Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những thay đổi của cơ thể sau khi phá thai. Về mặt y khoa, thuật ngữ ‘đình chỉ thai kỳ’ chính là thuật ngữ chuyên môn của cụm từ ‘phá thai’, và Hello Bacsi sẽ sử dụng từ này xuyên suốt bài viết.
Trước khi nạo phá thai, bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ khoa sẽ tư vấn, hướng dẫn và cảnh báo trước với bạn về tất cả những rủi ro sức khỏe cũng như khả năng sinh sản trong tương lai, để bạn cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đình chỉ thai kỳ.
Đình chỉ thai kỳ là gì?
Đình chỉ thai kỳ (hoặc đình chỉ thai nghén) là một thuật ngữ y tế được dùng để chỉ quá trình sử dụng các biện pháp can thiệp y tế nhằm kết thúc sự phát triển thai nhi trong tử cung. Quyết định này không chỉ đến từ quyết định cá nhân của thai phụ mà trong một số trường hợp còn do sự chỉ định của bác sĩ.
Chỉ định đình chỉ thai kỳ (theo chỉ định của bác sĩ)
Chỉ định đình chỉ thai kỳ thường là quyết định của bác sĩ, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của thai phụ. Vì nếu tiếp tục duy trì sự phát triển của thai nhi, có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi, dưới đây là một số trường hợp thường được bác sĩ chỉ định đình chỉ thai kỳ:
- Thai nhi bất thường: Thai nhi có dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, hoặc không thể sống sót sau khi sinh, hoặc có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.
- Thai chết lưu: Tình trạng thai nhi ngừng phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trước thời điểm chuyển dạ.
- Mang thai ngoài tử cung: Hiện tượng trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài khoang tử cung, thường là ở vòi trứng.
- Nhiễm trùng thai kỳ: Các bệnh lý nhiễm trùng thai kỳ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thai phụ và thai kỳ bao gồm viêm gan B, viêm gan C, mụn rộp sinh dục, thủy đậu, viêm âm đạo, nhiễm trùng do quan hệ tình dục…
Cá nhân quyết định đình chỉ thai kỳ (tự nguyện)
Ngoài các trường hợp có liên quan đến sức khỏe và bác sĩ là người chỉ định đình chỉ thai kỳ thì dưới đây là một số trường hợp do cá nhân tự đưa ra quyết định:
- Mang thai ngoài ý muốn: Do quan hệ tình dục không an toàn, hoặc có sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng không thành công, hoặc do bị hiếp dâm.
- Mẹ đơn thân: Cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng một đứa bé, nên dẫn đến quyết định đình chỉ thai kỳ tự nguyện.
- Điều kiện kinh tế tài chính: Cá nhân mang thai không đủ khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc cũng có thể đi đến quyết định đình chỉ thai kỳ.
Lưu ý quan trọng
Phương pháp đình chỉ thai kỳ
Về mặt y khoa, có 2 phương pháp đình chỉ thai kỳ là sử dụng thuốc và phẫu thuật.
- Phương pháp đình chỉ thai bằng thuốc (medical abortion): Đây là phương pháp sử dụng thuốc để kết thúc thai kỳ. Hai loại thuốc phổ biến là mifepristone và misoprostol.
- Phương pháp đình chỉ thai bằng phẫu thuật (surgical abortion): Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một trong cách thủ thuật sau đây, để hút (hoặc nạo) thai ra khỏi cổ tử cung, để kết thúc sự phát triển của thai nhi. Các phương pháp có thể nhắc đến như hút chân không (VA), nong và nạo (D&C), nạo và hút thai (D&E). Các thủ thuật khác nhau có thể sẽ được bác sĩ gợi ý thực hiện dựa vào tuổi thai.
Những thay đổi của cơ thể sau khi đình chỉ thai kỳ (phá thai)
Đình chỉ thai kỳ, dù bằng thuốc hay thủ thuật ngoại khoa thì nhìn chung là an toàn. Tuy nhiên, đình chỉ thai kỳ cũng có một số tác dụng và rủi ro gây ra biến chứng nhất định. Dưới đây là các tác dụng phụ và những thay đổi của cơ thể sau khi đình chỉ thai kỳ mà bạn có thể gặp phải.
Tác dụng phụ thường gặp
- Chảy máu âm đạo: Hiện tượng này thường xảy ra sau khi thực hiện đình chỉ thai kỳ, nó giống với chảy máu trong những ngày hành kinh.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chuột rút và sốt: Đây là các triệu chứng cơ thể xuất hiện kèm theo tình trạng chảy máu âm đạo, chúng xuất hiện và kéo dài khoảng từ 2 – 3 tuần sau khi đình chỉ thai kỳ. Tuy nhiên, mức độ các triệu chứng sẽ giảm dần theo từng ngày.
Lưu ý quan trọng
- Chảy máu âm đạo nhiều, nhiều hơn nhiều so với những ngày hành kinh.
- Nhiễm trùng và kéo theo các triệu chứng nguy hiểm như sốt cao, các cơ đau bụng ngày càng mạnh, khí hư có mùi hôi khó chịu.
Rủi ro nhiễm trùng tử cung
Dù phá thai bằng thuốc (nội khoa) hay phá thai bằng phương pháp phẫu thuật (ngoại khoa) thì nguy cơ nhiễm trùng tử cung vẫn có thể xảy ra, rủi ro nguy hiểm nhất là khi gặp phải tình trạng mô, dịch, nhau thai hoặc các bộ phận của phôi thai còn còn lại bên trong tử cung.
Nếu không được xử lý kịp thời, chị em có thể sẽ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nghiêm trọng, nhiễm trùng vùng chậu, thủng tử cung, dính tử cung, tổn thương cổ tử cung, nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, vô sinh về sau…
Dấu hiệu nhận biết tình trạng phá thai còn sót:
- Chảy máu âm đạo nghiêm trọng.
- Sốt cao kéo dài từ 1 – 2 ngày.
- Các cơn đau bụng dưới, đau vùng chậu, đau cơ quan sinh dục nữ, đau lưng, chuột rút kéo dài nhiều ngày với mức độ dữ đội.
Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và tâm lý
Dù tự nguyện hay dưới sự chỉ định của bác sĩ thì đình chỉ thai kỳ luôn là một quyết định đầy khó khăn. Vì là một quyết định khó, nên việc bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng là điều tất yếu. Do đó, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè và gia đình, hoặc những ai mà bạn tin tưởng, nhờ họ đồng hành với bạn qua giai đoạn khó khăn này.
Cách chăm sóc bản thân sau khi đình chỉ thai kỳ
Theo khuyến nghị của Tổ chức MSI Reproductive Choices (Vương quốc Anh), dưới đây là những điều bạn nên và không nên làm sau khi đình chỉ thai kỳ.
Những điều nên và không nên làm sau khi đình chỉ thai kỳ bằng thuốc
Nên:
- Vệ sinh bên ngoài vùng kín nhẹ nhàng bằng nước ấm.
- Uống nhiều nước, và xin ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau.
- Tập thể dục nhẹ nhàng để phục hồi sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
- Sử dụng băng vệ sinh thay vì sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san trong vòng 2 – 3 ngày sau khi đình chỉ thai kỳ. Thậm chí bạn có thể dùng băng vệ sinh loại dày dành cho bà bầu.
Không nên:
- Không uống rượu, bia, các chất kích thích và cả thuốc lá.
- Không tùy ý sử dụng bất kỳ loại thuốc đặc trị nào.
- Không sử dụng vòi sen hoặc vòi xịt nước để vệ sinh vùng kín, đồng thời bạn cũng không nên sử dụng bất kỳ loại dung dịch phụ khoa nào để tránh nhiễm trùng.
Những điều nên và không nên làm sau khi đình chỉ thai kỳ bằng thủ thuật phẫu thuật
Nên:
- Hãy uống nhiều nước.
- Bạn được phép dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc codeine trong trường hợp bạn cảm thấy đau sau phẫu thuật.
- Hãy sử dụng loại băng vệ sinh mà bạn cảm thấy thoải mái.
- Hãy tìm một người đi cùng để đưa bạn về nhà an toàn sau phẫu thuật.
- Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc khi nào bạn sẽ được quan hệ tình dục trở lại cũng như các phương pháp tránh thai mà bạn sẽ được khuyến nghị sử dụng.
Không nên:
- Không uống rượu, bia, các chất kích thích và cả thuốc lá.
- Không thụt rửa âm đạo và không sử dụng bất kỳ loại dung dịch vệ sinh phụ khoa nào.
- Hạn chế khuân vác vật nặng, hạn chế lái xe hoặc di chuyển đến nơi xe trong 2 – 3 ngày sau phẫu thuật.
Câu hỏi thường gặp
Tác dụng phụ của phương pháp phá thai bằng thuốc là gì?
Trong quá trình phá thai bằng thuốc, bạn có thể sẽ đối mặt với các tác dụng phụ như đau bụng dữ dội do tử cung co thắt mạnh, xuất huyết âm đạo trong nhiều giờ và/hoặc có kèm theo sốt cao. Tuy nhiên còn tùy vào từng cá nhân mà mức độ đau và lưu lượng máu chảy ra khác nhau.
Sau hút thai bao lâu thì tử cung hồi phục?
Cơ thể bạn sẽ dần hồi phục sau 4 – 6 tuần. Đó là khoảng thời gian cần thiết để niêm mạc tử cung phục hồi, chức năng buồng trứng hoạt động trở lại, và nội tiết trong cơ thể về lại trạng thái ổn định.
Sau khi phá thai nên ăn gì?
Sau khi phá thai, bạn nên chọn chế độ ăn uống giàu protein, chất xơ, chất béo omega-3, khoáng chất và vitamin các loại. Cụ thể là các loại thịt đỏ, rau xanh đậm, ngũ cốc, sữa, trái cây…
Kết luận
Dù là đình chỉ thai kỳ với hình thức nào thì vẫn sẽ gây ra những tổn hại về cả thể chất và tinh thần. Đây là quyết định luôn không được khuyến khích trừ những trường hợp bất khả kháng và không thể lựa chọn giữ thai nhi.
Sau khi đình chỉ thai kỳ, có thể bạn sẽ gặp phải những bất ổn về mặt tâm lý, cảm xúc trong thời gian đầu. Đây là diễn biến bình thường, bạn sẽ dần hồi phục theo thời gian nếu nó không quá nghiêm trọng. Bạn cũng cần làm đúng các nguyên tắc nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân để nhanh chóng hồi phục.
[embed-health-tool-ovulation]