Một trong những dấu hiệu sớm nhận biết có thai ở một số phụ nữ là ra máu báo thai. Thế nhưng, máu báo thai trông như thế nào, có chất nhầy hay không thì không phải ai cũng biết.
Đôi khi, các chị em thường hỏi nhỏ “Máu báo thai có chất nhầy không?” vì không hiểu rõ đặc điểm của tình trạng này. Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi cũng như tìm hiểu đặc tính của máu báo thai.
Máu báo thai là gì?
Máu báo thai xuất hiện khi trứng được thụ tinh (phôi) bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ. Hiện tượng này thường xảy ra trong khoảng thời gian gần đến ngày dự kiến có kinh nguyệt.
Tại thời điểm này trong chu kỳ kinh nguyệt, nội mạc tử cung dày và có nhiều mạch máu. Việc phôi làm tổ có thể gây bong tróc các niêm mạc, dẫn đến chảy máu báo thai. Tuy nhiên, khác với máu kinh, máu báo thai chỉ xuất hiện với một lượng rất ít, thường được gọi là “đốm máu”.
Thực tế, không phải ai cũng bị chảy máu báo thai, ước tính chỉ có khoảng 25% phụ nữ mang thai sẽ gặp phải hiện tượng này. Thông thường, tình trạng ra máu báo thai kéo dài khoảng 1 – 2 ngày và tự ngưng. Đây là một hiện tượng bình thường của thai kỳ và thường không phải là triệu chứng đáng lo ngại.
Giải đáp: Máu báo thai có chất nhầy hay không?
Để biết được máu báo thai có chất nhầy hay không, chúng ta cần hiểu rõ đặc điểm của máu báo thai. Cụ thể, máu báo thai thường:
- Có màu nâu, nâu sẫm hoặc hơi hồng
- Không kéo dài quá 48 giờ
- Chảy máu rất ít hoặc từng đốm, không thể thấm ướt hết một miếng băng vệ sinh loại dùng hằng ngày
- Kết cấu hơi loãng, giống với dịch tiết âm đạo hơn là máu kinh nguyệt
- Khi bị chảy máu thường không đau bụng hạ vị
- Không có cục máu đông
- Không có chất nhầy, tuy nhiên, chất nhầy cổ tử cung có thể hòa lẫn với máu báo thai.
Có thể thấy, câu trả lời cho vấn đề “Máu báo thai có dịch nhầy hay không?” là “Không” vì về cơ bản, máu báo thai không có chất nhầy tuy nhiên giọt máu thấm trên băng vệ sinh có thể lẫn chất nhầy của cổ tử cung hay âm đạo.
Vì sao có chất nhầy trong máu báo thai?
Như vậy là bạn đã biết máu báo thai có dịch nhầy hay không. Bản chất của máu báo thai là không có chất nhầy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiều chị em có thể nhận thấy có lẫn dịch nhầy trong máu báo thai. Điều này chủ yếu là do một trong những trường hợp sau:
- Thật sự mang thai và ra máu báo thai có lẫn chất nhầy cổ tử cung. Đây cũng là nguyên nhân khiến máu báo thai có nhiều màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là màu hồng hoặc nâu.
- Không có thai và nhầm lẫn, không phân biệt được chảy máu kinh nguyệt trong những ngày đầu của kỳ kinh.
- Bị xuất huyết âm đạo có dịch nhầy do các vấn đề phụ khoa như viêm nhiễm, có dị vật trong âm đạo, chấn thương khi quan hệ tình dục, mắc bệnh phụ khoa (polyp cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bệnh về buồng trứng, viêm phần phụ, ung thư cổ tử cung…). Trong trường hợp này, hiện tượng chảy máu âm đạo kèm chất nhầy có thể đi cùng một số triệu chứng khác như đau bụng dữ dội, vùng kín có mùi hôi… Lúc này, các chị em cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nên làm gì khi chảy máu âm đạo kèm dịch nhầy?
Khi bị chảy máu âm đạo kèm dịch nhầy, bạn cần quan sát kỹ màu sắc, kết cấu, lượng nhiều ít của máu âm đạo để có thể phân biệt được đó là máu báo thai lẫn chất nhầy tử cung, hay máu kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo bất thường.
Bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa sản phụ khoa tại để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như:
- Đau bụng dữ dội
- Sốt cao
- Vùng kín có mùi hôi
- Nghi ngờ bản thân bị xuất huyết âm đạo bất thường…
Ngoài ra, việc giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín là điều quan trọng cần được ưu tiên để phòng ngừa các nguy cơ gây viêm nhiễm. Bạn nên tuân thủ những khuyến cáo sau để bảo vệ sức khỏe phụ khoa:
- Trong một số trường hợp, vào những ngày âm đạo tiết dịch nhiều, bạn có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày để duy trì sự khô ráo, sạch sẽ và thay băng đều đặn để tránh mầm bệnh sinh sôi, phát triển.
- Vệ sinh vùng kín thật sạch bằng nước sạch hoặc có thể dùng thêm nước rửa phụ khoa dịu nhẹ.
- Không tự ý điều trị tại nhà nếu có bất kỳ biểu hiện chảy máu âm đạo kèm dịch nhầy bất thường nào.
- Khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra và theo dõi sức khỏe phụ khoa, từ đó kịp thời điều trị những vấn đề sức khỏe (nếu có).
Đến đây, chắc hẳn là bạn đã có được câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc “Máu báo thai có chất nhầy hay không?”. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ máu báo thai là gì và đặc điểm của tình trạng này ra sao.
[embed-health-tool-due-date]