Mụn đôi lúc không đáng sợ bằng các hệ quả sau mụn như: thâm, sẹo mụn. Thông thường, sẹo rỗ hay sẹo lõm chính là “cái kết” sau khi điều trị mụn bọc, mụn trứng cá thể nặng. Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp trị sẹo rỗ do mụn bọc hiệu quả, tái sinh làn da mịn màng, khỏe mạnh thì đây chính là bài viết bạn cần.
Mụn bọc chính là sự “tiến hóa” viêm nhiễm nặng hơn của các loại mụn trứng cá. Khi không được điều trị, chăm sóc đúng cách, mụn sẽ để lại sẹo trên gương mặt, gây mất thẩm mỹ. Theo thống kê, có hơn 80% số người ở độ tuổi thanh thiếu niên gặp phải các vấn đề về mụn và có hơn 5% số người phải tiếp tục đối diện với mụn ở độ tuổi trưởng thành sau 20 tuổi.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp trị sẹo sau mụn từ đơn giản đến phức tạp. Một số sản phẩm chăm sóc da hoặc thuốc có thể cải thiện sẹo rỗ nhẹ, sẹo nông và mới, nhưng hầu hết để điều trị hoàn toàn, dứt điểm thì sẹo rỗ do mụn bọc lâu năm cần sự can thiệp của công nghệ làm đẹp để tái tạo bề mặt da.
Vậy làm thế nào để nhận biết sẹo mụn sớm?
Cách nhận biết sẹo rỗ do mụn bọc
Trường hợp 1: Thâm mụn
Sau khi vết thương do mụn đã lành lại, chúng có thể để lại các vết thâm, đỏ trên da. Đây không được gọi là sẹo, mà chỉ là sự thay đổi sắc tố da sau viêm, do cơ chế tự bảo vệ của làn da tránh khỏi các tác nhân bên ngoài.
Chúng ta sẽ chỉ thấy các vết thâm mụn tối màu hoặc đỏ khi làn da trải qua quá trình tự chữa lành và tu sửa tế bào. Nếu không sử dụng bất kỳ phương thức điều trị nào, chúng có thể tồn tại 6 đến 12 tháng.
Trường hợp 2: Sẹo rỗ do mụn bọc
Nếu như bạn vừa trải qua một “trận chiến sinh tử” với mụn đỏ, mụn viêm, mụn bọc hay mụn trứng cá nặng, khả năng bạn phải đối diện với sẹo rỗ là rất cao.
Thông thường, mụn bọc xảy ra khi tình trạng viêm nhiễm đã đi sâu vào lỗ chân lông và lớp trung bì làm hư tổn nặng nề vùng da bị viêm nhiễm khiến tế bào da bị đứt gãy. Nếu khả năng tái tạo của các sợi collagen và elastin thấp hay thiếu hụt sẽ gây ra tình trạng khiếm khuyết trên da như sẹo rỗ, khiến bề mặt da không mịn màng, mất thẩm mỹ, một số trường hợp nặng hơn có thể gây biến dạng gương mặt.
3 loại sẹo rỗ thường gặp
-
Sẹo ice pick (sẹo đá nhọn)
Sẹo ice pick là một dạng sẹo khá phổ biến, chúng thường có kích thước rất nhỏ khoảng 2mm và lõm sâu đến tận lớp hạ bì. Vì thế loại sẹo này rất khó có thể khắc phục bằng các phương pháp trị liệu, tái tạo bề mặt bằng laser.
-
Sẹo boxcar (sẹo hố lõm đáy vuông)
Sẹo boxcar là dạng sẹo hố lõm, thường có dạng hình tròn đến hình bầu dục, có các cạnh thẳng đứng. So với ice pick thì dạng sẹo này nông hơn trên bề mặt, độ sâu khoảng 0.5mm đến 1 mm. Vì thế, chúng có thể được điều trị bằng các phương pháp tái tạo bằng công nghệ thông thường.
-
Sẹo rolling scars (sẹo lõm chân tròn)
Sẹo rolling scars là sẹo có phần miệng rộng hơn, nông hơn hai loại sẹo ở trên. Vì thế, các vết sẹo mụn này sẽ gây gồ ghề, nhấp nhô bề mặt da trông giống như những vết lượn sóng.
Các phương pháp tái tạo thông thường khó trị khỏi loại sẹo này, chúng cần được loại bỏ bằng cách phá vỡ lớp collagen và elastin dưới da để tái tạo diện rộng.
Vậy nếu kém may mắn, bạn gặp phải 1 trong 3 loại sẹo rỗ trên, bạn sẽ chọn phương pháp điều trị nào dưới đây?
Cách trị sẹo rỗ do mụn bọc
Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà chúng ta có 2 cách trị sẹo rỗ do mụn bọc gây ra. Nếu bạn phát hiện sớm các vết sẹo lõm trên da mặt sau khi trị mụn, bạn có thể tham khảo các cách trị sẹo mụn đơn giản tại nhà. Trường hợp sẹo rỗ lâu năm, bạn cần tìm đến phương pháp trị sẹo chuyên sâu để khắc phục tình trạng gồ ghề, kém mịn màng trên da.
Tự điều trị đối với sẹo rỗ mới hình thành
Nếu bạn nhận thức sớm các vấn đề sau mụn và phát hiện những vết sẹo rỗ mới trên làn da, bạn có thể áp dụng phương pháp trị sẹo rỗ tại nhà.
- Dùng thuốc bôi ngoài da để trị sẹo rỗ do mụn bọc
Nếu ở mức độ nhẹ, vết sẹo nông và còn mới, bạn có thể sử dụng các loại đặc trị có thành phần tái tạo mô da, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương nhanh chóng như: Retin-A, retinol, AHA, BHA…
- Luôn chống nắng sau khi bị mụn bọc
Làn da sau mụn vô cùng yếu ớt và dễ tổn thương hơn so với da khỏe mạnh. Do đó, việc luôn bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời cũng như tia cực tím là rất quan trọng. Bạn nên dùng kem chống nắng cùng các vật dụng bảo vệ da vào ban ngày như: quần áo chống nắng, kính râm, nón rộng vành…
Điều trị chuyên sâu với sẹo rỗ lâu năm
- Tiêm chất làm đầy (Demar filler)
Có rất nhiều chất làm đầy có thể được tiêm vào các vết sẹo rỗ để nâng cao bề mặt da, tạo cảm giác mịn màng hơn như: Collagen, dẫn xuất hyaluronic acid và poly(ethyl-methacrylate) microspheres với collagen. Tuy nhiên, phương pháp này không giúp trị sẹo mụn vĩnh viễn, bạn cần tiêm định kỳ để duy trì.
- Tái tạo bề mặt bằng laser
Cách trị sẹo rỗ, tái tạo da bằng laser là phương pháp điều trị phổ biến và được nhiều người lựa chọn. Điển hình là laser CO2 (carbon dioxide) và erbium: Yag. Chúng hoạt động bằng cách đốt cháy các lớp da trên cùng đến một độ sâu chính xác, sau đó da mới sẽ được tái tạo để làm mờ, làm đầy sẹo rỗ.
- Phẫu thuật bóc tách sẹo rỗ (Punch Excision, Subcision)
Subcision
Phương pháp bóc tách sẹo này phù hợp với tình trạng sẹo lõm, sẹo rỗ đáy tròn, nông, nhờ hiệu quả trong thời gian ngắn và không quá tốn kém. Tuy nhiên, nếu quyết định tìm hiểu cách trị sẹo rỗ này, hãy chắc chắn rằng bạn có khả năng chịu đau khá tốt.
Punch Excision
Phương pháp này sẽ trị hiệu quả các tình trạng sẹo lõm, sẹo rỗ sâu, đáy nhọn. Với Punch Excision, bạn cần cân nhắc trước rủi ro vùng da được phẫu thuật sẽ có kết cấu không đồng đều.
Dù bạn áp dụng phương pháp nào, cũng nên có một quy trình chăm sóc da cơ bản sau đó cẩn thận và khoa học theo các chuyên gia, bác sĩ để làn da nhanh chóng được tái tạo, mịn màng như lúc ban đầu.
Bên cạnh đó, hiện nay còn có rất nhiều phương pháp, cách trị sẹo rỗ, sẹo mụn trên thị trường, bạn cần lựa chọn và tìm hiểu những bệnh viện da liễu, thẩm mỹ uy tín để hạn chế những rủi ro không đáng có.
Vi Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]