Sảy thai tái phát có thể do rất nhiều nguyên nhân nhưng cũng có một số ít trường hợp các chuyên gia vẫn chưa lý giải được tại sao phụ nữ lại gặp phải tình trạng này. Theo thống kê, cứ 100 phụ nữ thì lại có một người gặp phải tình trạng sảy thai tái phát. Nguy cơ này sẽ tăng khi tuổi tác càng lớn.
Sảy thai luôn là nỗi sợ hãi đối với các cặp đôi đang chuẩn bị làm cha mẹ, đặc biệt là những người đã trải qua tình trạng này nhiều lần. Sảy thai tái phát khá là phổ biến, những người phụ nữ gặp phải tình trạng này ngoài tổn thương về thể chất, họ còn đối mặt với nỗi đau tinh thần rất lớn. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu nguyên nhân của tình trạng này và cách khắc phục nhé.
Sảy thai liên tục có thể tạo nên nỗi đau rất lớn với người phụ nữ. Thậm chí, có người còn mất hy vọng trở thành mẹ trong tương lai. Nếu bạn cũng đang trải qua nỗi đau này, đừng đánh mất niềm tin bởi thực tế có rất nhiều trường hợp phụ nữ đã mang thai và sinh con thành công sau khi sảy thai liên tục.
Sảy thai tái phát là gì?
Sảy thai tái phát, hay sảy thai liên tục, là tình trạng sảy thai 3 lần liên tiếp nhau lúc thai nhỏ hơn 20 tuần tuổi hoặc trọng lượng thai nhỏ hơn 500 g. Sảy thai liên tục khác với sảy thai gián đoạn là sảy thai gián đoạn có những lần thai kỳ bình thường giữa những lần sảy thai. Có hai dạng sảy thai liên tục là:
- Sảy thai liên tục nguyên phát: sản phụ chưa sinh em bé nào sống trước đó.
- Sảy thai liên tục thứ phát: sản phụ đã từng sinh thành công ít nhất một em bé.
Tỷ lệ phụ nữ sảy thai liên tục chiếm 0.5 – 1% số ca mang thai. Những phụ nữ đã có 3 lần sảy thai liên tục thì tỷ lệ cơ hội con sống những lần sinh tiếp theo chỉ là 50% và tỷ lệ sinh non cũng cao 20% so với bình thường.
Nguyên nhân gây sảy thai tái phát
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định nguyên nhân sảy thai liên tiếp một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng tình trạng này có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe nhất định của người mẹ:
- Hội chứng Antiphospholipid: (hay còn gọi là hội chứng kháng thể kháng phospholipid) Đây là bệnh lý thuộc nhóm tự miễn, khi mắc phải, các kháng thể trong hệ miễn dịch sẽ nhận nhầm phospholipid là chất có hại và tấn công, trong khi phospholipid lại là thành phần đóng vai trò cấu trúc nên các tế bào. Hậu quả là khiến cho các tế bào bị tổn thương, dẫn đến sự hình thành các khối máu đông ở động mạch, tĩnh mạch và chính các cục máu đông là nguyên nhân của 15 – 20% các trường hợp sảy thai tái phát.
- Gen: Nếu nhiễm sắc thể của bạn hoặc chồng bất thường thì có thể dẫn đến sảy thai. Sảy thai do thai bị rối loạn nhiễm sắc thể chiếm 50 – 85% các trường hợp sảy thai. Tuy nhiên, tỷ lệ thai bị rối loạn nhiễm sắc thể ở những phụ nữ sảy thai liên tục khá thấp, chỉ khoảng 3 – 5%.
- Rối loạn đông máu do di truyền: Cũng giống như hội chứng Antiphospholipid, hiện tượng rối loạn đông máu do di truyền hay còn gọi là thrombophilia khiến phụ nữ có những cục máu đông bất thường và gia tăng nguy cơ sảy thai.
- Tử cung bất thường: Cổ tử cung yếu, hở, hình dạng tử cung bất thường hoặc bị u xơ cũng có thể dẫn đến sảy thai tái phát. Nguyên nhân này chiếm khoảng 15% các trường hợp.
- Nhiễm trùng âm đạo: Viêm âm đạo do vi khuẩn cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và dẫn đến sinh non. Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng khác như listeriosis, toxoplasmosis, herpes, sởi… cũng có thể là nguyên nhân gây sảy thai.
- Tử cung có vách ngăn: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất có liên quan đến sảy thai. Thay vì có hình dạng một khoang trống như ở những phụ nữ khỏe mạnh, tử cung lúc này được ngăn thành hai phần bởi một vách mô.
- Các vấn đề về nội tiết tố: Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây sảy thai tái phát. Mẹ bầu bị buồng trứng đa nang cũng có thể là “thủ phạm” dẫn đến sảy thai.
- Rối loạn nội tiết: Việc mẹ bầu bị các rối loạn như suy giáp, đái tháo đường, nếu không được điều trị, cũng có thể gây sảy thai.
- Tuổi tác cũng có thể là lý do của hiện tượng này. Bạn càng lớn tuổi, nguy cơ sảy thai càng cao. Khi bước sang tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng sẽ bắt đầu giảm dần. Điều này có thể dẫn đến sự bất thường về nhiễm sắc thể ở bé và làm tăng khả năng sảy thai.
- Lối sống: Tình trạng nghiện rượu, uống cà phê, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, làm việc trong môi trường căng thẳng, sống trong môi trường ô nhiễm trong thời gian kéo dài và không được điều chỉnh sau các lần sẩy thai có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ sảy thai.
Nếu đã thực hiện tất cả các thăm khám, xét nghiệm lâm sàng mà kết quả thu được đều bình thường thì có thể nghĩ đến trường hợp sẩy thai liên tục không rõ nguyên nhân. Khoảng 75% trường hợp sản phụ sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân sẽ có thai mà không cần điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Chẩn đoán nguyên nhân sảy thai tái phát như thế nào?
Các bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng để tìm ra nguyên nhân thực sự của tình trạng sảy thai tái phát. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đề nghị bạn siêu âm để đánh giá buồng trứng và tử cung. Xét nghiệm máu cũng có thể được đề nghị để xem bạn hoặc chồng có nhiễm sắc thể bất thường hay không.
Điều trị sảy thai tái phát như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân được chẩn đoán. Tất nhiên, với những trường hợp sảy thai không rõ nguyên nhân, các bác sĩ sẽ theo dõi và cho bạn lời khuyên. Dưới đây là một số phương pháp điều trị cụ thể:
- Tư vấn di truyền: Nên nhờ các chuyên gia về tư vấn di truyền nếu bạn mắc phải rối loạn nhiễm sắc thể. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp với xét nghiệm di truyền đặc biệt, hay còn gọi là chẩn đoán di truyền tiền ghép, sẽ giúp cho việc chọn phôi không bị ảnh hưởng.
- Tiêm hormone progesterone: Các bác sĩ có thể cho bạn tiêm hormone progesterone để thư giãn các cơ và giảm nguy cơ sảy thai.
- Hội chứng kháng phospholipid: Các bác sĩ sẽ kê toa thuốc ngăn ngừa cục máu đông chẳng hạn như heparin, đôi khi kết hợp với việc sử dụng aspirin liều thấp trong suốt thai kỳ và trong một vài tuần sau đó.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật khắc phục các dị tật tử cung, ví dụ như loại bỏ vách ngăn trong tử cung, có thể giúp tăng cơ hội mang thai thành công.
Nếu không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chế độ dưỡng thai tích cực như bổ sung nội tiết cho thai phụ để dưỡng thai.
Trong những lần mang thai tiếp theo, mẹ bầu cần khám thai thường xuyên, theo dõi sát thai kỳ. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu đau bụng dưới hoặc ra máu âm đạo, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định tình trạng thai.
Có rất nhiều trường hợp đã mang thai và sinh con thành công sau khi sảy thai liên tục. Chính vì vậy, bạn đừng quá bi quan. Nếu cảm thấy quá khó chịu, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Điều quan trọng là bạn phải lạc quan và tích cực – hai yếu tố sẽ rất cần thiết để bạn có một thai kỳ bình thường và một em bé khỏe mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Ngân Phạm/HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]