backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách chữa bệnh hen suyễn triệt để tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 23/09/2022

    Cách chữa bệnh hen suyễn triệt để tại nhà

    Bên cạnh sử dụng thuốc hít và các loại thuốc trị bệnh hen suyễn khác, bạn cũng nên biết các mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn để cải thiện sức khỏe tốt hơn. 

    Hen suyễn là một bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp, làm cho người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ho, nặng ngực, khó thở hoặc thở khò khè. Do là bệnh mạn tính nên việc điều trị hen suyễn thường cần nhiều thời gian và cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể trị dứt điểm căn bệnh này.

    Nếu bạn hoặc người thân mắc bệnh hen suyễn thì hẳn bạn phải biết rằng các loại thuốc trị hen suyễn được liệt vào danh sách những loại thuốc đắt tiền nhất. Bên cạnh những đơn thuốc đắt đỏ, bạn còn phải liên tục dùng các loại thuốc hít và thuốc giúp cắt cơn hen khác. Thế nên, để việc chữa trị hiệu quả và ít tốn kém hơn, bạn nên kết hợp những cách chữa bệnh hen suyễn từ tự nhiên để giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và tăng cường sức khỏe. Sau đây là cách chữa bệnh hen suyễn ở người lớn tại nhà mà bạn có thể cân nhắc áp dụng.

    1. Cách trị hen suyễn: Xông hơi ướt giúp giảm chứng nghẹt mũi

    Xông hơi ướt là một liệu pháp xông hơi dựa vào sức nóng và hơi nước (nhiệt độ khoảng 45oC nhưng độ ẩm lên đến 100%), giúp làm thông thoáng lỗ chân lông và “tống khứ” các độc tố ra ngoài cơ thể. Phương pháp này có tác dụng giúp làn da mịn màng, giảm mụn trứng cá, giảm đau khớp và thư giãn. Ngoài ra, nhờ cung cấp độ ẩm cho đường hô hấp, xông hơi ướt còn có tác dụng giúp giảm chứng nghẹt mũi và các dạng kích ứng đường hô hấp liên quan đến bệnh hen suyễn.

    2. Tập yoga cũng là cách chữa bệnh hen suyễn

    yoga điều trị hen suyễn

    Căng thẳng, mệt mỏi có thể làm triệu chứng hen suyễn thêm nghiêm trọng. Yoga là một trong những cách tốt nhất để giảm thiểu căng thẳng. Vì vậy, nhiều người cũng tin rằng yoga có thể giúp chữa hen suyễn hiệu quả.

    Vẫn chưa có kết luận chính thức về tác dụng điều trị hen suyễn của yoga. Tuy nhiên, một số nghiên cứu bước đầu cũng cho thấy, tập yoga hoặc các liệu pháp thư giãn cơ có thể giúp cải thiện chức năng phổi. Dù có thể chữa bệnh hen suyễn hay không, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên thường xuyên vận động, nhất là tập yoga vì những tác dụng của yoga mang lại cho sức khỏe.

    3. Cách chữa hen suyễn triệt để: Tập thể dục nhẹ nhàng

    Những người mắc bệnh hen suyễn thường lo lắng việc tham gia vào các môn thể thao có thể làm cho những triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn. Trên thực tế, việc luyện tập thể dục sẽ không gây ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn nếu bạn biết cách lựa chọn những bài tập phù hợp kết hợp với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

    Những bài tập thể dục nhẹ nhàng thích hợp với người bệnh hen suyễn là aerobic, đi bộ, chạy cự ly ngắn, bóng chuyền… Bạn không nên tập những môn thể thao đòi hỏi cường độ gắng sức cao như bóng đá, chạy điền kinh, bóng rổ…

    Ngoài ra, môn bơi lội được xem là môn thể thao lý tưởng cho các bệnh nhân hen suyễn. Tuy nhiên, bạn lưu ý không bơi khi trời quá lạnh hoặc khi hồ bơi có chứa hàm lượng chất chlorine cao, vì điều này sẽ khiến bạn dễ lên cơn hen.

    Để ngăn ngừa hen suyễn bộc phát khi tập thể dục, bạn nên lưu ý những điều dưới đây:

    • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập bất kỳ môn thể thao nào.
    • Sử dụng thuốc điều trị hen suyễn trước khi luyện tập theo chỉ định của bác sĩ.
    • Luôn đem theo bình xịt bên mình.
    • Khởi động cơ thể trước và thư giãn cơ thể sau khi tập.
    • Nếu điều kiện thời tiết bên ngoài quá lạnh thì bạn nên luyện tập trong nhà và nhớ choàng khăn để giữ ấm cơ thể
    • Tránh luyện tập thể dục trong mùa phấn hoa hoặc ở những nơi bị ô nhiễm không khí
    • Hạn chế việc tập thể dục khi bạn mắc các bệnh do virus như cảm cúm.

    Nếu lên cơn hen suyễn trong quá trình luyện tập thể dục thì bạn hãy ngưng tập ngay và dùng bình xịt để cắt giảm cơn hen. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của hen suyễn vẫn không thuyên giảm thì bạn hãy gọi cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời.

    4. Mẹo dân gian chữa hen suyễn: Châm cứu

    liệu pháp châm cứu chữa hen suyễn

    Kỹ thuật châm cứu truyền thống của Trung Quốc cũng được xem như một cách chữa bệnh hen suyễn. Trong một số trường hợp, châm cứu có thể làm giảm bớt các cơn hen và cải thiện hô hấp. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của việc trị liệu bằng châm cứu.

    5. Cách chữa hen suyễn triệt để: chế độ dinh dưỡng lành mạnh

    Với những người bị hen suyễn dị ứng, bạn được khuyến cáo nên tránh xa những thực phẩm kích thích làm bộc phát cơn hen. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tăng cường bổ sung vitamin D giúp giảm bớt cơn hen.

    6. Cách chữa bệnh hen suyễn ở người lớn bằng thuốc Nam

    Hiện nay, tuy chưa có cách chữa bệnh hen suyễn dứt điểm nhưng một số thảo mộc thuốc Nam có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng của hen suyễn hiệu quả. Sau đây là các loại thuốc Nam giúp trị hen suyễn:

    • Tỏi: Đã từ rất lâu, tỏi không chỉ được dùng như một loại gia vị làm tăng phần hấp dẫn cho món ăn mà còn là một bài thuốc Nam giúp chữa bệnh hen suyễn. Ngoài ra, tỏi còn được biết đến là một loại “thuốc kháng sinh tự nhiên” nhờ vào khả năng kháng viêm và diệt khuẩn cao. Do đó, loại thực phẩm này có công dụng rất tốt trong việc điều trị các bệnh viêm nhiễm như hen suyễn.

    Theo các bài thuốc chữa hen suyễn dân gian, để điều trị triệu chứng khó thở, bạn có thể ăn tỏi tươi, dùng tỏi tươi để ngâm rượu hoặc đun với nước sôi (để nguội và rồi ăn).

    • Gừng: Hầu như ai cũng biết những công dụng tuyệt vời của gừng trong việc điều trị cảm cúm, nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, khó tiêu… Tuy nhiên, gừng còn được xem là một loại “thần dược” giúp điều trị bệnh hen suyễn hiệu quả.

    Kết quả từ một nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân ăn bột gừng 3 lần mỗi ngày (mỗi lần 50 mg) trong vòng 3 tháng có thể cải thiện rõ rệt các triệu chứng của hen suyễn như khó thở, thở khò khè, ho và nặng ngực.

    Để chữa bệnh với loại thảo dược này, bạn không cần phải tốn nhiều công sức để chế biến. Bạn có thể cắt gừng ra thành từng miếng nhỏ, đun với nước sôi để uống trước khi đi ngủ mỗi ngày.

    • Tía tô: Tía tô là một loại gia vị quen thuộc đối với người Việt Nam. Không chỉ thế, trong Đông y, loại rau này còn được dùng như một vị thuốc chữa được nhiều tình trạng bệnh như cảm mạo, sốt, ra mồ hôi…

    Lá tía tô vị cay, ấm còn có tác dụng chữa bệnh hen suyễn cũng như làm giảm các triệu chứng của hen suyễn như ho và tức ngực. Ngoài ra, hạt tía tô cũng là một thành phần trong các bài thuốc trị hen suyễn rất hiệu quả.

    • Bạch quả: Bạch quả có tính kháng viêm và kháng histamine, do đó thường được dùng để điều trị chứng hen suyễn và viêm phế quản.

    Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy chiết xuất từ loại thảo mộc này có tác dụng làm giảm sự lan rộng của các tế bào viêm nhiễm trong đường hô hấp do bệnh hen suyễn gây ra.

    Cách chữa bệnh hen suyễn theo kinh nghiệm trên đây có thể mang lại kết quả, nhưng bạn khó có thể kiểm soát tất cả những tác dụng phụ đi kèm. Tốt nhất, bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để chắn chắn các phương pháp này không chỉ hiệu quả mà còn an toàn.

    Nếu gặp các phản ứng phụ như buồn nôn, nôn mửa, nhịp tim nhanh, lo lắng, mất ngủ, tiêu chảy hoặc phát ban da, hãy ngừng dùng sản phẩm thảo dược và báo ngay cho bác sĩ.

    Bạn có thể áp dụng các cách chữa bệnh hen suyễn tại nhà này cùng với phác đồ điều trị theo bác sĩ. Tuy nhiên, khi lên cơn hen suyễn bất ngờ, bạn vẫn phải sử dụng những loại thuốc có tác dụng nhanh cũng như các thiết bị hỗ trợ điều trị hen suyễn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 23/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo