backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Đau bụng tiêu chảy là bệnh gì? Bạn nên làm sao để giảm triệu chứng?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 27/03/2023

    Đau bụng tiêu chảy là bệnh gì? Bạn nên làm sao để giảm triệu chứng?

    Đau bụng tiêu chảy là triệu chứng khá quen thuộc với nhiều người chúng ta. Thế nhưng, đừng vì vậy mà lơ là bởi nếu bạn không quan tâm đúng mực sẽ đưa đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. 

    Đau bụng tiêu chảy xảy ra cùng lúc có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như do rối loạn tiêu hóa, do nhiễm virus (bệnh cúm dạ dày) hoặc do các bệnh về đường ruột. Hiểu rõ một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng này sẽ giúp bạn có nhận định chính xác về các triệu chứng mình gặp phải để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh chủ quan, lơ là để khi nhập viện thì đã rơi vào tình trạng nặng. 

    Đau bụng tiêu chảy là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu? 

    Tình trạng đau âm ỉ, đau quặn từng cơn đi kèm với đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày có thể là do:

    1. Viêm dạ dày ruột

    Đau bụng tiêu chảy là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm dạ dày ruột hay cúm dạ dày. Đây là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra như virus Rota, vi khuẩn E.coli, Salmonella hoặc ký sinh trùng đơn bào. 

    Viêm dạ dày ruột có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng lại rất hay bị bỏ qua do triệu chứng quá thường gặp. Cụ thể, ngoài đau bụng tiêu chảy ra nước nhiều lần trong ngày, người bệnh còn có thể buồn nôn và nôn, dẫn đến mất nước và gây nguy hiểm đến tính mạng.

    2. Đau bụng tiêu chảy liên tục do ngộ độc thực phẩm

    Ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân gây đau bụng tiêu chảy buồn nôn được nghĩ đến nhiều nhất. Nếu là do ngộ độc thực phẩm, tình trạng đau bụng đi ngoài sẽ có những triệu chứng đặc trưng như: 

    • Đau bụng quặn từng cơn đi kèm với tiêu chảy 
    • Đi ngoài nhiều lần trong ngày (có thể hơn 4 lần), phân sống, lỏng, nát, có thể lẫn chất nhầy hoặc máu 
    • Buồn nôn và nôn 
    • Có thể bị sốt, hầu hết là sốt nhẹ.

    3. Phản ứng với thực phẩm

    đau bụng tiêu chảy

    Đau bụng tiêu chảy cũng có thể là do cơ thể phản ứng với một số thực phẩm hoặc do sự thay đổi đột ngột trong thói quen ăn uống. Nếu do nguyên nhân này, các triệu chứng thường không kéo dài, đa phần sẽ hết sau khi ăn vài giờ. Thông thường, nếu bạn ăn vào là đau bụng đi ngoài sẽ do: 

  • Thức ăn giàu chất béo 
  • Nhạy cảm với thực phẩm 
  • Mắc các bệnh không dung nạp với một số thành phần trong trong thực phẩm, chẳng như bệnh Celiac
  • 4. Ăn quá nhiều cũng có thể gây đau bụng tiêu chảy

    Việc ăn quá nhiều có thể khiến hệ tiêu hóa phải làm việc hết công suất để xử lý một lượng thức ăn khổng lồ. Điều này có thể dẫn đến chứng khó tiêu, gây đau bụng tiêu chảy. Đa phần, tình trạng này thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ do bé chưa phân biệt được cảm giác no và đói nên có thể dẫn đến ăn quá nhiều. 

    Đa phần đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu do ăn quá nhiều thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.

    5. Tiêu chảy đau bụng do mắc các bệnh về đường ruột

    Đau bụng quặn từng cơn kèm tiêu chảy có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý mạn tín về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm ruột (IBD) – bao gồm bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Ngoài đau bụng đi ngoài, bạn có thể nghi ngờ mình mắc phải những bệnh lý này nếu có các triệu chứng sau: 

    • Đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn đi cùng với tình trạng đi ngoài phân sống, lỏng, nát nhiều lần trong ngày
    • Nếu là hội chứng ruột kích thích thì phân không có lẫn máu hoặc chất nhầy, nhưng nếu bị viêm ruột thì có thể có dấu hiệu này 
    • Đầy hơi, chướng bụng 
    • Sút cân, mệt mỏi.

    6. Căng thẳng, lo lắng: Nguyên nhân gây đau bụng đi ngoài ít ai ngờ

    Tình trạng căng thẳng, lo lắng thái quá có thể kích thích nhu động ruột, dẫn đến đau bụng tiêu chảy. Không những vậy, căng thẳng còn làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng ruột kích thích hoặc khiến cho triệu chứng của tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. 

    Trong nhiều nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra giữa não và ruột tồn tại một mối liên hệ khá mật thiết. Điều này lý giải tại sao căng thẳng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bạn nên cố gắng giảm căng thẳng bằng cách:  

  • Thực hành thiền và các kỹ thuật hít thở sâu 
  • Tập thể dục thường xuyên 
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: ngủ đủ giấc, dành thời gian làm những việc yêu thích như nghe nhạc, đọc sách và tránh làm việc quá sức.  
  • 7. Uống rượu hoặc dùng thuốc cũng có thể gây đau bụng tiêu chảy

    Thói quen uống nhiều rượu, bia có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa, dẫn đến đau bụng, đi ngoài phân lỏng, nôn và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Nếu có thói quen sử dụng rượu bia, mỗi ngày, phụ nữ chỉ nên uống tối đa 1 ly rượu và nam giới chỉ nên uống tối đa 2 ly mà thôi.  

    Việc sử dụng thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây đau bụng đi ngoài:

    Nhìn chung, nguyên nhân gây đau bụng đi ngoài phổ biến nhất là cúm dạ dày, ngộ độc thực phẩm và khó tiêu. Với những nguyên nhân này, các triệu chứng thường kéo dài không quá 4 ngày. Những trường hợp kéo dài hơn 1 tuần hoặc tái đi tái lại thì nguyên nhân có thể là do các bệnh lý về đường ruột. 

    Cách trị đau bụng tiêu chảy tại nhà: Bị đau bụng tiêu chảy nên ăn gì? 

    đau bụng tiêu chảy

    Khi có các triệu chứng, bạn có thể thử những cách trị đau bụng tiêu chảy tại nhà ban đầu như bù nước càng nhiều càng tốt, nghỉ ngơi. Sau đó, nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. 

    Bị đau bụng tiêu chảy nên ăn gì là thắc mắc rất phổ biến. Bạn nên ăn các món loãng như súp, cháo, nước hầm xương để dễ tiêu hóa và bù nước cho cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể ăn các món như cơm, bánh mì, chuối, sốt, táo… dễ tiêu hóa và cung cấp chất dinh dưỡng tốt, làm đặc phân.

    Để giảm bớt khó chịu do đau bụng, bạn có thể uống nước trà gừng, trà bạc hà… hoặc dùng thêm các thực phẩm giúp bổ sung lợi khuẩn để cân bằng hệ vi sinh đường ruột như sữa chua, trà kombucha… 

    Quan trọng nhất vẫn là bạn nên chú ý uống nhiều nước (như nước lọc, trà, nước trái cây, nước dừa, dung dịch bù nước đường uống oresol) để tránh nguy cơ mất nước.  

    Chú ý theo dõi các triệu chứng, đi khám ngay nếu đau bụng đi ngoài phân lỏng kéo dài hơn ba ngày, cơn đau ngày càng nghiêm trọng 24 giờ hoặc đi kèm với những triệu chứng như: 

    • Nôn mửa liên tục  
    • Sốt hơn 38 độ C 
    • Phân có lẫn máu hoặc máu khô (trông giống như bã cà phê ướt) 
    • Khát hoặc khô miệng, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi 
    • Mất ý thức 
    • Vàng da hoặc mắt 
    • Co giật 
    • Hoa mắt, chóng mặt 
    • Tim đập nhanh… 

    Nhìn chung, đau bụng tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về cơ bản, việc bù nước khi bị tiêu chảy là rất quan trọng. Hơn nữa, dù bạn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì vẫn nên chú ý đến an toàn thực phẩm để hạn chế nguy cơ tiêu chảy và đau bụng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 27/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo