backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mệt mỏi trong thai kỳ có phải do thiếu máu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 03/06/2022

    Mệt mỏi trong thai kỳ có phải do thiếu máu?

    Bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi khi mang thai và bối rối không biết tình trạng này có gây nguy hiểm gì không hay chỉ là một triệu chứng thường gặp trong thai kỳ. 

    Mệt mỏi khi mang thai là tình trạng mà rất nhiều mẹ bầu gặp phải, nhất là trong giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ. Không chỉ là dấu hiệu mang thai, mệt mỏi khi mang thai còn là tín hiệu cảnh báo tình trạng mẹ bầu bị thiếu máu.

    Thực tế là nhiều thai phụ bị thiếu máu ngay cả trước khi mang thai vì cơ thể không được cung cấp đủ sắt cùng một số dưỡng chất thiết yếu trong chế độ ăn và mất chất sắt trong kỳ kinh nguyệt. Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị thiếu máu, nhưng phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt, axit folic cùng vitamin B12. Lý do là việc mang thai làm tăng nhu cầu sản xuất hồng cầu của cơ thể, tăng lượng hemoglobin đòi hỏi mẹ bầu phải được cung cấp nhiều sắt, axit folic và vitamin B12 nhiều hơn.

    Mẹ bầu bị thiếu máu: Nguyên nhân do đâu?

    Khi mang thai, bạn không chỉ phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bản thân mà còn cho cả bé cưng nữa. Trong thời gian bầu bí, lượng máu trong cơ thể bạn cần tăng 50% thể tích. Điều này làm gia tăng nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt, axit folic cùng vitamin B12.

    Thiếu máu do thiếu sắt

    Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt để sản xuất đủ lượng tế bào hồng cầu hay còn gọi là huyết sắc tố. Hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp các bộ phận của cơ thể.

    Tình trạng thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu thai kỳ. Nếu mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt, máu không thể cung cấp đủ oxy đến các mô trên toàn cơ thể.

    Thiếu máu do thiếu folate

    Folate hay còn gọi là axit folic, là một loại vitamin nhóm B có mặt trong một số loại thực phẩm như rau lá xanh. Để tạo ra tế bào mới, bao gồm cả các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, cơ thể cần được cung cấp đủ lượng folate cần thiết.

    Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cần lượng folate nhiều hơn trước nhưng chế độ ăn thường không đáp ứng được điều này. Do đó, lượng hồng cầu được tạo ra có thể không đáp ứng được nhu cầu của mẹ bầu và thai nhi.

    Tình trạng thiếu folate có thể làm gia tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật nứt đốt sống hoặc nhẹ cân.

    Thiếu máu do thiếu vitamin B12

    Cơ thể cần vitamin B12 để hình thành các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nếu trong thời gian mang thai, mẹ bầu không nhận đủ lượng vitamin B12 từ chế độ ăn uống, cơ thể sẽ không sản xuất đủ lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Người không ăn thịt gia súc, thịt gia cầm, các sản phẩm từ sữa và trứng có nguy cơ bị thiếu vitamin B12 cao hơn. Thai nhi của những mẹ bầu thiếu vitamin B12 có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như bất thường ống thần kinh và có thể ra đời sớm hơn dự kiến.

    Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng thiếu máu thai kỳ:

    • Mang đa thai
    • Bị nôn nhiều do ốm nghén
    • Có tiền sử thiếu máu trước khi mang thai
    • Thời gian giữa các lần mang thai liền kề quá ngắn
    • Kinh nguyệt nhiều và kéo dài trước khi mang thai
    • Không cung cấp đủ sắt cho cơ thể thông qua chế độ ăn

    Mệt mỏi trong thai kỳ có phải do thiếu máu?

    mệt mỏi khi mang thai

    Mệt mỏi khi mang thai là một triệu chứng phổ biến của thai kỳ và cũng là dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt. Do đó, các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm công thức máu toàn phần để xác định chính xác mẹ bầu có bị thiếu máu hay không.

    Các dấu hiệu phổ biến cảnh báo mẹ bầu bị thiếu máu bao gồm:

  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Khó thở
  • Nhịp tim không đều
  • Tay chân lạnh
  • Da, móng tay nhợt nhạt…
  • Ngoài ra, có một số mẹ bầu thiếu máu bị hội chứng Pica. Đây là một dạng rối loạn ăn uống khiến mẹ bầu có thể thèm ăn những thứ không phải là thức ăn như đất sét, đá, giấy, sơn, phấn, tóc, gỗ…

    Bí quyết giúp mẹ bầu tránh thiếu máu thai kỳ

    Nhằm hạn chế nguy cơ bị thiếu máu khi mang thai, bạn cần thực hiện những điều cốt yếu sau:

    Trước khi mang thai, để chuẩn bị sức khỏe thật tốt, bạn nên:

    • Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai bằng việc thực hiện chế độ ăn cân đối, lành mạnh kết hợp với tập thể dục thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe tốt
    • Khám tiền sản, sàng lọc các nguy cơ sức khỏe, dị tật bẩm sinh, ngăn ngừa các nguy cơ xấu có thể xảy ra cho mẹ bầu lẫn thai nhi trong suốt thai kỳ
    • Sử dụng viên uống tổng hợp có chứa sắt, các vitamin thiết yếu như vitamin B12, axit folic… trước khi mang thai nhằm chuẩn bị tốt nhất cho quá trình bầu bí. Nguyên do là quá trình mang thai gần như lấy hết các dưỡng chất cũng như khoáng chất của cơ thể bạn.

    Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ hợp lý khi mang thai

    Khi mang thai, cơ thể cần 27mg sắt mỗi ngày nên mẹ bầu cần ăn uống đa dạng đủ 4 nhóm thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm giàu đạm, sắt, vitamin (đặc biệt là các vitamin nhóm B, C)…

    Trong thực đơn của mẹ bầu cần có sự xuất hiện của rau lá màu xanh đậm, thịt đỏ, cá, ngũ cốc, các loại hạt và đậu, trứng, sữa cùng các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, mẹ bầu nên bổ sung thêm các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, ổi, thanh long, mận, dâu tây, khế, sơ ri…

    Để tăng cường bổ sung sắt, bên cạnh việc tiêu thụ các thực phẩm giàu sắt và vitamin C, bạn có thể dùng viên uống bổ sung sắt bởi các ưu điểm nổi bật như sau:

    • Thành phần từ sắt hữu cơ, dễ dàng hấp thu vào cơ thể, ít gây táo bón so với sắt vô cơ.
    • Bổ sung thêm 2 thành phần thiết yếu khác là vitamin B12 và axit folic giúp cơ thể sản xuất hồng cầu, duy trì sự khỏe mạnh của các tế bào máu, tăng cường quá trình trao đổi chất cho cơ thể
    • Tiện dụng, dễ uống, không có mùi khó chịu.

    Lan Quan/HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 03/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo