backup og meta

1

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

Nguyên nhân khủng khoảng tuổi trung niên & Cách vượt qua

Nguyên nhân khủng khoảng tuổi trung niên & Cách vượt qua

Giai đoạn trung niên nằm trong độ tuổi từ năm 45–64. Thông thường, đây cũng là lúc người ta thường nhìn lại cuộc sống của bản thân và gia đình mình. Ở giai đoạn này, nhiều người cũng hay đối mặt với tình trạng khủng hoảng tuổi trung niên.

Khủng hoảng tuổi trung niên là gì?

Đa phần người bị khủng hoảng tuổi trung niên là những người gặp phải những biến cố lớn trong cuộc sống như bệnh tật, ly hôn, mất việc làm, mất người thân.

Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng tuổi trung niên thường là do sự tự ti và cảm giác lo lắng, thất vọng có thể xảy ra từ 35 đến 50 tuổi. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức về việc bạn ngày càng già đi, đời sống tình dục không viên mãn, so sánh thành tựu của bản thân với người khác… Cả phụ nữ và đàn ông đều có thể đối mặt với tình trạng khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn này.

Nguyên nhân của khủng hoảng tuổi trung niên

Các cuộc khủng hoảng tuổi trung niên ở phụ nữ là từ 2–5 năm, còn đối với nam giới thì kéo dài khoảng 3–10 năm. Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên ở nam giới có nhiều khả năng do các vấn đề công việc, sự nghiệp gây ra, còn cuộc khủng hoảng của phụ nữ thường đến từ các đánh giá cá nhân về vai trò của họ trong gia đình, xã hội.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tuổi trung niên có thể xảy ra do cơ thể lão hóa hoặc kết hợp liên quan đến nỗi sợ hãi về cái chết, sự hối tiếc, và mong muốn được trẻ lại. Họ có thể nhìn lại những năm tháng của mình và tự hỏi cuộc sống của họ sẽ như thế nào nếu họ rẽ theo một con đường khác. Một số người có thể hối tiếc vì đã không lựa chọn con đường sự nghiệp khác, hoặc không sống một cuộc sống mà họ hằng mơ ước. Trong khi đó, những người khác có thể nghĩ về những ngày hạnh phúc hơn trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, đối với những người có định hướng mục tiêu, thay vì nhìn lại những năm đã qua, họ có thể sẽ bắt đầu cố gắng hoàn thành những mục tiêu lớn hơn trong nửa sau cuộc đời.

Dấu hiệu của khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên

dấu hiệu khủng hoảng tuổi trung niên

  • Hối hận sâu sắc về những mục tiêu đã không được hoàn thành
  • Sợ bị sỉ nhục hoặc cảm thấy thua kém giữa những đồng nghiệp thành công hơn
  • Tự so sánh bản thân với những người khác và cảm thấy mình thất bại
  • Khao khát đạt được cảm giác tươi trẻ
  • Bối rối, phẫn nộ, buồn bã hoặc tức giận do bất mãn với tình trạng hôn nhân, công việc, sức khỏe, kinh tế hoặc xã hội
  • Không thỏa mãn được đời sống tình dục
  • Tham vọng sửa chữa những sai lầm mà họ cảm thấy đã mắc phải khi còn trẻ
  • Chất lượng giấc ngủ kém, rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi.
  • Thờ ơ với mọi thứ, dần rút lui khỏi các mối quan hệ thông thường hoặc thay đổi thói quen sống không lành mạnh
  • Không hài lòng với những gì đang có
  • Nhìn về tương lai một cách tiêu cực
  • Ám ảnh về sắc đẹp hoặc ngược lại là không chú tâm vệ sinh cá nhân, lười chăm chút ngoại hình

Ngoài ra, quá trình lão hóa cũng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong thời gian này, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện những thay đổi về thể chất như: tăng cân hoặc giảm cân, xuất hiện nhiều nếp nhăn, da chảy xệ, rụng tóc, suy giảm sức khỏe thể chất…

>>> Bạn có thể quan tâm: 8 bí quyết trẻ mãi không già giúp bạn “hack tuổi” thần thánh

Làm thế nào để vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên?

giúp đỡ người bị khủng hoảng tuổi trung niên

Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên có thể không cần thiết phải nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý hay bác sĩ. Tinh thần của bạn sẽ tích cực hơn khi tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc tìm kiếm những đam mê, sở thích mới để cảm thấy cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng khủng hoảng diễn ra kéo dài và trầm trọng hơn, từ đó khiến cơ thể suy giảm chức năng, thì người bệnh cần được bác sĩ trợ giúp

Đồng thời, khi rơi vào tình trạng khủng hoảng, người bệnh nên có những thay đổi và hình thành lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp để dễ dàng vượt qua, duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần:

  • Uống đủ nước, tăng cường vận động thể chất phù hợp với thể trạng sức khỏe. Bạn có thể cùng bạn bè hoặc gia đình chơi các môn thể thao, hoạt động ngoài trời… để luôn giữ thái độ sống lạc quan và vui vẻ hơn.
  • Nên xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học, ăn, ngủ đúng giờ, không làm việc quá sức
  • Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ, đa dạng, đảm bảo cân đối các nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, chất xơ…
  • Hạn chế các chất béo xấu, thuốc lá, rượu bia…
  • Tâm sự, chia sẻ những khó khăn, khủng hoảng bạn đang đối mặt với người thân hoặc bạn bè
  • Viết nhật ký hoặc vạch ra những mục tiêu bạn cần thực hiện trong thời gian tới
  • Thử sức với những điều mới mẻ hoặc trau dồi thêm những kỹ năng, kiến thức mới để khám phá bản thân.
  • >>> Bạn có thể quan tâm: 6 bài tập thể dục cho người già vui, khỏe, dẻo dai

    Cách giúp đỡ người thân đang khủng hoảng tuổi trung niên

    cách vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên

    Nếu nghi ngờ thành viên trong gia đình hoặc người mà bạn quen biết đang trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, bạn có thể làm những điều sau để hỗ trợ họ vượt qua:

    • Hãy là một người biết lắng nghe bằng cách để người thân của bạn nói về nỗi đau khổ. Lắng nghe một cách không phán xét hay cũng như không đưa ra lời khuyên, hay đổ lỗi cho bất kỳ điều gì.
    • Bày tỏ mối quan tâm của bạn nhưng tránh nói những điều khẳng định như họ đang gặp phải một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng hỏi thăm tình trạng của họ, khơi gợi để họ tâm sự cùng bạn.
    • Hãy nói về tầm quan trọng của việc được giúp đỡ bằng cách khuyến khích người đó gặp gỡ bác sĩ/chuyên gia tâm lý hoặc thường xuyên chia sẻ, cởi mở với những vấn đề họ gặp phải với những người mà họ tin tưởng.
    • Khuyến khích họ khám phá niềm vui, sở thích cho riêng mình để lấp đầy nỗi đau, ví dụ như tập yoga, đi bộ,đánh đàn…

    Bên cạnh những tác động tiêu cực, khủng hoảng tuổi trung niên vẫn có những mặt tích cực trong cuộc sống. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều người trải qua các cuộc khủng hoảng càng có khả năng đồng cảm với người khác. Thậm chí, họ còn cho rằng đây là thời kỳ đáng nhớ và cần phải xảy ra trong cuộc đời của họ. Vì vậy đừng quá lo lắng hay chạy trốn khỏi khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên. Thay vào đó, bạn hãy đối mặt, tìm cách vượt qua và cân bằng lại cuộc sống của chính mình.

    Nếu bạn đang đối mặt với vấn đề khủng hoảng tuổi trung niên, hãy nghĩ rằng đây là thời điểm để bạn nâng cao bản thân, khám phá chính mình và thay đổi cuộc sống một cách tích cực hơn. Tuy nhiên trước khi nghĩ đến việc thực hiện một số thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như kết thúc một mối quan hệ lâu dài, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc chuyển chỗ ở thì bạn nên cân nhắc thật kỹ để không nóng vội trước khi thực hiện những cột mốc quan trọng trong cuộc sống nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Midlife crisis https://www.goodtherapy.org/learn-about-therapy/issues/midlife-crisis Ngày truy cập: 29/12/2021

    Midlife crisis in Chinese men and women https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8618211/ Ngày truy cập: 29/12/2021

    [Midlife crisis: crisis in the middle of life] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1754783/ Ngày truy cập: 29/12/2021

    Midlife Crisis https://www.goodtherapy.org/learn-about-therapy/issues/midlife-crisis Ngày truy cập: 29/12/2021

    Why Midlife Crises Are Different for Women https://health.clevelandclinic.org/why-midlife-crises-are-different-for-women/ Ngày truy cập: 29/12/2021

    Phiên bản hiện tại

    29/12/2021

    Tác giả: Đài Trương

    Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Cập nhật bởi: Vy Nguyễn

    avatar

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 29/12/2021

    ad iconQuảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    ad iconQuảng cáo
    ad iconQuảng cáo