backup og meta

Cách điều trị khi bị vảy nến ở tai

Cách điều trị khi bị vảy nến ở tai

Vảy nến là một tình trạng tự miễn dịch mãn tính của cơ thể ảnh hưởng đến da. Khi bị vảy nến, các lớp tế bào da dày sẽ tích tụ ở một số vùng trên cơ thể, bao gồm cả tai.

Nếu không được điều trị, người bị vảy nến ở tai có thể mất thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Bệnh vảy nến là gì?

Những người bị bệnh vảy nến thường có hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Điều này kích thích việc sản xuất tế bào da dư thừa diễn ra nhanh chóng hơn.

Thông thường, cơ thể mất khoảng 28 ngày để sản xuất ra các tế bào da khỏe mạnh mới. Đồng thời, trong thời gian này, cơ thể cũng sẽ loại bỏ các tế bào da cũ, nhường chỗ cho những tế bào mới.

Ở người bị vảy nến, cơ thể có thể tạo ra các tế bào da mới chỉ trong 3 – 4 ngày. Điều này dẫn đến tình trạng tích tụ của các tế bào cũ và mới ở cùng một nơi, hình thành các vảy dày có màu đỏ hoặc xám, gọi là bệnh vảy nến. Vảy nến thường không gây đau, nhưng nó gây khó chịu, ngứa ngáy, nứt nẻ và chảy máu.

Bệnh vảy nến

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến, cũng như lý do tại sao nó chỉ xuất hiện ở người này mà không xuất hiện ở người khác.

Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng, bệnh vảy nến không phải là bệnh truyền nhiễm. Nó không lây lan qua đường tiếp xúc thông thường.

Bị vảy nến ở trong và xung quanh tai

Trường hợp bị vảy nến ở trong và xung quanh tai là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra thì đây là một thách thức lớn cả về sức khỏe và tinh thần cho người bệnh.

Bệnh khiến da trở nên sần sùi và đóng vảy. Do đó, bệnh nhân thường có cảm giác tự ti, đặc biệt là khi các triệu chứng xuất hiện ở vùng mặt và tai.

Hơn nữa, da mặt và da tai thường nhạy cảm hơn so với da ở khuỷu tay, đầu gối và da đầu. Vì vậy, vảy nến ở trong và xung quanh tai thường khó điều trị hơn và đòi hỏi các phương pháp chuyên biệt.

Vảy nến và ráy tai tích tụ bên trong tai có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn tai. Điều này có thể gây ngứa tai, đau rát và suy giảm thính lực. Vì thế, kiểm soát vảy nến trong tai là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ bị mất thính lực.

Bị vảy nến ở tai

Sự hình thành bệnh vảy nến ở tai thường không liên quan đến vấn đề vệ sinh, chấn thương hay các yếu tố tương tự. Do đó, khi bị vảy nến, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Điều trị bệnh vảy nến ở tai

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh vảy nến. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc.

Nhiều loại thuốc điều trị bệnh vảy nến ở các bộ phận khác có thể không phù hợp sử dụng bên trong tai. Một số loại kem bôi và thuốc mỡ có thể gây tổn thương cho màng nhĩ. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại thuốc điều trị hiệu quả và an toàn.

Theo Medical News Today, các phương pháp điều trị vảy nến ở tai bao gồm:

  • Thuốc nhỏ tai steroid dạng lỏng
  • Steroid dạng lỏng kết hợp với một loại thuốc đặc trị vảy nến khác, chẳng hạn như kem bôi chứa vitamin D.
  • Dầu gội trị gàu chống nấm, loại dầu gội này có thể làm sạch tai và diệt nấm.
  • Thuốc làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch.
  • Dầu ô liu ấm, dầu ô liu có thể làm mềm ráy tai và giúp tai sạch sẽ hơn.

Dầu ô liu

Nếu bệnh vảy nến ở tai gây khó chịu hoặc khiến thính giác bị ảnh hưởng, bạn nên gặp bác sĩ để loại bỏ vảy, ráy tai một cách an toàn và hiệu quả.

Bạn không nên tự loại bỏ vảy bằng cách cho các vật cứng vào tai. Cách làm này có thể khiến vảy bị đẩy vào sâu hơn bên trong, gây ra tình trạng tắc nghẽn tai. Thậm chí, nó còn có thể gây tổn thương phần da bên trong ống tai và màng nhĩ.

Nếu các triệu chứng biểu hiện ở mức trung bình đến nặng, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc có tác dụng toàn thân cho bạn. Một nhóm thuốc tương đối mới, được gọi là biologics, có thể điều trị các nguyên nhân cơ bản của bệnh vảy nến.

Tác nhân ảnh hưởng đến bệnh vảy nến ở tai

Một số tác nhân có thể khiến bệnh vảy nến ở tai trở nên tồi tệ hơn. Do đó, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân này. Chúng bao gồm:

  • Căng thẳng: Rất khó để tránh được tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kiểm soát được tâm trạng của mình bằng cách thư giãn, tập thể dục thường xuyên, hít thở sâu và thiền định.
  • Thuốc men: Một số loại thuốc có thể làm cho bệnh vảy nến trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như thuốc điều trị cao huyết áp, bệnh tim, viêm khớp, rối loạn sức khỏe tâm thần và sốt rét. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để lựa chọn các loại thuốc không gây ảnh hưởng bệnh vảy nến của mình.
  • Các vết thương ngoài da, vết trầy xước, cháy nắng: Các vết thương trên da có thể gây ra tình trạng vảy nến tại vùng da bị ảnh hưởng.
  • Bệnh lý: Khi bệnh tật tấn công, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động. Điều này có thể kích hoạt sự bùng phát của bệnh vảy nến. Các căn bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh vảy nến bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng tai, viêm amidan, cảm lạnh.

Nhiễm trùng tai

Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân trên là cách đơn giản nhất để kiểm soát tình trạng bệnh. Đây là phương pháp phù hợp cho bệnh vảy nến ở tai, mặt và nhiều bộ phận khác.

Bệnh vảy nến ở tai và tình trạng mất thính lực

Tình trạng mất thính lực có thể xảy ra ngay cả khi bệnh vảy nến không ảnh hưởng đến vùng da ở trong và xung quanh tai bạn.

Một nghiên cứu trên tạp chí Da liễu lâm sàng Hoa Kỳ cho biết, người bị vảy nến có nhiều khả năng bị điếc đột ngột. Dạng mất thính lực này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc sau vài ngày. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi.

Mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và điếc đột ngột vẫn chưa rõ ràng, nhưng nguyên nhân có thể là do hệ thống miễn dịch làm tổn thương một phần của tai trong. Khoảng 50% người bị điếc đột ngột có thể lấy lại một phần hoặc toàn bộ thính giác một cách tự nhiên trong vòng 2 đến 3 tuần.

Do đó, những người bị vảy nến hoặc viêm khớp vảy nến nên đi kiểm tra thính lực thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm nhất.

Sống chung với bệnh vảy nến ở tai

Bệnh vảy nến có thể gây ra nhiều thách thức về mặt sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát với sự hỗ trợ của bác sĩ.

Việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp là chìa khóa để giảm thiểu các triệu chứng của bệnh. Điều này thường mất khá nhiều thời gian, bởi mỗi người sẽ có một khả năng đáp ứng với thuốc điều trị khác nhau.

Ở một số người, hiệu quả của thuốc điều trị vảy nến giảm dần theo thời gian. Khi đó, họ cần có một phương pháp điều trị thay thế.

Thuốc trị vảy nến

Khi đã tìm được cách điều trị hiệu quả, người bị vảy nến hoàn toàn có thể có được một cuộc sống bình thường như những người khác.

Vảy nến là một tình trạng về da mãn tính, có thể xảy ra bên trong và xung quanh tai. Bệnh vảy nến ở tai thường khó điều trị hơn so với các vị trí khác trên cơ thể. Dù chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng bệnh vẫn có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên kiểm tra thính lực thường xuyên để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Dung Nguyễn / HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Psoriasis in the ears

https://www.medicalnewstoday.com/articles/314768#treatment

Ngày truy cập: 10-03-2020

Psoriasis in the ears

https://www.healthline.com/health/psoriasis/psoriasis-in-the-ears

Ngày truy cập: 10-03-2020

Psoriasis in the ears

https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/psoriasis/psoriasis-in-ears#1

Ngày truy cập: 10-03-2020

Phiên bản hiện tại

10/07/2020

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Bệnh vảy nến có chữa được không? Cách điều trị bệnh vảy nến


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo