backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 15/07/2022

    Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tại nhà

    Điều quan trọng nhất khi điều trị bệnh viêm phổi là phải diệt trừ tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus hoặc nấm) và kiểm soát các triệu chứng. Trong thời gian ở bệnh viện, người bệnh đã cải thiện bệnh đáng kể nhưng vẫn cần tiếp tục chữa trị tại nhà để bình phục hoàn toàn, một số bệnh nhân thì được điều trị ngoại trú ngay từ đầu. Lúc này, người nhà cần biết cách lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi, giúp họ sớm khỏe mạnh và tránh lây bệnh cho các thành viên còn lại.

    Thông thường, sức khỏe của người bệnh sẽ cải thiện sau một tuần điều trị, nhưng cũng có vài người cần tới một tháng hoặc lâu hơn nữa. Hãy thận trọng hơn nếu chăm sóc bệnh nhân là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người miễn dịch yếu, bệnh nhân đái tháo đường hoặc xơ gan…

    Những điều cần làm khi chăm sóc bệnh nhân viêm phổi

    Đảm bảo họ tiếp tục điều trị đúng chỉ định

    Hầu hết bệnh nhân viêm phổi đều phải sử dụng rất nhiều loại thuốc. Chúng có thể bao gồm kháng sinh (nếu viêm phổi do vi khuẩn), thuốc kháng virus (nếu viêm phổi do virus), thuốc kháng nấm (nếu viêm phổi do nấm), thuốc hạ sốt, kháng viêm, long đờm. Với mỗi độ tuổi, nguyên nhân, mức độ bệnh sẽ có đơn thuốc khác nhau. Vì vậy, hãy giúp người bệnh dùng đủ loại thuốc, đúng liều lượng, đúng thời hạn quy định. 

    Khi chăm sóc bệnh nhân viêm phổi, cần tránh mắc phải những sai lầm như:

    • Uống kháng sinh mới vài ngày nhưng thấy không còn triệu chứng và ngừng lại. Điều này khiến cho vi khuẩn có cơ hội phát triển trở lại và tăng nguy cơ bị kháng thuốc về sau.
    • Lấy thuốc của người lớn cho trẻ em dùng. Khi lập kế hoạch chăm sóc trẻ viêm phổi, bạn không nên lấy thuốc của người lớn cho trẻ em dùng vì rất nhiều thuốc chống chỉ định, hoặc phải điều chỉnh lại liều đối với trẻ nhỏ ở từng độ tuổi. Sử dụng mà không biết rõ những điều này sẽ rất nguy hiểm cho trẻ.
    • Không tự ý dùng thuốc cầm ho mà không được bác sĩ cho phép. Ho là cách mà cơ thể đang tống đẩy tác nhân gây bệnh ra ngoài, cầm ho gây cản trở quá trình này. Nếu cơn ho dai dẳng, xuất hiện nhiều ban đêm và khiến bạn mất ngủ, suy nhược thì nên gọi lại cho bác sĩ để được hướng dẫn cách giảm ho phù hợp.
    • Khi hết thuốc, nên đi tái khám nhằm kiểm tra xem đã hết nhiễm trùng phổi hay chưa. Nếu chưa, bác sĩ sẽ kê thêm đơn thuốc phù hợp. Không tự ý mua thêm thuốc theo đơn cũ để dùng vì như vậy có thể làm tăng tác dụng phụ/ độc tính của một số loại thuốc.
    • Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi thở máy oxy tại nhà, hãy đảm bảo người bệnh thở đúng lượng oxy bác sĩ đã quy định, tránh hút thuốc hay để nguồn nhiệt gần bình oxy.

    Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi

    Theo dõi tiến triển của triệu chứng, gọi bác sĩ khi cần

    Ở nhà, chăm sóc bệnh nhân viêm phổi cũng đòi hỏi cần để ý bệnh nhân liên tục, xem các triệu chứng của họ có bị tăng nặng không. Nếu thấy dấu hiệu sau cần đưa người bệnh đi viện gấp:

    • Thở nông, khó thở, nhịp thở tăng càng lúc càng nhiều. Cần nghiêng người về phía trước khi ngồi mới thấy dễ thở hơn
    • Hít thở sâu bị đau ngực
    • Nhức đầu thường xuyên hơn
    • Cảm thấy buồn ngủ, mơ màng, lú lẫn
    • Bị sốt trở lại hoặc không cắt sốt sau 3 ngày dùng thuốc
    • Ho ra máu hoặc đờm sẫm màu
    • Đầu ngón tay và da xung quanh ngón tay xanh tím. 

    Bên cạnh đó, hãy gọi cho bác sĩ nếu sau 3 ngày mà triệu chứng không cải thiện, gặp tác dụng phụ của thuốc. 

    Lưu ý thêm nếu bạn đang chăm sóc trẻ viêm phổi là không phải bé nào cũng ho. Cha mẹ cần để ý tới các triệu chứng viêm phổi nghiêm trọng ở con như thở khò khè, khi hít thở thấy da ngực bám chặt vào xương sườn. Lúc này phải đưa trẻ trở lại bệnh viện ngay.

    Mẹo chăm sóc bệnh nhân viêm phổi, giúp họ giảm bớt triệu chứng khó chịu

    • Uống nhiều nước và chất lỏng (ít nhất 1,5 – 2,5 lít mỗi ngày) để giúp đờm loãng hơn. Khi nằm có thể vỗ nhẹ vào ngực vài lần mỗi ngày để thúc đẩy chất nhầy đi ra khỏi phổi.
    • Nâng cao đầu khi nằm và nằm nghiêng sẽ giúp giảm khó thở đáng kể.
    • Uống nước ấm, tắm nước ấm, sử dụng thêm máy tạo độ ẩm không khí hoặc máy phun sương trong phòng để đường thở được mở rộng và giúp dễ thở hơn. Một mẹo nữa trong chăm sóc bệnh nhân viêm phổi, để họ dễ thở là đặt khăn ấm và ẩm ở gần mũi và miệng người bệnh.
    • Khi chăm sóc người già bị viêm phổi, hãy nhắc nhở và hướng dẫn họ tập thở, hít thở sâu vài nhịp, lặp lại 2 – 3 đợt trong mỗi giờ. Tập thở giúp mở rộng phổi để nâng cao sức khỏe phổi.
    • Khuyên họ nghỉ ngơi nhiều hơn trong thời gian đầu để cơ thể mau phục hồi. Khi đã cảm thấy khỏe hơn, có thể cho người bệnh giúp đỡ những công việc nhà vừa sức. Tuyệt đối không để họ làm việc gắng sức cho tới khi khỏi bệnh hoàn toàn.
    • Yêu cầu người bệnh không hút thuốc và giúp họ tránh xa khói thuốc lá cho đến khi bình phục.
    • Kiêng rượu hoàn toàn khi chưa lành bệnh, sau đó có thể uống giới hạn 1 ly với phụ nữ và 2 ly rượu với nam giới mỗi ngày.

    Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi

    Ngăn ngừa lây lan viêm phổi cho các thành viên khác trong gia đình

    Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phổi không chỉ xoay quanh mỗi người bị viêm phổi, mà còn cần chú trọng đến khả năng lây lan bệnh cho chính người chăm sóc và các thành viên khác.

    Viêm phổi do vi khuẩn, virusnấm có thể lây lan qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Vì vậy, trước khi bác sĩ khẳng định tình trạng nhiễm trùng đã hết, hãy bảo vệ những người khỏe mạnh còn lại trong gia đình bằng cách:

    • Khi lập kế hoạch chăm sóc người bệnh viêm phổi, bạn nên cho người bệnh ở phòng riêng, nhắc họ dùng khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy kín
    • Vệ sinh phòng của họ bằng chất diệt khuẩn hằng ngày
    • Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc, rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây sau khi chăm sóc bệnh nhân viêm phổi. Không đưa tay chạm lên mặt khi chưa rửa tay
    • Nếu nhà có trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính nghiêm trọng, người suy giảm miễn dịch thì tốt nhất tránh tiếp xúc với người viêm phổi
    • Ăn uống lành mạnh, cân bằng với đầy đủ trái cây và rau quả; tập thể dục 30 phút hằng ngày; ngủ đủ giấc để giữ hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh
    • Về lâu dài, hãy cai thuốc lá càng sớm càng tốt và nên tiêm phòng vắc xin cúm, vắc xin ngừa phế cầu khuẩn hằng năm. Những điều này giúp giảm nguy cơ mắc viêm phổi đáng kể.

    Sự mệt mỏi và triệu chứng bệnh có thể khiến người bị viêm phổi, nhất là bệnh nặng, suy sụp khá nhiều về tinh thần. Vì vậy, khi chăm sóc bệnh nhân viêm phổi, người nhà cũng nên duy trì thái độ tích cực, động viên liên tục để họ thấy lạc quan hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 15/07/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo