backup og meta

Bà bầu đau bụng đi ngoài: 5 nguyên nhân thường gặp và cách điều trị

Bà bầu đau bụng đi ngoài: 5 nguyên nhân thường gặp và cách điều trị

Bà bầu đau bụng đi ngoài hay bị tiêu chảy khi mang thai là vấn đề xảy ra khá thường xuyên với không ít chị em bầu bí. Vậy vấn đề này bắt nguồn từ đâu, giải pháp xử lý tốt nhất là gì?

Suốt hành trình mang thai đầy vất vả, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó có cả việc đau bụng đi ngoài. Bà bầu bị đau bụng đi ngoài có sao không? Đau bụng đi ngoài có ảnh hưởng đến thai nhi? Tất cả những thắc mắc này của bạn sẽ được giải đáp thông qua bài viết sau của Hello Bacsi. 

Đau bụng tiêu chảy khi mang thai có sao không?

Bà bầu bị đau bụng đi ngoài là triệu chứng khá phổ biến, chứng bệnh này có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Một nghiên cứu khảo sát trên 3.682 thai phụ cho kết quả, có khoảng 14.3% mẹ bầu từng ít nhất một lần bị đau bụng tiêu chảy trong thai kỳ. 

Bà bầu bị đau bụng đi ngoài có sao không, có gây hại cho thai nhi? Thực tế, dù tình trạng này không đe dọa trực tiếp đến tính mạng thai nhi nhưng nếu bà bầu đi ngoài nhiều lần trong ngày có thể dẫn đến nguy cơ mất nước nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, khi phụ nữ có bầu bị đau bụng đi ngoài liên tục còn kích thích tử cung co bóp, dễ dẫn đến sinh non, thậm chí là sảy thai.

Do đó, nếu thấy các triệu chứng đau bụng đi ngoài kéo dài, đặc biệt là đau bụng đi ngoài khi mang thai tháng đầu hoặc đau bụng khi mang thai tháng cuối thì cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bà bầu bị đau bụng đi ngoài: Điểm mặt 5 nguyên nhân thường gặp

nguyên nhân khiến bà bầu đau bụng đi ngoài

Nhiều chị em bầu bí thường thắc mắc nguyên nhân khiến bà bầu bị đau bụng đi ngoài là do đâu? Theo các chuyên gia sản khoa, hiện tượng bà bầu đau bụng đi ngoài hay tiêu chảy khi mang thai thường xuất phát từ 5 nguyên nhân cơ bản có liên quan trực tiếp đến thai kỳ. Cụ thể là: 

1. Thay đổi trong khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng

Sau khi biết được mình đang mang “một thiên thần nhỏ”, nhiều mẹ bầu vội vã thay đổi thực đơn ăn uống. Sự thay đổi quá đột ngột về chế độ ăn rất dễ khiến cho bụng và dạ dày khó chịu, từ đó dẫn đến việc đi ngoài hay có bầu bị tiêu chảy.

2. Nhạy cảm với thức ăn mới khi mang thai

Một nguyên nhân khiến bà bầu bị đau bụng đi ngoài là nhạy cảm với thức ăn. Thực tế là vấn đề nhạy cảm với thức ăn đã khiến không ít mẹ bầu phải khổ sở trong thai kỳ. Việc tiêu thụ một số thực phẩm trước khi mang thai không gây ảnh hưởng nhiều nhưng giờ đây lại có thể gây đầy hơi, chướng bụng và thậm chí còn khiến bà bầu đau bụng đi ngoài nhiều lần trong ngày.

3. Tác dụng phụ của các loại vitamin cho bà bầu

Việc cung cấp thêm các loại vitamin cần bổ sung khi mang thai là điều rất cần thiết cho sức khỏe cả mẹ lẫn bé. Tuy nhiên, việc tiêu thụ một số loại viên uống bổ sung dưỡng chất nhất định cũng có nguy cơ làm dạ dày khó chịu, chướng bụng và gây tiêu chảy hay ngược lại là táo bón, chẳng hạn như viên uống bổ sung sắt.

4. Sự thay đổi hormone thai kỳ

Hormone thai kỳ thay đổi, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ hormone progesterone khiến hệ tiêu hóa làm việc chậm lại, nhu động ruột kéo dài thời gian làm việc và thư giãn quá nhiều dẫn tới tình trạng thức ăn nằm lại trong dạ dày và đại tràng lâu hơn, gây đầy hơi, khó chịu ở bụng dưới.

Hormone thay đổi là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng táo bón thai kỳ lẫn tiêu chảy. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch cơ thể suy giảm cũng tạo cơ hội cho các mầm bệnh từ bên ngoài môi trường dễ tấn công khiến mẹ bầu dễ bị đau bụng đi ngoài khi mang thai hơn trước.

5. Không dung nạp đường lactose

Một nguyên nhân khác khiến bà bầu bị đau bụng đi ngoài không thể không kể đến là tình trạng không dung nạp đường lactose. Phụ nữ mang thai thường phải tăng cường uống sữa để có đủ canxi và các dưỡng chất thiết yếu cho bé phát triển. Tùy theo cơ địa, một số chị em gặp phải tình trạng không dung nạp đường lactose khiến ruột non không chuyển hóa được đường lactose và chuyển xuống ruột già. Tại đây, các vi khuẩn sẽ phân hủy lactose thành chất lỏng và khí. Từ đó, cơ thể xuất hiện các triệu chứng ở hệ tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy.

Ngoài 5 nguyên nhân kể trên, mẹ bầu bị đau bụng đi ngoài cũng có thể là do các vấn đề ít phổ biến hơn như:

  • Ngộ độc thực phẩm khi mang thai
  • Rối loạn tiêu hóa do nhóm các virus gây nôn mửa và tiêu chảy
  • Nhiễm ký sinh trùng đường ruột
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Một số loại thuốc
  • Bệnh viêm loét đại tràng
  • Hội chứng Crohn
  • Bệnh Celiac

Tình trạng đau bụng đi ngoài khi mang thai cuối cũng rất thường xảy ra. Theo Hiệp hội Sản khoa Hoa Kỳ, đôi khi đây có thể là một trong những dấu hiệu sắp sinh thường gặp. Tuy nhiên, không phải tất cả mẹ bầu đều có dấu hiệu này ở những tháng cuối thai kỳ.

Giải đáp thắc mắc: Bà bầu bị đau bụng đi ngoài phải làm sao?

chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong thai kỳ

“Bà bầu bị đau bụng đi ngoài phải làm sao?”, “mẹo chữa đau bụng đi ngoài cho bà bầu” hay “bà bầu đau bụng đi ngoài nên uống gì?” là những thắc mắc thường gặp. Theo các chuyên gia sản khoa, nếu tình trạng này diễn ra dài ngày hãy đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện những mẹo chữa đau bụng đi ngoài cho bà bầu sau đây: 

1. Hạn chế thực phẩm dễ gây tiêu chảy

Một số thực phẩm có thể khiến tình trạng các bà bầu bị đau bụng đi ngoài diễn ra dữ dội hơn. Do đó, bạn cần lưu ý tránh xa các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng và các sản phẩm từ bơ sữa, thức uống có ga và nhiều caffeine, thực phẩm nhiều đường như kẹo hay chocolate… 

Thay vào đó, bạn nên tích cực sử dụng những loại thực phẩm tốt cho giai đoạn đầu mang thai như: cơm, khoai tây nghiền tự làm, bánh mì nướng, chuối, cà rốt nấu chín, cháo, bột yến mạch…

2. Bà bầu bị đau bụng đi ngoài cần tuân thủ chế độ ăn đặc biệt

Bà bầu đau bụng đi ngoài nên ăn những thực phẩm lành mạnh như chuối, cơm, táo, bánh mì nướng, khoai tây, rau củ như cà rốt, thịt nạc heo, gà, sữa chua… Những thực phẩm này sẽ giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột và cung cấp dinh dưỡng.

3. Bà bầu đi ngoài nhiều lần trong ngày nên uống đủ nước

Trong giai đoạn bầu bí, bạn cần đảm bảo uống đủ nước, nhất là khi gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như tình trạng đau bụng đi ngoài. Theo MayoClinic, phụ nữ mang thai nên uống khoảng 2,4 lít nước mỗi ngày, vì lúc này bạn đang phải cung cấp nước cho 2 cơ thể.

Trong trường hợp bị tiêu chảy nặng, bà bầu nên bù nước và điện giải bằng cách uống nhiều nước hoặc sử dụng oresol. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể uống các loại nước trái cây tốt cho mẹ bầu như nước ép cà rốt, nước dừa, nước chanh, nước ép dâu, táo… Nước lọc sẽ giúp bù lại lượng chất điện giải đã mất trong khi nước ép sẽ bổ sung muối và kali cho cơ thể sau khi đi bị ngoài nhiều.

4. Bà bầu bị đi ngoài uống gì? Thuốc điều trị tiêu chảy cho thai phụ

Có một lưu ý trong trường hợp dùng thuốc đi ngoài cho bà bầu là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và không nên tùy tiện sử dụng khi không có sự cho phép của bác sĩ để tránh những biến chứng xảy ra đối với thai nhi và mẹ.

Đa phần nếu mẹ bầu bị tiêu chảy không phải nguyên nhân do nhiễm trùng thì sẽ tự hết sau khi lượng đồ ăn lạ, không tiêu được thải hết ra ngoài. Bạn chỉ cần chú ý bồi hoàn đủ nước.

Cách phòng ngừa tiêu chảy khi mang thai

cách đảm bảo sức khỏe thai kỳ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bà bầu đau bụng đi ngoài nên việc tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như ngăn ngừa từ ban đầu là điều rất quan trọng.

  • Với những ai có hệ tiêu hóa nhạy cảm và yếu, cần tránh thực phẩm cay và đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ khó tiêu hóa.
  • Mẹ bầu nên thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi, ưu tiên ăn đồ mới nấu, tuyệt đối không dùng các loại rau sống, gỏi, tiết canh hay những món thịt tái sống… Hạn chế việc ăn uống ở bên ngoài bởi yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm không được đảm bảo tốt.
  • Tránh ăn quá nhiều hải sản như cá biển, tôm, cua, ốc… hoặc những món trước đây từng khiến bạn bị đau bụng đi ngoài.
  • Nếu mắc chứng không dung nạp đường lactose, bạn cần cắt giảm lượng sữa tiêu thụ và tìm kiếm các nguồn canxi cho mẹ bầu khác để đảm bảo cơ thể không bị thiếu canxi.
  • Tránh uống nước ngọt có ga, thức uống đóng chai nhiều đường và phẩm màu.
  • Không tiêu thụ nước trà, cà phê, nước ép nho và các loại nước uống tăng lực.
  • Dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi vì tình trạng tiêu chảy thường khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức.
  • Để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn thay vì chỉ dùng 3 bữa chính. Trước mỗi bữa ăn, bạn nên rửa tay thật kỹ để tránh gián tiếp “đưa” mầm bệnh vào trong cơ thể.

Mẹ bầu bị đi ngoài phân xanh có nguy hiểm không?

bà bầu đau bụng đi ngoài phân xanh

Bà bầu đau bụng đi ngoài là điều hết sức bình thường, nhưng nếu đi ngoài phân xanh khi mang thai thì điều này có thể sẽ làm bạn lo lắng và bất ngờ. Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất diệp lục có thể sẽ khiến bạn gặp phải vấn đề này.

Trong thai kỳ, mẹ bầu thường ăn nhiều rau xanh, cộng với việc hấp thụ các loại vitamin giàu chất sắt, các loại thuốc hay thực phẩm chức năng có thể khiến phân có màu xanh.

Khi nhận thấy phân có màu xanh, bạn đừng quá lo lắng mà hãy “ngược thời gian, trở về quá khứ” rà soát xem mình đã tiêu thụ những thực phẩm hay đồ ăn nào. Nếu thực phẩm đó không khiến phân có màu xanh thì bạn cần đi khám ngay bởi vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý đặc biệt nào khác trong thai kỳ.

Bà bầu đau bụng đi ngoài: Khi nào bạn cần đi khám?

bà bầu đau bụng đi ngoài khám bác sĩ

Việc bị tiêu chảy kéo dài sẽ dẫn đến mất nước nghiêm trọng. Nếu bà bầu đau bụng đi ngoài nhiều lần trong ngày kéo dài hơn 2 – 3 hôm, bạn cần đến bác sĩ khám ngay. Bởi lẽ, việc mất nước kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng thường gặp trong thai kỳ rất nguy hiểm.

Một số dấu hiệu cơ thể bị mất nước là:

  • Nước tiểu sậm màu
  • Môi, miệng khô
  • Khát nước liên tục
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Da khô, nhão
  • Mệt mỏi, yếu sức.

Bạn không cần quá lo lắng khi gặp phải tình trạng tiêu chảy hay đau bụng đi ngoài trong thai kỳ. Hãy bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân để có được cách xử lý an toàn và phù hợp nhất bạn nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diarrhea in Pregnancy https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/is-it-safe/diarrhea-in-pregnancy-5563/ Ngày truy cập: 31.01.2019

Diarrhoea and vomiting in pregnancy https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-symptom-checker/diarrhoea-and-vomiting-pregnancy  Ngày truy cập: 15.08.2021

Constipation and diarrhea in pregnancy https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9546090/ Ngày truy cập: 15.08.2021

Remedies for Diarrhea During Pregnancy  https://www.healthline.com/health/pregnancy/diarrhea-remedies Ngày truy cập: 31.01.2019

Abdominal Pain During Pregnancy: Is It Gas Pain or Something Else?https://www.healthline.com/health/pregnancy/gas-pain-during-pregnancy Ngày truy cập: 31.01.2019

Diarrhea During Pregnancy: What Causes It And Remedies http://www.momjunction.com/articles/diarrhea-pregnancy-signs-causes-treatments_00327/#gref Ngày truy cập: 31.01.2019

Diarrhea During Pregnancy https://www.babycenter.com/0_diarrhea-during-pregnancy_20000032.bc Ngày truy cập: 31.01.2019

Eating during pregnancy https://kidshealth.org/en/parents/eating-pregnancy.html Ngày truy cập 10/5/2023

 

 

Phiên bản hiện tại

29/11/2024

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Ra máu báo bao lâu thì chuyển dạ? Máu báo sắp sinh nhiều hay ít?

Bà bầu ăn trứng vịt lộn được không? Những điều cần lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 29/11/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo