Dị ứng đậu phộng là bệnh gì?
Dị ứng với đậu phộng (hay dị ứng lạc) xảy ra khi hệ thống miễn dịch của người bệnh xác định nhầm lẫn protein trong đậu phộng là yếu tố gây hại cho cơ thể. Do đó, khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với đậu phộng, hệ miễn dịch của người đó sẽ giải phóng ra các hóa chất gây ra tình trạng dị ứng ở nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng, đe dọa tính mạng.
Thời gian gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng ở trẻ em. Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bé nhầm lẫn rằng một thứ gì đó vô hại – chẳng hạn như một loại protein của hạt cây hoặc đậu phộng – là có hại. Hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách tạo ra các kháng thể đặc hiệu với protein trong loại thức ăn đó. Những kháng thể này gọi là immunoglobulin E (IgE), được thiết kế để chống lại sự xâm lược của các protein trong thức ăn mà bé bị dị ứng.
Kháng thể IgE sẽ kích hoạt sự giải phóng một số chất hóa học trong cơ thể, một trong số đó là histamin. Sự tiết ra histamin có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đường tiêu hóa, da và hệ tim mạch, gây ra các triệu chứng dị ứng như thở khò khè, đau bụng, nôn, phát ban ngứa, sưng và tụt huyết áp.
Phản ứng với các loại thực phẩm như đậu phộng và các loại hạt cây có thể khác nhau. Tất cả đều phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể, đôi khi cùng một người lại có thể có phản ứng khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Một số phản ứng có thể rất nhẹ và chỉ liên quan đến một hệ thống của cơ thể, ví dụ như phát ban trên da. Các phản ứng khác có thể nặng hơn và liên quan đến nhiều phần của cơ thể bé.
Bị dị ứng đậu phộng sẽ có triệu chứng gì?
Phản ứng dị ứng với đậu phộng thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với đậu phộng. Hầu hết các phản ứng dị ứng đậu phộng kéo dài trong một vài giờ hoặc ít hơn và sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ hệ thống nào trong bốn hệ thống cơ thể sau:
- Phản ứng ở da: Đây là triệu chứng phổ biến nhất trong các phản ứng dị ứng thực phẩm. Chúng có thể xuất hiện ở dạng ngứa, đỏ, nổi mề đay, chàm eczema hoặc tấy đỏ và sưng quanh miệng hoặc mặt. Phát ban có thể xảy ra khi hạt hoặc đậu phộng chỉ mới tiếp xúc với da và bạn thậm chí còn chưa ăn chúng.
- Hệ thống tiêu hóa: Các triệu chứng có thể bao gồm chuột rút cơ bụng, buồn nôn, ói mửa hoặc tiêu chảy.
- Hệ hô hấp: Các triệu chứng có thể là chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; ngứa, chảy nước mắt; hắt hơi, kích thích hen với ho và thở khò khè.
- Hệ tim mạch: Bệnh nhân có thể cảm thấy choáng váng hoặc ngất xỉu và mất ý thức.
Trong trường hợp xấu, người bị dị ứng với đậu phộng có thể bị sốc phản vệ, đây là một phản ứng đe dọa đến tính mạng.
Dị ứng đậu phộng là nguyên nhân phổ biến nhất gây sốc phản vệ do thức ăn, là một tình trạng sức khỏe khẩn cấp đòi hỏi phải điều trị bằng một mũi tiêm epinephrine (adrenaline) (EpiPen, Auvi-Q, Twinject) và đưa ngay đến phòng cấp cứu. Dấu hiệu sốc phản vệ có thể bao gồm:
- Co thắt đường hô hấp
- Sưng phù cổ họng gây khó thở
- Huyết áp tụt nghiêm trọng (sốc)
- Mạch nhanh
- Chóng mặt, choáng hoặc bất tỉnh…
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân nào gây ra dị ứng đậu phộng, nguy cơ mắc phải là gì?
Nguyên nhân
Dị ứng đậu phộng xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn protein đậu phộng là một chất có hại. Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với đậu phộng làm cho hệ thống miễn dịch giải phóng ra các hóa chất vào máu và gây ra các triệu chứng.
Tiếp xúc với đậu phộng có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau:
- Tiếp xúc trực tiếp: Nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng đậu phộng là ăn đậu phộng hoặc thực phẩm có chứa đậu phộng như bơ đậu phộng, sốt chấm, một số loại bánh kẹo, dầu đậu phộng… Đôi khi, ở một số người việc để đậu phộng tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây ra phản ứng dị ứng.
- Tiếp xúc chéo: Đây là sự tiếp xúc ngoài ý muốn với đậu phộng ở trong một sản phẩm. Nó thường là kết quả của quá trình chế biến hoặc xử lý một loại thực phẩm có tiếp xúc với đậu phộng.
- Hít phải: Một phản ứng dị ứng có thể xảy ra nếu bạn hít phải bụi hoặc bình xịt có chứa đậu phộng, từ nguồn như bột hoặc dầu ăn từ đậu phộng.
Nguy cơ mắc phải
Nhiều người thường thắc mắc những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc dị ứng đậu phộng? Theo các chuyên gia sức khỏe, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây dị ứng đậu phộng như:
- Tuổi: Dị ứng thức ăn xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ. Khi lớn lên, hệ thống tiêu hóa dần dần trưởng thành hơn, do đó cơ thể sẽ ít có nguy cơ phản ứng với thức ăn gây ra các phản ứng dị ứng.
- Từng bị dị ứng với đậu phộng: Một số trẻ bị dị ứng đậu phộng tự hết, nhưng bệnh vẫn có thể tái phát.
- Các dị ứng khác. Nếu đã bị dị ứng với một loại thức ăn, bạn có thể có nguy cơ cao bị dị ứng với các loại khác. Tương tự như vậy, việc mắc một loại dị ứng như sốt cỏ khô sẽ làm tăng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm.
- Yếu tố di truyền: Nếu có thành viên trong gia đình bị dị ứng, đặc biệt là các loại dị ứng thực phẩm, bạn có nguy cơ cao dị ứng đậu phộng.
- Viêm da dị ứng. Một số người mắc tình trạng viêm da dị ứng (eczema) cũng bị dị ứng thực phẩm.
Chẩn đoán & điều trị
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán dị ứng đậu phộng?
Việc chẩn đoán dị ứng đậu phộng có thể phức tạp. Các triệu chứng có thể khác nhau từ người này sang người khác và mỗi cá nhân có thể phát triển các triệu chứng khác nhau mỗi lần có phản ứng dị ứng.
Nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng đậu phộng, hãy đi khám với chuyên gia dị ứng. Bắt đầu ghi nhật ký thực phẩm trước buổi hẹn khám và theo dõi các phản ứng xảy ra nếu có. Nếu bạn có một phản ứng, bạn nên ghi chú:
- Bạn ăn thức ăn gì và số lượng bao nhiêu
- Khi nào các triệu chứng bắt đầu
- Bạn đã làm gì giúp giảm bớt các triệu chứng
- Mất bao lâu các triệu chứng mới thuyên giảm
Chuyên gia dị ứng sẽ hỏi bạn về bệnh sử của các triệu chứng dị ứng. Bạn cũng sẽ được yêu cầu khám sức khỏe tổng quát và hỏi về lịch sử bệnh của gia đình bạn, bao gồm những người thân bị dị ứng.
Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số việc và làm các xét nghiệm sau:
- Ghi nhật ký ăn uống: Nếu bạn không có thói quen ghi nhật ký ăn uống, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm điều này, đồng thời ghi lại triệu chứng, các loại thuốc đang dùng.
- Chế độ ăn kiêng: Nếu không rõ đậu phộng có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng của bạn hoặc nếu bác sĩ cho rằng bạn có thể có phản ứng với nhiều loại thực phẩm, họ có thể đề nghị một chế độ ăn kiêng. Bạn có thể được yêu cầu loại bỏ đậu phộng hoặc các loại thực phẩm nghi ngờ khác trong 1 hoặc 2 tuần, sau đó thêm từng loại thực phẩm trở lại chế độ ăn uống của bạn. Quá trình này có thể giúp liên kết các triệu chứng với các loại thực phẩm cụ thể. Nếu bạn có phản ứng nghiêm trọng với thực phẩm, phương pháp này không thể được sử dụng một cách an toàn.
- Xét nghiệm lẩy da: Một lượng nhỏ thức ăn được đặt trên da của bạn, sau đó sẽ chích bằng kim. Nếu bạn bị dị ứng với một chất cụ thể, bạn sẽ nổi mẩn đỏ hoặc phản ứng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể đo lường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các loại thực phẩm cụ thể bằng cách kiểm tra lượng kháng thể loại dị ứng trong máu của bạn, được gọi là kháng thể immunoglobulin E (IgE).
Thông tin từ tất cả các nguồn này có thể giúp xác định xem bạn có bị dị ứng đậu phộng hay không hoặc các triệu chứng của bạn có thể là do nguyên nhân nào khác, chẳng hạn như không dung nạp thực phẩm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị dị ứng đậu phộng?
Không có điều trị dứt điểm cho dị ứng đậu phộng, nhưng các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu phương pháp giải mẫn cảm. Liệu pháp miễn dịch đường uống (giải mẫn cảm) liên quan đến việc cho trẻ bị dị ứng với đậu phộng hoặc những trẻ có nguy cơ bị dị ứng đậu phộng, ăn thực phẩm chứa đậu phộng với liều tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, sự an toàn lâu dài của liệu pháp miễn dịch miệng với dị ứng đậu phộng không chắc chắn và phương pháp điều trị này chưa được FDA chấp thuận.
Nghiên cứu mới cho thấy rằng phương pháp giải mẫn cảm cho trẻ có nguy cơ dị ứng với đậu phộng ở độ tuổi từ 4 đến 17 tuổi có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa dị ứng đậu phộng. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra với bác sĩ do có những rủi ro đáng kể của sốc phản vệ nếu dùng đậu phộng lần đầu tiên không đúng cách.
Trong khi đó, giống như các dị ứng thực phẩm khác, việc quản lý dị ứng chủ yếu liên quan đến việc thực hiện các bước nhằm tránh tiêu thụ các loại thực phẩm gây phản ứng dị ứng đồng thời biết cách phát hiện và đối phó với một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Cách duy nhất để ngăn chặn một phản ứng dị ứng là tránh hoàn toàn đậu phộng và các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu phộng. Tuy nhiên, đậu phộng là một thực phẩm rất phổ biến và cho dù có nỗ lực đến đâu, bạn vẫn có nguy cơ tiếp xúc với đậu phộng tại một số thời điểm nhất định.
Đối với một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bạn có thể cần tiêm thuốc khẩn cấp epinephrine và đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho người bị dị ứng đậu phộng
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý dị ứng đậu phộng?
Một trong những bí quyết để ngăn ngừa dị ứng đậu phộng là hãy tránh xa nó. Do đó, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
- Đừng bao giờ cho rằng một loại thực phẩm không chứa đậu phộng: Đậu phộng có thể có trong các thực phẩm mà bạn không hề biết chúng có chứa đậu phộng. Luôn đọc kỹ nhãn trên các bao bì sản phẩm, nhằm đảm bảo chúng không chứa đậu phộng hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu phộng. Các món ăn đóng gói bắt buộc phải ghi rõ loại thực phẩm đó có chứa đậu phộng hay không và chúng có được sản xuất tại các nhà máy xử lý đậu phộng không. Thậm chí nếu bạn nghĩ rằng mình biết rõ loại thực phẩm đó có những thành phần gì thì vẫn phải kiểm tra nhãn. Thành phần có thể thay đổi.
- Hãy chuẩn bị cho một phản ứng dị ứng: Nói chuyện với bác sĩ về việc cần mang theo thuốc cấp cứu trong trường hợp có phản ứng nặng.
Tránh các loại thực phẩm có chứa đậu phộng
Đậu phộng là thực phẩm phổ biến và việc tránh các loại thực phẩm có chứa đậu phộng có thể là một thách thức. Các loại thực phẩm sau đây thường có chứa đậu phộng:
- Các loại hạt xay hoặc trộn lẫn
- Các đồ ăn nướng như các loại bánh nướng
- Kem và các món ăn tráng miệng đông lạnh
- Ngũ cốc
- Bánh mì có chứa các loại hạt
- Bánh hạnh nhân.
Một số loại thực phẩm không rõ ràng có chứa đậu phộng hoặc protein đậu phộng hay không vì chúng có thể được sản xuất với đậu phộng hoặc qua quá trình chế biến có tiếp xúc với đậu phộng. Một số loại thực phẩm như:
- Kẹo nougat
- Các loại dầu trộn salad
- Kẹo sôcôla, bơ đậu phộng (như bơ hạnh nhân) và bơ hạt hướng dương
- Các món ăn cổ truyền ở các nước châu Phi, Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Thái Lan và các món ăn Việt nam
- Các thức ăn có bán ở tại các tiệm bánh và cửa hàng kem
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmr]