backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách lấy ráy tai không đau bằng dầu ô liu có an toàn?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 09/07/2020

    Cách lấy ráy tai không đau bằng dầu ô liu có an toàn?

    Sử dụng dầu ô liu để lấy ráy tai là một trong những cách lấy ráy tai không đau khá phổ biến. Nhưng liệu phương pháp này có an toàn và hiệu quả không?

    Cùng tìm hiểu công dụng, cách dùng và các lưu ý khi lấy ráy tai bằng dầu ô liu trong bài viết sau.

    Đặc điểm của ráy tai

    Ráy tai là thành phần giúp giữ ẩm và bảo vệ cho tai. Bên cạnh đó, nó cũng giúp loại bỏ bụi bẩn và các tế bào chết trong tai.

    Mỗi người sẽ có một lượng ráy tai khác nhau. Người lớn tuổi và người có nhiều lông tai là những đối tượng có lượng ráy tai lớn hơn so với bình thường.

    Nhiều người cho rằng việc loại bỏ ráy tai là điều cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, ráy tai có thể tự thoát ra ngoài ống tai và được làm sạch một cách tự nhiên.

    Ráy tai

    Công dụng của dầu ô liu trong việc loại bỏ ráy tai

    Dầu ô liu ấm có thể được dùng để loại bỏ những mảng ráy tai khô cứng mắc kẹt trong ống tai. Dầu giúp ráy tai mềm hơn và dễ dàng thoát ra khỏi ống tai.

    Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng dầu ô liu có thể làm dịu các cơn đau do nhiễm trùng tai gây ra.

    Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng tăm bông để làm sạch tai. Tuy nhiên, tăm bông có thể đẩy ráy tai vào sâu bên trong, thậm chí là tổn thương màng nhĩ. Trong trường hợp này, dầu ô liu là một sự lựa chọn an toàn hơn.

    Dầu ô liu

    Dầu ô liu có thực sự hiệu quả như lời đồn?

    Năm 2013, một nghiên cứu đã được tiến hành nhằm chứng minh tác dụng của dầu ô liu trong việc lấy ráy tai. Các tác giả đã quan sát sự thay đổi lượng ráy tai ở những người nhỏ dầu ô liu vào tai mỗi đêm.

    Họ phát hiện ra rằng, lượng ráy tai ở những người sử dụng dầu ô liu thường xuyên có xu hướng tăng lên. Đồng thời, dầu ô liu cũng không giúp ráy tai thoát ra ngoài một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ráy tai có thể dễ dàng bị loại bỏ hơn khi dầu ô liu vừa được nhỏ vào.

    Cách lấy ráy tai không đau bằng dầu ô liu

    Một nghiên cứu năm 2010 cho biết, cách lấy ráy tai không đau bằng dầu ô liu hiệu quả hơn so với lấy ráy tai thông thường. Tuy nhiên, nó lại kém hiệu quả hơn so với triethanolamine polypeptide – một loại thuốc nhỏ tai mà bác sĩ thường sử dụng.

    Cách lấy ráy tai không đau bằng dầu ô liu

    Trước khi dùng dầu ô liu để lấy ráy tai, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cách lấy ráy tai không đau bằng dầu ô liu được thực hiện như sau:

    • Nằm nghiêng người với tai cần lấy ráy tai hướng lên trên.
    • Sử dụng ống nhỏ để nhỏ từ 2 đến 3 giọt dầu ô liu vào tai và kéo nhẹ tai. Điều này giúp dầu ô liu dễ dàng đi vào ống tai hơn. Bạn cũng có thể thấm dầu ô liu vào bông gòn và nhẹ nhàng nhỏ vào tai. Tuy nhiên, bạn nên chú ý tránh cho ống nhỏ và bông gòn tiếp xúc trực tiếp với ống tai.
    • Nhẹ nhàng xoa phần da trước tai, gần hàm, để giúp dầu đi xuống ống tai.
    • Nằm tại chỗ để dầu phát huy tác dụng. Nếu dầu chảy ra bên ngoài, bạn có thể sử dụng khăn giấy để thấm dầu.

    Sử dụng khăn giấy để thấm dầu

    Nhiều người thường có thói quen lấy ráy tai bằng dầu ô liu ấm. Bạn cần kiểm tra nhiệt độ của dầu trước khi cho vào tai, tránh nhỏ dầu quá nóng vào tai.

    Trong trường hợp dầu ô liu không có tác dụng, bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.

    Rủi ro khi lấy ráy tai bằng dầu ô liu

    Dùng dầu ô liu để lấy ráy tai là cách an toàn khi bạn sử dụng với một lượng nhỏ. Tuy nhiên, phương pháp này lại không hề được khuyến khích khi màng nhĩ của bạn đang bị tổn thương.

    Ngoài ra, lấy ráy tai bằng dầu ô liu có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định, chẳng hạn như như ngứa, nhiễm trùng tai ngoài, chóng mặt và kích ứng da. Đồng thời, những người dị ứng với dầu ô liu cũng không nên thử cách lấy ráy tai này.

    Nhiễm trùng tai ngoài

    Bạn cũng cần thận trọng khi áp dụng phương pháp này cho trẻ nhỏ. Tuyệt đối không sử dụng dầu ô liu khi quá nóng, vì nó có thể khiến trẻ bị bỏng.

    Những vấn đề cần lưu ý khi lấy ráy tai bằng dầu ô liu

    Theo Medical News Today, bạn nên tìm đến bác sĩ trong các trường hợp sau đây:

    • Tình trạng đau tai kéo dài
    • Nghi ngờ màng nhĩ bị tổn thương
    • Có các dấu hiệu của nhiễm trùng tai như đau và sưng

    Cách lấy ráy tai không đau bằng dầu ô liu có thể mang đến một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh phương pháp này hiệu quả hơn các biện pháp y tế. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho rằng dầu ô liu khiến cho tình trạng tích tụ ráy tai trở nên nghiêm trọng hơn.

    Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng một lượng dầu ô liu vừa đủ. Đồng thời, trước khi thực hiện, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

    Dung Nguyễn / HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 09/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo