Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và bao gồm cả Việt Nam. Việc tầm soát ung thư phổi sớm chính là một trong những điểm mấu chốt để có thể điều trị bệnh thành công và cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh. Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Các phương pháp tầm soát ung thư phổi hiện nay
Việc tầm soát ung thư phổi hiện đang đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời, cải thiện tiên lượng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Vậy, tầm soát ung thư phổi bằng cách nào? Dưới đây là một số phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư phổi phổ biến hiện nay:
1. Chụp X-quang ngực
Chụp X-quang ngực giúp phát hiện các bất thường trong phổi và vùng ngực, bao gồm các khối u, nhiễm trùng, xẹp phổi, hoặc các vấn đề về tim mạch.
Bên cạnh đó, phương pháp này thường được sử dụng để đánh giá các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, đau ngực, hoặc các dấu hiệu bất thường khác liên quan đến hệ hô hấp.
Chụp X-quang ngực cũng được dùng để theo dõi hiệu quả điều trị bệnh lý phổi, kiểm tra sự tiến triển của bệnh hoặc đánh giá tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật.
Quy trình chụp X-quang diễn ra như sau:
Chuẩn bị:
- Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cởi bỏ quần áo phần trên và thay vào áo choàng y tế, đồng thời tháo bỏ các vật dụng kim loại như trang sức hoặc kính mắt để tránh làm nhiễu hình ảnh.
- Bệnh nhân có thể đứng, ngồi hoặc nằm tùy vào yêu cầu của bác sĩ và tình trạng sức khỏe.
Thực hiện chụp:
- Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đứng hoặc ngồi trước máy chụp X-quang với tư thế phù hợp, thường là mặt đối diện hoặc quay lưng về phía máy.
- Kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh máy để đảm bảo chụp được toàn bộ vùng ngực.
- Bệnh nhân sẽ được yêu cầu hít thở sâu và giữ hơi trong vài giây khi máy chụp X-quang hoạt động để hình ảnh rõ nét hơn.
Hoàn tất:
- Sau khi chụp xong, bệnh nhân có thể thay lại quần áo bình thường và chờ kết quả.
- Hình ảnh X-quang sẽ được gửi đến bác sĩ để phân tích và đưa ra chẩn đoán. Kết quả thường có trong vòng vài giờ đến một ngày tùy thuộc vào cơ sở y tế.
2. Xét nghiệm đờm
Xét nghiệm đờm để làm gì? Xét nghiệm đờm được sử dụng để phát hiện tế bào ung thư trong dịch nhầy (đờm) từ phổi. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi tế bào nhỏ.
Quy trình thực hiện xét nghiệm đờm:
Chuẩn bị:
- Bệnh nhân có thể được yêu cầu không ăn uống gì trước khi thu mẫu đờm, để đảm bảo mẫu thu được không bị nhiễm bẩn từ thức ăn hoặc đồ uống.
- Thời gian tốt nhất để thu mẫu đờm là vào buổi sáng sau khi thức dậy, khi đờm tích tụ trong phổi nhiều hơn.
Thu thập mẫu đờm:
- Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ho mạnh để đưa đờm từ phổi lên miệng. Mẫu đờm này sẽ được thu vào một lọ sạch có nắp đậy kín.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân hít hơi từ máy tạo hơi hoặc sử dụng thuốc kích thích ho để giúp thu được mẫu đờm dễ dàng hơn.
- Mẫu đờm có thể cần được thu trong vài ngày liên tiếp để tăng khả năng phát hiện tế bào bất thường.
Phân tích mẫu:
- Mẫu đờm sau khi thu thập sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích dưới kính hiển vi.
- Các chuyên gia sẽ tìm kiếm sự hiện diện của tế bào ung thư hoặc các tế bào bất thường khác trong mẫu đờm.
Kết quả:
- Xét nghiệm đờm bao lâu có kết quả? Kết quả xét nghiệm thường có trong vòng vài ngày. Nếu phát hiện tế bào ung thư, bác sĩ sẽ thảo luận về các bước tiếp theo trong quá trình chẩn đoán và điều trị nếu cần.
- Nếu không có tế bào ung thư được phát hiện nhưng nghi ngờ về bệnh lý vẫn tồn tại, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm khác như chụp CT hoặc sinh thiết phổi.
3. Chụp CT lồng ngực liều thấp
Chụp CT lồng ngực liều thấp (LDCT) là phương pháp tầm soát ung thư phổi tiên tiến được sử dụng để phát hiện sớm các khối u nhỏ trong phổi, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Đây là phương pháp tầm soát ung thư phổi hiệu quả nhất hiện nay, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao.
Ngoài ung thư, LDCT còn giúp phát hiện các bệnh lý khác của phổi như viêm phổi, xơ phổi, hoặc tình trạng tổn thương phổi do các yếu tố như hút thuốc lá. LDCT cũng được sử dụng để theo dõi sự phát triển của các khối u hoặc tổn thương phổi qua thời gian, đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị và phát hiện tái phát sau điều trị.
Quy trình chụp CT lồng ngực liều thấp:
Chuẩn bị:
- Bệnh nhân không cần phải nhịn ăn hoặc chuẩn bị gì đặc biệt trước khi thực hiện LDCT.
- Trước khi chụp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tháo bỏ các vật dụng kim loại như trang sức, đồng hồ hoặc kính mắt để không gây nhiễu hình ảnh.
Thực hiện chụp:
- Bệnh nhân sẽ nằm ngửa trên bàn chụp, bàn này sẽ di chuyển qua máy chụp CT dạng hình tròn.
- Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân hít thở đều và giữ yên trong vài giây khi máy chụp đang hoạt động để đảm bảo hình ảnh được rõ nét.
- Quá trình chụp thường chỉ mất vài phút, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau hay khó chịu.
Phân tích hình ảnh:
- Sau khi chụp, hình ảnh sẽ được gửi đến bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh để phân tích.
- Bác sĩ sẽ xem xét các bất thường như khối u, nốt phổi, hoặc các tổn thương khác và đưa ra chẩn đoán sơ bộ dựa trên hình ảnh thu được.
Kết quả:
- Kết quả LDCT thường có trong vòng một vài giờ đến một ngày. Nếu phát hiện có khối u hoặc bất thường, bác sĩ sẽ thảo luận về các bước chẩn đoán tiếp theo hoặc phương án điều trị phù hợp.
- Trong trường hợp không phát hiện có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân có thể được khuyên tiếp tục tầm soát định kỳ nếu thuộc nhóm nguy cơ cao.
Những lưu ý khi làm tầm soát ung thư phổi
1. Ai nên làm tầm soát và bao lâu làm một lần?
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo những người nên thực hiện tầm soát ung thư phổi bao gồm:
- Người từ 50 đến 80 tuổi: Có tiền sử hút thuốc lá ít nhất 20 năm (hút 1 gói mỗi ngày trong 20 năm hoặc hút 2 gói mỗi ngày trong 10 năm).
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư phổi: Có cha mẹ, anh chị em ruột, hoặc con cái mắc ung thư phổi.
- Người đã tiếp xúc với chất gây ung thư: Thường xuyên tiếp xúc với các chất như amiăng, radon, hoặc chất độc hại khác trong môi trường làm việc hoặc sống trong khu vực ô nhiễm cao.
- Người có tiền sử bệnh lý phổi mạn tính: Mắc các bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi, hoặc các bệnh lý phổi mạn tính khác.
- Người có thói quen sống không lành mạnh: Thường xuyên hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hoặc có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh.
2. Khi nào nên dừng tầm soát?
Bạn có thể ngừng tầm soát nếu đã không hút thuốc trong 15 năm hoặc lâu hơn. Một số trường hợp không được hưởng lợi từ việc tầm soát ung thư cũng được khuyến cáo nên ngừng tầm soát bao gồm: những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng không thể phẫu thuật nếu phát hiện ung thư phổi và những người đã trên 80 tuổi.
3. Những rủi ro có thể gặp phải
Khi tầm soát ung thư phổi, một số rủi ro có thể gặp phải bao gồm:
- Kết quả dương tính giả: Tầm soát có thể phát hiện các nốt phổi không phải ung thư, dẫn đến lo lắng quá mức và thực hiện thêm các xét nghiệm không cần thiết khác, chẳng hạn như sinh thiết.
- Tiếp xúc với bức xạ: Chụp CT lồng ngực liều thấp (LDCT) sử dụng tia X, mặc dù liều bức xạ thấp hơn so với chụp CT thông thường, tuy nhiên, việc lặp lại hàng năm vẫn có thể tăng nguy cơ ung thư do bức xạ.
- Kết quả âm tính giả: Có khả năng bỏ sót ung thư phổi ở giai đoạn sớm, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.
- Lo lắng và căng thẳng: Việc tầm soát có thể gây lo lắng cho bệnh nhân, đặc biệt khi có kết quả không rõ ràng hoặc cần thực hiện thêm các xét nghiệm.
Tầm soát ung thư phổi bao nhiêu tiền?
Tầm soát ung thư phổi bao nhiêu tiền không chỉ phụ thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện mà còn thay đổi tùy theo cơ sở y tế mà bạn lựa chọn.
Mời bạn tham khảo giá tầm soát ung thư phổi bao nhiêu tiền ở một số cơ sở y tế mà Hello Bacsi tổng hợp được. Tuy nhiên lưu ý mức giá thực tế có thể chênh lệch và có thể tăng lên qua các năm. Thông tin này chỉ mang tính tham khảo:
- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội (số 01 đường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội): 2.900.000 VNĐ
- Bệnh viện FV (số 06 đường Nguyễn Lương Bằng Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng), quận 7, TP. Hồ Chí Minh): 2.570.000 VNĐ.
- Bệnh viện Phương Châu Sa Đéc (số 153 đường Nguyễn Sinh Sắc, phường 2, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp): 1.135.000 VNĐ.
- Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (đường Hoàng Thị Loan, tổ 28, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng): Gói cơ bản 1.695.000 VNĐ, gói nâng cao 2.495.000 VNĐ.
- Hệ thống Y tế Thu Cúc (nhiều cơ sở trên cả nước): Từ 2.000.000 VNĐ – 5.100.000 VNĐ.
- Hệ thống Đa khoa Quốc tế Sài Gòn SIGC và bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn ENT (số 9-15 đường Trịnh Văn Cấn, quận 1 hoặc số 441 đường Lê Văn Lương, quận 7, TP. Hồ Chí Minh): 2.050.000 VNĐ.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về tầm soát ung thư phổi hiện nay. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ và nâng cao ý thức phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]