backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bầu ho nhiều có sao không? Mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 18/01/2024

    Bầu ho nhiều có sao không? Mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    Ho là triệu chứng thường gặp khi mang thai, đôi khi có thể trở nên dai dẳng hay thậm chí là ho mãn tính. Điều này khiến thai phụ khó chịu và lo lắng không biết liệu bầu ho nhiều có sao không, mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không?”

    Điều gì sẽ xảy ra nếu phụ nữ mang thai tác động lực giật liên tục lên xương sườn và bụng trong nhiều ngày liền mỗi khi ho? Ho ít và ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không? Để biết được mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

    Giải đáp thắc mắc: Mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    1. Mẹ bầu ho do cảm lạnh thông thường có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không

    Nếu bạn đang băn khoăn không biết mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không nếu nguyên nhân gây ho là do cảm lạnh, ngứa họng, khô cổ họng… thì đây là câu trả lời bạn cần tìm.

    Theo các chuyên gia, một cơn ho nhẹ do kích thích tại vùng hầu họng hay ho do cảm lạnh thông thường sẽ không gây rủi ro cho em bé trong bụng mẹ. 

    Lý giải về điều này, các chuyên gia y tế cho rằng, những loại virus gây cảm lạnh thông thường sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi (nhưng lại gây phiền nhiễu cho người mẹ). Em bé trong bụng mẹ được bảo vệ bên trong cơ tử cung và được bao quanh bởi nước ối. Những yếu tố này hoạt động như một tấm đệm giảm xóc chống lại các chuyển động liên quan đến ho. Vì vậy, khi bụng của mẹ bầu di chuyển lên xuống trong quá trình ho, em bé sẽ hoàn toàn ổn và dường như không cảm nhận được sự chuyển động này.

    Do đó, phụ nữ mang thai có thể yên tâm rằng, câu trả lời cho vấn đề “Mẹ bầu ho do cảm lạnh thông thường có ảnh hưởng đến thai nhi không?” là: Bản thân hành động ho do cảm lạnh thông thường hay kích ứng cổ họng sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, chỉ cần mẹ bầu điều trị cảm lạnh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

    2. Mẹ bầu ho do bệnh nghiêm trọng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không

    Mặc dù những cơn ho nhẹ do cảm lạnh thông thường hoặc ngứa rát cổ họng sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng những cơn ho nặng hơn do một số nguyên nhân nghiêm trọng tiềm ẩn gây ho có thể gây hại cho em bé, chẳng hạn như:

    • Ho do nhiễm trùng: Các cơn ho do nhiễm trùng nghiêm trọng như rubella, parvovirus, coronavirus, cúm… ở mẹ bầu có thể gây hại cho cả mẹ lẫn em bé. Nếu những bệnh này không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan rộng khắp cơ thể. Tình trạng nhiễm trùng thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, cân nặng khi sinh và những bất thường về sinh lý ở em bé. Hơn nữa, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nghiêm trọng của các bệnh do virus gây ho như COVID-19 và cúm. 
    • Ho do hen suyễn: Mẹ bầu ho do hen suyễn có ảnh hưởng đến thai nhi không? Nếu ho do hen suyễn và thai phụ không nhận đủ oxy, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến em bé. 
    • Ho gà: Nếu phụ nữ mang thai bị ho gà, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh này từ mẹ. Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương do ho gà gây ra.
    • Ho do viêm phổi, viêm phế quản: Ho nặng do viêm phổi có thể làm trầm trọng thêm quá trình chuyển dạ ở những người đã có nguy cơ sinh non.

    Do đó, lời khuyên dành cho bà bầu bị ho, dù bà bầu bị ho 3 tháng đầu hay bà bầu bị ho 3 tháng giữa là hãy đi khám khi ho hoặc nếu có dấu hiệu của bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ sẽ giúp mẹ chẩn đoán nguyên nhân gây ho và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Đặc biệt, nếu bà bầu bị ho nhiều kèm sốt, nhất là trong thời kỳ đầu mang thai thì nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc căn bệnh tiềm ẩn nào đó có thể gây hại cho em bé đang phát triển trong bụng mẹ.

    3. Mẹ bầu ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    mẹ bầu ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không

    Không ít người cho rằng những cơn ho dai dẳng, ho mạnh có thể dẫn đến những cơn gò tử cung, gây động thai sớm hay thậm chí là dọa sinh non, nhất là trong giai đoạn thai gần đủ tháng. Thực hư điều này thế nào? Liệu mẹ bầu ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?

    Như đã đề cập, một số nguyên nhân gây ho kéo dài có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, nhưng bản thân cơn ho dai dẳng không gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng mẹ. 

    Mặc dù vậy, phụ nữ mang thai nên lưu ý một số vấn đề sau liên quan đến cơn ho dai dẳng trong thai kỳ:

    • Cơn ho dữ dội có thể gây đau bụng và căng dây chằng tròn: Cơn ho có thể khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu ở bụng từ nhẹ đến trung bình do thành bụng và có thể một số dây chằng tròn bị kéo căng. Lúc này, mẹ bầu có thể cảm thấy rất khó chịu và đau cơ bụng liên tục. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người lo lắng mẹ bầu ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không, mẹ bầu ho bị đau bụng dưới có sao không. Tuy nhiên, cơn ho dữ dội không gây co bóp tử cung, cũng không đẩy nhau thai ra ngoài và không gây ra bất kỳ tổn hại về thể chất nào cho mẹ và bé.
    • Ho thường xuyên có thể ảnh hưởng tâm sinh lý: Những bà bầu bị ho nặng, ho dai dẳng thường cảm thấy căng thẳng, lo lắng rằng cơn ho sẽ gây hại cho em bé hoặc đó là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh nghiêm trọng. Điều này trong một số trường hợp sẽ gây căng thẳng cả về tâm lý và sinh lý cho mẹ bầu. Khi cơ thể bị căng thẳng, hormone cortisol sẽ được giải phóng. Loại hormone này có thể vượt qua hàng rào nhau thai và tác động tiêu cực đến thai nhi đang phát triển. Trẻ sinh ra từ những bà bầu bị căng thẳng cực độ, lo lắng hoặc chấn thương tâm lý có thể gặp các vấn đề về thể chất, nhẹ cân. Do đó, nếu cơn ho khiến mẹ bầu căng thẳng quá mức, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ sản khoa hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần chuyên về phụ nữ mang thai.
    • Ho dai dẳng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thai phụ và thai nhi: Mẹ bầu ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không? Một cơn ho dữ dội thường khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, lo lắng và do đó khó có thể ăn uống đầy đủ chất. Những cơn ho kèm theo sốt có thể khiến bà bầu chán ăn, bỏ bữa. Điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe mẹ và em bé.

    Nguyên nhân khiến bà bầu bị ho

    mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không

    Như vậy là bạn đã biết được câu trả lời chi tiết nhất đối với từng trường hợp cụ thể về vấn đề mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không. Tiếp theo đây, mời bạn cùng khám phá một số nguyên nhân cơ bản gây ra triệu chứng ho thường xuyên ở phụ nữ mang thai.

    Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến mẹ bầu thường bị ho trong thai kỳ, chẳng hạn như:

    • Thay đổi nội tiết tố: Mặc dù đây không phải là nguyên nhân gây ho nhưng những thay đổi hormone trong thai kỳ có thể khiến phụ nữ nhạy cảm hơn một chút với tác nhân gây dị ứng hoặc dễ bị nhiễm virus đường hô hấp hơn.
    • Cảm lạnh thông thường: Ho có thể là do bệnh đường hô hấp trên nhẹ còn được gọi là cảm lạnh thông thường. 
    • Nhiễm trùng nghiêm trọng, nhiễm virus nguy hiểm: Sự thay đổi miễn dịch trong thai kỳ khiến mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng, nhiễm virus nặng gây ho.
    • Dị ứng: Nếu mẹ bầu từng bị dị ứng, các triệu chứng dị ứng như ho, hắt hơi… trong thai kỳ có thể trầm trọng hơn. Thậm chí, thai phụ có thể bị dị ứng với những tác nhân mà trước khi mang thai không hề gây phản ứng dị ứng.
    • Bệnh nguy hiểm: Những căn bệnh nghiêm trọng như hen suyễn, viêm phổi, ho gà, viêm phế quản… có thể khiến bà bầu bị ho.

    Bà bầu bị ho phải làm sao? Cần lưu ý gì?

    mẹ bầu ho nhiều cần chú ý gì

    Chắc hẳn là bạn đã không còn băn khoăn liệu mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không. Vậy, khi bị ho, bà bầu ho nhiều phải làm sao, mẹ bầu bị ho phải làm sao? Nếu chẳng may bà bầu bị ho nhiều,  ho có đờm, hãy ghi nhớ một số điều sau:

    • Tránh tiếp xúc lâu với những nơi có nhiệt độ lạnh.
    • Hạn chế tiếp xúc với những nơi ô nhiễm nặng hoặc bụi bặm, đông người.
    • Uống đủ nước mỗi ngày, đồng thời nên uống trà ấm pha với mật ong và chanh để hỗ trợ giảm ho tại nhà một cách tự nhiên.
    • Đảm bảo cổ họng được giữ ẩm là chìa khóa để giảm và kiểm soát cơn ho hiệu quả.
    • Ngủ đủ giấc và dành thời gian nghỉ ngơi.
    • Vào ban đêm, mẹ bầu có thể ôm gối hoặc đệm khi ho. Cách này giúp giảm áp lực ở vùng bụng khi ho.
    • Nếu thai phụ ho dai dẳng, ho ra máu, ho kèm thở gấp hoặc khó thở, sốt, ớn lạnh hoặc run rẩy… hãy đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
    • Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là thuốc kháng sinh.
    • Giữ vệ sinh sạch sẽ, đánh răng và súc miệng bằng nước muối sinh lý đều đặn.
    • Tiêm vắc xin đầy đủ để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được câu trả lời cho vấn đề bầu ho có sao không, ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không. Đồng thời hiểu rõ mẹ bầu ho phải làm sao, nên làm gì để có biện pháp can thiệp đúng đắn khi gặp phải những cơn ho dai dẳng, khó chịu trong thời gian mang thai.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 18/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo