Ngoài việc đọc một số sách về thai kỳ để bổ sung kiến thức thai sản, bạn nên đăng ký tham gia một lớp học về quá trình chuyển dạ và sinh nở. Việc này giúp bạn có thể thực hành thuần thục kỹ thuật thở, cách vượt qua các cơn đau chuyển dạ mà không phải dùng đến thuốc giảm đau hay các biện pháp can thiệp y khoa khi chưa thực sự cần thiết. Điều này giúp bạn đỡ mất sức và có thể hồi phục nhanh sau sinh.
Trong thời gian học, bạn hãy tranh thủ trò chuyện với các học viên, người hướng dẫn để tích lũy thêm kinh nghiệm sinh nở để có một ca sinh thuận lợi. Nếu chưa biết chọn bệnh viện nào để sinh hay bác sĩ đỡ sinh, bạn có thể nhờ mọi người tư vấn giúp.
3. Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên thực hiện chế độ ăn cân đối, lành mạnh
Bạn nghe nói rằng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, thai phụ phải tiêu tốn rất nhiều sức lực nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình này. Thực tế là đúng như vậy. Do đó, việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với protein, rau củ quả, trái cây, sữa, ngũ cốc… sẽ giúp mẹ bầu có đủ sức khỏe cho quá trình sinh nở.
Tình trạng mẹ bầu bị thừa cân, béo phì hoặc quá nhẹ cân là ba trong số những yếu tố lớn nhất làm gia tăng nguy cơ sinh mổ và các biến chứng thai kỳ. Thế nên, mẹ bầu cần tuân thủ các hướng dẫn và yêu cầu của bác sĩ trong việc tăng hay giảm cân để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Hãy trao đổi thật cụ thể với bác sĩ để biết mình nên ăn bao nhiêu là vừa phải, đủ chất. Lưu ý là với những mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ, thừa cân… cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ một cách nghiêm ngặt.
4. Tập thể dục đều đặn để có một thai kỳ năng động, khỏe mạnh

Nếu bạn không rơi vào trường hợp phải hạn chế vận động thể chất vì một lý do đặc biệt nào đó, hãy tập thể dục thường xuyên với mức độ vừa phải. Những mẹ bầu có hoạt động thể chất thường xuyên, cơ thể sẽ săn chắc hơn, năng động hơn, sức khỏe dẻo dai hơn so với những mẹ bầu không tập.
Mẹ bầu có thể vận động thể chất bằng các hình thức như bơi lội, đi bộ, tập yoga, tập squat…
5. Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Khi bước sang tam cá nguyệt thứ 3, vòng 2 gần như đã ở trong trạng thái “vượt mặt” nên bạn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn trước. Điều này giúp bạn có được sức khỏe tốt để đương đầu với quá trình chuyển dạ sinh con gây tổn hao nhiều sức lực.
Trong thời gian này, bạn có thể gặp khó khăn khi ngủ, thậm chí là mất ngủ khi mang thai. Do đó, bạn nên tìm một tư thế ngủ thoải mái để có thể ngủ ngon giấc. Tư thế ngủ thuận tiện nhất cho mẹ bầu trong giai đoạn này là tư thế nằm nghiêng, gác chân lên gối ôm mềm.
6. Học cách xoay ngôi thai

Việc thai nhi nằm ở vị trí ngôi thai không thuận (ngôi mông hay ngôi nằm ngang) thường là một trong những nguyên nhân có thể gây cản trở việc sinh qua ngả âm đạo. Do đó, nếu bác sĩ cho biết bé cưng của bạn đang trong tình trạng này, bạn hãy hỏi bác sĩ về cách xoay ngôi thai bằng tay.
Thông thường nếu ngôi thai ngược, khi mẹ bầu mang thai vào khoảng 36 tuần, bác sĩ hay nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn bạn cách dùng tay xoay thai nhi để đầu bé di chuyển hướng xuống. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ sinh mổ.
Nếu bạn đã cố gắng trong việc xoay ngôi thai nhưng gần đến ngày sinh mà bé cưng vẫn ở ngôi không thuận, hãy trao đổi với bác sĩ xem có cách nào giúp bạn có thể tránh phải sinh mổ không.
7. Tránh hiệu ứng chuyển dạ
Quá trình khởi phát chuyển dạ có thể làm tăng nguy cơ sinh mổ. Điều này đặc biệt đúng nếu đây là lần sinh con đầu tiên của bạn. Trong quá trình chuyển dạ, độ mở của cổ tử cung cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc bạn sẽ sinh thường hay sinh mổ.
Một vấn đề mà bạn cần chú ý là hiệu ứng xã hội. Nhiều người thường suy nghĩ rằng mẹ mình, chị gái mình sinh mổ thì đương nhiên bản thân cũng sẽ sinh mổ. Hoặc những thai phụ có tầm vóc và thể tạng giống mình mà phải sinh mổ thì mình cũng khó tránh khỏi điều này… Nếu bạn có những suy nghĩ này, hãy chia sẻ với bác sĩ. Họ sẽ chỉ ra sai lầm trong cách nghĩ này của bạn và giải tỏa về ý nghĩ sinh mổ cho bạn.
8. Sử dụng thuốc và can thiệp vào quá trình sinh nở một cách khôn ngoan
Trong quá trình chuyển dạ, việc sử dụng các loại thuốc như gây tê ngoài màng cứng và một số loại thuốc khác nên được sử dụng đúng cách, đúng thời điểm. Nguyên do là nếu sử dụng những loại thuốc này quá sớm sẽ làm gia tăng nguy cơ sinh mổ khi thật sự không cần thiết. Ngoài ra, các biện pháp can thiệp như bấm túi ối quá sớm, xoay em bé vào một ngôi thai không thuận lợi… cũng có thể là nguyên nhân khiến việc sinh con bằng ngả âm đạo của bạn trở nên khó khăn hơn.
Nhiều bác sĩ cho rằng việc sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng khi cổ tử cung của mẹ bầu đã mở được hơn 5cm sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ sinh con bằng phương pháp mổ.
Do đó, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để việc dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp y khoa trong thời gian chuyển dạ diễn ra đúng thời điểm.
Bạn có thể tìm hiểu về cách xoay ngôi thai qua bài viết Đưa bé vào ngôi thai thuận trước sinh giúp mẹ sinh con dễ dàng
9. Có người giúp đỡ trong quá trình chuyển dạ
Nếu có điều kiện kinh tế, bạn nên chọn những bệnh viện phụ sản có thực hiện dịch vụ cho người nhà cùng vào phòng sinh với bạn. Việc người thân như chồng hay mẹ cùng vào phòng sinh có thể hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc sinh nở. Họ sẽ hỗ trợ bạn trong lúc chuyển dạ, massage hay động viên bạn khi bạn mệt mỏi. Điều này rất hữu ích cho bạn trong hành trình vượt cạn đầy gian nan.
Thực tế là đôi khi dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể sinh con theo ngả âm đạo nhưng vì một lý do y khoa khẩn cấp nào đó xảy ra, bác sĩ có thể chỉ định mổ bắt con. Nếu rơi vào tình huống này, bạn cũng đừng quá hoảng loạn, hãy làm những gì mà bác sĩ hướng dẫn để có một ca vượt cạn thành công bạn nhé.
Lan Quan / HELLO BACSI
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!