Khi bị đau đầu hoặc buồn nôn, sử dụng thuốc giảm đau là biện pháp đơn giản nhất mà ai cũng nghĩ đến. Aspirin là một trong những loại thuốc giảm đau phổ biến. Thế nhưng, muốn dùng aspirin khi mang thai, bạn cần phải cân nhắc cẩn thận.
Bác sĩ có thể kê toa aspirin cho bạn trong một số tình huống nhất định nhưng bạn vẫn nên tìm hiểu rủi ro của việc sử dụng loại thuốc này trong thời gian mang thai.
Aspirin là gì?
Aspirin hay còn được gọi là axit acetylsalicylic (ASA) là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Aspirin có tác dụng hạ sốt và giảm đau, từ cơn đau nhẹ đến đau vừa như đau cơ, đau răng, cảm lạnh thông thường và nhức đầu.
Bạn có thể dùng aspirin khi mang thai không?
Phụ nữ mang thai không nên sử dụng aspirin trừ khi được bác sĩ kê toa. Mặc dù hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy dùng aspirin liều thấp (75 – 300mg) có thể gây ra vấn đề cho mẹ và bé nhưng tốt hơn hết bạn vẫn nên dùng khi được bác sĩ cho phép.
Aspirin không an toàn trong tam cá nguyệt thứ ba. Uống aspirin sau tuần thứ 30 của thai kỳ có thể gây đóng ống động mạch sớm (một mạch máu quan trọng ở thai nhi), làm chậm quá trình chuyển dạ và sinh nở.
Tại sao dùng aspirin khi mang thai lại không an toàn?
Dưới đây là một số tác dụng phụ khi dùng aspirin trong thai kỳ mà bạn nên biết:
Ở giai đoạn đầu của thai kỳ
Nếu dùng trước khi mang thai, aspirin có thể làm tăng khả năng thụ thai.Khi mang thai, dùng aspirin liều thấp sẽ không gây ra bất kỳ nguy cơ sẩy thai nào nhưng ở liều cao, thuốc này có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Ở giai đoạn cuối thai kỳ
Dùng aspirin trong ba tháng cuối có thể làm đóng ống động mạch của thai nhi sớm, làm chậm quá trình chuyển dạ. Điều này có thể khiến tim và phổi của bé bất thường. Ngoài ra, nó cũng có thể gây chảy máu kéo dài ở cả mẹ và bé. Bạn không cần phải lo lắng nếu chỉ dùng thỉnh thoảng bởi điều này không làm hại bạn hoặc bé.
Khi nào bác sĩ sẽ kê aspirin cho bạn?
Mặc dù thuốc aspirin cho bà bầu không được khuyến khích vì có thể gây ra một số rủi ro, nhưng bác sĩ vẫn có thể cho bạn dùng aspirin liều thấp nếu bạn bị:
- Tăng huyết áp khi mang thai (PIH) để tránh biến chứng trong quá trình sinh nở.
- Hội chứng Hughes, còn được gọi là hội chứng kháng phospholipid (APLS), một chứng rối loạn hệ miễn dịch tạo ra các cục máu đông.
- Tiền sản giật, thường phát triển trong tam cá nguyệt thứ ba.
- Tiểu đường hoặc rối loạn thận.
Nếu đã uống aspirin khi mang thai thì phải làm sao?
Nếu bạn đã dùng aspirin trong một thời gian dài hoặc đang dùng aspirin liều cao thì hãy cho bác sĩ biết điều này. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nên tiếp tục dùng hay sử dụng các loại thuốc thay thế khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành đánh giá sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Bà bầu nên dùng loại thuốc nào để thay thế aspirin?
Acetaminophen (tylenol hoặc paracetamol) là một lựa chọn an toàn hơn nếu bạn bị sốt và đau nhức khi mang thai. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé.
Một số câu hỏi thường gặp
1. Aspirin có thể ngừa thai không?
Aspirin không thể ngừa thai. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy aspirin giúp tăng khả năng thụ thai cho những người mới bị sẩy thai.
2. Aspirin có thể giúp bạn mang thai không?
Aspirin có thể giúp bạn thụ thai. Nếu uống aspirin trước khi thụ thai và trong khi mang thai có thể giúp ích trong trường hợp bạn bị viêm ở mức độ nhẹ hoặc bị hội chứng kháng phospholipid (rối loạn tự miễn).
Đau nhức là một triệu chứng rất thường gặp ở thai kỳ nhưng không phải vì vậy mà bạn dùng aspirin thường xuyên. Hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng aspirin hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác khi đang mang thai nhé.
[embed-health-tool-due-date]