backup og meta

Chọc ối có đau không? Liệu có ảnh hưởng đến thai nhi?

Chọc ối có đau không? Liệu có ảnh hưởng đến thai nhi?

Nếu phát hiện thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể, bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối. Vậy chọc ối là gì? Chọc ối có đau không và liệu có ảnh hưởng đến thai nhi?

Chọc ối là phương pháp sàng lọc trước sinh có độ chính xác cao nhằm giúp xác định xem thai nhi có thực sự bị các dị tật bẩm sinh hay không. Tuy nhiên, xung quanh phương pháp này hiện vẫn còn rất nhiều lo lắng do đây là xét nghiệm được cho là có thể dẫn đến các biến chứng như sảy thai, tổn thương thai nhi… Vậy chọc ối có nguy hiểm không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Chọc ối là gì? Khi nào cần thực hiện?

Chọc ối là một xét nghiệm trước khi sinh cho phép bác sĩ thu thập thông tin về sức khỏe của bé từ một mẫu nước ối ở mẹ. Mục đích của thủ thuật là để xác định xem thai nhi có những rối loạn di truyền nhất định hoặc bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down hay không.

Cũng giống như thủ thuật sinh thiết gai nhau (CVS), phương pháp chọc ối sẽ lập ra bộ nhiễm sắc thể (karyotype). Thông qua hình ảnh về nhiễm sắc thể của thai nhi, bác sĩ có thể kết luận chắc chắn vấn đề xảy ra.

Xét nghiệm chọc ối thường được chỉ định cho những trường hợp có nguy cơ cao liên quan đến các vấn đề về di truyền và nhiễm sắc thể như:

  1. Nguy cơ mắc hội chứng Down cao khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc
  2. Có các khuyết tật cấu trúc liên quan đến vấn đề nhiễm sắc thể khi siêu âm
  3. Sàng lọc phát hiện mang gen bất thường. Bạn và chồng có mang gen của những bệnh rối loạn di truyền lặn như xơ nang hoặc bệnh hồng cầu hình liềm.
  4. Đã từng mang thai em bé có một bất thường về di truyền nhất định
  5. Có bất thường về nhiễm sắc thể, rối loạn di truyền ở cha, mẹ hoặc người thân trong gia đình
  6. Tuổi sinh con trên 35: Khả năng thai nhi mắc hội chứng Down tăng từ khoảng 1/1.200 ở mẹ mang thai tuổi 25 lên 1/100 ở mẹ mang thai ở độ tuổi 40.

Ngoài ra, xét nghiệm chọc ối còn được thực hiện để:

  • Chẩn đoán hoặc loại trừ nhiễm trùng tử cung để đánh giá tình trạng của thai nếu mẹ có một vấn đề về nhóm máu như bất tương đồng nhóm máu Rh. Đây là một tình trạng phức tạp xảy ra nếu nhóm máu của mẹ khác loại so với thai nhi
  • Để đánh giá sự phát triển của phổi ở thai nhi xem có đủ điều kiện để mẹ sinh sớm vì một lý do sức khỏe nào đó hay không.

 Chọc ối có đau không? Quy trình thực hiện như thế nào?

chọc ối

Thời gian thực hiện thủ thuật chọc ối thường mất khoảng 20 đến 30 phút. Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ siêu âm để đo kích thước, kiểm tra giải phẫu cơ bản của thai nhi, xác định túi nước ối đánh giá khoảng cách an toàn của em bé và nhau thai. Mẹ bầu nằm trên bàn khám và bụng sẽ được sát khuẩn bằng dung dịch cồn iốt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

Sau đó, bác sĩ đưa một đầu kim dài, mỏng và rỗng qua thành bụng vào trong túi ối xung quanh thai để rút một lượng nước ối khoảng 15 đến 20 ml (khoảng ba muỗng cà phê). Quá trình này mất khoảng 30 giây. Thai nhi sẽ tiếp tục tạo ra nước ối để thay thế lượng nước được rút ra.

Chọc ối có đau không còn tùy thuộc vào tình trạng của từng bà bầu. Có trường hợp thai phụ cảm thấy đau quặn, châm chích trong suốt quá trình thực hiện hoặc cũng có trường hợp không cảm thấy khó chịu gì cả. Mức độ khó chịu hoặc đau đớn ở từng phụ nữ và thậm chí là ở những lần mang thai khác nhau sẽ thay đổi.

Bạn có thể đề nghị được gây tê nhưng cơn đau do chích thuốc gây tê có thể sẽ tồi tệ hơn so với việc đâm kim hút ối nên hầu hết các bà mẹ đều quyết định không gây tê. Kế tiếp, bác sĩ kiểm tra nhịp tim thai qua hình ảnh trên màn hình siêu âm.

Ngày nay, những bác sĩ ngày càng có nhiều kinh nghiệm cùng với y học tiên tiến nên việc chọc ối không gây ra nhiều rủi ro. Vì thế, mẹ bầu không nên lo lắng khi phải thực hiện chọc ối!

Chọc ối phát hiện những bệnh gì?

chọc ối khi mang thai

Thủ thuật chọc ối có thể tìm thấy hầu như tất cả các rối loạn nhiễm sắc thể bao gồm hội chứng Down, trisomy 13, trisomy 18 và các bất thường nhiễm sắc thể giới tính (như hội chứng Turner). Xét nghiệm này có thể chẩn đoán những rối loạn nhưng không thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của chúng.

Có hàng trăm rối loạn di truyền như xơ nang, bệnh hồng cầu hình liềm và bệnh Tay-Sachs. Xét nghiệm này không thể phát hiện được tất cả chứng rối loạn nhưng nếu bào thai có nguy cơ cao, việc chọc ối thường cho bạn biết liệu bé có bị bệnh hay không.

Các khiếm khuyết ống thần kinh như đốt sống chẻ đôi và tật không não được thực hiện bằng cách đo nồng độ một chất gọi là alpha-fetoprotein (AFP) trong dịch màng ối. Tuy nhiên, việc chọc ối không thể phát hiện các khuyết tật bẩm sinh khác như dị tật tim hoặc sứt môi mẻ hay chẻ vòm. Như vậy, nhiều khuyết tật về cấu trúc sẽ được phát hiện khi siêu âm trong tam cá nguyệt thứ 2.

Chọc ối có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Cũng giống như các xét nghiệm khác, dù được đánh giá là an toàn nhưng thủ thuật này vẫn có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nếu bạn thực hiện ở những cơ sở y tế kém uy tín.

Cụ thể, chọc ối có thể tiềm ẩn nguy cơ sảy thai. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, nguy cơ sảy thai khi chọc ối là 1/500, tức là cứ 500 sản phụ chọc ối thì sẽ có 1 trường hợp sảy thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thấp hơn nếu bạn thực hiện xét nghiệm ở những bệnh viện lớn với bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Ngoài ra, chọc dò dịch ối còn có thể gây ra một số rủi ro như đau bụng dưới, chảy máu âm đạo, rò rỉ nước ối từ vị trí đâm kim, nhiễm trùng, sinh non. Nếu có những triệu chứng này sau khi thực hiện thì bạn nên đi khám ngay.

Sau khi chọc ối cần làm gì? Chọc ối bao lâu có kết quả?

Sau khi thực hiện xét nghiệm, có thể bạn sẽ cần nằm lại bệnh viện khoảng 20 phút. Sau khi xuất viện, mẹ cần nghỉ ngơi trong 1 giờ hoặc hơn. Sau thời gian này, bạn có thể sinh hoạt bình thường nhưng cần tránh mang vác vật nặng, tránh quan hệ trong vòng 1 ngày sau khi chọc ối.

Thông thường, kết quả sẽ có trong 2 tuần hoặc thậm chí 3 tuần tùy thuộc vào độ phức tạp của mẫu nước ối. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá và có phương án điều trị phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi thêm bác sĩ về cách đọc kết quả chọc ối.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Amniocentesis https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/amniocentesis Ngày truy cập 07/01/2021

Amniocentesis https://www.nhs.uk/conditions/amniocentesis/ Ngày truy cập 07/01/2021

Pregnancy tests amniocentesis https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/pregnancy-tests-amniocentesis Ngày truy cập 07/01/2021

Amniocentesis https://americanpregnancy.org/prenatal-testing/amniocentesis/ Ngày truy cập 07/01/2021

Amniocentesis https://www.marchofdimes.org/pregnancy/amniocentesis.aspx Ngày truy cập 07/01/2021

Phiên bản hiện tại

15/09/2021

Tác giả: Đăng Lâm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Sau khi làm thủ thuật chọc ối, mẹ bầu nên lưu ý gì?

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT): Tất tần tật mọi thứ cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Lâm · Ngày cập nhật: 15/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo