backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

7 sự thật đáng sợ mà bạn nên biết nếu là một "cú đêm"

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thùy Trang · Ngày cập nhật: 03/09/2020

    7 sự thật đáng sợ mà bạn nên biết nếu là một "cú đêm"

    Bạn thích online khuya để chat với bạn bè, lướt web, xem phim… Bạn cũng tham công tiếc việc nên mãi hơn 12 giờ mới ngủ? Dường như bạn cảm thấy mình thoải mái và tập trung hơn hẳn khi màn đêm buông xuống? Vậy làm “cú đêm’ có hại gì mà sao ai cũng khuyên ngủ sớm, dậy sớm?

    Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khi bạn duy trì những thói quen sống như chu kỳ thức – ngủ không phù hợp trong thời gian dài, sẽ có rất nhiều vấn đề sức khỏe bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số lý do vì sao “cú đêm” có thể làm hại sức khỏe của bạn.

    1. “Cú đêm’ làm huyết áp tăng cao hơn

    Thức khuya làm tăng huyết áp

    Trong một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Chronobiology International, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người hoạt động về đêm có khả năng tăng huyết áp cao hơn 30% so với những người hoạt động vào buổi sáng, ngay cả sau khi họ đã được kiểm soát về thời lượng và chất lượng giấc ngủ.

    Huyết áp cao có thể gây đột quỵ và dẫn đến tử vong. Hơn nữa, thức khuya cũng là một trong những thói quen gây hại cho não. Vì vậy, nếu bạn là “cú đêm” thì hãy điều chỉnh lại giấc ngủ của mình, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh và đảm bảo sức khỏe.

    2. Ít thời gian tập luyện khi làm “cú đêm’

    Thức khuya khó tập thể dục

    Theo một bản tóm tắt nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Sleep, những người làm “cú đêm’ thường ngồi nhiều hơn so với người hoạt động vào sáng sớm. Người hoạt động về khuya cũng cảm thấy họ gặp khó khăn trong việc sắp xếp lịch tập thể dục hay duy trì luyện tập thường xuyên.

    Những người tham gia nghiên cứu không phải là những người lười biếng, họ là những người trưởng thành rất năng động với thời gian trung bình thực hiện các hoạt động mạnh là 83 phút/tuần. Tuy nhiên, thường xuyên ngủ dậy trễ hoặc phải thức khuya làm việc khiến cho chuyện tập luyện trở nên khó khăn hơn nhiều.

    Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng mỗi người đều có một khoảng thời gian khác nhau được xem là thời điểm tốt nhất để tập thể dục, tùy thuộc vào sở thích và thời gian biểu của họ. Nhưng dậy sớm và tập luyện buổi sáng là một kế hoạch khá lý tưởng vì chúng có thể cung cấp cho bạn năng lượng hoạt động cho cả ngày dài và sau đó nếu có vấn đề gì xảy ra thì việc bạn luyện tập cũng không bị ảnh hưởng.

    3. “Cú đêm” dễ rơi vào tình trạng tăng cân

    Thức khuya dễ tăng cân

    Ban đêm là khoảng thời gian “nhịn ăn’ tự nhiên của cơ thể. Nhưng việc thức khuya và ăn đêm sẽ làm gián đoạn khoảng thời gian này, ảnh hưởng đến khả năng đốt cháy chất béo của cơ thể. Thức quá khuya cũng khiến bạn tiêu thụ nhiều calo hơn mỗi ngày so với những người dậy sớm.

    Theo một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Obesity, có lẽ vì thức khuya, tinh thần và ý chí của bạn sẽ thấp hơn khi mệt mỏi nên bạn có xu hướng thèm ăn thức ăn không lành mạnh vào ban đêm, không chỉ tăng cân mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

    4. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn

    Thức khuya dễ bị tiểu đường

    Một số nghiên cứu cũng đã tìm thấy rằng “cú đêm” có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn so với người hoạt động sáng sớm. Điều này có thể liên quan đến việc tăng cân, thường xuyên sinh hoạt không lành mạnh và thiếu ngủ. Các chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân là do thức khuya làm ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể.

    Những bạn nữ thức khuya sẽ có xu hướng tích nhiều mỡ bụng và có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn so với các bạn nữ cùng tuổi thường hoạt động buổi sáng. Thêm vào đó, những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc thức khuya như huyết áp, nồng độ đường huyết và cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Mà những bệnh nhân tiểu đường nếu thức khuya sẽ khó kiểm soát đường huyết hơn dù cho đảm bảo được thời lượng và chất lượng giấc ngủ.

    5. “Cú đêm’ khiến chu kỳ ngủ bị rối loạn

    Chu kỳ ngủ rối loạn

    Những người thường thức khuya nhưng vẫn phải dậy sớm sẽ có xu hướng mệt mỏi, thiếu năng lượng và sẽ ngủ bù vào bất cứ lúc nào có thể. Vào thời điểm cuối tuần khi không phải đi học, đi làm thì họ sẽ lựa chọn dành khoảng thời gian đó cho việc ngủ lấy lại sức nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ thể vẫn có đồng hồ sinh học riêng và không thể thích ứng kịp nếu bạn đột nhiên lại ngủ liên tục như vậy.

    Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà việc ngủ bù cũng khiến bạn không còn nhiều thời gian dành cho gia đình và những mối quan hệ khác. Dĩ nhiên, độc thân cũng không có gì xấu nhưng khi nhắc đến lợi ích sức khỏe, những mối quan hệ sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Các cá nhân trong một mối quan hệ lâu dài có thể làm động lực cho nhau, khuyến khích nhau chăm lo sức khỏe và vui vẻ hơn, đem lại giá trị cho sức khỏe vật chất và tinh thần.

    6. “Cú đêm’ có thể gây tai nạn giao thông

    Lái xe thiếu tỉnh táo

    Những người ngủ muộn có xu hướng mệt mỏi hơn và ít cảnh giác vào buổi sáng hơn. Khi bạn thức một đêm dài thì năng lượng của bạn đã tiêu hao đáng kể, trong khi đó, việc lái xe đòi hỏi sự tập trung cao độ và bạn có thể bị chính cơn buồn ngủ của mình làm bản thân mất kiểm soát. Lái xe khi không tỉnh táo sẽ làm giảm độ an toàn và dễ gây tai nạn giao thông.

    7. Thành tích học của “cú đêm’ dễ sa sút

    Học kém khi thức khuya

    Khi bạn còn trẻ, bạn thường thức khuya để học bài, đọc sách, chơi game, tám chuyện, hoặc có ti tỉ thứ khác níu giữ bạn thức đêm thay vì đi ngủ sớm. Ở tuổi vị thành niên thường khó đi vào giấc ngủ trước 11 giờ tối và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần đối với thanh thiếu niên.

    Những thay đổi về nội tiết tố xung quanh tuổi dậy thì cũng có thể liên quan nhiều đến lịch trình ngủ của trẻ vị thành niên. Trẻ bị thiếu ngủ sẽ dễ mệt mỏi và trở nên cáu kỉnh. Vì vậy, nếu bạn có con cái hoặc người thân thức quá khuya, hãy quan tâm và nhắc nhở trẻ hình thành thói quen đi ngủ đúng giờ để những ảnh hưởng của “cú đêm” không nguy hại đến sức khỏe con em bạn.

    Thức khuya không chỉ là một thói quen xấu mà còn tiềm ẩn những vấn đề sức khỏe rất nguy hiểm. Nếu nhận ra mình có những dấu hiệu của “cú đêm”, hãy điều chỉnh giờ đi ngủ của mình mỗi ngày sớm hơn một chút để “đồng hồ sinh học” của bạn quen dần với việc ngủ sớm nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thùy Trang · Ngày cập nhật: 03/09/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo