backup og meta

Thai nhi phát triển chậm: Mẹ bầu nên làm gì để ngăn ngừa biến chứng?

Thai nhi phát triển chậm: Mẹ bầu nên làm gì để ngăn ngừa biến chứng?

Khi mang thai, mẹ bầu nào cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con yêu. Họ quan tâm đến từng cử động nhỏ của con yêu đang dần lớn lên trong bụng. Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do khác nhau làm thai nhi chậm phát triển khiến các mẹ bầu rất lo lắng.

Khi hỏi chị Ngọc Lan (Q. Bình Tân, TP. HCM) rằng: “Chị muốn sinh con trai hay con gái?”, chị trả lời ngay và không cần suy nghĩ: “Trai hay gái không quan trọng. Tôi chỉ cần một đứa con khỏe mạnh là đủ”. Điều này cho thấy sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi là vấn đề trên nhất mà các bà mẹ quan tâm.

Thế nào là tình trạng thai nhi chậm phát triển?

Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR) là tình trạng thai nhi kém tăng trưởng, có kích thước nhỏ hơn nhiều so với bình thường, tức là thai nhi có kích thước nhỏ hơn nhiều so với tuổi thai. Hội chứng này còn có nhiều tên gọi khác giúp mẹ dễ hình dung hơn là: thai nhỏ so với tuổi thai, suy dinh dưỡng bào thai, suy nhau thai…

Nguyên nhân khiến thai chậm phát triển

1. Tiền sản giật

tiền sản giật là nguyên nhân thai nhi phát triển chậm

Trong thời kỳ mang thai, bạn sẽ được theo dõi huyết áp thường xuyên để kiểm tra chứng tiền sản giật. Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng kèm tổn thương chức năng thận. Khi bị tiền sản giật thì đồng nghĩa với việc có bất thường ở hệ thống bánh nhau. Điều này khiến nhau thai không thể cung cấp chất dinh dưỡng cho bào thai và gây ra thai phát triển chậm trong tử cung hay chusg ta thường gọi là thai nhỏ hơn so với tuổi thai. 

2. Mang đa thai một trong những lý do khiến thai nhi chậm phát triển

Mang đa thai là nguyên nhân thai nhi phát triển chậm

Khi mang đa thai, nhau thai có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho nhiều bào thai. Hơn nữa, nguy cơ tiền sản giật khi mang đa thai cũng cao hơn bình thường. Trường hợp mang thai song sinh, thai nhỏ hơn so với tuổi thai hay tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung là khoảng 25–30%.

Có thể bạn quan tâm: Biến chứng mà mẹ bầu và thai nhi có thể gặp phải khi mang thai đôi

3. Nhiễm trùng

nhiễm trùng là nguyên nhân thai nhi phát triển chậm

Bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mà mẹ bầu mắc phải trong thời kỳ mang thai đều có thể dẫn đến tình trạng thai nhi phát triển chậm trong tử cung. Những bệnh nhiễm trùng đó thường là bệnh giang mai (nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục), nhiễm toxoplasma (nhiễm trùng ký sinh lây truyền chủ yếu qua thịt không nấu chín), cytomegalovirus (nhiễm virus có ảnh hưởng đáng kể trong thai kỳ do suy giảm miễn dịch) và bệnh sởi.

4. Mức nước ối thấp

mức nước ối thấp là nguyên nhân thai nhi phát triển chậm

Việc có đủ nước ối trong túi ối là điều cần thiết để bào thai phát triển bình thường. Nếu mực nước ối thấp có thể dẫn đến thai nhi phát triển chậm hay thai nhỏ hơn so với tuổi thai. Một vài yếu tố khiến mực nước ối thấp bao gồm sức khỏe của mẹ không tốt, mẹ đang sử dụng một loại thuốc nào đó hay rò rỉ màng ối.

5. Nhau thai yếu

Nhau thai yếu là nguyên nhân thai nhi phát triển chậm

Đây là tình trạng mà nhau thai không hoạt động bình thường. Điều này khiến nhau thai không chuyển đủ khí oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ đến thai nhi.

Dây rốn bất thường: Dây rốn có công dụng nối bào thai với nhau thai. Dây rốn cũng chứa một tĩnh mạch rốn và hai động mạch rốn, giúp lưu thông máu giữa bào thai và nhau thai. Tuy nhiên, nếu chỉ có một động mạch rốn trong dây rốn, điều này sẽ gây ra tình trạng bào thai phát triển chậm.

6. Nguyên nhân khác

  • Mẹ ăn thiếu chất dinh dưỡng
  • Tử cung có hình dạng và kích cỡ bất thường
  • Mẹ bị rối loạn đông máu, thiếu máu hay mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ
  • Mẹ mắc bệnh mạn tính như hồng cầu lưỡi liềm
  • Thai nhi bất thường về nhiễm sắc thể như bị hội chứng Turner và hội chứng Down
  • Bất thường về di truyền và xương ở thai nhi.

Ngoài ra, việc duy trì thói quen xấu trong lối sống của mẹ như hút thuốc lá, uống rượu hay tiếp xúc với chất độc hại cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng thai nhỏ hơn so với tuổi thai hay thai nhi phát triển chậm trong tử cung.

Trong quá trình kiểm tra trước khi sinh, bác sĩ dùng thước đo xác định kích thước bụng bầu. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để kiểm tra sự phát triển của bé chính xác. Việc kiểm tra sự tăng trưởng của bào thai là rất quan trọng vì sự phát triển chậm có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe của em bé.

Nguy cơ khi bào thai phát triển chậm

Thai chậm phát triển ở những tuần đầu hay thai chậm phát triển 3 tháng cuối đều gây lo lắng. Thai chậm phát triển trong tử cung làm tăng những nguy cơ như:

  • Trẻ sinh ra bị nhẹ cân: theo nghiên cứu (tác giả DAVID PELEG) thai nhi phát triển chậm trong tử cung có tỷ lệ tăng trưởng bình thường trong giai đoạn phôi thai và thời thơ ấu. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số trẻ sẽ không đạt được chiều cao như bình thường khi trưởng thành.
  • Những vấn đề về hô hấp và bú sữa.
  • Giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
  • Hạ đường huyết.
  • Chỉ số Apgar thấp: theo nghiên cứu, để đánh giá chỉ số Apgar của trẻ sơ sinh được chia làm 10 thang điểm với các tiêu chí khác nhau, điểm số của trẻ sơ sinh càng thấp càng cho thấy dấu hiệu cần được chăm sóc đặc biệt ở trẻ.
  • Số tế bào hồng cầu cao bất thường.
  • Có vấn đề về thần kinh: nghiên cứu của tác giả ROBERT C và cộng sự, về thai nhi chậm phát triển trong tử cung cho thấy trẻ có thể bị biến chứng lâu dài bao gồm tăng động, vụng về và tập trung kém.
  • Khó duy trì nhiệt độ cơ thể.
  • Thai chết lưu.

Mẹ bầu nên làm gì khi nghi ngờ thai nhi phát triển chậm?

bà bầu kiểm tra sức khỏe định kỳ

Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện những kiểm tra như siêu âm Doppler hay kiểm tra sự lưu thông máu từ nhau thai đến bào thai để biết chính xác sự phát triển của thai nhi đang diễn ra như thế nào. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào đến sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ tư vấn giúp bạn hoặc đề nghị đo tim thai và yêu cầu bạn theo dõi cử động của thai nhi. Nếu tình trạng thai nhi trong tử cung có vẻ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn sinh mổ vì sinh tự nhiên qua ngả âm đạo có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.

Làm sao để phát hiện thai nhỏ hơn so với tuổi thai?

Bạn nên đi khám thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, mẹ bầu nên thường xuyên theo dõi chuyển động của thai nhi. Nếu thai nhi không chuyển động, bạn nên báo ngay với bác sĩ và làm theo hướng dẫn của họ. Có rất ít mẹ bầu biết cách kiểm soát tình trạng thai nhi chậm phát triển trong thai kỳ, nhưng việc thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn thay đổi được điều này.

Có thể bạn quan tâm: Kích thước thai nhi theo tuần: Liệu bé đã phát triển đúng chuẩn?

Cách kiểm soát sự phát triển của thai nhi

Nhiều mẹ lo lắng thai chậm phát triển có giữ được không? Câu trả lời là vẫn có thể. Nếu thai nhi của bạn phát triển chậm, bác sĩ sẽ tiến hành khám và làm các xét nghiệm để đánh giá chính xác những gì đang diễn ra và đưa ra cách xử trí phù hợp.

  • Giai đoạn 0: Bạn được tiến hành kiểm tra siêu âm Doppler. Nếu kết quả động mạch rốn, động mạch não không bình thường, bạn sẽ chuyển sang giai đoạn 1.
  • Giai đoạn 1: Bạn sẽ được yêu cầu chăm sóc ngoại trú nếu không mắc chứng tiền sản giật. Tuy nhiên, bạn phải đi khám 2 lần/tuần, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc corticosteroid  để giúp trưởng thành phổi nếu thai trên 28 tuần. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn mẹ bầu chế độ ăn tăng cường đạm để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi, chấm dứt thai kỳ trên 37 tuần.
  • Giai đoạn 2: Nếu bị tiền sản giât, bạn sẽ nhập viện và phải kiểm tra tiền sản giật, sức khỏe thai nhi 2 lần/ngày. Bạn sẽ được chỉ định sinh ở tuần 34. Nếu trong quá trình theo dõi kết quả không tốt, có thể bạn sẽ được cho sinh mổ ngay.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn nặng, bất thường ống tĩnh mạch, bạn sẽ được chỉ định sinh ở tuần thứ 32 của thai kỳ.

Làm thế nào để chẩn đoán thai chậm phát triển?

theo dõi sức khỏe thai nhi

  1. Siêu âm: là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn giúp bạn có thể nhìn thấy hình ảnh của con. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành đo các chỉ số của thai nhi. Kết quả kiểm tra sẽ được đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng để ước tính cân nặng của thai nhi.
  2. Siêu âm Doppler mạch máu: Kỹ thuật này dùng để đo tốc độ và lưu lượng máu chảy vào mạch máu não của thai nhi, động mạch rốn.
  3. Kiểm tra cân nặng của mẹ: Đây là một cách để ước tính sự phát triển của bào thai. Trong mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ kiểm tra và ghi lại cân nặng của người mẹ. Nếu mẹ bầu không đạt được cân nặng theo tiêu chuẩn, đây có thể là dấu hiệu của thai nhi phát triển chậm.
  4.  Theo dõi đánh giá sức khỏe thai nhi: Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một bài kiểm tra thai nhi bằng cách đặt một dây đai xung quanh bụng của mẹ bầu. Những dây đai này có đầu dò gắn với màn hình. Kết quả kiểm tra sẽ được hiển thị trên màn hình.
  5. Chọc ối: Đây là một thủ thuật dùng mũi kim để lấy nước ối. Mẫu dịch này được kiểm tra xem có nhiễm trùng hay có vấn đề bất thường về nhiễm sắc thể không. Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn cuối cùng, vì phương pháp xâm lấn này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non.

Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung?

  • Có một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu hợp lý để cung cấp đầy đủ chất cho mẹ và bé
  • Từ bỏ thói quen xấu sử dụng những chất kích thích như rượu và thuốc lá trong thời kỳ mang thai
  • Hạn chế các thực phẩm, các chất chứa caffeine
  • Hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, vì có một số loại thuốc dẫn đến nguy cơ thai chậm phát triển
  • Nghỉ ngơi đầy đủ để tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng trong quá trình mang thai
  • Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày.

Thai nhi có phát triển tốt thì mới có thể sinh ra an toàn và khỏe mạnh, từ đó thể chất và trí não của bé sau khi chào đời cũng được phát triển một cách toàn diện nhất. Vì vậy, mẹ bầu nên lưu ý và tìm hiểu kỹ các thông tin quan trọng về thai nhi như cân nặng thai nhi, các dấu hiệu thai nhi bất thường… để theo dõi, kiểm soát tình trạng của thai nhi thường xuyên, tránh trường hợp thai nhi phát triển chậm hay các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Intrauterine Growth Restriction: Identification and Management https://www.aafp.org/afp/1998/0801/p453.html Ngày truy cập 12/9/2021

Intrauterine Growth Restriction (IUGR) https://kidshealth.org/en/parents/iugr.html Ngày truy cập 12/9/2021

Fetal growth restriction (Intrauterine growth restriction) https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/fetal-growth-restriction-intrauterine-growth-restriction Ngày truy cập 12/9/2021

Fetal Growth Restriction https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=intrauterine-growth-restriction-iugr-90-P02462 Ngày truy cập 12/9/2021

Slow Fetal Growth: Diagnosis, Risks And Possible Reasons

http://www.momjunction.com/articles/possible-causes-of-slow-fetal-growth_00335293/ 

Ngày truy cập 07/11/2018

8 Possible Causes Of Slow Fetal Growthhttps://www.beingtheparent.com/8-possible-causes-of-slow-fetal-growth/  Ngày truy cập 07/11/2018

Growth retardation: Causes, Symptoms and Diagnosishttps://www.healthline.com/symptom/growth-retardation Ngày truy cập 07/11/2018

IUGR Causes, Diagnosis, Complications, Treatment, and More https://www.webmd.com/baby/iugr-intrauterine-growth-restriction Ngày truy cập 07/11/2018

Phiên bản hiện tại

04/07/2022

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ

Thai nhi phát triển chậm: Mẹ bầu nên làm gì để ngăn ngừa biến chứng?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 04/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo