Người lớn tuổi có thể khó ngủ ngon do gặp một số vấn đề thể chất và tinh thần thường thấy ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, có một số bí quyết ngủ ngon cho người lớn tuổi để cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé.
Khi lớn tuổi, bạn có thể thường tỉnh giấc giữa đêm hơn do đau khớp hay đi vệ sinh. Điều này không những khiến bạn mệt mỏi vào sáng hôm sau mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Vậy làm cách nào để người già dễ ngủ?
Giấc ngủ ở người lớn tuổi
Giấc ngủ ở người lớn tuổi có thể không còn được chất lượng như xưa vì một số lý do:
- Thay đổi ở não bộ: Những thay đổi trong não khi tuổi tác tăng có thể khiến bạn dễ rối loạn giấc ngủ hơn. Các thụ thể thần kinh kết nối với các chất báo hiệu giấc ngủ bị suy yếu. Vì vậy, não sẽ khó xác định được lúc nào bạn mệt mỏi để phát tín hiệu buồn ngủ.
- Nguy cơ mắc bệnh tăng: Nguy cơ mắc một số bệnh về thể chất và tâm lý cũng tăng theo tuổi tác. Ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giấc ngủ. Ví dụ như chứng ngưng thở khi ngủ, ngáy, hội chứng chân không yên (RLS) và trào ngược dạ dày thực quản (GERD) đều góp phần gây khó ngủ. Ngoài ra, các loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ hơn.
- Thói quen không phù hợp: Giấc ngủ ban đêm cũng có bị ảnh hưởng bởi một số thói quen hằng ngày của bạn. Ví dụ như thói quen ngủ trưa có thể khiến bạn khó ngủ hơn vào ban đêm và làm chứng mất ngủ nặng thêm. Thói quen uống caffeine trong ngày, trong vòng 3 – 4 giờ trước khi ngủ, có thể khiến bạn khó ngủ hơn cũng như giảm chất lượng giấc ngủ.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, quá trình lão hóa tự nhiên cũng khiến bạn ngủ ít hơn và thời gian của chu kỳ chuyển động mắt nhanh (REM) ngắn đi. Những thay đổi này nhìn chung ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.
>>> Bạn có thể quan tâm: 5 giai đoạn của giấc ngủ bạn cần biết
8 bí quyết ngủ ngon cho người lớn tuổi
Vậy làm cách nào để người già dễ ngủ? Nếu thấy giấc ngủ không còn chất lượng như trước, bạn có thể thử một số bí quyết ngủ ngon sau đây để tận hưởng tuổi già trọn vẹn hơn:
- Không uống nước trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ để phòng trường hợp phải thức dậy đi vệ sinh giữa đêm.
- Nếu bạn bị khó ngủ vào ban đêm do đau, hãy nhờ bác sĩ gợi ý một số loại thuốc giảm đau để uống trước khi đi ngủ. Những loại thuốc này không giúp bạn bớt thức dậy giữa đêm nhưng có thể giúp bạn dễ ngủ trở lại. Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện một số bài tập giãn cơ mỗi sáng và tối để giảm nhẹ các cơn đau làm gián đoạn giấc ngủ.
- Giữ nơi ngủ càng tối càng tốt bằng cách hạn chế ánh sáng từ tivi, màn hình máy tính và thiết bị di động. Nguyên nhân là vì các loại ánh sáng xanh sẽ cản trở giấc ngủ tự nhiên của bạn.
- Hạn chế uống các loại đồ uống có caffeine, đặc biệt là trong vòng 8 tiếng trước khi đi ngủ.
- Tránh uống rượu bia gần giờ ngủ. Tuy rượu bia có thể giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn nhưng lại khiến bạn dễ thức dậy hơn trong đêm khi cồn đã tan hết.
- Hỏi ý kiến bác sĩ xem các thuốc và thực phẩm bổ sung bạn đang dùng liệu rằng những thuốc này có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ không.
- Để chu kỳ giấc ngủ chất lượng hơn, bạn hãy giảm thời gian ngủ ban ngày xuống từ 10 – 20 phút. Nếu bạn để ý thấy giấc ban ngày khiến mình bớt buồn ngủ vào buổi tối, hãy tránh ngủ trưa quá 1 giờ hoặc không nên ngủ trưa.
- Nếu thấy khó đi vào giấc ngủ, bạn có thể thử dùng thuốc melatonin với liều lượng 1 – 2 miligam khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ.
>>> Bạn có thể quan tâm: Ăn gì chữa mất ngủ cho người già hiệu quả?
Những thay đổi trong cơ thể và sức khỏe khi bạn lớn tuổi có thể khiến giấc ngủ không còn sâu. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số bí quyết ngủ ngon để cải thiện vấn đề này. Nếu tình trạng ngủ không ngon vẫn kéo dài khiến bạn mệt mỏi, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách khắc phục.
[embed-health-tool-bmi]