backup og meta

Lão hóa mắt: 20 sự thật cần hiểu rõ để bảo vệ thị lực khi về già

Lão hóa mắt: 20 sự thật cần hiểu rõ để bảo vệ thị lực khi về già

Lão hóa mắt gây nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lớn tuổi. Vậy “cửa sổ tâm hồn” của bạn sẽ có những thay đổi gì trong quá trình lão hóa? Đâu là cách tốt nhất để bảo vệ thị lực khi về già?

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu 20 sự thật về lão hóa mắt sau để biết cách bảo vệ đôi mắt ngay từ bây giờ.

15 dấu hiệu lão hóa mắt thường gặp

1. Gặp khó khăn khi nhìn vật thể ở gần

Chứng viễn thị và lão thị là hai vấn đề thị lực khá phổ biến ở những người trên 40 tuổi. Chúng khiến bạn gặp khó khăn hơn khi nhìn các vật thể hoặc thực hiện hoạt động ở cự ly gần như đọc sách hoặc may vá.

Bạn có thể quan tâm: Chứng lão thị là gì

2. Khó nhìn vào ban đêm

Các nghiên cứu cho thấy tế bào hình que của mắt – bộ phận chịu trách nhiệm cho thị lực ánh sáng yếu sẽ suy yếu theo thời gian. Do đó, càng lớn tuổi, bạn sẽ thấy mắt mình mất nhiều thời gian hơn để điều chỉnh và tập trung trong bóng tối. Điều này rất nguy hiểm vì bạn có thể không nhìn rõ vật cản khi lái xe vào ban đêm hoặc trong thời tiết xấu.

3. Lão hóa mắt khiến bạn bị khô mắt

lão hóa mắt khiến mắt bị khô

Người lớn tuổi tiết ít nước mắt hơn, khiến mắt dễ bị khô. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị khô mắt do sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ làm giảm lượng nước mắt như thuốc chữa dị ứng, thuốc trị cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm…

4. Giảm độ nhạy tương phản của mắt

Bạn có thể gặp khó khăn hơn khi phân biệt các vật/đối tượng có màu sắc tương tự như sữa trong cốc sứ trắng. Điều này được gọi là giảm độ nhạy tương phản của mắt. Nó có thể khiến bạn dễ bị nhầm lẫn sự vật, hiện tượng với nhau.

5. Mí mắt sưng đỏ

Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi về già khiến bạn dễ bị viêm bờ mi hơn lúc còn trẻ. Các triệu chứng gồm mắt đỏ hoặc sưng, cảm giác lộm cộm trong mắt, chảy nước mắt nhiều và nhạy cảm hơn với ánh sáng.

6. Xuất hiện các đốm đen, “ruồi bay” lơ lửng trong tầm nhìn

Thủy tinh thể của mắt có thể dày lên hoặc co lại khi chúng ta già đi. Điều này hình thành các khối nhỏ chặn tia sáng đi qua mắt, tạo ra những đốm đen trôi lơ lửng trong tầm nhìn. Các đốm này tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh nhưng chúng có thể là tiền đề dẫn đến nhiều bệnh về mắt như bong rách võng mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng… nếu không được theo dõi và điều trị.

7. Mắt thấy tia sáng nhấp nháy hoặc vệt sáng

Người lớn tuổi có thể thỉnh thoảng nhìn thấy những tia sáng nhấp nháy hoặc vệt sáng trước mắt. Những điều bất thường này xảy ra khi thủy tinh thể bị cọ xát, co kéo trên võng mạc. Nếu tần suất xuất hiện những vệt sáng này ngày càng tăng, bạn nên trao đổi tình trạng của mình với bác sĩ nhãn khoa.

8. Nhạy cảm với ánh sáng chói

Lão hóa mắt gây nhạy cảm với ánh sáng chói

Dưới tác động của quá trình lão hóa, người lớn tuổi có xu hướng nhạy cảm hơn với ánh sáng chói. Để hạn chế điều này, bạn có thể sử dụng bộ lọc màn hình chống chói trên các thiết bị kỹ thuật số, điều chỉnh ánh sáng trong và xung quanh nhà phù hợp hơn, đeo kính râm và đội nón rộng vành khi ra ngoài.

9. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là tình trạng thủy tinh thể bên trong mắt bị mờ đục, khiến thị lực người bệnh suy giảm. Bệnh có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là do lão hóa mắt.

10. Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD)

Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác là bệnh về mắt phổ biến ở những người trên 50 tuổi. Bệnh xảy ra do các tế bào điểm vàng ở trung tâm võng mạc bị thoái hóa, khiến mắt nhìn bị mờ, các hình ảnh thu được trở nên méo mó, biến dạng.

11. Bệnh tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở người trung niên và lớn tuổi. Bệnh làm tổn thương dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm.

12. Bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực ở người lớn tuổi. Lượng đường quá cao trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ gây tổn thương đến các mạch máu trong võng mạc, từ đó ảnh hưởng đến thị lực.

13. Khối u ác tính ở mắt

Nguy cơ phát triển khối u ác tính ở mắt tăng lên khi chúng ta già đi. Nguy hiểm hơn, bệnh thường không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Do đó, việc khám mắt định kỳ là hết sức quan trọng để phát hiện và điều trị khối u sớm.

14. Nguy cơ chấn thương mắt do té ngã

Nguy cơ chấn thương mắt do té ngã

Người cao tuổi dễ bị té ngã do những thay đổi về thăng bằng và tầm nhìn. Điều này có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, bao gồm cả chấn thương mắt. Để giảm thiểu nguy cơ vấp ngã, bạn nên cố định lan can trong nhà, đánh dấu các khu vực có bậc cấp, bọc đệm các góc nhọn của đồ nội thất và sử dụng thảm chống trơn trượt.

15. Lão hóa mắt gây gián đoạn giấc ngủ

Nghiên cứu cho thấy mắt người lớn tuổi hấp thụ ít ánh sáng xanh hơn người trẻ. Đây là lý do khiến cơ thể sản xuất ít melatonin hơn, làm gián đoạn chu kỳ ngủ – thức bình thường, khiến bạn khó ngủ và ngủ không sâu giấc.

5 cách giúp bạn bảo vệ thị lực khi về già

Quá trình lão hóa có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thị lực của bạn khi về già. Do đó, bạn cần biết cách bảo vệ sức khỏe đôi mắt của mình. Dưới đây là những gợi ý mà Hello Bacsi dành cho bạn:

16. Khám mắt định kỳ

Khám mắt định kỳ phòng ngừa lão hóa mắt

Việc khám mắt định kỳ không chỉ giúp bạn ngăn ngừa các nguy cơ bệnh về mắt tiềm ẩn mà còn cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể. Một số vấn đề như cao huyết áp, cholesterol cao, thiếu hụt vitamin… có thể được phát hiện thông qua việc khám mắt, kể cả khi chúng chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng nào.

17. Xác định rõ các yếu tố nguy cơ của bạn

Việc xác định rõ các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng để ngăn ngừa các bệnh về mắt nguy hiểm. Trong các buổi khám mắt định kỳ, bạn cần trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình, tuổi tác và các vấn đề sức khỏe khác mà bạn đang mắc phải.

18. Xây dựng lối sống lành mạnh

Xây dựng lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, duy trì cân nặng ở mức hợp lý sẽ giúp bạn bảo vệ đôi mắt lẫn sức khỏe của mình.

19. Sử dụng các công cụ hỗ trợ thị lực kém

Đối với những người bị suy giảm thị lực do các bệnh về mắt, một số công cụ có thể hỗ trợ bạn làm việc mà không cần sự trợ giúp quá nhiều từ người khác. Các công cụ này gồm ứng dụng điện thoại thông minh đọc to văn bản, sách nói, kính lúp cầm tay… Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các đề xuất phù hợp.

20. Ngủ đủ giấc

Chú trọng đến chất lượng và thời gian ngủ cũng là cách giúp bạn bảo vệ đôi mắt của mình. Khi ngủ, mắt sẽ được bôi trơn và loại bỏ bụi bẩn ra ngoài. Thiếu ngủ không chỉ khiến mắt bạn trở nên mệt mỏi và vẻ ngoài của bạn của thiếu sức sống và kém hấp dẫn.

Càng lớn tuổi, bạn càng cần quan tâm đến đôi mắt của mình. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn những tác động của lão hóa đến đôi mắt, đồng thời có thêm những cách hay để bảo vệ thị lực của mình.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Your Aging Eyes https://newsinhealth.nih.gov/special-issues/seniors/your-aging-eyes Ngày truy cập: 29/11/2021

Adult Vision: 41 to 60 Years of Age https://www.aoa.org/healthy-eyes/eye-health-for-life/adult-vision-41-to-60-years-of-age?sso=y Ngày truy cập: 29/11/2021

Common Age-Related Eye Problems https://my.clevelandclinic.org/health/articles/8567-common-age-related-eye-problems Ngày truy cập: 29/11/2021

20 Ways Aging Changes Your Eyes https://www.aao.org/eye-health/tips-prevention/20-ways-aging-changes-your-eyes Ngày truy cập: 29/11/2021

The Aging Eye: Preventing and treating eye disease https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/the-aging-eye-preventing-and-treating-eye-disease Ngày truy cập: 29/11/2021

Phiên bản hiện tại

04/01/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Cơ thể lão hóa sẽ có những thay đổi như thế nào?

Lão hóa ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ như thế nào?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 04/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo