backup og meta

Giải đáp: viêm phổi có lây không và các thắc mắc thường gặp

Giải đáp: viêm phổi có lây không và các thắc mắc thường gặp 

Viêm phổi là một trong những nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong cao tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì tính nguy hiểm và nghiêm trọng của bệnh mà nhiều người quan tâm đến việc viêm phổi có lây không nếu bạn là người chăm sóc và sinh hoạt chung với người bệnh? Ai là người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng phổi và cách phòng bệnh viêm phổi?

Hãy cùng tìm hiểu ngay với Hello Bacsi!

1. Viêm phổi có lây không?

Trước hết, bạn cần biết viêm phổi là gì và tại sao bạn lại bị viêm phổi. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra được đáp án cho câu hỏi viêm phổi có lây không.

Viêm phổi là tình trạng viêm xảy ra ở một hoặc cả hai phổi, thường do nhiễm trùng. Theo nguyên nhân gây bệnh, viêm phổi gồm 4 loại:

Trong đó, viêm phổi có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người sang người thường gặp nhất là viêm phổi do vi khuẩn và do virus.

Viêm phổi do nấm hiếm khi xảy ra ở người khỏe mạnh. Hầu như bệnh gặp phải ở các đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm, chẳng hạn như bệnh nhân HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, bị bệnh mãn tính. Bệnh nhân hít phải bào tử nấm và bị bệnh.

Viêm phổi do hít thường gặp ở những bệnh nhân hôn mê, nôn mửa, rối loạn phản xạ và không lây.

Vì vậy, viêm phổi có lây không thì câu trả lời còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do tác nhân truyền nhiễm là vi khuẩn, vi nấm thì lây lan từ người sang người; còn lại thì không.

2. Bệnh viêm phổi lây qua đường nào? 

viêm phổi có lây không lây qua đường nào

Hầu hết các trường hợp viêm phổi thông thường trong cộng đồng là do nhiễm trùng vi khuẩn và virus. Chúng có thể lây lan trực tiếp từ người sang người qua các giọt bắn nhỏ từ đường hô hấp khi người bệnh viêm phổi ho hay hắt hơi mà không che chắn. Ngoài ra, bệnh viêm phổi cũng có thể lây lan gián tiếp khi:

  • Dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, đũa, muỗng,…với người bệnh.
  • Tiếp xúc với vật dụng mang tác nhân gây bệnh, thường là đồ mà người viêm phổi đã sử dụng chẳng hạn như nắm tay cửa, chuột máy tính… sau đó lại đưa tay lên miệng hoặc mũi.

Do đó, không chỉ có khả năng lây lan, viêm phổi còn là một trong các nhiễm trùng hô hấp lây nhiễm dễ dàng và nhanh chóng nhất.

Với trường hợp viêm phổi do vi khuẩn, khả năng lây lan vẫn còn cho đến khoảng ngày thứ hai sau khi điều trị bằng kháng sinh và người bệnh đã cắt sốt. Còn viêm phổi do virus sẽ tiếp tục lây cho đến khi người bệnh đã hết sốt vài ngày và cảm thấy khỏe hơn.

3. Những ai có nguy cơ bị viêm phổi?

Nhiễm trùng phổi do virus và vi khuẩn gây nên có khả năng lây lan rất nhanh. Nhưng không phải ai tiếp xúc với tác nhân gây bệnh cũng biểu hiện triệu chứng của viêm phổi. Nhóm đối tượng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bệnh viêm phổi bao gồm:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu chẳng hạn như người bệnh HIV / AIDS, bệnh tự miễn, suy dinh dưỡng, được ghép nội tạng hoặc bệnh nhân đang tiến hành hóa trị liệu, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Những người có sẵn các bệnh nền mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
  • Những bệnh nhân đang phải nằm viện, đặc biệt là những trường hợp đang sử dụng máy trợ thở.
  • Người hút thuốc lá.
  • Người có tiền sử hay đang mắc bệnh phổi (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn) hoặc bệnh tim.

Do đó, nếu bạn thuộc đối tượng có nguy cơ cao kể trên, cần đến gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh về phổi như: ho, khó thở và tức ngực kéo dài có kèm theo sốt (trên 38˚C)…

3. Cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm phổi

viêm phổi có lây không và cách phòng ngừa

Thông qua những thông tin kể trên, có thể bạn đã có câu trả lời chung cho câu hỏi bệnh viêm phổi có lây không. Vậy để hạn chế bị lây nhiễm viêm phổi, cần lưu ý những điều sau:

  • Hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh viêm phổi mà không có khẩu trang hay đồ bảo hộ.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, nhất là khi đi ra ngoài về hay sau khi hắt hơi, ho.
  • Không dùng chung đồ cá nhân với người khác như: bát đũa, khăn lau mặt,..
  • Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng cúm cho cả trẻ em và người lớn.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và rèn luyện thân thể lành mạnh để nâng cao sức khỏe.
  • Không hút thuốc và hạn chế trường hợp hút thuốc thụ động.
  • Tránh uống quá nhiều rượu.
  • Luôn giữ vệ sinh môi trường sống.
  • Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

4. Viêm phổi nguy hiểm như thế nào?

Ngoài mối quan tâm về việc viêm phổi có lây không, nhiều người còn lo lắng về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Nhìn chung, điều trị viêm phổi không khó, quan trọng là phải kịp thời vì nếu để lâu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Áp xe phổi: là tình trạng nhiễm trùng gây hoại tử nhu mô phổi, tạo thành hang chứa đầy mủ gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
  • Suy hô hấp: ảnh hưởng đến chức năng trao đổi khí của phổi, cần thiết phải có sự hỗ trợ của máy thở (máy trợ thở).
  • Tràn dịch màng phổi: viêm gây tích lũy chất lỏng giữa hai lớp màng của phổi, gây khó thở nghiêm trọng.
  • Nhiễm trùng huyết: khi nhiễm trùng đã lan từ phổi vào máu, ảnh hưởng đến các cơ quan khác dẫn đến suy đa tạng.

Nhưng ngược lại, nếu xây dựng những thói quen lành mạnh và chủ động phòng ngừa viêm phổi từ sớm, bạn có thể dễ dàng vượt qua viêm phổi và hạn chế được các biến chứng kể trên.

Tin rằng bài viết này đã trả lời cho bạn câu hỏi viêm phổi có lây không, con đường lây truyền, cách hạn chế lây nhiễm và một số thông tin khác. Khi hiểu những điều này, bạn sẽ tự tin hơn khi chăm sóc và sống cùng người bệnh viêm phổi.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Pneumonia

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/pneumonia

Ngày truy cập: 8/11/2021

2. Is pneumonia contagious?

https://www.nhs.uk/common-health-questions/infections/is-pneumonia-contagious/

Ngày truy cập: 8/11/2021

3. Pneumonia: Symptoms, Treatment, Causes & Prevention

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4471-pneumonia

Ngày truy cập: 8/11/2021

4. Pneumonia

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pneumonia

Ngày truy cập: 8/11/2021

5. Pneumonia – Symptoms and causes

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumonia/symptoms-causes/syc-20354204

Ngày truy cập: 8/11/2021

Phiên bản hiện tại

25/11/2021

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Viêm phế quản có chữa được không?

Viêm phổi cộng đồng là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 25/11/2021

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo