backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Các bệnh về túi mật gây khó chịu trong thai kỳ thường gặp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 02/08/2018

    Các bệnh về túi mật gây khó chịu trong thai kỳ thường gặp

    Phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 60 sẽ dễ bị sỏi mật hơn so với nam giới. Có 2 – 4% phụ nữ mang thai bị sỏi mật được phát hiện qua siêu âm. Vẫn còn nhiều bệnh túi mật khi mang thai mà mẹ bầu cần chú ý.

    Mang thai là khoảng thời gian cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi và nhạy cảm nhất. Thai kỳ còn có thể gây một số ảnh hưởng lên sỏi mật. Đầu tiên hãy cùng tìm hiểu một số thông tin về túi mật nhé.

    Túi mật là gì?

    Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm bên dưới gan, chứa mật dư thừa từ gan. Khi thức ăn đi vào dạ dày, túi mật giải phóng mật vào ruột non để tiêu hóa mỡ.

    Nếu bạn có bất thường gì ở túi mật, bác sĩ sẽ cắt bỏ túi mật đi bằng phẫu thuật. Túi mật không phải là cơ quan thiết yếu của cơ thể nên cơ thể bạn sẽ quen dần với việc thiếu đi túi mật. Thời kỳ mang thai là lúc túi mật dễ bị tổn thương hơn do nhiều yếu tố tác động.

    Những bệnh túi mật khi mang thai mẹ bầu thường gặp

    Khi mang thai, túi mật rất dễ gặp một số vấn đề sau:

    1. Sỏi mật

    Nếu không có đủ muối mật, quá nhiều cholesterol hoặc túi mật không hoạt động hiệu quả, các viên sỏi cứng hay gọi là sỏi mật sẽ hình thành. Sỏi mật là một bệnh khá phổ biến trong thai kỳ do hormone progesterone được tạo ra trong quá trình mang thai làm các mô cơ trong cơ thể thư giãn hơn. Điều này làm quá trình tiết mật chậm lại và dễ hình thành sỏi mật cũng như gây viêm túi mật.

    Triệu chứng

    Khi bạn bị sỏi mật trong thai kỳ, bạn có thể có triệu chứng sau trong khoảng 1 giờ ăn bữa ăn nhiều mỡ:

    • Buồn nôn
    • Vàng da
    • Đau dữ dội ở hạ sườn phải hay giữa bụng. Bạn có thể thấy đau, co thắt, âm ỉ hay đau nhói.

    Khi thấy những cơn đau dai dẳng ở bụng, bạn hãy đi bác sĩ để kiểm tra xem mình có bị sỏi mật không nhé.

    2. Ứ mật thai kỳ

    Một trong những bệnh túi mật khi mang thai là ứ mật thai kỳ vì cơ thể tạo ra nhiều estrogen hơn. Sự gia tăng của hormone này có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong mật, giảm sự co bóp của túi mật hay sẽ dẫn đến ứ mật. Tình trạng này có thể gây nhiều biến chứng như phân trong nước ối, sinh non hay thai lưu.

    Triệu chứng

    • Ngứa nhiều
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Vàng da, vàng mắt
    • Mệt mỏi
    • Trầm cảm
    • Chán ăn

    Ứ mật khó nhận biết vì các triệu chứng của bệnh này rất phổ biến trong kỳ mang thai. Vì thế, nếu nghi ngờ, bạn nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

    3. Cơn đau quặn gan

    Cơn đau quặn gan xảy ra khi ống dẫn mật bị tắc nghẽn. Khi mật không thể tiết ra do sỏi, túi mật sẽ bị viêm, nhiễm trùng và việc tiêu hóa mỡ trong ruột non cũng khó khăn hơn.

    Triệu chứng

    Những tác động trên sẽ gây đau nhói ở bụng trên và sau lưng, kéo dài trong khoảng vài phút đến vài giờ. Bạn có thể buồn nôn và nôn ói.

    4. Bùn túi mật

    Bùn túi mật sẽ xảy ra khi túi mật chứa quá nhiều cholesterol mà không có đủ mật. Mật tương tự như xà phòng giúp nhũ tương hóa và giúp mỡ được hấp thu tại ruột non. Nếu không có đủ mật, chất béo sẽ trở thành bùn cặn, được gọi là bùn túi mật hay cặn túi mật.

    Trong một vài trường hợp, bùn dày hơn và hình thành sỏi túi mật. Cũng có trường hợp bùn sẽ tự biến mất nhưng nếu bùn không tự mất, bác sĩ sẽ kê thuốc hay phẫu thuật để điều trị.

    Thời điểm bạn cần đến gặp bác sĩ

    Trong một vài trường hợp, bạn sẽ hình thành sỏi mật mà không biết và sỏi cũng không gây ảnh hưởng đến chức năng của túi mật. Nếu tồn tại trong thời gian dài, chúng sẽ gây tắc nghẽn ống dẫn mật và gây tổn thương túi mật. Bạn cần đi khám hay nhập viện ngay nếu gặp những triệu chứng sau:

    • Sốt nhẹ hay ớn lạnh
    • Tiểu sẫm màu
    • Phân bạc màu
    • Vàng da
    • Đau bụng trên rốn kéo dài trong 5 giờ
    • Đau dưới vai phải
    • Đau sau lưng giữa xương bả vai
    • Buồn nôn và nôn
    • Chướng bụng
    • Ăn không tiêu chất mỡ
    • Ợ hơi hay khó tiêu
    • Đau khi hít thở sâu

    Các triệu chứng trên khá phổ biến trong ba tháng cuối thai kỳ hay sau khi sinh. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh túi mật, triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn. Bạn nên cẩn thận và đi khám ngay nếu triệu chứng không giảm.

    Các nguy cơ gây bệnh cho túi mật trong thai kỳ

    Bạn sẽ dễ bị sỏi mật, cơn đau quặn mật hay các bệnh về túi mật khác nếu:

    • Tiền sử gia đình mắc các bệnh về túi mật
    • Bị bệnh túi mật trước khi mang thai
    • Thừa cân
    • Chế độ ăn nhiều cholesterol hay nhiều mỡ
    • Đái tháo đường.

    Chẩn đoán bệnh túi mật

    Nếu bạn có những triệu chứng của các bệnh về túi mật thì hãy đến bác sĩ khám để được chẩn đoán chắc chắn. Bạn hãy lưu ý những điểm sau khi đi khám.

    • Bạn có thể nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh về túi mật với việc ốm nghén, nhưng nếu triệu chứng vẫn tiếp tục vào ba tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có vấn đề về túi mật không thông qua siêu âm bụng.
    • Bác sĩ có thể cho bạn làm MRI để kiểm tra đường mật của bạn, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) và xạ hình gan mật (HIDA scan).
    • Bạn cũng cần xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng viêm, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy hay các biến chứng khác.

    Lưu ý: Những xét nghiệm như chụp X-quang, CT scan thường không an toàn trong thai kỳ.

    Tùy thuộc vào triệu chứng và các yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể đưa ra những phương án điều trị khác nhau dành cho bạn.

    Điều trị bệnh túi mật trong thai kỳ

    Các bệnh về túi mật cần được điều trị ngay vì nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra với cả mẹ và con. Bạn có thể chọn điều trị không phẫu thuật hay điều trị bằng phẫu thuật.

    1. Điều trị không phẫu thuật

    Bác sĩ sẽ hướng dẫn những bước điều trị cụ thể hơn, nhưng bạn cần nhớ những điểm cơ bản sau trước khi đi khám:

    • Bạn chỉ cần điều chị bệnh túi mật khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
    • Nếu bạn có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt nhẹ, nôn ói, nước tiểu sẫm màu… bác sĩ sẽ cho bạn uống kháng sinh.
    • Nếu bạn bị ngứa vì ứ mật, bạn sẽ được uống thuốc giảm ngứa và em bé sẽ được theo dõi sát cho đến khi chào đời.
    • Cơn đau quặn mật cần được nhập viện ngay để dùng thuốc giảm đau và bù nước.

    2. Điều trị bằng phẫu thuật

    Bác sĩ sẽ cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật trong những trường hợp viêm và đau nghiêm trọng.

    Cắt túi mật qua nội soi ổ bụng

    Sỏi mật sẽ khiến túi mật không thể rỗng hoàn toàn và dễ bị nhiễm trùng nên cần phải phẫu thuật. Mặc dù phẫu thuật cắt bỏ túi mật không được khuyến cáo trong thai kỳ nhưng vẫn có biện pháp giúp lấy túi mật mà mẹ bầu vẫn an toàn.

    Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ túi mật cần dụng cụ và một đường mổ nhỏ trên bụng. Phương pháp này khá an toàn và được thực hiện bất kỳ lúc nào trong thai kỳ.

    Một phương pháp khác là cắt túi mật qua mổ mở, được thực hiện trong ba tháng cuối thai kỳ. Bác sĩ sẽ phải mổ một đường lớn ở bụng để lấy túi mật mà không gây ảnh hưởng tới tử cung.

    Phương pháp nội soi

    Sỏi mật có thể được lấy bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Bác sĩ sẽ dùng một ống mảnh và dẻo đưa vào từ miệng đến ruột non và đi vào ống mật chủ. Sỏi sẽ được lấy qua ống này. Bụng bạn sẽ được che để bào thai không bị ảnh hưởng.

    Những biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh túi mật khi mang thai

    Bạn có thể không thể chịu nổi cơn đau do bệnh túi mật khi mang thai. Vì thế, tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bạn có thể phòng ngừa bệnh này bằng cách:

    1. Kiểm soát cân nặng

    Kiểm soát cân nặng có thể ngăn ngừa nhiều biến chứng, trong đó có bệnh túi mật khi mang thai. Bạn nên đảm bảo ăn uống đúng cách và không ăn quá nhiều.

    2. Tập thể dục

    Sinh hoạt hằng ngày đều đặn và khỏe mạnh là điều cần thiết. Bạn hãy tập thể dục hay tập yoga dành cho bà bầu để giữ cơ thể cân đối và dẻo dai.

    3. Kiểm soát đái tháo đường

    Nếu bạn có đái tháo đường và lượng triglyceride máu cao, bạn sẽ có nguy cơ bị sỏi mật cao. Do đó, bạn nên kiểm tra mức đường huyết của mình thường xuyên.

    Chế độ ăn tốt cho túi mật trong thai kỳ

    Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh túi mật. Bạn hãy kiểm soát kỹ những gì mình ăn theo chế độ sau:

    1. Ăn nhiều chất xơ

    Ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau củ. Những thực phẩm này giúp hỗ trợ tiến trình tiêu hóa và giảm nhiễm trùng túi mật. Bạn hãy điều chỉnh khẩu phần ăn của mình như sau:

  • Ăn 4 – 5 phần trái cây hay rau mỗi ngày.
  • Ăn sandwich với rau quả nhiều vitamin như cà chua và rau cải bó xôi thay vì sốt mayonnaise hay phô mai.
  • Thêm quả mơ khô vào ly yến mạch.
  • Bạn hãy ăn thêm quả mọng, bông cải, cải xoăn và những trái cây sẫm màu hay rau.
  • 2. Hạn chế ăn mỡ

    Thức ăn nhiều mỡ sẽ làm bạn đau nhiều hơn nếu bạn đang bị sỏi mật. Bạn hãy ăn thịt nạc và gia cầm không da thay vì thịt đỏ, sữa chua ít béo thay vì dầu ăn. Những thay đổi trong chế độ ăn này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh túi mật khi mang thai và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

    3. Uống đủ nước

    Uống nhiều nước để giúp cơ thể đủ nước, loại bỏ các chất độc hại và sản phẩm thừa trong cơ thể, cải thiện hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, tránh các loại nước ngọt và soda vì chúng chứa nhiều calorie rỗng. Bạn nên uống nước lọc hay nước chanh để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể nhé.

    4. Ăn thực phẩm nguyên chất

    Thay vì ăn các thực phẩm đã qua chế biến và xử lý, bạn nên lựa chọn thực phẩm nguyên chất và tự chế biến. Bạn hãy tự làm món ăn vặt cho mình như trái cây, rau củ sấy, sandwich và rau mầm, tránh các món đồ ăn chế biến sẵn như đồ hộp vì chúng có chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chất bảo quản và các chất phụ gia khác.

    Biện pháp tự nhiên giúp giảm đau túi mật

    Bác sĩ có thể giúp bạn giảm đau túi mật bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau thông thường. Tuy nhiên, thuốc có thể gây hại cho mẹ và bé. Vì vậy, bạn có thể thử các biện pháp giảm đau tự nhiên dưới đây:

    • Tập thể dục có thể giúp bạn giảm nồng độ cholesterol và ngăn ngừa các sỏi mật hình thành.
    • Ăn ít chất béo và nhiều chất xơ để ngừa túi mật và cải thiện sức khỏe.
    • Chườm nóng để thể làm dịu và giảm đau. Khi bị đau do túi mật, chườm nóng sẽ giảm co thắt cũng như áp lực do mật hình thành.
    • Bạn có thể dùng bạc hà vì nó chứa menthol, một hợp chất giảm đau tự nhiên thường dùng cho đau dạ dày, cải thiện tiêu hóa và giảm buồn nôn.
    • Giấm táo có tính kháng viêm nên bạn có thể dùng để giảm đau do viêm túi mật. Tuy nhiên, bạn không nên uống giấm táo trực tiếp vì có thể gây hại cho răng.
    • Nghệ có chứa curcumin cũng là một chất kháng viêm và có ích cho sức khỏe. Nghệ có thể kích thích sự hình thành mật và giúp túi mật được làm rỗng. Bạn hãy kết hợp nghệ cùng với bữa ăn hàng ngày có thể giảm viêm và các cơn đau do túi mật gây ra.
    • Magiê là một chất giúp làm rỗng túi mật, đồng thời giảm co thắt và giảm đau. Suy giảm magiê có thể là nguy cơ của việc hình thành sỏi mật nên bạn hãy bổ sung chất này thường xuyên nhé.

    Hy vọng với những biện pháp giảm đau và cách phòng ngừa bệnh túi mật nói trên có thể giúp bạn tránh được căn bệnh gây nhiều khó chịu và đau đớn này. Hãy giữ cho mình lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý để tránh được nhiều bệnh khác nữa nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 02/08/2018

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo