backup og meta

Cây măng cụt: Từ món ăn ngon đến vị thuốc quý

Cây măng cụt: Từ món ăn ngon đến vị thuốc quý

Măng cụt là một loại trái cây nhiệt đới, được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây”. Loại quả này có biệt danh như vậy nhờ vị thơm ngon đặc trưng, giá trị dinh dưỡng cao và đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên, không chỉ là một loại cây ăn trái thơm ngon, bổ dưỡng, vỏ quả măng cụt còn là vị thuốc quý được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền của các nước Đông Nam Á. Vậy, vỏ măng cụt có tác dụng gì và cách dùng trị bệnh ra sao? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tên thường gọi: Măng cụt, Sơn trúc tử

Tên khác: Mangosteen (tiếng Anh), Mangoustanier (tiếng Pháp), Sơn trúc tử (tiếng Trung Quốc), Mankhut (tiếng Thái)

Tên khoa học: Garcinia mangostana L.

Họ: Bứa (Clusiaceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây măng cụt

Cây măng cụt là loại cây ăn quả sống lâu năm, thân gỗ to, có thể cao tới hơn 20m. Thân nhiều cành, tán rộng, phân cành thấp và mọc ngang, vỏ ngoài của thân có màu đen, có chất nhựa mủ màu vàng. Lá mọc đối, phiến dày, dai, màu lục sẫm, hình bầu dục thuôn dài 15-20cm, rộng 7-10cm. Hoa đực và hoa lưỡng tính cùng gốc.

Quả hình cầu, còn đài tồn tại dày và cứng, vỏ quả dày và xốp, khi còn non màu xanh nhạt, sau đó dần chuyển sang sắc tím nhạt rồi đỏ tím như màu rượu vàng. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt. Bộ phận ăn được là lớp áo quanh hạt, màu trắng, mọng nước, vị chua ngọt và thơm. 

Phân bố

phân bố cây măng cụt

Cây măng cụt bắt nguồn ở các đảo thuộc Malaysia, Indonesia, sau được di thực vào miền Nam Việt Nam. Măng cụt hiện được trồng rộng rãi ở vùng Nam Bộ nước ta. Ngoài ra, cây còn được trồng ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, miền nam Ấn Độ, Bắc Úc, Hawaii, Trung Mỹ, Brazil và các nước nhiệt đới khác.

Bộ phận dùng của măng cụt

  • Thực phẩm: Áo hạt. Quả măng cụt là một loại quả ít calo nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng như: chất xơ, chất đạm, vitamin C, vitamin B9 (folate), vitamin B1 (thiamine), vitamin B2 (riboflavin) và các khoáng chất như magie, đồng, mangan. Nhờ đó, nó có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm: ổn định đường huyết, hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch, kích thích tiêu hóa, chống táo bón và giảm dị ứng.
  • Dược liệu: Vỏ quả và vỏ cây. Vỏ cây có thể thu hái quanh năm, lột đem về rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô. Vỏ quả lấy ở những quả già đã chín, được tách riêng, có thể dùng tươi hay phơi khô. 

Thành phần hóa học

  • Vỏ quả có thành phần bao là tanin (7-13%), chất nhựa, polysaccharides (khoảng 27%), polyphenol và các dẫn chất xanthone (mangostin, garcinon…), anthocyanidin,…
  • Vỏ thân cây măng cụt chứa thành phần chủ yếu là tanin, khoảng 13,61% tanin và 14,59% không phải tanin (theo Bull. Office Colonial, số 136, tháng 4-1919).
  • Quả măng cụt chứa năng lượng, cacbonhydrat, chất xơ, chất béo, photpho, kali, sắt, mangan, vitamin nhóm B, C, natri cùng nhiều loại khoáng tố khác.
  • Lá măng cụt chứa xanthones, tri – hydroxy methoxy.

Tác dụng, công dụng

Cây măng cụt có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền

Tính vị và quy kinh: Vị chát, tính ấm. Quy vào kinh đại tràng.

Vỏ măng cụt có tác dụng: Sát trùng chỉ lỵ, thu liễm săn da, cầm tiêu chảy. 

Chủ trị: Đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ, khí hư bạch đới.

Cây măng cụt trị bệnh gì? Theo y học dân gian, măng cụt cũng được sử dụng để trị nhiều bệnh:

  • Ở Ấn Độ, măng cụt có giá trị y học cao vì vỏ có chứa α-mangostin, được sử dụng để điều trị viêm, tiêu chảy, dịch tả và kiết lỵ. 
  • Vỏ cây được sử dụng như một chất kháng khuẩn và làm thuốc để kiểm soát vết thương, vết loét. 
  • Chứng tăng sừng, bệnh chàm, bệnh vẩy nến và các rối loạn về da khác đã được điều trị bằng thuốc mỡ chiết xuất từ ​​lá và vỏ quả măng cụt. 
  • Amibiasine là một chất chiết xuất vỏ cây được sử dụng để điều trị bệnh lỵ amip
  • Vỏ măng cụt còn được sử dụng để điều trị chứng buồn nôn, viêm bàng quang, lậu và tiêu chảy. 
  • Nước sắc rễ được sử dụng để điều trị rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. 
  • Nước sắc và dịch chiết từ ​​vỏ và hạt có tác dụng hạ sốt, trị scorbut, chống nhiễm trùng và nhuận tràng. 
  • Vỏ và nước sắc của vỏ, lá là nguyên liệu làm trà, được sử dụng để điều trị các chứng rối loạn tiết niệu, kiết lỵ, tiêu chảy và sốt ở Malaysia và Philippines.

Theo y học hiện đại

măng cụt có tác dụng gì?

Tác dụng của măng cụt theo y học hiện đại bao gồm:

  • Kháng khuẩn, kháng viêm: Các xanthones trong vỏ quả thể hiện đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm. Súc miệng bằng nước sắc vỏ măng cụt sau khi ăn giúp chống lại sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng và ngăn ngừa hôi miệng.
  • Hỗ trợ giảm cân, điều trị rối loạn lipid máu: Xanthones trong vỏ quả còn giúp cơ thể chống lại tác hại của cholesterol xấu, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tình trạng béo phì. Uống trà vỏ măng cụt hàng ngày giúp kiểm soát và ổn định cân nặng.
  • Làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa: Nghiên cứu cho thấy trong vỏ quả măng cụt chứa các chất có khả năng chống lão hóa mạnh mẽ. Vì vậy, vỏ măng cụt và chiết xuất của nó thường được dùng làm trà hoặc các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da với tác dụng chống lão hóa và làm săn chắc da.
  • Hỗ trợ tiêu hóa, trị kiết lỵ: Xanthones có thể giúp làm bền tế bào và đẩy mạnh quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Chiết xuất từ vỏ quả có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đường ruột, đặc biệt là bệnh kiết lỵ.
  • Ngăn ngừa ung thư: Dịch chiết và các hợp chất phân lập từ vỏ quả măng cụt đã được chứng minh về khả năng ức chế sự tăng trưởng của nhiều dòng tế bào ung thư. Bên cạnh đó, hợp chất xanthone cũng giúp chống lại các gốc tự do gây hại, tiêu diệt các tế bào ác tính.
  • Bảo vệ thần kinh, điều trị các bệnh về hệ thần kinh trung ương: Điều này được cho là nhờ tác dụng chống viêm, ức chế tổn thương oxy hóa của hợp chất xanthone.
  • Chống ký sinh trùng: Mangostin có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét và amip gây viêm giác mạc. 

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng sản phẩm.

Liều dùng thông thường của măng cụt là bao nhiêu?

Ngày dùng từ 20g đến 60g. Dùng thuốc theo hình thức sắc uống hoặc làm trà, đắp ngoài da, hoặc dịch chiết thụt rửa âm đạo trị bạch đới. Liều lượng dùng có thể thay đổi theo từng bệnh.

Một số bài thuốc trị bệnh từ măng cụt

Vỏ măng cụt ngâm rượu điều trị rạn da ở phụ nữ sau sinh

Vỏ măng cụt ngâm rượu có tác dụng gì? Vỏ quả măng cụt đem phơi khoảng 2 nắng đến khi hơi khô se lại. Sau đó, cho vào bình thủy tinh rồi đổ ngập rượu trắng 40 độ vào, ngâm trong 2 tuần. Khi sử dụng, gạn một ít rượu ra xoa bóp lên những vùng da bị rạn như bụng, mông, đùi, hông… và mát xa nhẹ nhàng sẽ giúp giảm bớt tình trạng rạn da, đặc biệt là ở phụ nữ sau sinh.

Dùng vỏ măng cụt chữa tiêu chảy

vỏ măng cụt chữa tiêu chảy

  • Bài 1: 10 quả măng cụt bỏ hạt lấy vỏ, bẻ nhỏ, cho vào nồi đất, thêm 500ml nước vào, dùng tàu lá chuối đậy kín bên trên. Đem đun sôi rồi vặn nhỏ lửa cho đến khi nước chuyển sang màu đỏ sẫm của dược liệu. Mỗi ngày uống 3 – 4 chén cho đến khi cầm tiêu chảy.
  • Bài 2: Lấy 24g vỏ măng cụt khô đem sắc cùng 24g hạt thì là. Nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày để chữa tiêu chảy.

Chữa nám da, tàn nhang

Vỏ măng cụt tươi rửa sạch với nước muối. Dùng thìa nạo lấy phần thịt vỏ mềm bên trong, xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Sau cùng, trộn thêm 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất và 1 thìa nước cốt chanh. 

Dùng hỗn hợp này thoa và mát xa cho vùng da bị nám tàn nhang, để khoảng 20 phút mới rửa lại cho sạch. Thực hiện 3 lần mỗi tuần.

bài thuốc từ cây măng cụt

Điều trị bệnh lỵ

  • Bài 1: Chuẩn bị 6g vỏ quả măng cụt với 8g rau sam, 8g rau má, 8g bạch hoa thảo, 8g cỏ sữa, 6g trà xanh, 4g cam thảo, 4g vỏ quýt, 3 lát gừng tươi. Cho tất cả thành phần vào nấu chung với nước, gạn uống vài lần trong ngày.
  • Bài 2: Dùng 8g vỏ quả măng cụt (nướng thơm), 10g rau má, 8g rau dền tía, 8g dã hòe, 8g gương sen, 8g củ rối (sao đen), 4g quốc lão, 8g vỏ lựu, 6g hạt cau già và 4g trần bì (nướng). Sắc thuốc uống ngày 1 thang.

Bệnh lỵ có thể do nguyên nhân từ amip hoặc trực khuẩn và thường diễn biến rất nhanh, gây mất nước, trụy tim mạch, gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ, người già hay người có bệnh lý nền. Do vậy, việc áp dụng vỏ quả măng cụt trong trường hợp mắc bệnh lỵ bạn nên để ý thật kỹ các triệu chứng của mình. Vỏ quả măng cụt chỉ có tác dụng tốt ở trường hợp bệnh lý nhẹ hoặc rối loạn tiêu hóa đơn thuần.

Trị mụn trứng cá

Nạo phần bên trong của vỏ quả măng cụt, phơi khô, tán bột mịn. Để sử dụng, trộn lượng bột thuốc vừa đủ chung với dầu ô liu tạo thành hỗn hợp đặc sệt. Thoa một lớp mỏng lên khu vực bị mụn 30 phút. Lặp lại mỗi tuần 3 lần để nốt mụn nhanh xẹp.

Trà măng cụt ngăn ngừa và cải thiện tình trạng lão hóa da, hỗ trợ giảm cân

Vỏ quả măng cụt phơi khô rồi thái nhỏ, bảo quản trong hũ kín, để nơi khô ráo. Hàng ngày, lấy 1 nắm nhỏ cho vào ấm hãm với nước sôi. Ủ khoảng 15 phút cho các hoạt chất trong dược liệu tiết hết ra nước. Để nguội rồi uống nhiều lần trong ngày.

Hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư

  • Bài 1: Phơi khô vỏ măng cụt nấu nước uống thay trà trong ngày
  • Bài 2: Dùng vỏ măng cụt khô kết hợp với một số dược liệu khác như hạt thìa, hạt cây rau mùi, quốc lão, sinh khương và trần bì lượng… theo liều lượng hướng dẫn của thầy thuốc. Sắc uống.

Đối với bệnh lý ung thư, việc sử dụng vỏ quả măng cụt để điều trị chưa được nghiên cứu và ứng dụng nhiều, do đó, người ta chưa thu được bằng chứng chắc chắn tác dụng của vỏ quả măng cụt có khả năng điều trị bệnh ung thư hay không. Vì vậy, người bệnh ung thư cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ung bướu trước khi sử dụng.

Trị hôi miệng

Nạo lớp thịt bên trong vỏ quả măng cụt đem xay nhuyễn cùng với 2 thìa mật ong và 200ml nước đun sôi để nguội. Lọc lấy nước uống. Bạn có thể cho thêm chút đường và đá vào uống tùy theo khẩu vị.

Điều trị bệnh vảy nến, bệnh chàm da (eczema)

Nấu vỏ măng cụt khô hoặc tươi lấy nước đặc ngâm rửa vùng da bị tổn thương mỗi ngày 2 lần.

Giải nhiệt cơ thể, giảm nóng trong người

Ép măng cụt lấy nước. Sau đó, cho thêm vào 1 thìa nước cốt chanh và đường, khuấy đều lên và thưởng thức.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng măng cụt, bạn nên lưu ý những gì?

  • Không nên ăn quả hay sử dụng dược liệu măng cụt liên tục trong thời gian dài. Một nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ măng cụt trong 12 tháng liên tục có thể khiến cơ thể bị nhiễm axit lactic nghiêm trọng. Chất này tích tụ nhiều trong máu sẽ gây ra nhiều triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn mửa, yếu người, dị ứng da, nổi mẩn ngứa, sốc hoặc thậm chí là đe dọa tính mạng.
  • Măng cụt có thể làm chậm quá trình đông máu, tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn chảy máu.
  • Không dùng măng cụt trong vòng 2 tuần trước khi phẫu thuật. Xanthones trong dược liệu có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, làm vết mổ bị chảy máu nhiều.
  • Sử dụng vỏ măng cụt sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu và chất hóa học độc hại, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để làm thuốc nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe.
  • Sử dụng dụng cụ bằng gỗ hoặc nồi đất để chế biến thuốc, tránh dùng đồ kim loại.
  • Không dùng măng cụt cho bất kỳ ai bị dị ứng, mẫn cảm với một trong các thành phần của măng cụt.

Vỏ măng cụt đã được sử dụng làm thuốc có công dụng giúp săn da, trị kiết lỵ, tiêu chảy từ hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, việc dùng sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Người bệnh cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người đang mắc bệnh mạn tính,…

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Botanical characteristics, chemical components, biological activity, and potential applications of mangosteen.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10178281/. Ngày truy cập 15/02/2024

MĂNG CỤT (Vỏ quả) – Pericarpium Garciniae mangostanae. Dược điển Việt Nam V.
https://duocdienvietnam.com/mang-cut-vo-qua/. Ngày truy cập 15/02/2024

Măng cụt.
https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/mang-cut. Ngày truy cập 15/02/2024

Măng cụt – Garcinia mangostana, Clusiaceae.
https://mplant.ump.edu.vn/index.php/mang-cut-garcinia-mangostana-clusiaceae/. Ngày truy cập 15/02/2024

Loài Garcinia mangostana L. (Cây Măng Cụt).
http://uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=node/356. Ngày truy cập 15/02/2024

Medicinal properties of mangosteen (Garcinia mangostana L.): A comprehensive update.
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28842267/. Ngày truy cập 15/02/2024

Phiên bản hiện tại

05/03/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

5 cách dùng lá mơ lông trị tiêu chảy tại nhà đơn giản, hiệu quả

6 cách chữa tiêu chảy bằng lá ổi hiệu quả nhất và những lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 05/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo