backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Amidan có đốm trắng là dấu hiệu bệnh gì? Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Minh Châu · Ngày cập nhật: 31/07/2021

    Amidan có đốm trắng là dấu hiệu bệnh gì? Phương pháp chẩn đoán và điều trị

    Khi bạn bị viêm hay nhiễm trùng amidan, bác sĩ sẽ tiến hành cắt amidan cho bạn. Hiện đây vẫn là cách điều trị được nhiều người tin tưởng, song các bác sĩ cho rằng amidan ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu hóa hơn mọi người  nghĩ.

    Ngoài ra, khi những đốm trắng xuất hiện trên amidan cũng là lúc amidan đang đóng vai trò giúp chống lại sự nhiễm trùng. Những đốm trắng này thường là mủ hình thành khi tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn và virus tấn công các mô trong cổ họng.

    Bạn có thể điều trị những triệu chứng này tại nhà, nhưng trong một vài trường hợp nặng và kéo dài, bạn nên đến bác sĩ để được điều trị dứt điểm.

    Những vệt trắng trên amidan có thể là dấu hiệu của viêm họng liên cầu khuẩn, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng hay những tình trạng lây nhiễm khác. Bạn có thể điều trị các triệu chứng này tại nhà bằng những phương pháp đơn giản. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh vẫn dai dẳng, bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

    Ngoài ra, nếu đột nhiên amidan nổi lên những vệt trắng, bạn cũng nên đi khám để biết được tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng chữa trị bằng những phương pháp không cần đến phẫu thuật để lấy vệt trắng ra khỏi amidan của bạn. Đồng thời, bạn cũng nên chủ động tìm hiểu về nguyên nhân gây những đốm trắng trên amidan và cách chữa trị phù hợp.

    Triệu chứng

    Những đốm trắng trên amidan có thể thường chỉ xuất hiện trên hoặc xung quanh vùng này và khắp miệng. Ngoài ra, những vệt trắng này có thể xuất hiện dạng đường ở sau cổ họng hoặc trên và xung quanh amidan. Bên cạnh triệu chứng xuất hiện những vệt trắng, bạn có thể cảm thấy ngứa cổ họng và khó khăn khi nuốt thức ăn.

    Những triệu chứng khác thường đi kèm với sự xuất hiện những vệt trắng trên amidan bao gồm: hắt hơi, đau họng, ho, sốt, đau khi nuốt, nghẹt mũi, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, sưng hạch, khó thở. Đôi lúc bạn cảm thấy khó thở do amidan sưng to và chặn một phần đường thở của bạn.

    Những nguyên nhân chủ yếu làm amidan của bạn xuất hiện đốm trắng là gì?

    • Viêm amidan: Xảy ra khi amidan của bạn nhiễm trùng do sự tấn công của virus hoặc vi khuẩn. Khi amidan bắt đầu chống lại sự viêm nhiễm, chúng sẽ tiết ra những cục mủ trắng và tạo thành nhiều vệt trắng. Viêm amidan giai đoạn đầu có thể gây nhức đầu, sốt hay cứng cổ.
    • “Sỏi” amidan: Đây là triệu chứng gây ra bởi những mảnh vụn trong những khe amidan. Sỏi có thể chứa vi khuẩn, dịch nhầy, mẩu thức ăn vụn hay những tế bào chết tích tụ theo thời gian. Những mảnh vụn này tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn và virus phát triển, làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Quá trình viêm nhiễm này có thể làm những mảnh vụn này vướng vào amidan, làm chúng ngày càng cứng và phát triển mạnh hơn, gây khó khăn cho việc điều trị và làm bệnh nhân cảm thấy khó chịu.
    • Nấm miệng: Những mảng trắng trên amidan có thể xuất phát do sự viêm nhiễm do nấm gây ra. Trên cơ thể chúng ta thường xuyên có nấm, nếu gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ sinh sôi nảy nở và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Những người có sức đề kháng yếu hay những người ăn đường quá mức đều thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm nấm trong miệng. Những mảng trắng do nấm không chỉ xuất hiện ở amidan mà còn có ở lưỡi, má và vòm họng. Những mảng trắng này tuy không gây sưng tấy nhưng có thể làm bạn thay đổi vị giác trong miệng.
    • Viêm họng: Nhiễm trùng liên cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau họng. Khi bạn bị nhiễm vi khuẩn liên cầu, amidan và cổ họng sẽ thường xuyên xuất hiện những vệt trắng. Khi bị viêm họng, bạn thường cảm thấy đau khi nhai hay ngứa rát cổ họng. Những hạch lympho ở cổ và amidan sẽ sưng to kèm theo những cơn sốt cao do các cơ quan này đang cố gắng chống lại sự nhiễm khuẩn.
    • Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân: còn được biết đến với tên khác là bệnh mono. Đây là bệnh hiếm gặp do nhiễm virut có tên gọi Epstein barr. Tình trạng viêm nhiễm virus này sẽ kết hợp với nhiều triệu chứng giống cảm cúm thường gặp như mệt mỏi, sốt và đau đầu. Những người ở độ tuổi vị thành niên mắc bệnh này thường sẽ xuất hiện những mảng mủ ở cổ họng, đặc biệt ở vùng xung quanh amidan. Những hạch lympho sẽ sưng to và ở một số bệnh nhân, bệnh này còn gây nổi ban đỏ trên cơ thể.

    Những yếu tố nguy hiểm

    Những người có sức đề kháng yếu có nguy cơ cao xuất hiện nhiều đốm trắng ở amidan. Các nguy cơ khác phụ thuộc vào tình trạng cụ thể ở từng người. Chẳng hạn ở những nơi như trường học và nhà trẻ, nơi có sự tiếp xúc gần nhau, bệnh viêm họng do vi khuẩn liên cầu và bệnh tăng bạch cầu đơn nhân có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.

    Chẩn đoán bệnh

    Các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng khác của bạn và dùng tăm bông để lấy một mẫu thử ở những vệt trắng ở amidan của bạn, sau đó đem đi xét nghiệm xem mẫu thử có chứa vi khuẩn hay virus gây bệnh không. Các chuyên gia y tế cũng sẽ khám thực thể cho bạn và khám các hạch lympho xem chúng có bị sưng hay đau khi sờ không. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định chính xác phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.

    Những cách điều trị và ngăn ngừa các vệt trắng trên amidan

    Bạn có thể dễ dàng trị khỏi tại nhà một vài bệnh viêm nhiễm amidan nhẹ dưới đây, bao gồm:

    • Loại bỏ “sỏi” amidan: Nếu những đốm trắng ở amidan không làm bạn khó chịu hay gây thêm những triệu chứng khác, bạn có thể chỉ bị sỏi amidan nhẹ. Cách tốt nhất là bạn nên cố gắng loại bỏ  nó và cố gắng không làm nó sưng tấy hơn. Nếu sỏi amidan khiến bạn cảm thấy không thoải mái, bạn có thể tự lấy chúng ra chỉ bằng một que tăm hoặc tăm bông. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận để tránh đâm vào mô amidan, gây nhiễm trùng. Bạn chỉ nên đưa nhẹ que tăm hoặc tăm bông vào chỗ có sỏi và đẩy sỏi ra ngoài, sau đó bạn chỉ việc nhổ ra.
    • Súc miệng: Khi bạn cảm thấy ngứa họng hay sưng viêm, bạn có thể dùng nước súc miệng để vệ sinh họng. Dung dịch súc miệng đơn giản có thể được làm tại nhà chỉ với một ly nước muối ấm, nhưng bạn hãy lưu ý không nên để dung dịch quá nóng để tránh bỏng miệng. Đầu tiên, bạn hãy ngậm nước muối ấm vào miệng, sau đó ngửa cổ về sau, mở miệng và súc sạch cổ họng. Cuối cùng, bạn nên nhổ hết dung dịch đó ra ngoài và lặp lại nhiều lần để tránh để mủ chảy lan ra vòm miệng.
    • Nhấm nháp một loại nước uống ấm không chứa caffeine cả ngày: Một tách trà mật ong ấm, nước dùng gà hay một ly nước ấm cũng có thể giúp bạn làm sạch chỗ viêm ở họng. Nếu cổ họng của bạn sưng, bạn nên đặt một chai nước ướp lạnh hay một túi đá chườm lên cổ để giảm sưng đau. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn nhiều thức ăn lạnh như kem vì có thể tăng tạo dịch nhầy.
    • Hít thở không khí trong lành: Bạn nên tạo một bầu không khí trong lành để nghỉ ngơi, tránh hít những mùi khó chịu như khói thuốc hay nước hoa vì có thể làm cổ họng bạn ngứa rát. Bật điều hòa ở chế độ làm ẩm giúp bầu không khí dễ chịu hơn, từ đó cơ thể bạn có thể tập trung năng lượng nhiều nhất để chống lại sự tấn công của vi khuẩn.

    Điều trị y khoa

    Nếu mắc các triệu chứng bệnh nặng, bạn nên đến bệnh viện để các bác sĩ có thể chữa trị bằng các biện pháp y khoa

    • Thuốc kháng sinh: Nếu bạn phải trải qua tình trạng bệnh trầm trọng hơn và bị sốt, bạn nên đến gặp bác sĩ để họ xem xét và quyết định có nên cho bạn uống kháng sinh không, bởi vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng diệt khuẩn chứ không diệt nấm và virus gây bệnh. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu thử ra tăm bông và xét nghiệm để xác định điều trị bằng loại kháng sinh nào.
    • Phẫu thuật cắt bỏ amidan: Nếu amidan của bạn thường sưng đau làm bạn khó thở và không thể chữa khỏi bằng những phương pháp thông thường, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ chúng. Bạn chỉ mất một ngày để tiến hành ca phẫu thuật và một đến hai tuần để hồi phục. Trong suốt khoảng thời gian này, cổ họng của bạn sẽ đau và bạn có thể phải ăn uống hạn chế để tránh làm sưng tấy vùng phẫu thuật, nhưng thường thì sẽ không có tác dụng phụ quá nghiêm trọng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Minh Châu · Ngày cập nhật: 31/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo