu chảy. Hơn nữa, phô mai mềm có hàm lượng chất béo khá cao nên rất khó để tiêu hóa.

7. Bánh pizza

Giống như khoai tây chiên, pizza có chứa chất béo không lành mạnh. Đó là lý do tại sao mẹ bầu bị tiêu chảy cần tránh ăn loại thức ăn nhanh có hại cho sức khỏe tiêu hóa.

8. Cà phê, thức uống có ga

Khi bị tiêu chảy, bạn cần uống nhiều nước nhằm ngăn ngừa tình trạng mất nước. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng những loại thức uống như cà phê, nước ngọt có ga. Cà phê và nước ngọt có ga là những thức uống lợi tiểu nên có thể làm cho tình trạng mất nước của mẹ bầu trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, hàm lượng caffeine cao có trong những đồ uống này có thể gây ra vấn đề cho hệ tiêu hóa của bạn.

9. Bánh mì

Khi bị tiêu chảy, bạn nên hạn chế ăn bánh mì. Nguyên do là loại thực phẩm bày bán sẵn này có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao vì thường không được bảo quản đúng cách. Hơn nữa, các thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao thường khó tiêu hóa nên không thích hợp cho người bị tiêu chảy.

10. Đu đủ

Đu đủ có chứa các hợp chất gây co bóp tử cung. Loại trái cây này còn có tác dụng giúp thư giãn cơ bắp và đẩy nhanh quá trình tiêu hóa. Đây là điều mà mẹ bầu nên hạn chế nếu đang bị tiêu chảy.

11. Dứa (thơm, khóm)

Dứa có chứa romelain − một loại enzyme làm tăng nguy cơ sẩy thai và tiêu chảy. Do đó, mẹ bầu bị đau bụng tiêu chảy nên tránh ăn loại trái cây này.

Bạn có thể tham khảo bài viết Những điều mẹ bầu cần cân nhắc khi ăn dứa (thơm) để biết thêm nhiều thông tin hữu ích.

12. Socola

Các món đồ ngọt như socola rất khó tiêu hóa. Trong thực tế, để có thể tiêu hóa bất kỳ một món ăn ngọt nào, cơ thể chúng ta cần có một lượng lớn chất lỏng. Tình trạng bị tiêu chảy khi mang thai đã khiến cơ thể mẹ bầu mất đi một lượng nước đáng kể. Đây là lý do giải thích tại sao bạn không nên ăn socola hay bất kỳ món đồ ngọt nào khi gặp phải vấn đề sức khỏe này.

Các biện pháp khắc phục tình trạng tiêu chảy khi mang thai

Tiêu chảy khi mang thai

Trong một số trường hợp tiêu chảy khi mang thai có thể không cần điều trị bằng thuốc nếu không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Nếu bị tiêu chảy, mẹ bầu hãy làm theo các hướng dẫn sau:

  • Đợi trong vòng một vài ngày: Nếu bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, nhiễm virus, vi khuẩn, bạn sẽ tư khỏi trong khoảng vài ngày. Do đó, biện pháp hữu hiệu lúc này là uống đủ nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Hãy xem xét thuốc của bạn: Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là do tác dụng phụ của một loại thuốc mà bạn đang dùng thì cơ thể bạn thường có xu hướng tự điều chỉnh nên tình trạng tiêu chảy có thể dừng lại sau vài ngày. Nếu không, hãy đi khám ngay.
  • Tránh ăn những thực phẩm kể trên để ngăn không cho tình trạng tồi tệ thêm.
  • Đi khám: Hãy đi khám ngay nếu tình trạng tiêu chảy không hết sau 2 – 3 ngày. Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, chỉ định bạn làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân khiến bạn bị tiêu chảy.
  • Không tự ý dùng thuốc: Bạn không được dùng bất kỳ một loại thuốc điều trị tiêu chảy nào nếu không được kê đơn vì chúng có thể gây hại cho bạn và bé yêu.
  • Uống đủ nước: Điều quan trọng nếu bị tiêu chảy khi mang thai là bạn phải đảm bảo cơ thể không bị mất nước. Tình trạng mất nước khi bị tiêu chảy có thể xảy ra rất nhanh và nghiêm trọng, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Bạn có thể uống nước lọc, nước trái cây, nước có pha muối biển khô… để bù lại lượng nước, một số chất điện giải, vitamin và khoáng chất đã bị mất trong quá trình bị tiêu chảy.

Hãy đi khám ngay nếu bạn nhận thấy nước tiểu có màu vàng sẫm, có cảm buồn nôn, đau đầu, luôn khát nước, miệng khô, dính, đau bụng, phân có lẫn máu… Đây là những triệu chứng cảnh báo bạn đang trong tình trạng nguy hiểm và cần được hỗ trợ y tế.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

11 foods to avoid with Prengancy Diarrhea https://parentinghealthybabies.com/foods-avoid-pregnancy-diarrhea/ Ngày truy cập 01/03/2019

Remedies for Diarrhea During Pregnancy https://www.healthline.com/health/pregnancy/diarrhea-remedies#hydration Ngày truy cập 01/03/2019

Diarrhea During Pregnancy https://www.babycenter.com/0_diarrhea-during-pregnancy_20000032.bc Ngày truy cập 01/03/2019

Diarrhea in Pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/is-it-safe/diarrhea-in-pregnancy/ Truy cập ngày 22/11/2021

Diarrhoea and vomiting in pregnancy

https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-symptom-checker/diarrhoea-and-vomiting-pregnancy Truy cập ngày 22/11/2021

Constipation and diarrhea in pregnancy

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9546090/ Truy cập ngày 22/11/2021

Phiên bản hiện tại

22/11/2021

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Đau răng khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử lý an toàn, hiệu quả

Bật mí cách giảm cân khi mang thai an toàn, phù hợp với nhiều mẹ bầu!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 22/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo