Bạn đã nắm được các mốc khám thai quan trọng 3 tháng giữa thai kỳ để kịp thời sàng lọc các dị tật thai bẩm sinh cũng như bệnh lý đái tháo đường thai kỳ của mẹ bầu chưa? Hãy cùng tìm hiểu để không bỏ lỡ các thời điểm khám thai cần thiết nhé!
Vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi đã lớn hơn và những chuyển động cũng như cử động của thai đã được mẹ bầu cảm nhận rõ rệt hơn. Tuỳ thuộc vào lần mang thai thứ mấy, vị trí bánh rau cũng như lớp mỡ thành bụng mà mẹ bầu có thể cảm nhận cử động thai từ 15- 16 tuần hoặc muộn hơn. Các cơ quan như gan, thận, tuyến tụy của thai nhi sẽ tiếp tục phát triển và bắt đầu thực hiện các chức năng của chúng. Đến tuần thứ 20, bé có thể nghe được các âm thanh, bao gồm nhịp tim của mẹ và học cách nhận biết giọng nói dù tai vẫn chưa được hình thành hoàn toàn. Việc nắm rõ các mốc khám thai quan trọng 3 tháng giữa thai kỳ sẽ giúp các mẹ theo dõi, đảm bảo sự phát triển của con cũng như sức khỏe của bản thân, can thiệp kịp thời các vấn đề (nếu có) ngay từ sớm.
Các mốc khám thai quan trọng 3 tháng giữa mà mẹ bầu cần nhớ
Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ hay còn được gọi là tam cá nguyệt thứ 2 được tính từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 28. Thông thường, các thai kỳ đơn thai không kèm yếu tố nguy cơ thì lịch khám thai 3 tháng giữa sẽ cách nhau khoảng 4 tuần một lần.
1. Vai trò của việc khám thai thường quy 3 tháng giữa
Việc khám thai thường quy trong 3 tháng giữa thai kỳ được thực hiện nhằm mục đích:
- Theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đánh giá tốc độ tăng trưởng của thai.
- Kịp thời phát hiện các bất thường của thai kỳ (như đa ối, nhau tiền đạo, dị tật bẩm sinh…).
- Phát hiện các bất thường của mẹ bầu (tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ sẩy thai, sinh non, hở eo cổ tử cung).
Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, hãy nhớ luôn ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì hoạt động thể chất vừa phải để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.
2. Các mốc khám thai quan trọng 3 tháng giữa
Lịch khám thai trong 3 tháng giữa được chia thành 3 mốc giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Thai nhi từ 14 tuần đến 19 tuần 6 ngày tuổi
Thời điểm này bác sĩ sẽ tiếp tục sàng lọc các dị tật bẩm sinh của thai nhi thông qua các xét nghiệm. Mẹ bầu sẽ thường trải qua các bước khám và xét nghiệm gồm:
- Các thăm khám thường quy: đo cân nặng, kiểm tra huyết áp, bề cao tử cung, nghe tim thai.
- Siêu âm thai để xem xét các bất thường như đa ối, đa thai, nhau tiền đạo, nhịp tim thai bất thường hoặc khảo sát những dị tật thai lớn (chẻ đôi đốt sống, thoát vị rốn, chi ngắn, chân khoèo, sứt môi, hở hàm ếch…).
- Xét nghiệm Triple test sàng lọc dị tật thai nếu mẹ bầu chưa tiến hành làm xét nghiệm sàng lọc cho thai (Double test hoặc NIPT) trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Tiêm ngừa uốn ván (VAT) để phòng ngừa bệnh uốn ván cuống rốn cho thai nhi. Phác đồ tiêm gồm 2 mũi cách nhau một tháng, trong đó mũi thứ 2 cách ngày dự sinh dự kiến ít nhất một tháng.
Trường hợp kết quả xét nghiệm Triple test cho thấy thai nhi có nguy cơ cao thì bác sĩ sẽ tư vấn mẹ bầu làm thêm những xét nghiệm chuyên sâu hơn như NIPT, chọc ối hay sinh thiết gai nhau để xác định rõ tình trạng dị tật thai.
Có thể bạn quan tâm
Giai đoạn 2: Thai nhi từ 20 – 24 tuần tuổi
Đây là một cột mốc khám thai quan trọng để thực hiện khảo sát siêu âm hình thái học (siêu âm 3D hoặc 4D) do cấu trúc các cơ quan của thai nhi đã hình thành được tương đối hoàn chỉnh. Mẹ bầu sẽ được:
- Khám thai thường quy: đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai…
- Siêu âm hình thái học 3D/ 4D để khảo sát hình thái thai nhi, xác định nhau thai, lượng nước ối. Bác sĩ có thể phát hiện được các dị tật về hình thái có thể có của thai như não úng thủy, dị tật bẩm sinh tim…
- Siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo (đo chiều dài cổ tử cung) nếu chưa được thực hiện ở lần khám thai trước.
- Xét nghiệm nước tiểu để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lý nếu có như nhiễm trùng đường tiểu, kiểm tra đường/ đạm trong nước tiểu.
- Tiếp tục tiêm ngừa uốn ván.
Có thể bạn quan tâm
Giai đoạn 3: Thai nhi từ 24 – 28 tuần tuổi
Lần khám thai này, các mẹ bầu tiếp tục được tiến hành khám thai thường quy như thường lệ. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần làm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ bằng phương pháp dung nạp đường huyết. Để thực hiện xét nghiệm này, các mẹ phải nhịn ăn trước đó khoảng 8-12 giờ.
Nếu có dấu hiệu bất thường trong kết quả khám thai hoặc thai kỳ có các yếu tố nguy cơ thì lịch khám thai có thể thay đổi theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
Mang thai 3 tháng giữa: Trường hợp nào thì mẹ bầu cần gặp bác sĩ ngay?
Ngoài lịch khám thai thường quy trong 3 tháng giữa, các mẹ bầu cần chú ý đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường sau:
- Chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch âm đạo bất thường
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng dữ dội
- Sưng mặt, ngón tay hoặc mắt cá chân đột ngột
- Sốt bất thường
- Xuất hiện các cơn co thắt thường xuyên trước tuần 37 của thai kỳ
- Cảm nhận thấy sự thay đổi bất thường trong chuyển động của thai nhi
Nhìn chung, khoảng thời gian 3 tháng giữa thai kỳ thường khá ổn định. Các mẹ bầu bắt đầu giảm bớt các triệu chứng ốm nghén, mệt mỏi và dần cảm nhận được những cử động của thai nhi. Sự hình thành và phát triển của các cơ quan của thai nhi cũng diễn ra chủ yếu trong giai đoạn này thế nên các mẹ cần ghi nhớ và tuân thủ các mốc khám thai quan trọng trong 3 tháng giữa để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]