backup og meta

Máy tạo nhịp tim cho người già hoạt động ra sao? Lưu ý gì khi sử dụng?

Máy tạo nhịp tim cho người già hoạt động ra sao? Lưu ý gì khi sử dụng?

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị gửi các xung điện nhỏ đến cơ tim để duy trì nhịp tim phù hợp hoặc để kích thích các buồng dưới của tim (tâm thất). Ngoài ra, thiết bị này cũng có thể được sử dụng để kiểm soát các cơn ngất, suy tim sung huyết và bệnh cơ tim phì đại.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các loại máy, công dụng và những lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp tim cho người cao tuổi đơn giản, an toàn.

Máy tạo nhịp tim là gì?

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị trợ tim nhỏ được đặt (cấy ghép) vào ngực của bệnh nhân để giúp kiểm soát nhịp tim. Thiết bị này được sử dụng để cải thiện nhịp tim trong trường hợp tim đập quá chậm. Người bệnh cần được phẫu thuật để cấy ghép máy vào ngực. Máy tạo nhịp tim cũng có thể được sử dụng để điều trị một số loại suy tim.

Máy tạo nhịp tim nặng khoảng 28 gram. Hầu hết cấu tạo của máy tạo nhịp tim có hai phần:

  • Máy phát xung. Máy tạo nhịp tim có chứa một cục pin và mạch điện điều khiển tốc độ xung điện gửi đến tim.
  • Vật dẫn (điện cực). 1-3 dây mềm, cách điện, trong đó mỗi dây được đặt trong một hoặc nhiều buồng tim và cung cấp các xung điện để điều chỉnh nhịp tim. Tuy nhiên, hiện nay đã có máy tạo nhịp tim không dây được cấy trực tiếp vào cơ tim và không cần sử dụng dây dẫn.

>> Tìm hiểu thêm: Nhịp tim bình thường của người già bao nhiêu là ổn?


Các loại máy tạo nhịp tim

Tùy thuộc vào tình trạng của các cụ, bác sĩ có thể phải cấy các loại máy tạo nhịp tim khác nhau. Sau đây là các loại thiết bị trợ tim phổ biến:

  • Máy tạo nhịp một buồng. Loại này thường mang các xung điện đến tâm thất phải của tim.
  • Máy tạo nhịp hai buồng. Thiết bị tạo nhịp tim sẽ truyền các xung điện đến tâm thất phải và tâm nhĩ phải của tim để giúp kiểm soát thời gian của các cơn co thắt giữa hai buồng.
  • Máy tạo nhịp hai thất. Tạo nhịp hai thất, hay còn được gọi là liệu pháp tái đồng bộ tim. Loại máy này dành cho những người bệnh bị suy tim hay gặp các vấn đề về nhịp tim. Máy trợ tim này kích thích cả hai buồng tim dưới (tâm thất phải và trái) để giúp tim đập hiệu quả hơn.

Công dụng của máy tạo nhịp tim

công dụng của máy tạo nhịp tim

Máy tạo nhịp tim được cấy để giúp kiểm soát nhịp tim. Bác sĩ có thể đề nghị cấy thiết bị tạm thời khi người bệnh bị nhịp tim chậm sau cơn đau tim, phẫu thuật hoặc dùng thuốc quá liều. Bên cạnh đó, các cụ ông cụ bà có thể được yêu cầu cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để điều chỉnh nhịp tim chậm, nhịp tim đập không đều mãn tính hoặc để giúp điều trị bệnh suy tim.

Tim đập như thế nào?


Thông thường, tim của một người bình thường có kích thước bằng nắm tay. Tim sẽ có bốn ngăn, hai ngăn bên trái và hai ngăn bên phải. Các ngăn trên (tâm nhĩ phải và trái) và các ngăn dưới (tâm thất phải và trái) hoạt động với hệ thống điện của tim để giữ cho tim đập với tốc độ thích hợp – thường là 60-100 nhịp/ phút đối với người lớn khi tim nghỉ ngơi.
Hệ thống điện của tim giúp kiểm soát nhịp tim, bắt đầu từ một nhóm tế bào ở đỉnh tim (nút xoang) và lan xuống phía dưới, khiến tim co lại và bơm máu. Lão hóa, tổn thương cơ tim, tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc tính di truyền đều là những nguyên nhân có thể gây ra nhịp tim bất thường.

Những lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp tim cho người cao tuổi

Máy điều hòa nhịp tim có thể ngừng hoạt động bình thường do các vấn đề nhiễu điện. Vì vậy, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây khi sử dụng máy tạo nhịp tim cho người cao tuổi:

  • Khi sử dụng điện thoại di động, hãy giữ điện thoại cách xa máy ít nhất 15cm. Ngoài ra, bạn cũng không nên để điện thoại trong túi áo sơ mi của người cao tuổi mắc bệnh tim. Khi phải nói chuyện trên điện thoại, bạn hãy khuyên các cụ hãy áp điện thoại vào bên tai đối diện với nơi được cấy thiết bị.
  • Người bệnh cần đứng cách các thiết bị hàn, máy biến áp cao áp hoặc hệ thống động cơ – máy phát điện ít nhất 61 cm. Nếu người bệnh hay làm việc với các thiết bị trên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xác định xem các thiết bị này có ảnh hưởng đến máy điều hòa nhịp tim hay không.

Hãy cẩn trọng với thiết bị tạo nhịp tim của người già


Một số thiết bị không có khả năng gây nhiễu máy điều hòa nhịp tim bao gồm: lò vi sóng, TV và remote TV, radio, máy nướng bánh mì, chăn điện, máy cạo râu và máy khoan điện.
  • Khi khám bệnh, bạn cần thông báo cho các bác sĩ biết rằng các cụ đã được lắp đặt máy tạo nhịp tim. Một số thủ thuật y tế chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ, chụp CT, điều trị bức xạ ung thư, đốt điện để kiểm soát chảy máu trong khi phẫu thuật và tán sỏi bằng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thận lớn hoặc sỏi mật có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy điều hòa nhịp tim.
  • Đi qua máy dò kim loại ở sân bay sẽ không ảnh hưởng đến máy điều hòa nhịp tim của người lớn tuổi. Tuy nhiên, kim loại trong máy tạo nhịp tim có thể phát ra âm thanh báo động. Vì thế, để tránh những rắc rối có thể xảy ra, bạn nên dặn các cụ hãy mang theo thẻ chứng nhận được đặt máy tạo nhịp tim để xuất trình khi cần.

>>> Bạn có thể quan tâm: Các bệnh về tim ở người cao tuổi không phải ai cũng biết

những lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp tim

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Máy tạo nhịp tim sẽ giúp cải thiện các triệu chứng do nhịp tim chậm gây ra như mệt mỏi, choáng váng và hay ngất xỉu. Bởi vì hầu hết các loại thiết bị ngày nay đều có thể tự động điều chỉnh nhịp tim để phù hợp với mức độ hoạt động thể chất. Từ đó sẽ giúp các cụ duy trì lối sống năng động hơn.

Bác sĩ có thể phải kiểm tra thiết bị trong vòng từ 3 đến 6 tháng một lần. Khi đi kiểm tra định kỳ, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết nếu các cụ tăng cân, bị sưng chân hoặc mắt cá chân, hoặc nếu các cụ hay bị ngất xỉu hoặc chóng mặt.


Hầu hết các máy tạo nhịp tim có thể được bác sĩ kiểm tra từ xa. Như vậy, bạn không cần phải đến văn phòng bác sĩ định kỳ. Máy sẽ tự động gửi thông tin đến bác sĩ, bao gồm nhịp tim và nhịp điệu, cách thức hoạt động và thời lượng pin còn lại.

Khi nào cần thay pin máy tạo nhịp tim? Thay pin như thế nào? Thông thường, pin của máy điều hòa nhịp tim sẽ kéo dài từ 5 đến 15 năm. Khi pin ngừng hoạt động, người bệnh cần phẫu thuật để thay thế nó. Quy trình thay pin máy điều hòa nhịp tim thường nhanh hơn và cần ít thời gian phục hồi hơn so với quy trình cấy máy điều hòa nhịp tim lúc ban đầu.


Máy tạo nhịp tim không dây được sử dụng phổ biến

khi nào sử dụng máy tạo nhịp tim nên đi khám định kỳ

Máy tạo nhịp tim không dây dẫn là một thiết bị nhỏ khép kín được đưa vào tâm thất phải của tim. Hiện tại, thiết bị này chỉ áp dụng cho những bệnh nhân chỉ cần tạo nhịp tim một buồng đang mắc chứng nhịp tim chậm. 

Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, nhịp tim và kết quả của các xét nghiệm y tế. Từ đó sẽ cho phép liệu người bệnh có đủ điều kiện để lắp đặt thiết bị này hay không. Ngoài ra, người bệnh có thể cần phải thực hiện siêu âm tim hoặc các xét nghiệm không xâm lấn khác.

1. Cấy máy tạo nhịp tim không dây như thế nào?

Máy tạo nhịp tim được đặt vào vị trí bằng một ống dài, mỏng gọi là ống thông. Ống thông được đưa vào tĩnh mạch đùi thông qua một vết rạch rất nhỏ ở bẹn của người bệnh. Bác sĩ sẽ gây tê khu vực này bằng thuốc gây tê cục bộ (thuốc giảm đau). Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng máy X-quang để dẫn ống thông đến phần tim. Khi ống thông đã ở bên trong tâm thất phải, bác sĩ đặt máy trợ tim vào vị trí trong tim. Tiếp theo, ống thông được rút ra và đồng thời đóng vết rạch bằng cách tạo áp lực lên khu vực này.

cấy máy tạo nhịp tim

Quá trình này có thể mất khoảng 30 phút để hoàn thành. Người bệnh cần nằm và giữ chân thẳng trong vòng 2-6 giờ sau khi thực hiện. Điều này giúp ngăn ngừa chảy máu từ vị trí đặt máy. Vì thế người bệnh không nên cố gắng ngồi hoặc đứng. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được đặt một miếng băng vô trùng lên trên vùng bẹn để bảo vệ khu vực này khỏi bị nhiễm trùng. Bệnh nhân sẽ cần phải dưỡng bệnh trong bệnh viện. Ông bà có thể xuất viện sau khi kiểm tra thiết bị và chụp X-quang phổi.

>>> Bạn có thể quan tâm: 9 căn bệnh người già thường gặp, bạn cần chú ý phòng ngừa!

2. Lợi ích của thiết bị tạo nhịp tim không dây

Lợi thế đầu tiên của thiết bị không dây là không yêu cầu kết nối dây dẫn hoặc máy phát điện, hoặc tạo túi phẫu thuật trên ngực. Đây là những nguyên nhân phổ biến thường gây ra các biến chứng của máy tạo nhịp tim truyền thống về lâu dài. Biến chứng này của máy trợ tim truyền thống có thể ảnh hưởng đến 1/10 bệnh nhân.

Khi thiết bị tạo nhịp tim được đặt trên ngực bệnh nhân sẽ không xuất hiện cục u dưới da. Ngoài ra, sau mỗi lần thay thế máy phát điện cho các loại máy trợ tim truyền thống đều sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Ngoài ra, quy trình cấy ghép máy tạo nhịp tim không dây thường mất ít thời gian hơn so với thiết bị tạo nhịp tim truyền thống. Vì không có dây dẫn hoặc máy phát điện, các cụ cũng không cần hạn chế hoạt động của phần trên cơ thể sau khi cấy ghép.

3. Rủi ro thiết bị tạo nhịp tim không dây có thể mang lại

Các vấn đề phổ biến có thể xảy ra sau khi cấy máy tạo nhịp tim không dây là người bệnh bị sưng và chảy máu tại vị trí cấy ghép. Bên cạnh đó, một số các biến chứng nghiêm trọng hơn nhưng hiếm gặp như thiết bị bị lệch ra khỏi vị trí hoặc chảy máu bên trong, chẳng hạn như tràn dịch màng tim hoặc tình trạng chèn ép tim.

Bài viết trên đã cung cấp đến bạn thông tin về cách thức hoạt động của máy tạo nhịp tim. Cũng như một số lưu ý khi sử dụng máy trợ tim cho người cao tuổi. Vì thế, người bệnh cần lưu ý nên hạn chế tiếp xúc hay đến gần một vài thiết bị điện nhé! Việc này sẽ tránh làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của máy trợ tim. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Heart pacemaker: MedlinePlus Medical Encyclopedia https://medlineplus.gov/ency/article/007369.htm Ngày truy cập: 24/8/2022
Pacemaker therapy in very elderly patients: survival and prognostic parameters of single center experience https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6938738/ Ngày truy cập: 23/11/2021
Pace Maker Implantation for Elderly Individuals Over 90 Years Old https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4309336/ Ngày truy cập: 23/11/2021
Pacemaker https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pacemaker/about/pac-20384689 Ngày truy cập: 23/11/2021
Pacemaker Insertion https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/pacemaker-insertion Ngày truy cập: 23/11/2021
Permanent Pacemaker https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17360-permanent-pacemaker Ngày truy cập: 23/11/2021

Phiên bản hiện tại

24/08/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Cẩm Tú


Bài viết liên quan

7 kinh nghiệm mua máy trợ thính cho người già

Cấy thiết bị vào cơ thể để chữa bệnh tim


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo