Mẹ bị viêm gan B có lây cho con không?
Viêm gan siêu vi B là bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, mẹ bầu bị viêm gan B đều rất lo sợ bé sẽ bị nhiễm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm viêm gan B từ người mẹ chỉ khoảng 40% và không phải trẻ nào cũng mang mầm bệnh đến suốt đời.
Ngoài ra, thời gian nhiễm bệnh trong thai kỳ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ lây nhiễm đến thai nhi. Nếu mẹ bầu bị viêm gan B trong 3 tháng đầu thì bé có nguy cơ bị nhiễm thấp hơn. Càng vào giai đoạn sau thì tỷ lệ bé nhiễm càng cao, tam cá nguyệt thứ 2 là khoảng 10% còn tam cá nguyệt thứ 3 có thể lên đến 60 hoặc 70%.
Viêm gan B có thể khiến chức năng gan của bé bị ảnh hưởng, về lâu dài có thể phát triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan. Ngoài ra, viêm gan B ở trẻ sơ sinh cũng có thể gây ra hiện tượng vàng da sơ sinh.
Mẹ bầu bị viêm gan B có thể có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng thai kỳ như:
- Tăng nguy cơ sinh non và sẩy thai
- Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ
- Tăng nguy cơ sinh con thiếu cân
- Gây tổn thương gan của bé trong giai đoạn bào thai.
Mẹ bầu bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ?
Trước đây, bạn thường nghe thai phụ bị viêm gan B sẽ phải sinh mổ để hạn chế lây nhiễm cho con? Thực tế là trong trường hợp này, bạn không nhất thiết phải sinh mổ. Nguyên nhân là do virus viêm gan B có thể lây sang bé nhưng căn nguyên của tình trạng lây nhiễm này là do virus có trong các hỗn hợp chất lỏng của cơ thể bạn được truyền qua bé khi sinh. Do đó, dù sinh thường hay sinh mổ thì bé cưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Đa số các nghiên cứu đều nói rằng bạn vẫn có thể cho con bú khi bị viêm gan B miễn là bé được tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch.
Thuốc điều trị viêm gan B cho bà bầu? Làm thế nào để tránh lây nhiễm cho bé?

Trong thai kỳ, nếu nghi ngờ mình bị viêm gan B, bạn nên đi xét nghiệm máu để biết mình có bị viêm gan B hay không. Nếu kết quả cho thấy mẹ bầu bị viêm gan B, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm sâu hơn để kiểm tra nồng độ virus viêm gan B trong máu.