backup og meta

Mẹ sau sinh ăn lựu được không và những lưu ý mẹ cần biết

Mẹ sau sinh ăn lựu được không và những lưu ý mẹ cần biết

Lựu là một loại trái cây rất được các chị em phụ nữ ưa chuộng bởi loại quả này giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng và chất chống oxy hóa cho cơ thể, đặc biệt còn có tác dụng làm đẹp da và giữ gìn vóc dáng. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn thắc mắc không biết mẹ sau sinh ăn lựu được không?

Sau khi sinh con, phụ nữ thường phải kiêng khem nhiều thứ để cơ thể nhanh chóng hồi phục, sớm lấy lại được vóc dáng, đồng thời cũng là để an toàn cho bé ở các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Chính vì thế mà không ít mẹ bỉm băn khoăn liệu sau sinh ăn lựu được không? Trong trường hợp nào thì các chị em không nên ăn? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có được câu trả lời.

Giá trị dinh dưỡng của quả lựu

Trước khi biết được sau sinh có ăn được lựu không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của loại quả này nhé.

 Lựu là loại cây có nguồn gốc ở Iran và Afghanistan, do đây là loại cây ưa sáng và nhiệt độ nóng ẩm nên hiện nay lựu được trồng rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, đặc biệt ở các nước vùng Nam Á, Đông Nam Á đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Ở nước ta, lựu cũng là cây ăn quả quen thuộc, cây được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam và một số tỉnh ở đồng bằng trung du Bắc Bộ. Mùa quả chín khoảng tháng 7, mẹ bỉm có thể thể dễ dàng mua quả lựu ở các chợ hay siêu thị.

Một quả lựu (282g) cung cấp 234 calo, 4,7g protein, 52,7g carbohydrate và 3,3g chất béo. Quả lựu chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, bao gồm:

  • Folate: là một nhóm các chất thường được biết đến dưới dạng vitamin B9 bao gồm acid folic, dihydrofolate (DHF), tetrahydrofolate (THF)… Đây là một trong những yếu tố cần thiết trong quá trình hình thành hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu bình thường của cơ thể. Nó đóng vai trò quang trọng trong việc tăng cường tế bào, xây dựng cơ và hình thành hemoglobin, vì vậy thiếu hụt folate là một trong các nguyên nhân chính gây thiếu máu
  • Canxi: Khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe xương, răng cho mọi người nói chung và mẹ sau sinh nói riêng. Trong quá trình mang thai, phụ nữ mất một lượng canxi rất lớn, do đó nếu không chú ý bổ sung canxi đúng cách sẽ rất dễ gây nên những triệu chứng như đau nhức mỏi cơ xương khớp, chuột rút, tê bì tay chân…
  • Magiê: Đây là khoáng chất giúp giữ cho huyết áp bình thường, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Kali: Hàm lượng kali trong lựu giúp cân bằng nước và điện giải trong cơ thể.
  • Sắt: Sắt là khoáng chất đóng vai trò quan trọng đối với các tế bào máu, giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
  • Natri: Khoáng chất này giúp cân bằng nồng độ chất lỏng trong cơ thể và ổn định huyết áp.
  • Polyphenol: Lựu chứa rất nhiều hợp chất chống oxy hóa, bao gồm tanin và flavonoid, giúp hạn chế sự lão hóa của tế bào. Thậm chí, theo một số nghiên cứu, hoạt tính chống oxy hóa trong loại trái cây này còn cao hơn rất nhiều lần so với trà xanh và rượu vang đỏ.

Giải đáp thắc mắc: Mẹ sau sinh ăn lựu được không?

mẹ sau sinh ăn lựu được không

Từ những dưỡng chất phổ biến có trong lựu đã được đề cập, có thể thấy, lựu là một loại trái cây rất tốt cho sức khỏe. Nhưng liệu có phải tất cả mọi người đều có thể ăn lựu, uống nước ép lựu hay không?

Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ đang ở trong trạng thái rất yếu, cần được tĩnh dưỡng và bồi bổ đúng cách. Vậy mẹ sau sinh ăn lựu được không? Câu trả lời là “Có”.

Lựu chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể phụ nữ sau sinh mau chóng hồi phục. Các vitamin và khoáng chất có trong lựu vừa giúp cung cấp dưỡng chất cho cơ thể vừa mang lại nhiều lợi ích tích cực khác.

Việc ăn và uống một lượng vừa phải lựu hay nước ép lựu mỗi ngày sẽ giúp cơ thể mẹ sau sinh lành thương nhanh chóng, bổ sung năng lượng cho một ngày dài, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tim mạch, cao huyết áp, ung thư…

Do đó, nếu mẹ sau sinh đang tìm kiếm một loại trái cây tốt cho sức khỏe hậu sản, đừng bỏ qua quả lựu nhé! Để hiểu rõ những lợi ích của quả lựu đối với mẹ sau sinh, cùng đọc tiếp những thông tin dưới đây.

Lợi ích của quả lựu đối với mẹ sau sinh

mẹ sau sinh ăn lựu được không

Như vậy là bạn đã biết được câu trả lời cho vấn đề “Sau sinh ăn lựu được không?”. Quả lựu mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, điển hình như:

  • Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Lựu là nguồn cung cấp dồi dào polyphenol có khả năng chống oxy hóa cao. Hơn nữa, tác dụng chống xơ vữa, hạ huyết áp và kháng viêm của lựu cũng đã được khẳng định. Các chất chống oxy hóa trong nước ép lựu có thể giúp giữ cholesterol ở dạng ít gây hại hơn và cũng có thể làm giảm mảng bám tích tụ trong thành mạch máu. Những điều này giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch cho mẹ sau sinh.
  • Phòng chống ung thư: Nước ép lựu được chứng minh là có tác dụng chống tăng sinh tế bào ung thư vú. Tác dụng chống viêm của lựu cũng giúp giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư khác như ung thư da, ung thư phổi, ung thư ruột kết…
  • Làm lành vết thương nhanh chóng: Sau sinh mổ ăn lựu được không? Nghiên cứu cho thấy, chiết xuất quả lựu giúp giảm đáng kể diện tích vết thương và tăng các dải collagen được tổ chức tốt, nguyên bào sợi. Đặc tính này giúp làm lành vết thương nhanh chóng cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ. Lượng vitamin C dồi dào cũng làm tăng sức đề kháng, hạn hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ sau sinh.
  • Bảo vệ làn da: Một nghiên cứu đã khẳng định rằng, nước ép, chiết xuất và dầu lựu có tác dụng chống lại tổn thương do tia UVB gây ra. Trong thành phần của lựu có rất nhiều vitamin tốt cho da như vitamin A, vitamin C và đặc biệt là vitamin E. Các chất dinh dưỡng trong lựu giúp ngăn ngừa các enzym phá vỡ collagen, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào, chống lại quá trình lão hóa và kháng viêm tại các nốt mụn hay vết thương hở trên da. Điều này góp phần hạn chế tình trạng nám da, sạm da sau sinh cho các chị em bỉm sữa.
  • Chống viêm khớp: Quả lựu có tác dụng hạn chế tình trạng viêm khớp nhờ khả năng điều chỉnh tổn thương sụn và viêm sụn. Trong quả lựu có chứa nhiều chất tốt cho hệ xương khớp như: magie, photpho, sắt, canxi. Những chất này có khả năng giúp ức chế các enzyme gây tổn thương sụn, chống viêm, đau ở các đầu xương khớp. Đồng thời, khi mẹ bỉm ăn hoặc uống nước ép lựu đều đặn còn có tác dụng giúp tránh được hiện tượng loãng xương hiệu quả.
  • Kháng khuẩn, nấm: Nếu vẫn còn thắc mắc mẹ sau sinh ăn lựu được không, hãy quan tâm đến tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm của loại quả này. Chị em phụ nữ sau sinh thường có nguy cơ đối mặt với tình trạng nhiễm trùng hậu sản. Lúc này, để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, các mẹ bỉm nên bổ sung lựu trong chế độ dinh dưỡng. Trong y học cổ truyền, lựu đã được sử dụng từ rất sớm, có một vị thuốc gọi là thạch lưu bì là vỏ quả lựu hay vỏ rễ cây lựu, thường được sử dụng để điều trị giun sán, bệnh kiết lỵ và tiêu chảy rất hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý thạch lựu bì lại là vị thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Những lợi ích nổi bật này đã góp phần hoàn thiện câu trả lời cho vấn đề “Mẹ sau sinh ăn lựu được không?”. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý một điều rằng, có một số phụ nữ sau sinh không nên ăn lựu. Đó là những ai? Mời bạn đọc tiếp để hiểu rõ.

Những ai sau sinh không được ăn lựu?

Mặc dù “Phụ nữ sau sinh ăn lựu được không?” là “Có thể”, nhưng các mẹ bỉm cũng cần ăn một lượng vừa phải. Đặc biệt, một số mẹ sau sinh sau đây nên cân đối liều lượng ăn lựu hợp lý:

  • Mẹ sau sinh mắc bệnh tiểu đường: Mặc dù có một số ý kiến cho rằng, nước ép lựu có khả năng cải thiện đường huyết nhưng nếu bị đái tháo đường, các mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống nước ép hay ăn quả lựu.
  • Phụ nữ có huyết áp thấp hoặc huyết áp dao động khó kiểm soát: Chiết xuất từ ​​​​quả lựu có thể làm giảm mức huyết áp. Do đó, những người đang dùng thuốc điều trị huyết áp, các mẹ bỉm có huyết áp thấp, huyết áp dao động khó kiểm soát… cần cân nhắc trước khi ăn lựu.
  • Mẹ bỉm bị dị ứng với lựu: Mặc dù lựu có tốt đến mức nào đi chăng nữa, nhưng nếu bạn bị dị ứng với loại quả này, hãy tránh xa nó nhé!
  • Phụ nữ đang dùng thuốc điều trị ung thư: Nếu đang điều trị ung thư, mẹ hãy hỏi bác sĩ điều trị trước khi dùng lựu hoặc bất kỳ loại thảo dược nào khác. Nguyên nhân là vì lựu có thể tương tác với các loại thuốc trị ung thư khiến thuốc kém hiệu quả hơn.

Có vài lưu ý nhỏ mẹ bỉm cần nhớ khi ăn lựu:

  • Hạn chế ăn nhiều, lượng hạt lựu được khuyên dùng mỗi ngày là 150g.
  • Tránh ăn lựu lúc đói do làm tăng tiết dịch vị và có hại đến dạ dày.
  • Tránh ăn luôn phần hạt do hoạt chất tanin có trong hạt lựu sẽ làm tăng nguy cơ táo bón, vốn rất phổ biến ở mẹ bỉm.
  • Mẹ bỉm cho con bú cần theo dõi tình trạng của bé để tránh hiện tượng bé dị ứng.
  • Vấn đề an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng, mẹ bỉm chỉ nên mua lựu ở cửa hàng rõ nguồn gốc và không có dư lượng thuốc trừ sâu.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được câu trả lời cho vấn đề “Mẹ sau sinh ăn lựu được không?”. Lựu là một loại quả giàu dưỡng chất, đặc biệt là chất chống oxy hóa. Do đó, để tối ưu lợi ích của lựu, các mẹ bỉm sữa nên bổ sung một lượng vừa phải lựu trong thực đơn dinh dưỡng nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Potent health effects of pomegranate – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4007340/ Ngày truy cập: 15/09/2023

Pomegranate juice alters the microbiota in breast milk and infant stool: a pilot study https://www.researchgate.net/publication/360392284_Pomegranate_juice_alters_the_microbiota_in_breast_milk_and_infant_stool_a_pilot_study Ngày truy cập: 15/09/2023

Evidence for health properties of pomegranate juices and extracts beyond nutrition: A critical systematic review of human studies – ScienceDirect https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0924224421003885 Ngày truy cập: 15/09/2023

Pomegranates, raw, 1 pomegranate (3-3/8″ dia) – Health Encyclopedia – University of Rochester Medical Center https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=76&contentid=09286-1 Ngày truy cập: 15/09/2023

Maternal Diet https://www.cdc.gov/breastfeeding/breastfeeding-special-circumstances/diet-and-micronutrients/maternal-diet.html Ngày truy cập: 15/09/2023

Effect of Pomegranate Juice Consumption on the Health of Mothers and Infants During Breastfeeding (PomInfant) https://classic.clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT04341961 Ngày truy cập: 15/09/2023

Health Benefits of Pomegranates: Who Should and Shouldn’t Eat Them? https://www.medicinenet.com/pomegranates_who_should_and_shouldnt_eat_them/article.htm Ngày truy cập: 15/09/2023

Phiên bản hiện tại

22/09/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không? Mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Ăn lựu khi mang thai có tốt cho thai kỳ? Mẹ cần lưu ý gì khi ăn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 22/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo