backup og meta

Cách nặn mụn bọc có mủ không để lại mụn thâm, sẹo rỗ

Cách nặn mụn bọc có mủ không để lại mụn thâm, sẹo rỗ

Nặn mụn bọc được xem là một trong những phương pháp trị mụn ít tốn kém chúng ta có thể làm tại nhà. Mụn bọc sẽ dễ dàng được loại bỏ, trả lại cho bạn làn da mềm mịn, không sần sùi, sưng to khó chịu. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng nếu như bạn có phương pháp nặn mụn bọc đúng cách, an toàn, tránh gây viêm nhiễm.

Nhiều bạn thắc mắc liệu mụn bọc có nên nặn không. Theo các chuyên gia da liễu, nếu đã gặp phải tình trạng mụn, đặc biệt các loại mụn bọc, việc nặn mụn là điều không nên làm.

Thế nhưng thực tế, có nhiều trường hợp khẩn cấp, bạn cần phải giải quyết nhanh gọn lẹ các nốt mụn to, sần, gây mất thẩm mỹ. Dưới đây là những lưu ý cần thiết trước khi bạn đưa ra lựa chọn có nên nặn mụn bọc hay không?

1. Lựa chọn các nốt mụn chín, có nhân, cồi mụn trồi lên

Việc chọn đúng các vết mụn đủ chín, có đầu hay nhân mụn rõ ràng để loại bỏ cần phải đúng thời điểm.

Bạn không nên nặn mụn bọc. Chỉ thực sự nên nặn mụn khi chúng không còn sưng đau và phải nhìn thấy đầu trắng. Hãy bỏ qua các nốt mụn nang hay sưng nằm sâu dưới da khó xác định đầu nhân, bởi nếu bạn có cố gắng nặn chúng thì kết quả là các nốt mụn trở nên đau nhức và sưng hơn mà cồi vẫn nằm im.

2. Nhận thức được rủi ro có thể xảy ra khi nặn mụn bọc

nặn mụn bọc

Việc nhìn nhận đúng đắn hệ quả có thể để lại sau khi nặn mụn là điều hết sức quan trọng. Bởi thông thường, chúng ta chỉ muốn giải quyết ngay lập tức các nốt mụn cho chúng xẹp đi mà không quan tâm nhiều đến những vấn đề sau đó như: vi khuẩn lây lan, gây viêm nhiễm diện rộng, gia tăng sắc tố gây nên thâm mụn hay sẹo rỗ.

Theo chuyên gia da liễu Sejal Shah, cảm giác nặn mụn đôi khi khiến chúng ta rất hào hứng và bị hấp dẫn, nhưng có nhiều trường hợp da không lành, để lại vết thương hở và gây viêm nhiễm nặng hơn cho khu vực đó.

Lý giải chi tiết hơn, khi bạn đang gặp tình trạng mụn, điều đó có nghĩa bụi bẩn, vi khuẩn có thể bị đẩy sâu hơn vào nang lông dưới da nếu bạn tác động lực lên các vết mụn. Ngoài ra, đôi khi bạn còn vô tình đưa vi khuẩn mới từ ngón tay, móng tay tiếp xúc với vùng da đang viêm nhiễm khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.

Nếu bạn đã sẵn sàng để “đá” các nốt mụn đáng ghét ra khỏi da mặt, thì bạn hãy tiến đến bước tiếp theo nhé!

3. Trước khi nặn mụn bọc, nên làm giãn nở lỗ chân lông

Cách nặn mụn không để lại sẹo rỗ: Sau khi thực hiện bước làm sạch da mặt với các loại tẩy trang, tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt, bạn nên đắp một chiếc khăn ấm lên mặt và giữ từ 3 đến 5 phút cho lỗ chân lông giãn nở, da mềm hơn, từ đó giúp cho các nhân mụn cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy hơn.

Bạn có thể thay thế bước này bằng cách xông hơi mặt nhé!

4. Tuân thủ nguyên tắc khử trùng, làm sạch tay, dụng cụ nặn mụn bọc

Nếu bạn muốn hạn chế tối đa tình trạng mụn trở nên viêm hơn sau khi nặn, hãy đảm bảo rằng da mặt và cả bàn tay đều phải thật sạch sẽ, ngón tay được cắt móng gọn gàng.

Sau khi tuân thủ quy trình trên, bạn nên:

  • Khử trùng kim nặn hay cây nặn bằng lửa.
  • Khi chúng nguội đi, dùng bông tẩy trang lau lại một lần.
  • Khử trùng lần 2 với cồn 90 độ, rồi lau khô bằng bông tẩy trang sạch.

>>> Bạn có thể quan tâm: Dụng cụ nặn mụn và cách nặn mụn an toàn tại nhà

5. Tiến hành nặn mụn bọc đúng cách

nặn mụn bọc

  • Giữ đầu kim song song với da, nhẹ nhàng châm nhẹ lên đỉnh nhân mụn để tạo vết hở nhỏ đẩy nhân mụn lên. Nếu bạn thấy có máu trước khi nặn, nghĩa là đầu kim đã đi quá sâu.
  • Tiếp theo, đặt các ngón tay tiếp xúc bề mặt da lên tăm bông, gạc y tế hay khăn giấy sạch, vị trí đặt ở hai bên của vết mụn.
  • Ấn nhẹ vùng da xung quanh nhân (1-2 giây cho một lần ấn), tuyệt đối không nặn trực tiếp từ đỉnh mụn. Bạn có thể linh động xoay ngón tay theo nhiều hướng để tránh gây tổn thương nhiều lên da.
  • Nhân mụn sẽ trồi lên, bạn hãy cố gắng nặn chúng ra đến chân mụn (phần có dính một ít máu) để đảm bảo rằng nhân mụn đã được lấy sạch sẽ.
  • Vậy nặn mụn có nên nặn hết máu không? Bạn nên nặn hết phần máu độc (màu đỏ sẫm) để hạn chế tình trạng thâm đỏ sau mụn.
  • Trường hợp bạn thấy đau, có dịch trắng hoặc hồng mà không có nhân mụn, điều đó có nghĩa nốt mụn đó vẫn chưa chín, chưa sẵn sàng để nặn.

6. Làm gì nếu không may nặn phải mụn bọc không nhân?

Trong tình huống bạn chọn sai cách nặn mụn bọc mủ không đầu (các nốt mụn chưa có nhân) và không thành công, lời khuyên cho bạn là đến gặp bác sĩ da liễu để được tiêm cortisone hoặc điều trị theo toa, tránh trường hợp lây lan hay để lại thâm mụn, sẹo rỗ.

Giải pháp đơn giản hơn, nếu bạn chỉ có một vài nốt mụn “lỗi lầm” thì có thể lau sạch vết mụn nặn bằng nước muối, để khô da từ 1 đến 2 tiếng, rồi tiến hành thoa các loại thuốc bôi kháng khuẩn, chống viêm.

7. Nặn mụn bọc xong nên làm gì?

nặn mụn bọc

  • Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ da mặt bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý.
  • Bôi thuốc mỡ kháng sinh như bacitracin để ngăn ngừa sự nhiễm trùng. Sau khi mụn bọc biến mất, bạn có thể mất tư2 1 đến 2 tuần để da lành lại hoàn toàn.
  • Tuyệt đối không áp dụng các bước chăm sóc da trong suốt 24 giờ sau khi nặn mụn, để tránh gây viêm nhiễm, kích ứng cho các vết thương hở.
  • Một vài ngày sau, khi vết mụn đã khép miệng, bạn có thể thực hiện các bước chăm sóc da như bình thường.

Lưu ý:

  • Nên chọn các sản phẩm dưỡng, phục hồi dịu nhẹ, lành tính, không cồn hay hóa chất tẩy rửa mạnh.
  • Bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm trị thâm mụn khi vết mụn được làm sạch hoàn toàn, không còn sưng đỏ hay có nhân, sờ vào không còn đau nhức.

>>> Bạn có thể quan tâm: Chăm sóc da sau nặn mụn: 5 cách giúp da không thâm sưng sau nặn mụn

Nặn mụn có thể là cách “triệt hạ” các nốt mụn bọc hiệu quả tức thời cho da mặt bớt gồ ghề, mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ có nên nặn mụn mủ và lường trước hậu quả do tác dụng lực lên vùng da bị mụn.

Thực hiện đúng với những lời khuyên bổ ích từ chuyên gia như trên sẽ giúp bạn dễ dàng nặn mụn bọc tại nhà an toàn, sạch sẽ, hạn chế tình trạng viêm nhiễm không đáng có để mau chóng lấy lại làn da khỏe mạnh, sạch mụn không sẹo, thâm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pimple popping: Why only a dermatologist should do it https://www.aad.org/public/diseases/acne/skin-care/popping Ngày truy cập: 28/12/2021

Skin care for acne-prone skin https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279208/ Ngày truy cập: 28/12/2021

Acne https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/acne Ngày truy cập: 28/12/2021

Acne https://www.va.gov/WHOLEHEALTHLIBRARY/tools/acne.asp Ngày truy cập: 28/12/2021

Acne https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/acne Ngày truy cập: 28/12/2021

Acne – Symptoms and Causes https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/acne Ngày truy cập: 28/12/2021

Skin Health Institute https://www.skinhealthinstitute.org.au/page/89/acne Ngày truy cập: 28/12/2021

 

Phiên bản hiện tại

10/08/2022

Tác giả: Vi Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trần Thùy Linh


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

8 cách trị mụn bọc ở mũi tại nhà không để lại thâm sẹo


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo