Phụ nữ mang thai, nhất là với những người lần đầu làm mẹ, thường luôn có nhiều lo lắng về sự phát triển của thai nhi. Nội dung bài viết này sẽ đề cập đến các dấu hiệu thai phát triển tốt qua từng giai đoạn để mẹ tham khảo.
Việc sinh con dễ dàng và suôn sẻ là mong muốn của mọi thai phụ. Tuy vậy, thực tế có không ít mẹ bầu phải đối mặt với nhiều vấn đề về hành trình phát triển của thai nhi. Do vậy, việc nhận biết dấu hiệu thai phát triển tốt hoặc kịp thời phát hiện dấu hiệu thai yếu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ bé cưng trong bụng.
Các dấu hiệu thai phát triển tốt qua từng giai đoạn
Mẹ muốn biết dấu hiệu thai phát triển tốt hay không cần tìm hiểu sự phát triển bình thường của thai qua từng giai đoạn thai kỳ quan trọng sau đây:
Dấu hiệu thai phát triển tốt trong 3 tháng đầu thai kỳ
Sự phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên có ý nghĩa quan trọng (vì là thời điểm các cơ quan bắt đầu hình thành) và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tổng thể về sau nên mẹ bầu cần hết sức thận trọng. Theo đó, các dấu hiệu thai phát triển tốt 3 tháng đầu bao gồm:
- Mẹ tăng cân ổn định: Điều này cho thấy thai nhi đang hấp thu đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu. Mỗi mẹ sẽ có mức thay đổi cân nặng khác nhau nhưng trung bình sẽ tăng từ 0,3 – 0,5kg/tuần.
- Mẹ ốm nghén: Ngoài là biểu hiện mang thai 3 tháng đầu thường gặp thì đây còn là dấu hiệu thai phát triển tốt bởi dấu hiệu này cho thấy nồng hormone hCG (loại hormone được nhau thai tiết ra giữ vai trò nuôi dưỡng và bảo vệ thai) gia tăng, gây hiện tượng mệt mỏi, buồn nôn, cơ thể nhạy cảm với mùi vị .
- Cơ thể mẹ đau nhức thường xuyên: Do thai nhi lớn dần gây sức ép lên khu vực xương chậu, mạch máu, dây thần kinh khiến mẹ cảm thấy tê bì chân tay, đau lưng mỏi gối. Tuy vậy, đây lại là tín hiệu đáng mừng bởi bé yêu vẫn đang phát triển tốt trong bụng mẹ.
- Đường huyết ổn định: Cũng là dấu hiệu tốt vì đường huyết thấp cho thấy chế độ dinh dưỡng của bà bầu không cân đối, trong khi đường huyết cao cảnh báo các biến chứng thai kỳ nguy hiểm.
- Tim thai rõ ràng: Ngay từ tuần thứ 6-7 của thai kỳ, bác sĩ đã có thể giúp mẹ nghe được nhịp tim của con mình. Từ tuần thứ 7 nhịp đập mỗi phút từ 90-110 nhịp/phút và tăng dần, đạt đỉnh vào tuần thứ 9 ở mức 140-170 nhịp/phút cả ở bé trai lẫn bé gái và nhịp tim bình thường sẽ ở mức 120-160 nhịp/phút ở tuần thứ 16.
Dấu hiệu thai phát triển tốt trong 3 tháng giữa thai kỳ
Tam cá nguyệt 2 sẽ bắt đầu từ tuần 14 đến tuần thứ 27 của thai kỳ. Đây cũng là thời điểm mà cơ thể mẹ có nhiều sự thay đổi cũng như sự hoàn thiện dần các bộ phận cơ thể ở bé. Các dấu hiệu thai phát triển tốt 3 tháng giữa bao gồm:
- Thai bắt đầu cử động, mẹ có thể cảm nhận thai máy: Thai máy hay cử động thai nhi là khi thai có cử động như xoay trở mình, cử động chân tay mà bản thân mẹ cảm nhận được. Thông thường, mẹ sẽ nhận thấy thai máy từ tuần 20 của thai kỳ. Trong tam cá nguyệt này, các cử động của thai thường sẽ không đều nhưng rõ rệt nhất vào tuần 27-32. Số cử động trung bình của thai thời điểm này thường là 16-45 lần và mẹ sẽ không cảm nhận được khi bé ngủ.
- Cân nặng thai nhi phát triển theo từng tuần: Đây cũng là dấu hiệu thai phát triển tốt đáng quan tâm bởi nó là yếu tố phản ánh sự phát triển bình thường của bé. Mẹ có thể tham khảo bảng cân nặng và kích thước thai nhi của WHO (Tổ chức Y tế thế giới). Tuy nhiên, nếu thai quá nặng hay nhẹ cân thì đừng vội lo lắng bởi cân nặng của thai còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền, chế độ ăn và bệnh lý từ mẹ.
- Lượng nước ối ổn định: Nước ối sẽ thay đổi ở từng giai đoạn thai kỳ. Nó có vai trò đảm bảo sự phát triển an toàn của bé yêu. Vào tuần 20, lượng nước ối sẽ đạt khoảng 350ml và đạt 650ml ở giai đoạn từ tuần 25-26. Thai phụ cần thận trọng với tình trạng rỉ ối trong giai đoạn mang thai 3 tháng giữa bởi tình trạng này cảnh báo sức khoẻ mẹ có vấn đề hoặc ngôi thai đang không bình thường
- Mẹ thèm ăn: Đây cũng là dấu hiệu thai phát triển tốt 3 tháng giữa. Tình trạng này bắt nguồn từ sự thay đổi hormone hCG và progesterone – hai loại hormone đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi. Ngoài ra đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy thai đang phát triển, cần lượng lớn chất dinh dưỡng để đáp ứng.
Dấu hiệu thai 15 tuần tuổi khỏe mạnh
Giai đoạn 15 tuần tuổi (tương đương 13 tuần sau thụ tinh) đồng nghĩa mẹ đã đi qua 1/3 quá trình mang thai. Lúc này, thai nhi giống với hình ảnh một em bé thu nhỏ và những dấu hiệu thai nhi 15 tuần tuổi khỏe mạnh bao gồm:
- Bé bắt đầu có phản xạ đưa ngón tay cái vào miệng: Phản xạ này hình thành khi xúc giác của thai nhi phát triển nên thai nhi sẽ có sở thích mút tay, nhất là ngón cái. Không những thế, thỉnh thoảng bé cũng sẽ nghịch ngón tay, dây rốn hoặc tự sờ lên mặt mình.
- Cử động chân: Ngoài phản xạ mút ngón tay, bé còn có thể ngáp và duỗi người. Vì thế, đôi khi mẹ có thể cảm nhận dường như con đang đạp vào thành bụng nhưng cảm giác này vẫn thoảng qua và khó nhận thấy một cách rõ rệt.
- Bộ phận sinh dục của bé đã phát triển: Đây là dấu hiệu thai phát triển tốt mà mẹ nên quan tâm. Bởi từ tuần 15, các cơ quan sinh dục ở thai nhi đã bắt đầu có sự biệt hóa rõ ràng.
Bảng tóm tắt dấu hiệu thai phát triển tốt qua 40 tuần thai
Tuần thai | Dấu hiệu thai nhi phát triển tốt |
1 | Thai nhi vẫn chưa thực sự hình thành |
2 | Thai vẫn trong giai đoạn thụ tinh |
3 | Thai bắt đầu làm tổ trong niêm mạc tử cung |
4 | Phôi thai đã thành hình, có thể thử thai tại nhà |
5 | Thai đang dần hình thành dây rốn, não bộ và tim |
6 | Thai nhi đã có tim thai và đang hình thành tay và chân, đang phát triển hệ thần kinh, hô hấp và tiêu hoá |
7 | Đã hình thành dây rốn và có tim thai khi siêu âm, hệ tiêu hoá và phối vẫn đang phát triển |
8 | Các đường nét của thai đã dần xuất hiện |
9 | Hình thái cơ bản của thai đã thành hình, thai nhi thậm chí có dái tai nhỏ |
10 | Ngón tay và ngón chân bắt đầu tách ra, chồi răng đang dần hình thành |
11 | Thai đã hình thành đầy đủ, các cơ quan đã bắt đầu hoạt động |
12 | Hình thành các phản xạ như gấp, duỗi ngón tay, mút tay |
13 | Tĩnh mạch và cơ quan nội tạng có thể nhìn thấy qua da, bé đã có vân tay |
14 | Bé vận động được cơ mặt, não đã có các xung động thần kinh |
15 | Thai cảm nhận được ánh sáng |
16 | Bắt đầu phát triển nụ vị giác, thai đã từ từ cử động nhẹ, làn da gần như trong suốt |
17 | Bắt đầu phát triển thính giác, bé năng động và co duỗi tay chân nhiều hơn |
18 | Thị giác, thính giác và hệ cơ xương phát triển vượt bậc |
19 | Đã hình thành lớp sáp bảo vệ da và cơ quan sinh sản, các sợi tóc cũng dần hình thành |
20 | Thai có những chiếc răng đầu tiên, nghe được tiếng mẹ nói, bé thải phân su |
21 | Đạp nhiều và mạnh hơn trong bụng mẹ, có phản xạ thở và mút |
22 | Tiếp tục phát triển cơ quan sinh dục, cảm nhận được sự va chạm và có nhiều phản xạ hơn |
23 | Làn da chùng nhão, nhiều nếp nhăn, tiếp tục phát triển cơ quan sinh dục |
24 | Bé trông gầy bởi lớp mỡ dưới da chưa phát triển, khuôn mặt đã tạo hình đầy đủ |
25 | Bé thích chơi đùa trong bụng mẹ, nghe được giọng mẹ và các thanh âm khác, mở mắt lần đầu tiên, mũi ngửi được nhiều mùi hương trong nước ối |
26 | Chuyển động mạnh hơn và phản ứng lại với âm thanh lớn, lông mi, tóc, móng cũng phát triển nhanh |
27 | Hình dáng tương tự trẻ sơ sinh nhưng nhỏ hơn, phổi gan dần được hoàn thiện |
28 | Não phát triển các rãnh sâu, bắt đầu trải qua giấc ngủ REM, biết thè lưỡi nếm nước ối |
29 | Cơ bắp và phổi đã sẵn sàng hoạt động ở thế giới bên ngoài, kích thước phần đầu vẫn phát triển |
30 | Thai được bao bọc bởi 1 lít nước ối |
31 | Bé đã có thể cử động lắc lư phần đầu, mỡ dưới da tích tụ làm đầy tay và chân |
32 | Trọng lượng thai tăng nhiều hơn |
33 | Các mảnh xương sọ chưa hợp nhất |
34 | Hệ thống thần kinh trung ương dần trưởng thành |
35 | Thận đã phát triển hoàn toàn, gan đã có thể xử lý chất thải |
36 | Bé mất dần phần lớp sáp bao bọc cơ thể, cân nặng bé gia tăng mỗi ngày |
37 | Phát triển toàn diện về cơ thể và giác quan |
38 | Bé mọc móng tay, móng chân, ruột chứa đầy phân su, phổi đã khoẻ và sẵn sàng cất tiếng khóc chào đời |
39 | Bắp tay và bắp chân săn chắc hơn, lớp sáp phủ da được thay bằng da non |
40 | Bé có thể chào đời bất kỳ lúc nào, da có thể bị đổi màu, bộ phận sinh dục lớn hơn. |
[embed-health-tool-due-date]
Các dấu hiệu cảnh báo thai nhi phát triển yếu
Bên cạnh những dấu hiệu thai phát triển tốt, mẹ bầu cũng cần chú ý đến các tín hiệu cho thấy thai nhi phát triển chậm để có các biện pháp can thiệp kịp thời, bảo vệ sức khỏe của bé con trong bụng.
Thai nhi phát triển chậm: Dấu hiệu và nguyên nhân
Mẹ có thể nhận thấy dấu hiệu thai phát triển tốt cũng như thai nhi phát triển chậm qua những lần khám thai định kỳ cùng với một số các vấn đề biểu hiện rõ bên ngoài có thể dễ nhận diện như:
- Chỉ số chiều cao và cân nặng của bé không đạt chuẩn (so với bảng cân nặng chuẩn của WHO). Điều này có thể bắt nguồn từ sự bất thường về cấu trúc nhau thai gây cản trở việc tiếp nhận chất dinh dưỡng từ mẹ đến thai nhi hoặc một số bệnh lý ở người mẹ (thiếu máu, suy dinh dưỡng, bệnh thận…)
- Thai máy yếu, ít cử động so với bình thường dễ nhận biết khi thai lớn từ tuần 20 trở đi (số lần thai cử động ít hơn 10 lần/ giờ, không đều, có thể gián đoạn). Nguyên nhân thai máy yếu do thai suy dinh dưỡng, cơ thể mẹ suy nhược, tình trạng dây rốn quấn cổ khiến thai khó cử động hoặc mẹ sử dụng thuốc an thần, giảm đau làm thai ít cử động.
- Mẹ sụt cân hoặc tăng cân ít. Vấn đề này thường là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, cơ địa, mẹ mắc bệnh lý khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi hoặc tình trạng ốm nghén kéo dài.
Những dấu hiệu thai yếu trong 3 tháng đầu
Ngoài các dấu hiệu thai phát triển tốt trong 3 tháng đầu, mẹ bầu cũng nên chú ý đến những dấu hiệu thai yếu giai đoạn này để có can thiệp kịp thời, bao gồm:
- Mẹ ốm nghén nặng đôi khi không ăn uống được: Điều này diễn ra ở số ít mẹ bầu khiến thai phụ thường xuyên nôn ói hết thức ăn ra ngoài đi kèm với biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, sụt cân. Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng, mất nước và mất cân bằng điện giải nghiêm trọng hơn mẹ có thể bị sinh non.
- Tim thai yếu: Siêu âm thai phát hiện tim thai ở tuần thứ 6 là một trong số những dấu hiệu thai phát triển tốt. Tuy nhiên, trường hợp nếu không phát hiện tim thai thì có thể do mẹ bị sảy thai (tự nhiên hoặc bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh), mẹ mắc phải một số bệnh lý (hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn miễn dịch, tử cung bất thường…), thai bị rối loạn nhịp tim khiến tim thai đập nhanh, chậm hoặc ngừng đột ngột.
- Xuất huyết âm đạo: Khác với hiện tượng máu báo thai (âm đạo xuất hiện một vài đốm máu nhỏ), tình trạng xuất huyết âm đạo kèm với đau bụng dưới hoặc đau âm ỉ/đau nhói lưng dưới có thể là dấu hiệu cảnh báo dọa sảy thai, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý về tử cung ở người mẹ. Lúc này, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Dấu hiệu thai lưu trong 3 tháng đầu
Thai lưu là hiện tượng bào thai nằm trong tử cung nhưng không thể tiếp tục phát triển. Nếu không xử lý kịp thời, thai lưu sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ như: Băng huyết, rối loạn đông máu hoặc nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Một số các dấu hiệu để nhận hiện tượng thai lưu dễ nhất gồm:
- Vỡ ối sớm: Vỡ ối thường xuất hiện gần đến ngày dự sinh và là dấu hiệu thai phát triển tốt và bé đã sẵn sàng chào đời. Nhưng nếu vỡ ối vào 03 tháng đầu thì khả năng bạn có thể đã sảy thai.
- Các dấu hiệu mang thai đột ngột chấm dứt: Triệu chứng ốm nghén, căng tức ngực đột ngột biến mất có thể do sự thay đổi hormone trong cơ thể xuất phát từ hiện tượng thai lưu vào 3 tháng đầu.
- Không nghe thấy tim thai hoặc thai chuyển động: Kết quả siêu âm nếu không phát hiện thấy tim thai hoặc mẹ không cảm thấy thai chuyển động (từ tuần 15 hoặc sớm hơn) thì đó có thể là hiện tượng thai lưu xảy ra. Lúc này mẹ cần được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán nguyên nhân.
- Ra máu bất thường kèm đau bụng: Hiện tượng ra máu là do thai lưu bong tách khỏi thành tử cung gây ra các vệt máu màu hồng nhạt, nâu hoặc nâu đậm bất thường. Thai lưu đôi khi còn khiến mẹ cảm thấy khó chịu và xuất hiện cơn đau bụng dữ dội. Nếu có những biểu hiện trên, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Dấu hiệu thai ngừng phát triển trong 3 tháng giữa
Các dấu hiệu thai ngừng phát triển trong 3 tháng giữa gồm:
- Thai không máy, mẹ mất cảm giác cử động của bé:Cử động thai là dấu hiệu quan trọng cho thấy thai nhi đang phát triển tốt cả về kích thước lẫn sức mạnh. Trường hợp nếu mẹ không cảm nhận được bất kỳ cử động thai (đặc biệt ở tuần 24), mẹ cần đến thăm khám ngay để được bác sĩ đánh giá tim thai cũng như kiểm tra các bất thường khác. Thai không máy hoặc cử động yếu rất có thể sức khỏe bào thai có vấn đề hoặc thai lưu.
- Kích thước bụng mẹ không đổi hoặc nhỏ dần: Bụng nhỏ hoặc không tăng trưởng theo thời gian cho thấy mẹ có thể đang bị thiếu nước ối hoặc thai nhi chậm phát triển. Vì vậy nếu ở tháng thứ 4 mà kích cỡ vòng 2 vẫn không tiến triển hơn mẹ cần được bác sĩ kiểm tra, thăm khám kỹ lưỡng để đánh giá khả năng phát triển của thai nhi.
Thai chậm phát triển trong tử cung có thể dẫn đến sinh non, dọa sảy thai hoặc trẻ sinh ra dễ mắc khuyết hơn trẻ khác. Để biết chính xác thai chậm phát triển hay đã ngưng phát triển thì cần thăm khám và sử dụng nhiều loại xét nghiệm thai kỳ khác nhau.
Dấu hiệu thai phát triển không tốt: Dấu hiệu thai nhi đói
Làm sao để biết lúc nào thai nhi đói cũng là thắc mắc chung của nhiều mẹ bầu. Những dấu hiệu này thường xuất hiện khá rõ và đơn giản, điển hình là:
- Thai máy yếu hơn bình thường: Nếu mẹ không cảm nhận rõ rệt cử động của con thì có thể là con đang cảm thấy đói. Lúc này, mẹ nên chú ý bổ sung dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu của con.
- Mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, cồn cào: Những triệu chứng này xuất hiện thường là do mẹ đang thiếu dinh dưỡng và việc ăn uống không đảm bảo khiến cho mẹ bị hạ đường huyết gây nên chứng chóng mặt, mệt mỏi nặng nề hơn có thể khiến thai phụ bị ngất. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể mẹ suy nhược hoặc gây tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.
- Giảm nước ối: Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu bổ sung nước của mẹ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ối. Thiếu ối trước tuần 28 của thai kỳ sẽ gây ra nhiều hệ quả khôn lường như sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
- Nghề làm nail, làm tóc: Việc tiếp xúc nhiều với các hoá chất từ các sản phẩm chăm sóc móng, tóc có tác động trực tiếp đến nguy cơ dị tật bẩm sinh, suy giảm chức năng hệ thần kinh ở trẻ hoặc dọa sảy thai, sinh non.
- Nghề công nhân trong dây chuyền sản xuất: Những nghề này đòi hỏi phải ngồi nhiều dễ khiến mẹ bị trĩ, táo bón hoặc các bệnh cột sống, xa hơn là khó sinh.
- Nhân viên bán hàng: Là nghề đòi hỏi mẹ phải đứng nhiều từ đó dẫn đến nguy cơ đau lưng, suy giãn tĩnh mạch, nhiều mẹ có khả năng bị hạ huyết áp thế đứng hoặc phù nề chân…
Lời khuyên từ bác sĩ sản khoa để có thai kỳ khỏe mạnh
Để có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần chú ý các vấn đề sau:
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng: Một chế độ ăn khoa học, bổ dưỡng, đầy đủ các nhóm chất (đặc biệt là DHA, acid folic, sắt) rất quan trọng với sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Bên cạnh việc ăn uống, mẹ có thể cân nhắc bổ sung thêm thực phẩm chức năng tốt cho thai kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Tuân thủ lịch khám thai định kỳ: Điều này sẽ giúp ích cho việc theo dõi các dấu hiệu thai phát triển tốt cũng như kịp thời phát hiện và can thiệp với những dấu hiệu bất thường.
- Nghỉ ngơi hợp lý và kiểm soát căng thẳng: Mẹ bầu cần được nghỉ ngơi nhiều vì trọng lượng cơ thể sẽ ngày càng tăng gây cảm giác mệt mỏi, căng thẳng. Mẹ có thể ứng phó bằng cách tập yoga, thiền định, cải thiện giấc ngủ… Nếu thấy quá căng thẳng có thể giải tỏa bằng cách trò chuyện cùng bác sĩ tâm lý, người thân, bạn bè.
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá: Rượu, bia đặc biệt là khói thuốc lá chứa nhiều tác nhân có thể gây hại đến sức khỏe thai nhi đồng thời làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, trẻ sơ sinh nhẹ cân…
FAQs – Những câu hỏi thường gặp liên quan đến dấu hiệu thai phát triển tốt
1. Làm sao để biết thai nhi có đang phát triển bình thường không?
Để biết thai nhi có đang phát triển tốt hay không cần dựa trên các yếu tố về cân nặng và kích thước thai nhi, cử động thai cũng như các thay đổi trên cơ thể mẹ bầu qua từng tuần tuổi. Trong đó, yếu tố về cân nặng và cử động thai là những dấu hiệu rõ ràng nhất.
2. Thai máy yếu có đáng lo không?
Thai máy có thể cảm nhận từ tuần 15, 16 của thai kỳ. Từ tuần 37 trở đi thai máy sẽ ít hơn bình thường do bé lúc này đã lớn và không gian để bé di chuyển trong bụng mẹ đã nhỏ lại.
Trong suốt quãng thời gian còn lại, thai máy nhiều hay ít hơn bình thường sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu mẹ cảm nhận thấy thai máy yếu thì việc cần làm là đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra để biết chính xác nguyên nhân.
3. Có phải mẹ bầu không ốm nghén là dấu hiệu thai yếu không?
Mẹ ốm nghén là một trong các dấu hiệu thai nhi phát triển tốt. Tuy nhiên, không phải tất cả các bà bầu đều trải qua tình trạng này. Trong một vài trường hợp, mẹ bầu không ốm nghén có nguyên nhân do nồng độ hormone trong cơ thể thấp hơn bình thường, dễ dẫn đến nguy cơ sẩy thai.
Bên cạnh đó, với những mẹ bầu bị ốm nghén nhưng triệu chứng này đột ngột biến mất cũng rất đáng lo ngại (đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ). Do đó, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ theo lịch hẹn bác sĩ nhằm đảm bảo thai nhi vẫn phát triển bình thường.
Kết luận
Vừa rồi là những chia sẻ xoay quanh các dấu hiệu thai phát triển tốt và dấu hiệu thai chậm phát triển. Việc nắm bắt những dấu hiệu trên sẽ giúp mẹ bầu chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và thiên thần nhỏ trong bụng.
Nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ, bạn nên đề cập ngay với bác sĩ sản khoa để được hỗ trợ kịp thời. Hãy đặt lịch khám thai ngay hôm nay để nắm được hành trình lớn lên của bé yêu và đảm bảo một thai kỳ khoẻ mạnh bạn nhé!