backup og meta

Vảy nến thể giọt: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Vảy nến thể giọt: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Bệnh vảy nến thể giọt là một loại bệnh vảy nến thể hiện trên da. Các nốt mụn trên da thường có kích thước nhỏ, đổi màu và có khuynh hướng lây lan sang các vùng da khác. Chúng có thể bao phủ phần lớn cơ thể hoặc tập trung thành các mảng nhỏ hơn. Căn bệnh này không lây nhiễm từ người này sang người khác khi tiếp xúc với làn da.

Vảy nến thể giọt là gì?

Bệnh vảy nến thể giọt biểu hiện trên da dưới dạng các nốt đỏ, xuất hiện vảy và trên phủ các mảng nhỏ màu trắng đục hình giọt nước. May mắn thay, căn bệnh này không để lại sẹo trên da. Tuy bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng lại thường phổ biến ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên hoặc người lớn dưới 30 tuổi. Tỷ lệ ít hơn ⅓ số người bị vảy nến mắc loại bệnh này và nó cũng không phổ biến như bệnh vảy nến thể mảng

Vảy nến thể giọt là 1 bệnh tự miễn dịch, có nghĩa là cơ thể nhận tín hiệu “nhầm” các tế bào của chính bạn như những kẻ xâm lược và tấn công chúng. Trong bệnh vẩy nến thể giọt, hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu vào da, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các tế bào da. Điều này gây ra tình trạng mẩn đỏ và da bong tróc điển hình của bệnh vẩy nến.

Bạn có thể trải qua 1 lần hoặc nhiều đợt bùng phát bệnh. Trong 1 số trường hợp, bệnh vảy nến thể giọt không tự biến mất. Tuy nhiên với sự trợ giúp từ bác sĩ, bạn vẫn có thể tìm ra phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Triệu chứng

Không giống như các bệnh vảy nến thể mảng khác, các nốt vảy nến thể giọt thường không dày bằng. Đôi khi bạn có thể mắc phải cả 2 loại bệnh vảy nến cùng 1 lúc. Các triệu chứng thông thường của bệnh vẩy nến thể giọt như da nổi đốm đỏ, vẩy có hình như giọt nước.

Tình trạng đỏ da

  • Mảng da có kích thước khác nhau từ vài milimet – một vài centimet, đôi khi lên đến hàng chục centimet
  • Có viền rõ, hơi gồ cao, khi sờ có cảm giác cứng cộm, thâm nhiễm nhiều hoặc ít, đi kèm vảy nến trắng chiếm gần hết nền đỏ chỉ còn lại viền đỏ xung quanh rộng hơn lớp vảy nến.
  • Một vài đám tới vài chục, thậm chí có thể lên đến hàng trăm đám tổn thương dựa theo từng trường hợp.

vảy nến thể giọt

Vảy trắng

  • Bạn sẽ nhận thấy các nốt đỏ xuất hiện trên cánh tay, chân, bụng và phần ngực của mình. Trong 1 số trường hợp, bệnh có thể lây lan từ các vị trí đó lên cả vùng mặt, tai và da đầu. Tuy nhiên nó thường không xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc móng tay như các bệnh vảy nến khác
  • Vảy trắng phủ lên các đám đỏ và có màu đục hơi bóng như màu nến trắng
  • Vảy nến giọt tạo thành nhiều tầng nhiều lớp, khá dễ bong. Vì thế, khi cạo lớp vảy vụn bong ra như bột trắng.
  • Vảy nến giọt tái tạo rất nhanh, bong lớp này thì lớp khác đùn lên. Số lượng vảy nến nhiều.

Đặc biệt khi có đợt không khí khô hoặc thời tiết dần chuyển sang đông thì bệnh vảy nến thể giọt có nguy cơ bùng phát mạnh. Các triệu chứng của bệnh cũng có thể rõ ràng tiến triển mạnh vào mùa hè.

Giai đoạn bệnh

Theo Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia (NPF), có 3 giai đoạn bệnh vảy nến thể giọt:

  • Nhẹ: Các nốt vảy nến chiếm dưới 3% bề mặt da của bạn
  • Trung bình: Mức độ tổn thương da từ 3%- dưới 10% trên tổng diện tích bề mặt da
  • Nghiêm trọng: Mức độ tổn thương da từ 10% diện tích da trên cơ thể và có thể chiếm tổng bề mặt cơ thể.

Dựa vào mức độ mà bệnh vảy nến thể giọt ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn thì các giai đoạn này được phân chia khác nhau.

Chẳng hạn như bệnh vảy nến xuất hiện trên mặt hoặc da đầu chỉ ảnh hưởng từ 2%-3% tổng diện tích bề mặt cơ thể. Tuy nhiên, nó vẫn có thể được phân loại ở mức độ nghiêm trọng vì các vị trí này sẽ ảnh hưởng lớn đến ngoại hình và cơ hội công việc của bạn. Bệnh vẩy nến thể giọt ở trên tay có thể chỉ bao phủ 2% tổng diện tích bề mặt cơ thể, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến công việc hằng ngày của bạn nếu bạn làm việc bằng tay. Trong trường hợp này, bệnh sẽ được phân loại ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng.

Yếu tố kích hoạt bệnh vảy nến thể giọt

Nguyên nhân chính xác của bệnh vẩy nến vẫn chưa được biết rõ, mặc dù các nhà nghiên cứu tin rằng nó bắt nguồn từ sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường và hệ thống miễn dịch.

Vì thế, nếu có bất kỳ ai trong gia đình bạn mắc bệnh này thì nguy cơ cao bạn cũng gặp phải tình trạng bệnh tương tự. Yếu tố di truyền do gen gây bệnh vảy nến thể giọt nằm trên nhiễm sắc thể số 6 có liên quan HLA, DR7, B13, B17, BW57, CW6.

Ngoài ra, bệnh có thể được kích hoạt do nhiễm trùng vi khuẩn – điển hình là vi khuẩn liên cầu (viêm họng liên cầu). Căn bệnh này tạo ra phản ứng của hệ thống miễn dịch, gây ra các nốt mụn đỏ trên da bạn. 

Một số các yếu tố kích hoạt gây bệnh bao gồm:

  • Hô hấp trên
  • Viêm xoang
  • Cảm cúm
  • Viêm amidan
  • Căng thẳng kéo dài
  • Bị bỏng da, vết cắt hoặc bị vết cắn trên da
  • Do sử dụng 1 số loại thuốc (như thuốc chống sốt rét và thuốc chẹn beta)
  • Sử dụng corticoid, NSAID
  • Rối loạn nội tiết

>>> Bạn có thể quan tâm: Cách trị vảy nến bằng dầu và tinh dầu

Chẩn đoán

chẩn đoán bệnh vảy nến thể giọt

Để chẩn đoán bệnh vảy nến thể giọt, bác sĩ sẽ quan sát tình trạng làn da và hỏi về tiền sử bệnh của bạn hay những loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Thông thường, việc khám sức khỏe đã cung cấp cho bác sĩ đủ các thông tin để chẩn đoán bệnh. Nếu các bác sĩ cần thêm thông tin, họ có thể lấy mẫu máu hoặc cấy dịch cổ họng để kiểm tra liên cầu khuẩn. Ngoài ra, các bác sĩ cũng thường thực hiện sinh thiết da khi họ muốn loại trừ các nguy cơ gây bệnh.

Điều trị bệnh

Đợt bùng phát bệnh vảy nến thể giọt thường kéo dài từ 2-3 tuần. Đa số người bệnh thường tự khỏi trong vòng từ vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên việc điều trị vẫn rất cần thiết để giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng khác trong cơ thể bạn.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn có thể được sử dụng để điều trị tình trạng ngứa da, bong tróc, khô da và sưng tấy như:

  • Kem cortisone giúp trị ngứa và sưng tấy
  • Dầu gội trị gàu cho da đầu
  • Kem dưỡng da có chứa nhựa than đá để làm dịu làn da
  • Kem dưỡng ẩm
  • Thuốc kê đơn có chứa vitamin A. Retinoids là một loại hợp chất có chứa vitamin A. Những hợp chất này có thể giúp ích cho bệnh vẩy nến bằng cách hạn chế việc sản xuất các tế bào da mới, trong khi cơ chế bệnh vẩy nến thể giọt lại khiến cơ thể sản sinh quá mức tế bào da chết. Đồng thời, retinoids cũng giúp giảm viêm cho da.

Nếu trường hợp bệnh nghiêm trọng hơn hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định kê thêm đơn thuốc uống, bao gồm:

  • Corticosteroid. Nhóm thuốc này có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, làm giảm viêm, ngứa và giảm tăng sinh tế bào da. Tuy nhiên khi sử dụng trong thời gian dài thì có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn như teo da, loãng xương, suy thận, ức chế hệ miễn dịch…
  • Methotrexate. Đây là thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng trong trường hợp bệnh vảy nến thể giọt nặng, lan rộng và không đáp ứng với các liệu pháp thông thường.
  • Các loại thuốc sinh học (guselkumab, ixekizumab). Thuốc sinh học được làm từ các chất có trong sinh vật sống như đường, protein hoặc axit nucleic. Hiện nay, liệu pháp sinh học được sử dụng chủ yếu trong 40% các trường hợp bệnh vảy nến thể giọt phát triển thành bệnh vẩy nến thể mảng.
  • Apremilast (Otezla)
Các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh vảy nến có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, nên cần có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ da liễu.

Quang trị liệu

Đối với các trường hợp từ trung bình đến nặng, quang trị liệu thường được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc bôi ngoài da khác để giúp cho làn da phản ứng nhanh hơn với ánh sáng. Bác sĩ sẽ chiếu tia cực tím lên da của bạn trong quá trình điều trị này. 

Có 2 loại điều trị tia cực tím UVB: băng rộng và băng hẹp.

Điều trị NB-UVB là lựa chọn quang trị liệu hàng đầu cho bệnh vẩy nến thể giọt. NB-UVB phát ra dải tia UV nhỏ hơn BB-UVB giúp loại bỏ nhanh các tổn thương và mau thuyên giảm tình trạng bệnh, ít có tác dụng phụ xảy ra.

>>> Bạn có thể quan tâm: Cách chữa vảy nến bằng ánh nắng mặt trời, tốt hay xấu?

Sau quá trình điều trị thì sẽ có 1 số kết quả xảy ra như:

  • Người bệnh không bao giờ mắc phải căn bệnh vảy nến thể giọt lần nữa
  • Có thể tái phát một cách không liên tục
  • Nguy cơ phát triển thành bệnh vẩy nến thể mảng mãn tính

40% các trường hợp mắc bệnh vẩy nến thể giọt phát triển thành bệnh vẩy nến thể mảng mãn tính tại một thời điểm nào đó.

Cách kiểm soát bệnh vảy nến thể giọt tại nhà

Các phương pháp tiếp cận lối sống lành mạnh đôi khi có thể giúp bạn kiểm soát bệnh vẩy nến thể giọt như:

  • Thực hiện chế độ ăn uống dinh dưỡng. Điều này chỉ giúp kiểm soát tình trạng bệnh, hoàn toàn không có khả năng chữa khỏi bệnh. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong chế độ ăn uống của bạn.
  • Bài tập thể dục hằng ngày. Bạn cần phải duy trì chế độ tập thể dục ngay cả khi bạn đang mắc bệnh vảy nến thể giọt để duy trì sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu năm 2020 cho thấy mối liên hệ giữa bệnh vẩy nến và khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Tập thiền hoặc yoga. Thiền hoặc yoga có thể giúp bạn thư giãn cơ thể, đồng thời làm giảm các triệu chứng bệnh vẩy nến, đặc biệt là ngứa da. Những thực hành này có thể đặc biệt hữu ích nếu căng thẳng là một trong những tác nhân gây bệnh vẩy nến thể giọt.

kiểm soát bệnh vảy nến thể giọt

  • Thay đổi suy nghĩ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh vẩy nến có thể gây ra cảm giác xấu hổ, có thể dẫn đến lo lắng và căng thẳng cho người bệnh. Do đó, nếu bạn đang có cảm giác tương tự, hãy cân nhắc nói chuyện với bác sĩ sức khỏe tâm thần về những lo lắng này để được giải tỏa đi cảm xúc tiêu cực.
Hiện nay vẫn chưa có cách trị khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến thể giọt, nhưng hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Bệnh vẩy nến giọt cũng có thể tái phát hoặc phát triển thành bệnh vẩy nến thể mảng. Nếu bệnh bắt đầu bùng phát, hãy liên hệ với các chuyên gia y tế ngay lập tức. Bác sĩ da liễu sẽ giúp bạn lựa chọn hình thức trị liệu phù hợp nhất với tình trạng da và lối sống của bạn. Thực hiện theo kế hoạch điều trị của bác sĩ và tránh các tác nhân gây bệnh vẩy nến khi có thể sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.
Nếu bạn đang sử dụng các phương pháp điều trị tại chỗ, bạn có thể áp dụng bôi thuốc sau khi tắm. Nguyên nhân là vì nước sẽ lấy đi độ ẩm tự nhiên của cơ thể bạn, nên việc bôi thuốc mỡ ngay sau khi tắm có thể giúp khóa độ ẩm trên làn da bạn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Genetic and Rare Diseases Information Center: “Guttate psoriasis.” https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/10569/guttate-psoriasis Ngày truy cập: 17/3/2022

Guttate Psoriasis https://www.psoriasis.org/guttate/ Ngày truy cập: 17/3/2022

Ayala-Fontanez N, et al. (2016). Current knowledge on psoriasis and autoimmune diseases. https://www.dovepress.com/current-knowledge-on-psoriasis-and-autoimmune-diseases-peer-reviewed-fulltext-article-PTT Ngày truy cập: 17/3/2022

Psoriasis: Causes & Triggers: National Psoriasis Foundation https://www.psoriasis.org/causes/ Ngày truy cập: 17/3/2022

Dupire G, et al. (2019). Antistreptococcal interventions for guttate and chronic plaque psoriasis. https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD011571.pub2/full Ngày truy cập: 17/3/2022

Falls CL. (2020). Guttate psoriasis: An uncommon cause of a rash. https://www.jucm.com/guttate-psoriasis-an-uncommon-cause-of-a-rash/ Ngày truy cập: 17/3/2022

Feldman SR, et al. (2014). Social impact of the burden of psoriasis: Effects on patients and practice. https://escholarship.org/uc/item/48r4w8h2 Ngày truy cập: 17/3/2022

Kim WB, et al. (2017). Diagnosis and management of psoriasis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/labs/pmc/articles/PMC5389757/ Ngày truy cập: 17/3/2022

Saleh D, et al. (2021). Guttate psoriasis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482498/ Ngày truy cập: 17/3/2022

Vence L., et al. (2015). Recognizing guttate psoriasis and initiating appropriate treatment. https://mds.marshall.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1030&context=int_med&httpsredir=1&referer= Ngày truy cập: 17/3/2022

Young M, et al. (2017). Psoriasis for the primary care practitioner. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/2327-6924.12443 Ngày truy cập: 17/3/2022

Phiên bản hiện tại

01/04/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bệnh vảy nến kiêng ăn gì? Chế độ ăn uống cho người bệnh vảy nến

Cách điều trị khi bị vảy nến ở tai


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 01/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo