backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Biến chứng khi mang thai đôi mẹ bầu có thể gặp phải

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    Biến chứng khi mang thai đôi mẹ bầu có thể gặp phải

    Có biến chứng khi mang thai đôi mẹ bầu có thể gặp phải trong những tháng thai kỳ và cả khi sinh nở. Do đó, bạn nên chú ý đến sức khỏe trong giai đoạn này.

    Mang thai đôi là một niềm vui tuyệt vời. Thế nhưng, đằng sau niềm vui ấy sẽ là rất nhiều sự lo lắng bởi mang thai đôi đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong thai kỳ.

    9 biến chứng khi mang thai đôi bạn có thể gặp phải

    Sinh non

    Biến chứng khi mang thai đôi: Sinh non

    Sinh non là tình trạng chuyển dạ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Thông thường, thời gian mang thai thường sẽ giảm dần nếu bạn mang song thai hoặc đa thai. Hầu hết các trường hợp mang thai đơn sẽ kéo dài khoảng 39 tuần, mang thai đôi kéo dài khoảng 36 tuần, sinh ba là khoảng 32 tuần, sinh bốn khoảng 30 tuần và sinh năm là 29 tuần.

    Theo Hiệp hội Thai kỳ Hoa Kỳ, gần 60% các cặp song sinh là sinh non. Đối với sinh ba, con số này lên đến 90%.

    Thai nhẹ cân

    Những bé sinh non thường nhẹ cân (dưới 2,5 kg). Cơ thể và hệ thống cơ quan của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ. Do đó, việc chăm sóc trẻ sinh non sẽ khó khăn hơn vì trẻ cần được hỗ trợ để bú, thở, giữ ấm và chống lại các bệnh nhiễm trùng.

    Trẻ sinh thiếu cân còn có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề dài hạn như chậm phát triển trí tuệ, bại não, giảm thị lực và giảm thính lực.

    Nếu trẻ sơ sinh được sinh ra trước 28 tuần, bé sẽ càng dễ bị tổn thương. Thậm chí, một số cơ quan vẫn chưa thể hoạt động ở bên ngoài tử cung. Những trường hợp này cần phải được chăm sóc đặc biệt.

    Tiền sản giật

    Biến chứng tiền sản giật

    Tiền sản giật là một trong các biến chứng khi mang thai đôi thường gặp. Theo WebMD, mang song thai khiến bạn có nguy cơ gặp phải hội chứng tiền sản giật cao gấp đôi so với mang thai đơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lý do của tình trạng này có thể là do trọng lượng của nhau thai tăng lên.

    Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như huyết áp cao; nồng độ protein trong nước tiểu cao; phù chân, mắt cá, tay hoặc mặt; nhức đầu; thị lực mờ; mệt mỏi; thở dốc; đau bụng… Bạn cũng dễ bị bầm tím và không thể chịu được ánh sáng mạnh.

    Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR)

    Dù bạn mang đa thai, quá trình phát triển của thai nhi vẫn có thể diễn ra bình thường như mang thai đơn cho đến một thời điểm nhất định.

    Nếu mang thai đôi, sự phát triển của thai nhi sẽ bắt đầu chậm dần vào khoảng tuần thứ 30 đến 32. Đối với mang thai sinh ba là tuần thứ 27 đến 28, và mang thai sinh bốn là vào khoảng tuần thứ 25 đến 26.

    Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung thường xảy ra vì nhau thai không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho các thai nhi. Bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển các bào thai bằng việc siêu âm thai và đo vòng bụng của bạn để đưa ra lời khuyên thích hợp nhất.

    Tiểu đường thai kỳ

    Tiểu đường thai kỳ

    Nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ khi mang song thai là kết quả của sự phát triển của hai nhau thai làm tăng sức đề kháng với insulin và tăng sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai.

    Nếu mắc tiểu đường thai kỳ, thai nhi có thể phát triển quá lớn. Điều này sẽ tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng trong quá trình sinh nở và buộc bạn phải sinh mổ. Bé yêu cũng có thể gặp các vấn đề về hô hấp và hạ đường huyết ngay sau sinh.

    Bệnh tiểu đường thai kỳ phổ biến hơn ở những phụ nữ mang nhiều hơn một em bé. Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi bạn chặt chẽ. Rất có thể bạn sẽ có thể kiểm soát được lượng đường trong máu bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục, nhưng một số phụ nữ cũng sẽ yêu cầu tiêm insulin hoặc sử dụng thuốc. Bệnh tiểu đường được kiểm soát kém có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bạn và em bé.

    Nhau bong non

    Biến chứng nhau bong non xảy ra khi nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh. Việc mang đa thai có thể khiến nguy cơ bị bong nhau non tăng gấp ba lần.

    Bong nhau non có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong nửa sau của thai kỳ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Tình trạng này có thể khiến thai nhi gặp các vấn đề về sinh trưởng, sinh non hoặc thai chết lưu.

    Khi mang đa thai, tình trạng nhau bong non có thể xảy ra ngay sau khi em bé đầu tiên được sinh thường và bé còn lại có thể sẽ phải sinh mổ.

    Hư thai

    Biến chứng khi mang thai đôi: Hư thai

    Những phụ nữ mang thai đôi thường rất dễ bị sẩy mất một bé. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng biến mất thai đôi.

    Nếu rơi vào trường hợp này, một thai sẽ biến mất hoặc bị sảy thai. Trường hợp như vậy thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện trong những tháng sau. Bạn thậm chí không thể nhận biết được tình trạng của bản thân mình vì nó không gây chảy máu.

    Có khả năng sinh mổ

    Đối với cặp song sinh, việc sinh thường vẫn có thể thực hiện đươc nếu em bé đầu tiên ở gần cổ tử cung và hướng đầu xuống. Nếu bé ở vị trí không thuận lợi, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho bạn và các bé.

    Trong một số trường hợp khác, các biến chứng sau khi bé đầu tiên được sinh thường có thể khiến bạn phải sinh mổ đối với bé thứ hai. Nếu bạn có nhiều thai nhi hơn, bạn sẽ phải sinh mổ để tránh nguy hiểm.

    Hội chứng truyền máu song thai

    Hội chứng truyền máu song thai

    Hội chứng truyền máu song sinh (TTTS) là một biến chứng khi mang thai đôi hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Hội chứng xảy ra ở các cặp song sinh giống hệt nhau (song sinh cùng trứng) khi máu chảy từ bé này sang bé khác thông qua nhau thai. Thai nhi cho máu có nguy cơ bị thiếu máu, mất nước và kém phát triển, trong khi thai nhi nhận máu có thể mắc suy tim và huyết áp cao.

    Theo BabyCenter, khoảng 10-15% các cặp song sinh cùng trứng sẽ gặp phải tình trạng này.

    Hội chứng truyền máu song sinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật laser để cắt đứt kết nối giữa các mạch máu của hai thai nhi.

    Ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai đôi

    Ngăn ngừa biến chứng khi mang thai đôi

    Việc xác định sớm tình trạng mang thai song sinh và liệu các thai nhi có cùng trứng hay không sẽ giúp bác sĩ của bạn có nhiều thời gian để phát hiện, theo dõi và điều trị bất kỳ biến chứng khi mang thai đôi nào có thể phát sinh.

    Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến những vấn đề sau để trải qua những tháng thai kỳ an toàn nhất có thể:

  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong thai kỳ;
  • Tìm hiểu rõ về dấu hiệu của các biến chứng có thể gặp phải;
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp khi mang thai;
  • Uống đủ nước hàng ngày;
  • Tập luyện trong thai kỳ với các bài tập nhẹ như yoga, đi bộ, pilates hoặc bơi lội;
  • Bác sĩ có thể yêu cầu bạn dưỡng thai tại giường vào một vài thời điểm trong thai kỳ để ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai đôi nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không có chỉ định của bác sĩ, bạn không nên thực hiện điều này.
  • Một số phụ nữ có thai mang thai song sinh trải qua thai kỳ khá tốt đẹp. Họ không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro cũng như biến chứng nào. Tuy nhiên, tìm hiểu về các biến chứng khi mang thai đôi vẫn là một việc làm cực kỳ cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bạn và thai nhi.

    Chúc bạn sẽ mẹ tròn con vuông nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo