backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Xẹp phổi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 16/07/2021

Xẹp phổi

Bệnh xẹp phổi là gì? Nguyên nhân do đâu, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị như thế nào thì không phải ai cũng biết. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh xẹp phổi là gì?

Xẹp phổi là tình trạng phổi hoặc thùy phổi xẹp hoàn toàn hoặc một phần. Tình trạng này xảy ra khi các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi bị xẹp xuống hoặc có thể chứa đầy dịch phế nang.

Xẹp phổi là một trong những biến chứng về hô hấp thường gặp nhất sau phẫu thuật. Đây cũng là một biến chứng có thể xảy ra của các vấn đề hô hấp khác, bao gồm: xơ nang, khối u phổi, chấn thương ngực, tràn dịch trong phổi và suy yếu hô hấp. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị xẹp phổi nếu hít phải dị vật.

Xẹp phổi có thể gây khó thở, đặc biệt nếu bạn đã mắc bệnh phổi trước đó. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh xẹp phổi

triệu chứng xẹp phổi

Bệnh xẹp phổi có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng. Các dấu hiệu và triệu chứng xẹp phổi có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Thở nhanh, nông
  • Thở khò khè
  • Ho.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Luôn tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn bị khó thở. Các tình trạng khác ngoài xẹp phổi có thể gây khó thở và cần được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Nếu bạn ngày càng khó thở, hãy tìm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân xẹp phổi là gì?

nguyên nhân xẹp phổi

Xẹp phổi có thể là kết quả của tình trạng tắc nghẽn đường thở hay áp lực từ bên ngoài phổi (không tắc nghẽn).

Hầu như tất cả những người từng phẫu thuật đều mắc phải tình trạng xẹp phổi do gây mê toàn thân. Gây mê toàn thân làm thay đổi cách bạn hô hấp và ảnh hưởng đến sự trao đổi khí ở phổi. Điều này có thể khiến cho các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi bị xẹp xuống. Những người sau khi được phẫu thuật bắc cầu thường rất dễ bị xẹp phổi.

Nguyên nhân xẹp phổi tắc nghẽn có thể bao gồm:

  • Chất nhầy. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra xẹp phổi là tình trạng tích tụ chất nhầy trong đường hô hấp, thường xảy ra trong và sau khi phẫu thuật vì bạn không thể ho. Thuốc được dùng trong phẫu thuật khiến bạn thở ít sâu hơn, do đó chất tiết bình thường bị ứ đọng trong đường hô hấp. Hút phổi trong khi phẫu thuật giúp làm sạch những chất tiết nhưng chúng có thể tiếp tục hình thành ngay sau đó. Tắc nghẽn chất nhầy cũng phổ biến ở trẻ em, trẻ bị xơ nang và trong cơn hen suyễn nặng;
  • Hít phải vật thể lạ. Xẹp phổi là tình trạng phổ biến ở trẻ em khi hít vào một vật lạ, chẳng hạn như đậu phộng hoặc một phần đồ chơi nhỏ vào phổi;
  • Hẹp đường hô hấp chính do bệnh. Nhiễm trùng mạn tính bao gồm cả nhiễm nấm, lao và các bệnh khác, có thể gây sẹo và làm hẹp đường hô hấp chính;
  • Khối u trong đường hô hấp chính. Tình trạng tăng trưởng bất thường của khối u có thể làm hẹp đường hô hấp;
  • Cục máu đông. Điều này chỉ xảy ra nếu có nhiều máu chảy vào phổi nhưng bạn không thể ho ra.

Nguyên nhân xẹp phổi không tắc nghẽn bao gồm:

  • Chấn thương. Chấn thương ngực, ví dụ té ngã hoặc tai nạn xe hơi, khiến bạn không dám thở sâu (do đau), điều này có thể dẫn đến chèn ép phổi.
  • Tràn dịch màng phổi. Đây là sự tích tụ dịch giữa các mô lót phổi (màng phổi) và bên trong thành ngực.
  • Viêm phổi. Các loại viêm phổi khác nhau, nhiễm trùng phổi, có thể gây xẹp phổi tạm thời.
  • Tràn khí màng phổi. Khí rò rỉ vào không gian giữa phổi và thành ngực, gián tiếp gây ra xẹp một phần phổi hoặc hoàn toàn.
  • Sẹo mô phổi. Sẹo có thể được gây ra bởi chấn thương, bệnh phổi hoặc phẫu thuật. Trong những trường hợp này, xẹp phổi không nghiêm trọng như những tổn thương mô phổi do sẹo gây ra
  • Khối u. Một khối u lớn có thể ép và làm xẹp phổi, chứ không làm tắc nghẽn đường dẫn khí.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh xẹp phổi?

Xẹp phổi có thể ảnh hưởng đến bất kì ai trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh xẹp phổi?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh xẹp phổi, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác: Trẻ nhỏ hơn 3 tuổi hoặc người trên 60 tuổi có nguy cơ dễ mắc bệnh
  • Bất cứ tình trạng sức khỏe nào cản trở việc ho, ngáp và thở dài
  • Ngủ không đúng với những tư thế cố định
  • Suy giảm chức năng nuốt, đặc biệt ở người lớn tuổi: việc hít chất tiết vào phổi là một tác nhân chính gây nhiễm trùng
  • Bệnh phổi như hen suyễn ở trẻ em, COPD, giãn phế quản hoặc bệnh xơ nang
  • Hút thuốc
  • Phẫu thuật bụng hoặc ngực gần đây
  • Gây mê toàn thân gần đây
  • Yếu cơ hô hấp do chứng loạn dưỡng cơ, chấn thương tủy sống hoặc một tình trạng thần kinh cơ khác bệnh
  • Bất kỳ nguyên nhân nào gây ra tình trạng thở nông – bao gồm thuốc và các tác dụng phụ của thuốc hoặc tình trạng hạn chế hô hấp, chẳng hạn như đau dạ dày hoặc bị gãy xương sườn.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh xẹp phổi?

Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân có mắc bệnh xẹp phổi hay không, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra, bao gồm:

  • Chụp X-quang. X-quang ngực thường có thể chẩn đoán xẹp phổi. Thỉnh thoảng, nguyên nhân phổ biến gây xẹp phổi tắc nghẽn ở trẻ em và người lớn là do vật thể lạ, bạn có thể nhìn thấy vật thể này trên hình ảnh X-quang xẹp phổi;
  • CT scan. CT nhạy hơn so với X-quang xẹp phổi trong việc phát hiện tình trạng xẹp phổi vì phương pháp này có thể đo khối lượng hoàn toàn hoặc một phần của phổi. CT scan có thể giúp xác định liệu có khối u gây ra xẹp phổi hay không, điều mà X-quang không làm được;
  • Đo oxy bão hòa. Bác sĩ sử dụng thiết bị nhỏ đặt trên lên một trong những ngón tay của bạn để đo độ bão hòa oxy trong máu;
  • Nội soi phế quản. Bác sĩ sẽ đưa một ống có ánh sáng xuống họng để phát hiện và loại bỏ một phần tắc nghẽn trong đường dẫn khí nếu có dịch nhầy, khối u hoặc vật thể lạ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh xẹp phổi?

điều trị bệnh xẹp phổi

“Xẹp phổi có hồi phục được không?’ hay “xẹp phổi có chữa được không?’ là thắc mắc của rất nhiều người. Việc điều trị xẹp phổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Xẹp phổi ở một vùng nhỏ của phổi có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Nếu có nguyên nhân tiềm ẩn chẳng hạn như khối u thì phương pháp điều trị có thể bao gồm việc loại bỏ hoặc làm nhỏ khối u bằng phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.

Vật lý trị liệu ngực

Kỹ thuật này rất quan trọng nhằm giúp bệnh nhân có thể hít thở sâu sau khi phẫu thuật để tái mở rộng mô phổi bị xẹp. Bạn sẽ được hướng dẫn về các kỹ thuật này trước khi phẫu thuật, bao gồm:

  • Ho
  • Vỗ tay (gõ) trên ngực ở vùng xẹp phổi để làm lỏng chất nhầy. Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị cơ học làm sạch chất nhầy, chẳng hạn như một máy xung đẩy khí hoặc một dụng cụ cầm tay
  • Thực hiện các bài tập thở sâu (khuyến khích đo phế dung) và sử dụng một thiết bị để có thể ho mạnh
  • Để đầu thấp hơn so với ngực của bạn (thoát dịch tư thế) giúp chất nhầy dẫn lưu tốt hơn từ phía dưới của phổi. Oxy hỗ trợ có thể giúp làm giảm tình trạng khó thở.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

Bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ các vật cản đường dẫn khí thông qua quy trình hút chất nhầy hoặc nội soi phế quản. Trong thủ thuật nội soi phế quản, bác sĩ sẽ dùng luồng ống xuống cổ họng để làm sạch đường hô hấp. Sử dụng áp lực dương tính liên tục có thể hữu ích đối với một số người không thể ho và có nồng độ oxy thấp (thiếu oxy) sau khi phẫu thuật.

Phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt nào giúp phòng ngừa bệnh xẹp phổi?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Xẹp phổi ở trẻ em thường được gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn trong đường thở. Để giảm nguy cơ trẻ sơ sinh bị xẹp phổi, bạn nên đặt các vật nhỏ ra khỏi tầm với trẻ em.
  • Ở người lớn, xẹp phổi thường xảy ra sau khi phẫu thuật. Nếu bạn đang chuẩn bị phẫu thuật, hãy tham khảo bác sĩ về việc làm thế nào để giảm nguy cơ xẹp phổi.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 16/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo