backup og meta

Chứng sợ ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Chứng sợ ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nếu mắc phải chứng sợ ngủ, bạn sẽ thường có cảm giác bất an, lo lắng mỗi khi nghĩ về việc đi ngủ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng kỳ lạ này. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về chứng sợ ngủ và cách vượt qua căn bệnh này bạn nhé!

Chứng sợ ngủ là gì?

Chứng sợ ngủ (hay còn gọi là “somniphobia”) khiến người bệnh lo lắng, sợ hãi tột độ khi nghĩ đến việc đi ngủ. Nỗi ám ảnh này còn được gọi là ám ảnh sợ ngủ, chứng lo âu khi ngủ, hoặc chứng sợ hãi khi ngủ.

Nguyên nhân của chứng sợ ngủ có thể đến từ việc bạn thường xuyên bị mất ngủ, gặp ác mộng hoặc bị “bóng đè”khi ngủ cũng góp phần gây ra những lo lắng này. Ngoài ra, nỗi ám ảnh này có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động cuộc sống hằng ngày và cả sức khỏe tổng thể của bạn.

Triệu chứng

Giấc ngủ ngon là 1 phần thiết yếu để đảm bảo duy trì sức khỏe ổn định. Tuy nhiên nếu mắc chứng sợ ngủ, bạn có thể cảm thấy buồn bã và chán nản khi nghĩ về việc đi ngủ. Trong đa số các trường hợp, nỗi ám ảnh này có thể xuất phát nhiều từ nỗi sợ hãi khi ngủ hơn là nỗi sợ hãi về những gì có thể xảy ra trong lúc bạn ngủ. Bên cạnh đó, căn bệnh này có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng tâm thần và thể chất khác.

Cụ thể, các triệu chứng sức khỏe tâm thần này bao gồm:

  • Cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi nghĩ về việc đi ngủ
  • Cảm thấy căng thẳng khi nghĩ đến việc đi ngủ
  • Tránh đi ngủ hoặc thường xuyên thức khuya 
  • Lên cơn hoảng loạn khi đến giờ đi ngủ với các triệu chứng: choáng váng, tim đập nhanh, khó thở, buồn nôn, khó chịu bụng, tê tay chân, run tay chân, vã mồ hôi,…
  • Khó tập trung vào mọi thứ vì mải lo lắng và sợ hãi đến việc đi ngủ
  • Cảm thấy cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng thất thường
  • Gặp khó khăn khi nhớ về những việc đã xảy ra.

triệu chứng sợ ngủ

Ngoài ra, 1 số triệu chứng thể chất của chứng sợ ngủ này bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc gặp vấn đề dạ dày khác liên quan đến tình trạng lo lắng liên tục khi ngủ
  • Cảm thấy tức ngực hoặc tăng nhịp tim khi nghĩ về việc đi ngủ
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh đi kèm với giảm thông khí hoặc cảm thấy khó thở khi nghĩ về việc đi ngủ
  • Ở trẻ em, tình trạng quấy khóc, bám víu hoặc thể hiện các hành vi chống đối trước giờ đi ngủ (bao gồm cả việc không muốn để người chăm sóc bỏ lại chúng 1 mình)

Nếu bạn đã từng mắc chứng sợ ngủ trong 1 khoảng thời gian, bạn vẫn có thể chợp mắt được 1 ít trong hầu hết mỗi tối. Tuy nhiên các giấc ngủ này lại thường không được đảm bảo chất lượng vì bạn có thể tỉnh giấc giữa đêm khó ngủ trở lại.

Để đối phó với chứng sợ ngủ, nhiều người đã chọn cách bật đèn, bật ti vi hoặc âm nhạc để đánh lạc hướng sự tập trung và dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Một số người khác lại chuyển sang dùng các chất kích thích, rượu để giảm cảm giác sợ hãi trước khi ngủ. Tuy nhiên, cách làm này không được khuyến khích vì nó sẽ gây nhiều tổn hại khác cho sức khỏe!

Nguyên nhân chứng sợ ngủ

Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của chứng sợ ngủ. Tuy nhiên, 1 số triệu chứng rối loạn giấc ngủ có thể đóng vai trò trong sự hình thành hội chứng này bao gồm:

  • Bị “bóng đè“: Rối loạn giấc ngủ này xảy ra khi bạn thức dậy sau giấc ngủ REM với các cơ bị tê liệt, từ đó khiến bạn khó có thể cử động. Bạn có thể gặp 1 số ảo giác tương tự như ác mộng có thể khiến bạn bị bóng đè, đặc biệt khi bạn liên tục gặp các cơn tái phát.
  • Rối loạn cơn ác mộng: Khi gặp tình trạng này, bạn có thể trải qua những cơn ác mộng rất chân thật khiến bạn đau khổ, căng thẳng suốt cả ngày. Bạn sẽ thường xuyên nhớ lại những cảnh trong cơn ác mộng và cảm thấy sợ hãi về những gì đã xảy ra trong giấc mơ. Hoặc đôi khi bạn lo lắng về việc gặp ác mộng ngày càng nhiều hơn.

Nếu gặp phải 1 trong 2 triệu chứng rối loạn này, bạn có thể sinh ra cảm giác sợ hãi khi đi ngủ vì bạn không muốn phải đối diện lại cảm xúc tiêu cực này.

Trải qua sang chấn hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) đều có nguy cơ góp phần gây ra những cơn ác mộng, từ đó đem đến cảm giác sợ hãi khi ngủ. Ngoài ra, bạn có thể có cảm giác sợ ngủ do những việc có nguy cơ xảy ra trong lúc ngủ như: trộm cắp, hỏa hoạn, hoặc gặp phải các thảm họa khác.

nguyên nhân sợ ngủ

Chứng sợ ngủ cũng có mối liên quan đến nỗi sợ chết, cụ thể là bạn cảm thấy lo lắng về việc sắp chết trong giấc ngủ có thể dẫn đến cảm giác sợ hãi. Một số các trường hợp sợ ngủ khác mà người bệnh lại không có nguyên nhân rõ ràng. Chứng sợ ngủ này có thể phát triển trong khoảng thời gian thơ ấu, vì vậy có thể bạn không nhớ chính xác nỗi sợ hãi của mình bắt đầu từ đâu và từ lúc nào.

>>> Bạn có thể quan tâm: Hiện tượng mộng du: Không đáng sợ như bạn nghĩ!

Yếu tố nguy cơ

Nếu thành viên trong gia đình bạn có tiền sử bị mắc chứng sợ ngủ thì bạn cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

Rối loạn giấc ngủ hoặc mắc bệnh lý nghiêm trọng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu gặp bệnh nan y, bạn sẽ cảm thấy lo lắng về việc có thể “ra đi” trong giấc ngủ, và cuối cùng phát triển thành căn bệnh sợ ngủ.

Chẩn đoán

Nếu tin rằng mình đang phải trải qua chứng sợ ngủ thì cách tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và hỗ trợ bạn trong suốt quá trình điều trị.

Thông thường, chứng sợ ngủ được chẩn đoán nếu bạn không thể kiểm soát được nỗi sợ hãi và lo lắng, từ đó khiến bạn luôn cảm thấy đau khổ, căng thẳng và suy giảm các chức năng trong cuộc sống hằng ngày bao gồm công việc, học tập và các chức năng xã hội khác. Sau đây là 1 số dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải chứng sợ ngủ và cần gặp bác sĩ:

chẩn đoán bệnh sợ ngủ

  • Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần
  • Gây ra tình trạng lo lắng dai dẳng, căng thẳng và đau khổ liên quan đến giấc ngủ
  • Phát sinh các vấn đề tại nơi làm việc, trường học hoặc trong cuộc sống cá nhân của bạn
  • Không thuyên giảm trong vòng 6 tháng qua
  • Thường xuyên khiến bạn tránh né hoặc trì hoãn việc đi ngủ nhiều nhất có thể

Cách điều trị bệnh

Không phải tất cả các trường hợp sợ ngủ đều cần phải được điều trị. Tuy nhiên, việc thiếu ngủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần. Đó là lý do tại sao khi bạn nghi ngờ mình đang mắc phải các triệu chứng sợ ngủ như trên, bạn nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Dựa vào từng nguyên nhân gây ra ám ảnh sợ ngủ, việc điều trị có thể khác nhau. Chẳng hạn nếu như bạn bị rối loạn giấc ngủ thì bác sĩ sẽ tập trung điều trị chứng sợ ngủ. Đa số các trường hợp, liệu pháp phơi nhiễm sẽ là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất.

Liệu pháp phơi nhiễm

Liệu pháp phơi nhiễm sẽ là cuộc thảo luận về những nỗi lo lắng, sợ hãi của bạn với nhà trị liệu bằng cách sử dụng các kỹ thuật thư giãn và sau đó tưởng tượng cảm giác sẽ như thế nào để có được một giấc ngủ ngon. Bước tiếp theo của liệu pháp này liên quan đến việc xem hình ảnh của những người đang ngủ hay đang nghỉ ngơi thoải mái. Khi đã làm quen với các hình ảnh này, bạn có thể được khuyến khích hãy thử 1 giấc ngủ ngắn cùng với người thân, bạn bè hoặc người yêu, để giúp bạn củng cố niềm tin, đem lại sự an toàn cho bản thân trong khi bạn vẫn đang có thể say giấc.

Một liệu pháp khác là bạn có thể chọn ngủ 1 giấc ngủ ngắn hoặc ngủ qua đêm trong phòng thí nghiệm nghiên cứu về giấc ngủ dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế.

Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT)

Sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi là cách tiếp cận giúp bạn xác định và giải quyết chứng sợ ngủ. Bạn cần phải học cách đối diện và đấu tranh với chính những suy nghĩ một khi phải đối diện với nỗi sợ của mình. Những suy nghĩ này có thể liên quan đến giấc ngủ hoặc nỗi sợ hãi gây ra cảm giác lo lắng khi ngủ. Bên cạnh đó, một cách tiếp cận khác mà nhà trị liệu có thể đề xuất cho bạn là hãy hạn chế ngủ ngày. Điều này sẽ giúp cơ thể tự điều chỉnh nhịp độ sinh học ổn định, phát triển mô hình giấc ngủ tốt hơn và hữu ích trong việc điều trị chứng sợ ngủ.

>>> Bạn có thể quan tâm: Uống thuốc ngủ nhiều có tác hại gì?

Sử dụng thuốc

Mặc dù không có loại thuốc đặc trị nào giúp khắc phục chứng ám ảnh sợ hãi khi ngủ, nhưng 1 số loại thuốc nhất định có thể làm giảm các triệu chứng sợ hãi và lo lắng. Các loại thuốc này cũng có thể được chỉ định cùng với các liệu pháp tâm lý.

Bác sĩ trị liệu có thể kê toa thuốc chẹn beta hoặc thuốc benzodiazepine để sử dụng ngắn hạn hoặc dùng ở mức độ không thường xuyên. Thuốc chẹn beta giúp giảm các triệu chứng lo lắng về thể chất, chẳng hạn như chúng có thể giúp bạn duy trì nhịp tim và huyết áp ổn định.

Benzodiazepines là một loại thuốc an thần có thể giúp giảm các triệu chứng lo âu. Tuy nhiên chúng có thể gây nghiện, do đó thuốc này không được khuyến khích sử dụng trong thời gian dài. Cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ ngắn hạn để giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn trong khi điều trị chứng sợ ngủ bằng liệu pháp tâm lý.

Bên cạnh đó, SSRIs (nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) cũng có thể được kê đơn trong một số trường hợp. 

Tuy nhiên, các loại thuốc trên đều nên được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.


Chứng sợ ngủ có thể khiến bạn không có 1 giấc ngủ ngon giúp cơ thể nạp năng lượng để duy trì hoạt động. Nếu gặp hội chứng này, bạn có thể gặp phải vấn đề sức khỏe thể chất liên quan đến việc thiếu ngủ đi kèm với nỗi sợ hãi và lo lắng, gây suy giảm các chức năng xã hội, công việc, học tập,….

Nếu bạn có các dấu hiệu như trên, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm thần có kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị bệnh. Từ đó giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ và có sức khỏe ổn định về mặt thể chất lẫn tinh thần.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Somniphobia: Understanding the Fear of Sleep https://www.sleepfoundation.org/mental-health/somniphobia Ngày truy cập: 11/3/2022

Substance use disorders. (n.d.). https://adaa.org/understanding-anxiety/co-occurring-disorders/substance-abuse Ngày truy cập: 11/3/2022

Smith JP. (2012). Anxiety and alcohol use disorders: Comorbidity and treatment considerations. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/labs/pmc/articles/PMC3860396/ Ngày truy cập: 11/3/2022

Sleep deprivation and deficiency. (n.d.). https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/sleep-deprivation-and-deficiency Ngày truy cập: 11/3/2022

Pruiksma KE, et al. (2014). A psychometric study of the fear of sleep inventory-Short form (FoSI-SF). DOI: https://jcsm.aasm.org/doi/10.5664/jcsm.3710 Ngày truy cập: 11/3/2022

Mayo Clinic Staff. (2016). Specific phobias. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/specific-phobias/symptoms-causes/syc-20355156 Ngày truy cập: 11/3/2022

Kanady JC, et al. (2018). Cognitive behavioral therapy for insomnia reduces fear of sleep in individuals with posttraumatic stress disorder. DOI: https://jcsm.aasm.org/doi/10.5664/jcsm.7224 Ngày truy cập: 11/3/2022

Gooley JJ, et al. (2011). Exposure to room light before bedtime suppresses melatonin onset and shortens melatonin duration in humans. DOI: https://academic.oup.com/jcem/article/96/3/E463/2597236 Ngày truy cập: 11/3/2022

Bedrosian TA, et al. (2017). Timing of light exposure affects mood and brain circuits. DOI: https://www.nature.com/articles/tp2016262 Ngày truy cập: 11/3/2022

Somniphobia: What to Do If You Have This Condition https://www.sleepandcognition.org/somniphobia/ Ngày truy cập: 11/3/2022

How to Overcome Somniphobia (Fear of Sleep) https://healthysleep.org/sleep-health/somniphobia/ Ngày truy cập: 11/3/2022

Sleep Anxiety https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21543-sleep-anxiety Ngày truy cập: 11/3/2022

How to Overcome The Fear of Going to Sleep (Somniphobia) https://www.sleepadvisor.org/fear-of-going-to-sleep/ Ngày truy cập: 11/3/2022

Phiên bản hiện tại

24/03/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Tại sao bạn thường bị ngủ hay giật mình? Tiết lộ 4 lý do thường gặp

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo