backup og meta

10 tác dụng của đông trùng hạ thảo là gì, bạn đã biết chưa?

10 tác dụng của đông trùng hạ thảo là gì, bạn đã biết chưa?

Tác dụng của đông trùng hạ thảo đã được chứng minh ở cả lý thuyết và thực tiễn. Đặc biệt, ở những quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển mạnh như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc…, đông trùng hạ thảo được sử dụng rộng rãi để hỗ trợ điều trị cho nhiều căn bệnh khác nhau và để bồi bổ, nâng cao sức khoẻ cho con người.

Đông trùng hạ thảo là gì?

Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu được công nhận trong nhiều tài liệu y học trên thế giới. Đây là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên Đông trùng hạ thảo – tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus. Ngoài ra còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh.

Đã có rất nhiều tài liệu y học giải thích nấm đông trùng hạ thảo là gì

  • Thông thường, ấu trùng sâu non sẽ lớn lên và trở thành bướm. Tuy nhiên, một số ấu trùng bị nhiễm nấm Cordyceps sinensis sẽ không thể lớn lên được nữa. Ấu trùng bị nhiễm nấm do ăn phải bào tử nấm hoặc bị nấm ký sinh ở các lỗ thở. Khi đó, nấm ký sinh sẽ hút chất dinh dưỡng từ bên trong cơ thể ấu trùng và lớn lên theo dạng sợi.
  • Theo thời gian, sợi nấm phát triển mạnh sẽ xâm chiếm các mô vật chủ để “toàn quyền” sử dụng dưỡng chất trong xác trùng.
  • Vào mùa đông nấm ký sinh trên sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Đến một thời điểm nào đó (thường là vào mùa hè), nấm thoát ra khỏi xác sâu và vươn lên, phát triển thành đông trùng hạ thảo.

Ở thiên nhiên, loại dược liệu quý này thường được tìm thấy trên vùng núi cao hơn mặt nước biển 3500- 5000m như ở Tây Tạng, Bhutan và Trung Quốc. Hiện nay, nó đã được nuôi trồng trên quy mô công nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả dược tính cũng như giá thành sản phẩm có sự chênh lệch rất lớn giữa đông trùng hạ thảo tự nhiên và loại nuôi trồng nhân tạo.

Thành phần hóa học trong đông trùng hạ thảo

Để phát huy hiệu quả nhất tác dụng của đông trùng hạ thảo thì theo y học hiện đại, loại dược liệu này có chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người như:

  • 17 loại acid amin khác nhau
  • Các vitamin A, C, B12, E, K,….
  • Các nguyên tố vi lượng Mn, Al, K, Na, Mg…
  • Thành phần D-mannitol
  • Dinh dưỡng nhóm HEAA, Adenosine, Acid Cordyceptic,…
  • Hoạt chất sinh học Hydroxyethyl Adenosine
  • Hàm lượng lipid lớn.

Đối với Y học cổ truyền, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ấm, có tác động vào các kinh Thận, Phế. Công dụng của đông trùng hạ thảo là giúp bổ phế, ích can thận, dưỡng huyết, bổ dưỡng tạng phủ, tiêu đàm, bồi bổ cơ thể,…

10 tác dụng của đông trùng hạ thảo

tác dụng của đông trùng hạ thảo là gì

Tác dụng của đông trùng hạ thảo thường phát huy ở cả những người khỏe mạnh hoặc người đang mắc một bệnh lý nào đó. Người bình thường dùng loại dược liệu này sẽ ngày càng khỏe hơn. Người ốm dùng đến sẽ nhanh hồi phục thể lực.

Vậy, uống đông trùng hạ thảo có tác dụng gì? Hãy tìm hiểu 10 công dụng không khác gì “tiên dược” đã được giới khoa học chứng minh:

1. Đông trùng hạ thảo có tác dụng nâng cao sức khỏe thể chất

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm tác dụng đông trùng hạ thảo trong các hoạt động thể chất. Kết quả thử nghiệm cho thấy loại thảo dược này có khả năng cải thiện sự chuyển hóa năng lượng trong các tế bào sống. Hơn nữa, nó còn cải thiện khả năng chịu đựng khi bạn tập thể dục ở cường độ cao.

2. Công dụng của đông trùng hạ thảo: Giảm các triệu chứng mệt mỏi

Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu để theo dõi công dụng của đông trùng hạ thảo đối với chứng mệt mỏi thể chất ở chuột qua hoạt động bơi lội.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

  • Kéo dài thời gian bơi của chuột
  • Giảm nồng độ axit lactic huyết thanh, nitơ urê, creatine kinase, aspartate aminotransferase, alanine aminotransferase và malondialdehyd
  • Tăng hàm lượng glycogen ở gan và cơ
  • Tăng nồng độ superoxide effutase huyết thanh, glutathione per-oxyase và catalase.

Một nghiên cứu khác được thực hiện ở người để tìm hiểu về công dụng của đông trùng hạ thảo. Kết quả cho thấy, sau khi dùng dược liệu này trong 6 tuần liên tục, chỉ số VO2max ở tình nguyện viên tăng đáng kể. VO2max là tốc độ tiêu thụ oxy tối đa trong quá trình tập luyện được tính bằng ml/kg/phút. Đây cũng là đơn vị được sử dụng để đo công suất hiếu khí cá nhân của một người.

3. Phụ nữ uống đông trùng hạ thảo có tốt không? Tác dụng chống lão hóa

Theo y học cổ truyền, tác dụng của đông trùng hạ thảo với phụ nữ là khả năng chống lão hóa mạnh mẽ.

Một số nghiên cứu dược lý hiện đại cũng công nhận khả năng chống lão hoá của đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, tất cả đều là những nghiên cứu trên động vật, cần có thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh khả năng duy trì tuổi xuân, kéo dài tuổi thọ và chống lại lão hoá của đông trùng hạ thảo.

4. Đông trùng hạ thảo có tác dụng gì – tăng cường hệ miễn dịch

Chất chống oxy hóa là các phân tử bảo vệ tế bào khỏi các tác động có hại bằng cách trung hòa gốc tự do thúc đẩy lão hóa. Thành phần của đông trùng hạ thảo chứa nhiều phân tử có khả năng này. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng đã hệ thống được các đặc tính dược lý chống oxy hóa của đông trùng hạ thảo.

Theo đó, chức năng miễn dịch của cơ thể cũng tăng đáng kể vì đông trùng hạ thảo loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể.

5. Tác dụng của đông trùng hạ tăng cường sức khỏe tình dục

tác dụng của đông trùng hạ thảo giúp tăng <a href=

  • Theo truyền thống, người cao tuổi hoặc người mới ốm dậy thường tận dụng lợi ích của đông trùng hạ thảo để giảm mệt mỏi. Trong một số trường hợp, những người này còn dùng với mục đích tăng cường sức khỏe và ham muốn tình dục.
  • Nghiên cứu ban đầu cho thấy việc dùng các sản phẩm có đông trùng hạ thảo trong 40 ngày liên tục có thể cải thiện ham muốn tình dục ở những người có ham muốn thấp.
  • Với những con chuột bị thiến, đông trùng hạ thảo cũng đẩy nhanh tốc độ cương dương vật và kéo dài thời gian xuất tinh.

Với những bằng chứng này, công dụng đông trùng hạ thảo giống như thuốc cường dương, tăng cường sinh lực tự nhiên của nam giới. Bên cạnh đó đông trùng hạ thảo cũng có tác dụng điều hoà nội tiết tố, cải thiện triệu chứng lạnh tử cung, vô sinh… ở nữ giới.

6. Đông trùng hạ thảo cải thiện chức năng não

Ở vấn đề chức năng não, khi tiến hành kiểm tra tác động của dược liệu trên chuột, các nhà nghiên cứu nhận thấy dược liệu này có tác động trực tiếp đến khả năng tiếp thu và ghi nhớ của chuột. Cụ thể, nó giúp giảm số lượng hành vi bị lỗi (so với tiêu chuẩn của nghiên cứu) ở những con chuột sống lâu năm.

7. Chống lại các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư

Gần đây, nhiều nghiên cứu khoa học đã tiến hành để kiểm tra khả năng chống ung thư và tác động đến các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của đông trùng hạ thảo.

  • Chiết xuất từ đông trùng hạ thảo có khả năng chống ung thư bằng nhiều cơ chế khác nhau như điều chỉnh hệ miễn dịch hoặc tạo ra chất khiến tế bào ung thư tự chết đi.
  • Các thử nghiệm trên chuột đã chỉ ra rằng chiết xuất từ loại dược liệu này có tác dụng chống ung thư hạch bạch huyết, ung thư phổi.
  • Nghiên cứu ở người chứng minh rằng tùy vào liều dùng, nó có thể ức chế tế bào ung thư vú, ung thư gan hoặc bệnh bạch cầu.

8. Uống đông trùng hạ thảo có tác dụng gì với bệnh tiểu đường?

tác dụng của đồng trùng hạ thảo hỗ trợ điều trị tiểu đường

Vậy, uống đông trùng hạ thảo có tác dụng gì cho người bệnh tiểu đường?

Khi tiến hành nghiên cứu về tác dụng của đông trùng hạ thảo đối với bệnh lý này, các nhà khoa học nhận thấy thành phần của loại dược liệu này có khả năng kiểm soát đường huyết rất tốt. Cụ thể, nó giúp người bệnh:

  • Giảm cân
  • Ổn định chỉ số mỡ máu
  • Không tăng chỉ số đường huyết.

Những yếu tố này cho thấy đông trùng hạ thảo là loại thực phẩm hữu ích cho người bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã chỉ ra có 90% bệnh nhân mắc đái tháo đường có dấu hiệu chuyển biến khi được sử dụng đông trùng hạ thảo theo liệu trình.

9. Tác dụng của đông trùng hạ thảo là gì? Hỗ trợ điều trị bệnh thận mạn tính

Bên cạnh khả năng kiểm soát các triệu chứng của bệnh tiểu đường, đông trùng hạ thảo còn có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận mạn tính – một biến chứng phổ biến của tiểu đường.

  • Một đánh giá của 22 nghiên cứu thực hiện trên 1.746 người mắc bệnh thận mãn tính cho thấy, người bệnh được bổ sung đông trùng hạ thảo trong chế độ ăn uống có dấu hiệu cải thiện chức năng thận.
  • Các nhà nghiên cứu còn phát hiện chế phẩm từ loại dược liệu quý này có khả năng giảm creatinin huyết thanh, giảm protein niệu và giảm các biến chứng liên quan đến bệnh thận như tăng huyết sắc tố và albumin huyết thanh.

Tác dụng của đông trùng hạ thảo còn thể hiện trên một số vấn đề khác ở thận, cụ thể như:

  • Tổn thương thận do một số loại thuốc khác sinh (nhiễm độc thận aminoglycoside). Người bệnh thường xuyên dùng thuốc kháng sinh sẽ làm tổn hại đến thận. Lúc này, chiết xuất từ đông trùng hạ thảo có thể làm giảm tổn thương thận do kháng sinh gây ra.
  • Tăng hiệu quả điều trị sau khi cấy ghép thận. Người bệnh vừa trải qua ca cấy ghép thận được dùng chiết xuất hoặc sản phẩm bào chế từ đông trùng hạ thảo liều thấp có thể nguy cơ nhiễm trùng.
  • Làm giảm nguy cơ bị suy yếu chức năng thận ở những người vừa cấy ghép thận.
  • Giống như một vị thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng chống sự loại bỏ tổ chức cấy ghép khá tốt.

10. Tác dụng của đông trùng hạ thảo với người già

Đông trùng hạ thảo có tác dụng gì đối với người cao tuổi? Không phải ngẫu nhiên mà đông trùng hạ thảo được ví như “tiên dược” dành để chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Dược liệu này mang đến nhiều công dụng đáng kể như:

  • Giảm mệt mỏi và cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh. Đây đều là những tác dụng tốt cho người già yếu, ăn uống kém, hoặc người làm việc lao lực thường xuyên hụt hơi, mệt mỏi, đuối sức.
  • Tăng cường độ dẻo dai cho xương khớp.
  • Làm chậm quá trình lão hóa ở người lớn tuổi.

Có nên uống đông trùng hạ thảo thường xuyên không ?

Để tận dụng toàn bộ tác dụng có lợi cho sức khỏe của đông trùng hạ thảo, bạn nên lưu ý dùng đúng liều lượng. Mặc dù nên duy trì sử dụng đông trùng hạ thảo đều đặn nhưng bạn không nên dùng quá liều, có nguy cơ gây nóng trong, phát ban hoặc những tác dụng không mong muốn khác.

Lưu ý: Nên uống đông trùng hạ thảo vào buổi sáng hoặc khi bụng đói, để tránh gây mất ngủ cũng như các triệu chứng khó chịu ở dạ dạy bạn nhé!

Những lưu ý khi sử dụng đông trùng hạ thảo

Đối tượng nên dùng đông trùng hạ thảo

Với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, nấm đông trùng hạ thảo thích hợp sử dụng để chăm sóc sức khỏe, bồi bổ cho nhiều đối tượng như: người lớn tuổi, người đang ốm, người gầy yếu, trẻ suy dinh dưỡng…

Tuy nhiên, một số đối tượng lại không nên dùng hoặc muốn dùng đông trùng hạ thảo cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chẳng hạn như:

  • Phụ nữ mang thai
  • Phụ nữ đang trong thời kì hành kinh
  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
  • Bị dị ứng với nấm mốc hoặc men.

Tác dụng phụ của đông trùng hạ thảo

Nhìn chung, đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, loại dược liệu này vẫn có những tác dụng không mong muốn nếu dùng không đúng chỉ dẫn như các tác dụng phụ nhẹ, bao gồm:

  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Khô miệng.

Các triệu chứng thường hết sau khi ngừng điều trị.

Gợi ý một số cách dùng đông trùng hạ thảo

Một số cách dùng đông trùng hạ thảo mà bạn có thể tham khảo như:

  • Ăn trực tiếp
  • Dùng làm trà
  • Nấu cháo
  • Ngâm rượu
  • Nấu canh hoặc hầm
  • Ngâm với mật ong.

Bạn cần lựa chọn địa chỉ bán đông trùng hạ thảo uy tín, có cung cấp giấy kiểm định chất lượng, để đảm bảo mua được loại trùng thảo còn giữ nguyên đặc tính dưỡng chất đáng quý nhé! Một số người còn lựa chọn viên đông trùng hạ thảo để an tâm hơn về chất lượng cũng như đảm bảo tính tiện dụng.

Để phát huy đúng tác dụng của đông trùng hạ thảo, bạn phải sử dụng vị thuốc này theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y. Đây là nguyên tắc quan trọng để đảm bảo mức độ an toàn hoặc không bị tương tác nếu đang dùng các loại thuốc điều trị bệnh khác.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Herbal Medicine: Biomolecular and Clinical Aspects. 2nd edition. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK92758/. Ngày truy cập: 17/3/2021

Cordyceps militaris improves tolerance to high intensity exercise after acute and chronic supplementation. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5236007/. Ngày truy cập: 10/06/2021

The health benefits of Cordyceps militaris-a review. https://www.semanticscholar.org/paper/The-health-benefits-of-Cordyceps-militaris-a-review-Mehra-Zaidi/dd2728b8f34b7b682cd07c729ebbd09764b366ac. Ngày truy cập: 10/06/2021

Cordyceps spp.: A Review on Its Immune-Stimulatory and Other Biological Potentials. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphar.2020.602364/full. Ngày truy cập: 10/06/2021

HEALTH BENEFITS OF Cordyceps militaris: OVERVIEW. https://www.ikprress.org/index.php/PCBMB/article/view/5188. Ngày truy cập: 10/06/2021

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo. http://nhidongcantho.org.vn/Default.aspx?tabid=556&ch=4794&cach-su-dung-dong-trung-ha-thao.html. Ngày truy cập: 19/12/2022

Cordyceps militaris: An Overview of Its Chemical Constituents in Relation to Biological Activity. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8622900/. Ngày truy cập: 13/02/2023

Trends in the Immunomodulatory Effects of Cordyceps militaris: Total Extracts, Polysaccharides and Cordycepin. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphar.2020.575704/full. Ngày truy cập: 13/02/2023

Cordyceps mushroom with increased cordycepin content by the cultivation on edible insects. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmicb.2022.1017576/full. Ngày truy cập: 13/02/2023

Medicinal uses of the mushroom Cordyceps militaris: Current state and prospects. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0367326X10001863. Ngày truy cập: 13/02/2023

Phiên bản hiện tại

26/03/2024

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Dược liệu là gì? Thuốc từ dược liệu và phương pháp điều trị thay thế

[Kiến thức y học] Y học cổ truyền là gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 26/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo